Ngay khi có thông tin về bão số 2, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành các công điện, văn bản chủ động ứng phó. Đến nay, các địa phương và lực lượng vũ trang của tỉnh đã huy động hơn 1.200 cán bộ chiến sỹ, 27 ô tô các loại, 10 tàu, 32 xuồng, ứng trực tại các địa bàn được phân công, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ.
Đối với công tác đảm bảo an toàn tàu thuyền, tỉnh Quảng Ninh có 5.556 tàu cá, trong đó, 256 tàu vùng khơi đã được thông tin về bão và đang di chuyển về các bến cá, khu neo đậu, cảng cá trong và ngoài tỉnh.
Hiện tại, một số tàu cá neo đậu tại bến cá trên địa bàn tỉnh, còn 24 tàu cá đang neo đậu di chuyển về nơi tránh trú; 5.229 chiếc tàu hoạt động ven bờ, các tàu sẽ neo đậu tại các bến cá, vụng kín gió trong tỉnh và khu bến cá Cát Bà, Đồ Sơn (Hải Phòng) trong chiều hôm nay.
Toàn tỉnh có 2.889 cơ sở nuôi trồng thủy sản trên biển (bao gồm 2.357 cơ sở nuôi nhuyễn thể và 532 cơ sở nuôi cá biển) đã được thông tin về bão và đang tổ chức di chuyển người lên bờ.
Anh Phạm Văn Thường (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh) cho biết: "Sau khi biết thông tin về bão số 2, do đã có kinh nghiệm ứng phó với bão từ nhiều năm nay, gia đình tôi đã nhanh chóng gia cố lồng bè nuôi trồng thủy sản, hạn chế tối đa thiệt hại có thể xảy ra. Sau đó, chúng tôi sẽ nhanh chóng di chuyển vào bờ để đảm bảo an toàn".
Về khách du lịch các đảo, theo thông tin từ Cảng vụ đường thủy nội địa và Sở Du lịch, hiện nay có 3.512 khách trên các đảo. Trong chiều hôm nay sẽ tổ chức di chuyển khách về đất liền. Đối với du khách có nhu cầu ở lại tuyến đảo, Sở Du lịch và địa phương đã chỉ đạo các doanh nghiệp du lịch tổ chức đón tiếp chu đáo.
Ghi nhận tại cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, ngay từ đầu giờ chiều ngày 22/7, các tàu du lịch đều đã cập cảng tránh trú bão an toàn. Anh Phạm Văn Nam, chủ tàu du lịch tại cảng Tuần Châu chia sẻ: "Từ khi có tin bão hình thành ngoài biển, 2-3 hôm nay chúng tôi thường xuyên nhận thông báo di chuyển về khu tránh trú bão. Tôi và các thuyền viên đã chằng buộc tàu cố định tại điểm neo đậu, đợi khi tan bão sẽ hoạt động trở lại".
Ngoài ra, ngành giao thông đã chỉ đạo các đơn vị quản lý đường bộ sẵn sàng bố trí lực lượng ứng trực tại các vị trí xung yếu (cầu Bãi Cháy, đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, các ngầm tràn…). Cầu Bãi Cháy sẽ tổ chức tạm dừng cho người và phương tiện thô sơ qua lại khi có gió trên cấp 6. Các địa phương chuẩn bị, rà soát phương án bố trí phương tiện, nhân lực sẵn sàng thực hiện ứng phó khi có tình huống.
Trong thời gian tới, các đơn vị, địa phương tiếp tục theo dõi diễn biến của bão và hoàn thành việc chằng chống, di chuyển người từ các khu nuôi trồng thủy sản lên bờ; hướng dẫn người dân, du khách di chuyển lên bờ an toàn và tàu thuyền về nơi tránh trú.
Dự báo từ tối 22/7/2024, trên địa bàn tỉnh sẽ xuất hiện mưa kéo dài đến 25/7/2024 với lượng mưa phổ biến từ 50 - 150mm, có nơi đến 200mm/đợt. Các địa phương, các đơn vị khai thác than cần sẵn sàng phòng chống ngập lụt, sạt lở trên địa bàn, nơi sản xuất.
Các địa phương cử người trực, canh gác tại các vị trí ngầm tràn, đường giao thông khi có lũ hoặc sạt lở, kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không đảm bảo an toàn. Các đơn vị quản lý hồ chứa tiếp tục chủ động theo dõi, điều tiết đảm bảo an toàn hồ chứa.
Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 2 mạnh cấp 9-10 (75-102km/h) giật cấp 12, di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 15km/h. Dự báo trong 24-48h tới bão số 2 tiếp tục di chuyển theo hướng Tây Bắc và ảnh hưởng đến tỉnh Quảng Ninh từ tối 22/7, gây mưa to và gió trên biển mạnh cấp 6-7 giật cấp 9.