| Hotline: 0983.970.780

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra khắc phục hậu quả bão tại Thái Bình, Nam Định

Chủ Nhật 08/09/2024 , 20:54 (GMT+7)

Chiều 8/9, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình dẫn đầu đã đến kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại Thái Bình, Nam Định.

Kiểm tra công tác bơm tiêu úng tại Trạm bơm An Quốc (xã Quốc Tuấn, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình), công tác chống ngập úng cho lúa mùa tại xã Thụy Thanh (huyện Thái Thụy), Phó Thủ tướng  Nguyễn Hòa Bình biểu dương tỉnh Thái Bình đã chủ động, quyết liệt, thực hiện đồng bộ các giải pháp ứng phó với bão số 3, nhờ đó giảm thiểu thiệt hại do bão gây ra.

Phó Thủ tướng biểu dương cán bộ, nhân viên Trạm bơm An Quốc nói riêng, chính quyền các cấp và nhân dân tỉnh Thái Bình nói chung đã nỗ lực khắc phục khó khăn, khẩn trương vận hành tối đa hệ thống tiêu úng, kịp thời cứu lúa mùa, giảm thiểu thiệt hại thấp nhất cho bà con nông dân. Đây là nhiệm vụ quan trọng với tỉnh Thái Bình - địa phương có diện tích trồng lúa lớn vùng đồng bằng sông Hồng.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại tỉnh Thái Bình.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại tỉnh Thái Bình.

Trạm bơm An Quốc có 8 tổ máy với tổng công suất hoạt động 32.000m3/giờ, phục vụ tưới tiêu cho 2 xã An Bình, Quốc Tuấn và một phần xã Bình Nguyên (huyện Kiến Xương) với tổng diện tích lúa trên 600ha. Phục vụ công tác tiêu úng cứu lúa do ảnh hưởng của bão số 3, ngay khi được cung cấp điện trở lại, từ 9 giờ sáng 8/9, 8 tổ máy của trạm bơm đã vận hành hết công suất 3 ca liên tục 24/24 giờ, dự kiến trong vòng 3 ngày sẽ tiêu kiệt nước mặt ruộng, đảm bảo an toàn cho diện tích lúa của nông dân địa phương.

Kiểm tra công tác ứng phó và khắc phục hậu quả bão số 3 tại Công ty TNHH Lotes Việt Nam, Trạm bơm Mai Diêm nằm trong Khu công nghiệp Liên Hà Thái (thuộc Khu Kinh tế Thái Bình), Phó Thủ tướng biểu dương nhà đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp là Công ty cổ phần Green i-Park và doanh nghiệp đã chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với bão, bảo đảm an toàn hệ thống nhà xưởng và an toàn cho công nhân, người lao động.

Đặc biệt, Công ty cổ phần Green i-Park đã chủ động đầu tư 30 tỷ đồng xây dựng Trạm bơm Mai Diêm với 4 tổ máy được thiết kế năng lực tiêu thoát nước khi vận hành hết công suất là 24.000 m3/giờ, đảm bảo tiêu úng cho Khu công nghiệp Liên Hà Thái và hoạt động sản xuất của nông dân khu vực lân cận.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại KCN Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy, Thái Bình).

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại KCN Liên Hà Thái (huyện Thái Thụy, Thái Bình).

Thống kê sơ bộ, tính đến 15 giờ ngày 8/9 toàn tỉnh có 6.000 ha lúa bị thiệt hại từ 30 đến 70%; 5.000 ha lúa bị thiệt hại trên 70%; 18.000 ha lúa nghiêng, đổ bị ngập úng. Về rau màu vụ đông mới trồng và rau màu hè thu chưa thu hoạch có 585 ha bị ảnh hưởng từ 30 đến 70%; 2.760 ha bị ảnh hưởng trên 70%. Diện tích cây ăn quả, chuối… bị ảnh hưởng từ 30 đến 70% là 1.215 ha, diện tích bị ảnh hưởng trên 70% là 170 ha. Bão số 3 cũng làm một số tuyến kè bờ sông, bờ biển và một số tuyến kênh nội đồng bị sạt lở.

Bão số 3 cũng làm ảnh hưởng tới hệ thống lưới điện trung thế và hạ thế của tỉnh Thái Bình. Trong đó hệ thống trung thế có 17 trạm tủ phân phối trung thế,1 máy biến áp phân phối, 63 cột trung thế; 2 trạm (giàn trạm treo) bị nghiêng, gãy đổ; 269 quả sứ cách điện trung thế, 2 bộ thu lôi van trung thế, 2 bộ dao cách ly trung áp, 3 bộ đầu cáp 3 pha trung thế ngoài trời bị ảnh hưởng. Phần hạ thế có 334 cột gãy đổ; 197 hộp công tơ, 290 công tơ, 10 tủ điện trụ, 33 bộ xà hạ thế, 18 bộ tụ điện 0,4kV bị ảnh hưởng.

