Thông điệp 4T
Truyền thông thí điểm hướng đến nâng cao nhận thức và thay đổi thái độ đối với rác thải nhựa đại dương trong cộng đồng ngư dân và người nuôi trồng thủy sản với sự tài trợ của Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên tại Việt Nam (WWF-Việt Nam), Tổng cục Thuỷ sản và Báo Nông nghiệp Việt Nam, nhằm mục đích kêu gọi hành động của cộng đồng xã hội mà quan trọng chính là ý thức của mỗi người, trong đó ngư dân chiếm một vai trò quan trọng.
“Giảm nhựa ngay thôi, giảm nhựa là do chính tôi” là thông điệp súc tích, nhưng dứt khoát và rõ muốn gửi gắm đến ngư dân, những cá nhân đóng vai trò quyết định với sự phát triển bền vững của nhân loại.
Mỗi cá nhân có thể chủ động giảm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần dựa trên nguyên tắc 4T. Giải pháp này bao gồm: Từ chối không sử dụng sản phẩm nhựa dùng 1 lần mỗi khi có thể; tiết giảm các nhu cầu tiêu dùng và bao bì nhựa không cần thiết, ưu tiên lựa chọn sản phẩm có bao bì thân thiện; tái sử dụng các sản phẩm nhựa vẫn còn có thể dùng được, thu gom trang bị trang bị túi/dụng cụ đựng rác trên thuyền và thu gom ngư cụ hỏng đem về khu vực quy định tại cảng cá để xử lý.
Trong khuôn khổ dự án “Giảm thiểu rác thải nhựa đại dương tại Việt Nam”, người dân được khuyến khích “tái chế” những câu ca dao tục ngữ để giúp chúng truyền tải thông điệp về bảo vệ môi trường. Hàng loạt những người có tầm ảnh hưởng như nhà báo Ngô Bá Lục, Á hậu Hoàng My hay ông bố của “Chuyện nhà Đậu” Ba Duy cũng chia sẻ những câu chuyện, kinh nghiệm trong việc tái chế, tái sử dụng,... rác thải nhựa trong gia đình, lan tỏa phong trào “tái chế” ca dao tục ngữ.
Ca sĩ P.Windy truyền cảm hứng giảm rác thải nhựa
Để tiếp lửa và truyền cảm hứng đến người tiêu dùng trẻ - những người đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành ý thức và lối sống xanh, zero waste, ca sĩ P.Windy đã sáng tác và trình bày bài rap “Giảm nhựa ngay thôi, giảm nhựa là do chính tôi” với giai điệu trẻ trung, vui tươi.
Bài hát là sự kết hợp thú vị và hòa hợp ấn tượng giữa chất liệu ca dao truyền thống được cải biên và giai điệu trẻ trung hiện đại, tiết tấu nhanh, nhằm qua đây khơi dậy tinh thần trách nhiệm ở mỗi cá nhân đối với việc bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái đại dương.
Ca khúc nhanh chóng nhận được được sự quan tâm và ủng hộ của đông đảo khán giả trẻ. Thuỳ Linh, sinh viên năm 2 trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Những câu ca dao, tục ngữ, bài lý, bài chòi hay ca khúc rap với nội dung giảm rác thải nhựa được chia sẻ theo cách mới mẻ, thú vị, đồng thời rất dễ hiểu và gần gũi. Qua đó, người tiêu dung trẻ được nâng cao nhận thức về vấn nạn rác thải nhựa đại dương, cũng như trách nhiệm của mỗi cá nhân về việc thay đổi những thói quen tiêu dùng để giảm thiểu lượng rác thải nhựa ra môi trường.”
Ngoài ra, WWF-Việt Nam cũng phối hợp với các nhạc sĩ cho ra đời bài chòi “Vì một cuộc sống xanh tươi” và bài lý “Xin hãy lắng nghe” (dựa trên điệu Lý cây bông), cùng khai thác chất liệu dân gian và truyền đi thông điệp về bảo vệ môi trường.