Làng nghề sản xuất kỷ niệm tuổi thơ
Cách trung tâm Hà Nội 30km, theo hướng chùa Tây Phương, làng Thạch Xá (huyện Thạch Thất) là một trong những cái nôi làng nghề thủ công mỹ nghệ của Thủ đô. Làng nghề đã trải qua hơn 20 năm tuổi, với sản phẩm độc đáo: sản xuất chuồn chuồn tre – món quà dân dã, trong veo gắn liền với ký ức tuổi thơ của bao thế hệ.

Làng nghề sản xuất con vật gắn với kỷ niệm tuổi thơ. Ảnh: Huyền My.
Ông Nguyễn Văn Tái – một trong số ít cơ sở sản xuất chuồn chuồn tre còn duy trì hoạt động ở làng nghề cho biết: để làm nên chú chuồn chuồn hoàn chỉnh, các nghệ nhân phải mất rất nhiều công đoạn thủ công tỉ mỉ, từ chọn tre, ngâm ủ, chẻ thanh, vót nhẵn, khoan lỗ, tra cánh, sơn, vẽ họa tiết, phơi khô...
Ngoài gia đình ông Tái, Thạch Xá còn một số hộ khác như ông Nguyễn Văn Khẩn, bà Nguyễn Thị Chi là những hộ còn bền bỉ giữ nghề.
Nguồn nguyên liệu của làng nghề Thạch Xá được nhập từ các vùng tre nổi tiếng ở Hòa Bình, Tuyên Quang... Đó là những cây tre bánh tẻ, không quá già cũng không quá non để đảm bảo độ dẻo dai, ruột đặc, dày thân… của các bộ phận cánh, thân chuồn chuồn. Sau khi được lựa chọn, phân loại, tre sẽ được cạo hết lớp vỏ xanh phía ngoài và phơi khô.
Thân và cánh chuồn chuồn sau khi được xử lý tiếp tục đưa qua máy mài cho thật thẳng, đều, phẳng phiu. Ông Nguyễn Văn Khẩn cho biết: “Sản phẩm thủ công trông rất đơn giản nhưng phải đòi hỏi rất nhiều sự tỉ mỉ từ người thợ. Nếu không cẩn trọng, con chuồn sẽ không thể giữ thăng bằng. Đến bước chẻ tre, chúng tôi phải đợi khoảng 5 - 7 ngày để tre khô hoàn toàn” Bà Chi chia sẻ.

Điểm mấu chốt của sản phẩm này là con chuồn chuồn tre tự biết giữ thăng bằng...

Vẽ họa tiết trang trí trên những cánh chuồn tre... Ảnh: Huyền My.
Điểm mấu chốt của con chuồn chuồn tre, đó là khả năng tự giữ thăng bằng. Bởi thế, người thợ phải tính toán thật kỹ lưỡng về kích thước, độ chéo, độ dày của các bộ phận cánh - đuôi chuồn. Chuồn chuồn tre Thạch Xá vì vậy có thiết kế đặc biệt, không cần dây treo hay đế đỡ vẫn có thể đậu cân bằng trên bất kỳ điểm tựa nhỏ nào như đầu ngón tay, cạnh bàn hay cành cây...
“Ba điểm là mỏ, cánh và đuôi phải bằng nhau, trọng lượng rơi vào giữa. Tâm được nối giữa ba điểm này của chuồn chuồn phải tính toán để điểm đó nằm trên mỏ của chuồn chuồn. Đây là nguyên lý giúp chuồn chuồn có thể đứng thăng bằng được ở mọi chất liệu” - ông Tái lý giải.
Sau nhiều bước cắt, tỉa, tạo hình, chuồn chuồn sẽ được những người thợ tại đây quét sơn và vẽ họa tiết trang trí trên thân và cánh. Những họa tiết này đều do người thợ vẽ thủ công, lấy cảm hứng từ chính những hình ảnh dân dã, thôn quê xung quanh họ.
Với nhiều màu sắc khác nhau, mỗi sản phẩm đều được người thợ tỉ mỉ cho ra những thành phẩm đẹp mắt nhưng giá thành chỉ từ 20 - 40 ngàn đồng một chú chuồn chuồn tre ngộ nghĩnh.
Thăng bằng giữa hiện đại và truyền thống
Giữa sức mạnh của đô thị hóa, những sản phẩm thủ công dần trở nên lép vế trước sản phẩm đồ chơi hiện đại. Làng Thạch Xá hiện nay còn 3 - 4 hộ bám trụ với nghề làm chuồn chuồn tre truyền thống. Những người như ông Tái, ông Khẩn luôn đau đáu với món quà lưu giữ tuổi thơ, luôn tìm chỗ đứng cho làng nghề nhỏ bé của mình.


Để sản xuất ra con chuồn tre nhỏ bé, phải qua rất nhiều công đoạn tỉ mỉ, thủ công... Ảnh: Huyền My.
Để trụ được nghề, các hộ dân cố gắng đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ dừng ở mỗi con chuồn chuồn tre truyền thống. Đó còn là những chú rùa, chú bướm, cá, chim… cũng từ chất liệu tre quen thuộc, thân thiện với môi trường. Mỗi sản phẩm cũng có mức giá khiêm tốn, để đứa trẻ nào cũng có thể được bố mẹ tặng cho làm quà…
Mấy năm gần đây, gia đình ông Tái đã tiếp đón nhiều đoàn tham quan, tạo ra mô hình trải nghiệm để các em nhỏ tự tay lắp ráp cánh chuồn, tô chuồn chuồn. Theo ông Tái, các du khách nước ngoài hay cả các bạn nhỏ đều cảm thấy thích thú khi được trải nghiệm sản phẩm tuổi thơ như thế.

Những chú rùa bằng tre của làng nghề.

Vẽ mắt cho cánh chuồn...

Những chú chuồn chuồn tre Việt Nam đã cùng khách du lịch "bay" tới nhiều quốc gia trên thế giới... Ảnh: Huyền My.
Theo ông Tái, chuồn chuồn tre hiện tại không chỉ được yêu thích trong nước, chúng đã được bay xa, tới các nước như Nhật Bản, Pháp, Mỹ... Trung bình mỗi tháng, xưởng của ông Tái xuất được khoảng 1.000 con chuồn chuồn ra nước ngoài, làm quà lưu niệm cho khách du lịch tới Việt Nam.
Trong tương lai, ông Tái hi vọng sản phẩm truyền thống của mình sẽ được đông đảo các bạn trẻ biết tới, để chuồn chuồn tre sẽ không bị mai một theo thời gian mà mãi bay cao, bay xa, khẳng định nét đẹp của văn hóa Việt.