Về sự cố lưới điện 110KV và lưới điện trung áp đã và đang được Công ty Điện lực Thái Bình khẩn trương khôi phục. Một số trụ sở, cơ quan, đơn vị trong tỉnh và các huyện, thành phố đã được cấp điện trở lại; số còn lại đang tiếp tục được kiểm tra, xử lý.

Cũng trong chiều 8/9, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình kiểm tra tình hình thiệt hại, chỉ đạo triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả cơn bão số 3 trên địa bàn tỉnh Nam Định.

Báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Phạm Đình Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho biết Nam Định đã bám sát chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, khẩn trương ban hành các văn bản chỉ đạo các địa phương, đơn vị khẩn trương triển khai thực hiện các biện pháp để ứng phó với bão số 3.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình biểu dương tinh thần chống bão của cán bộ, nhân viên Trạm bơm An Quốc kịp thời tiêu úng cứu lúa mùa.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình biểu dương tinh thần chống bão của cán bộ, nhân viên Trạm bơm An Quốc kịp thời tiêu úng cứu lúa mùa.

Do đó, dù là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng trực tiếp của bão số 3 với lượng mưa lớn, cây xanh đổ nhiều; có nhiều nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm phải di dân với số lượng người lớn nhưng Nam Định đã ứng phó, xử lý rất tích cực các hậu quả do bão gây ra, giúp mức độ thiệt hại do bão số 3 gây ra ở mức thấp nhất. Đặc biệt, Nam Định không để xảy ra thiệt hại về người.

Thống kê sơ bộ, khoảng 5.000ha lúa, 230ha cây hoa màu, 130ha cây ngô hè thu, 20ha nuôi cá da trơn, 220ha nuôi tôm thâm canh bị ảnh hưởng. 2 nhà văn hoá bị tốc mái; hàng nghìn cây bóng mát bị đổ; 15 cột điện hạ thế bị đổ và hệ thống đường điện liên quan; nhiều biển quảng cáo, biển chỉ dẫn bị bay tốc; một số công trình đê điều, phòng chống thiên tai bị sạt lở, lún sụt…

Nam Định cũng tích cực xử lý giờ đầu nhanh các sự cố có thể khắc phục; ngay sau bão tan, các địa phương đồng loạt tập trung khắc phục hậu quả với tinh thần khẩn trương, thời gian ngắn nhất có thể; đến chiều 8/9 mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất của người dân đã cơ bản trở lại bình thường.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hoà Bình ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, quyết liệt vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị và nhân dân Nam Định trong ứng phó, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Đặc biệt, các cấp ủy, chính quyền đã chủ động tuyên truyền sớm để thông tin đến được với người dân, giúp dân nắm bắt và chấp hành tốt chủ trương; chủ động thực hiện sớm việc ưu tiên bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản, nhất là thực hiện hiệu quả công tác sơ tán với số lượng lớn người dân ra khỏi những căn nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm; không để xảy ra tình trạng ngập lụt nội đô. Quan trọng hơn, Nam Định không để xảy ra thiệt hại về người; các thiệt hại về công trình điện, viễn thông, sản xuất nông nghiệp không lớn.

Phó Thủ tướng chỉ đạo, Nam Định cần tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, quyết liệt, trách nhiệm để có thể thực hiện thắng lợi, hiệu quả các hoạt động ứng phó thiên tai, bão lũ nếu sau này có xảy ra.

Tỉnh sớm liên hệ với Bộ Tài chính để được nhận hỗ trợ một phần các thiệt hại như tinh thần chỉ đạo của Trung ương; còn lại phải chủ động bố trí ngân sách địa phương chi sớm và làm tốt công tác khắc phục hậu quả bão số 3. Đặc biệt, tỉnh cần quan tâm bảo đảm an toàn cho người dân ở các khu vực nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm phải tổ chức di dân; về lâu dài tỉnh cần có giải pháp tổng thể, cân nhắc triển khai sớm các dự án xây dựng nhà ở xã hội để không phải tiếp tục di dân khi xảy ra bão lụt.

Xem thêm
Một số khu vực vùng ĐBSH sẽ thoát ngập úng trong vài ngày tới

Thông tin dự báo cho thấy, lượng mưa ở vùng ĐBSH đang giảm, mực nước sông đã qua đỉnh và xu thế xuống dần, sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho tiêu úng.

Vì sao đây là thời điểm tốt nhất để mua VinFast VF 7?

Loạt chính sách mới được công bố dành cho khách hàng mua VinFast VF 7 đang khiến nhiều người có ý định chốt cọc VF 7 hồ hởi.

Kon Tum siết chặt quản lý vườn sâm Ngọc Linh

Ngày 14/9, UBND tỉnh Kon Tum đã có công văn gửi UBND các huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông và các sở ngành liên quan về việc tăng cường kiểm soát vườn sâm Ngọc Linh.

Vụ sạt lở kinh hoàng tại Làng Nủ: Tang thương khắp một vùng quê

LÀO CAI Đã 4 ngày sau trận sạt lở đất kinh hoàng cuốn phăng 37 nhà dân làm 48 người chết và 39 mất tích, người thân đang ngóng trông tìm thấy thân nhân còn mất tích.