| Hotline: 0983.970.780

Rừng tự nhiên Kim Hóa bị phá trắng

Thứ Sáu 24/02/2023 , 12:33 (GMT+7)

Nhiều diện tích rừng tự nhiên ở khu vực giáp ranh giữa xã Kim Hoá, Lê Hoá (Tuyên Hoá) và xã Hồng Hóa (Minh Hoá, tỉnh Quảng Bình) bị chặt phá và xâm lấn.

Cạo trọc rừng tự nhiên để phát triển… rừng trồng

Khu vực rừng giáp ranh giữa hai huyện Minh Hóa và Tuyên Hóa (tỉnh Quảng Bình), trước đây là rừng nguyên sinh. Sau này do bị khai thác nhiều nên chuyển sang trạng thái rừng tự nhiên cần được bảo vệ khoanh nuôi, phục hồi.

1

Con đường mới mở để phục vụ việc phá rừng tự nhiên. Ảnh: T.P

Muốn lên khu vực rừng này thì phải đi từ xã Hồng Hóa của huyện Minh Hóa. Bởi nếu đi từ xã Kim Hoá (huyện Tuyên Hóa), quãng đường rất xa với trên 4 giờ đi bộ) và phải vượt qua nhiều đồi núi. Trong khi đó, khoảng cách từ xã Hồng Hoá vào đây chỉ khoảng 2km, với 30 phút đi bộ.

Trước khi đặt chân đến địa phận rừng của xã Kim Hoá, chúng tôi nhận thấy, nhiều diện tích rừng tự nhiên của xã Hồng Hoá cũng mới bị chặt phá ít ngày trước đó. Băng qua những cánh rừng này là những con đường do xe cơ giới mới mở. Càng tiến sâu vào khu vực rừng tự nhiên xã Kim Hoá, dấu vết san ủi nền đường cho xe cơ giới vào rừng ngày càng mới. 

2

Một góc rừng tự nhiên bị cạo trắng. Ảnh: T.P

Vượt qua hàng rào kẽm gai mới được người dân dựng lên, trước mặt chúng tôi là cả cánh rừng ngổn ngang với cây rừng bị đốn hạ nằm ngang dọc. Rừng ở đây đang trong giai đoạn phục hồi khoanh nuôi nên ít có cây gỗ lớn mà chỉ nằm ở nhóm có đường kính gốc từ 20-40cm. Tuy nhiên, số lượng cây mọc khá dày chứ không phải là rừng ở dạng dây leo bụi rậm. Thời gian rừng bị phá xảy ra chưa lâu. Vì lá cây tuy đã khô nhưng nhiều gốc cây nhựa đổ ra còn dính dẻo. Hầu hết, những cây rừng bị cắt hạ vẫn còn nằm nguyên, chưa có hiện tượng đưa ra khỏi rừng. Ngay trên con đường mới mở ra để phá rừng và phục vụ cho việc trồng rừng vẫn còn nhiều cây gỗ lớn đã bị cắt thành nhiều khúc mà chưa được vận chuyển đi.

3

Một cây gỗ quý bị đốn hạ. Ảnh: T.P

Tại hiện trường, chúng tôi nhận thấy diện tích rừng bị phá cho đến mùa hè sẽ bị đốt và đến mùa mưa cuối năm việc trồng rừng mới được bắt đầu. Sát vùng rừng bị cạo trắng là khoảng rừng chừng vài ha còn để lại vết tích cháy nham nhở và cây keo được trồng lên đã bén rễ. “Vùng rừng này bị phá năm ngoái đã được trồng keo đó”- một đồng nghiệp của tôi nhìn nhận.

Việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại đây diễn ra khá quy mô và trắng trợn. Các đối tượng phá rừng còn dựng cọc, giăng dây thép gai để khoanh bao, rào chắn. Ngoài ra, những người phá rừng  còn đưa cả máy thi công cơ giới lên để đào hàng trăm mét hào sâu nhằm “phân chia” ranh giới rừng trồng. Sát bên những khoảng rừng bị phá là rừng tự nhiên với mật độ cây khá dày. Nhiều cây thẳng đứng vươn cao hơn chục mét và đường kính gốc lên đến 30cm. Nếu không có giải pháp để bảo vệ thì những khoảng rừng này sẽ bị cạo trắng.

4

Mật độ cây ở rừng trước khi bị đốn hạ là rất dày. Ảnh: T.P

Xử lý nghiêm mới mong giữ được rừng

Theo ông Nguyễn Văn Huệ - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tuyên Hoá, trước đó cán bộ kiểm lâm huyện đã nhận được thông tin về vụ việc, nhưng khi vào đến nơi, rừng đã bị phá. “Các đối tượng phá rừng nhằm mục đích để lấy đất trồng keo tràm”- ông Huệ nói.

5

Nhiều diện tích rừng bị cạo trắng. Ảnh: T.P

Theo thống kê sơ bộ, diện tích rừng bị phá và xâm lấn trên địa bàn 2 xã Kim Hoá và Lê Hoá (Tuyên Hoá) có tổng cộng 9 khu vực (rộng khoảng 6 ha). Trong đó, rừng tự nhiên được tạm xác định có hơn 4ha và gần 2ha đất lâm nghiệp bị lấn chiếm.

6

Gỗ rừng bị cắt hạ chưa bị lấy đi. Ảnh: T.P

Được biết, phần lớn diện tích rừng nói trên đã được giao cho các hộ dân khoanh nuôi, bảo vệ thuộc xã Kim Hóa. Vì địa bàn bị chia cắt bởi nhiều dốc cao nên từ xã Kim Hóa vào kiểm tra rừng phải đi mất gần nửa ngày trời.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Kim Hóa cho rằng việc bảo vệ rừng những năm qua được chính quyền địa phương làm rất tốt. Nhiều năm gần đây không hề xảy ra vụ phá rừng hay lấn chiếm đất rừng nào trên địa bàn. Vùng rừng giáp ranh với xã Hồng Hóa (huyện Minh Hóa) cách xa nên việc kiểm soát bảo vệ rừng cũng gặp nhiều khó khăn. “Việc phá và lấn chiếm đất rừng này do những người dân của xã khác làm vì rừng tự nhiên này nằm sát cạnh rừng trồng của họ. Lỗi của chúng tôi là thiếu thông tin và thiếu thường xuyên kiểm tra nên mới xảy ra cơ sự này. Sắp tới, chúng tôi sẽ phối hợp với chính quyền xã Hồng Hóa đẩy mạnh việc bảo vệ rừng, cung cấp thông tin nhằm hạn chế việc người dân phá rừng lấn chiếm”- ông Tuấn chia sẻ thêm.

7

Một gốc cây lớn đã bị cưa hạ. Ảnh: T.P

Sau khi phát hiện vụ việc, lực lượng chức năng huyện Tuyên Hóa và chính quyền địa phương đã vào kiểm tra, xác minh và bảo vệ hiện trường để điều tra, làm rõ.

8

Cây gỗ lớn nằm ngang đường bị cưa nhiều khúc. Ảnh: T.P

Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Tiến Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hoá cho biết, huyện Tuyên Hoá đã chỉ đạo lực lượng chức năng và chính quyền các địa phương nói trên tổ chức lực lượng, tăng cường kiểm tra, giám sát, khẩn trương bảo vệ hiện trường và không để tiếp diễn tình trạng phá rừng xảy ra. Các đơn vị chức năng thành lập đoàn kiểm tra, tiếp tục mở rộng phạm vi kiểm tra rừng tại khu vực giáp ranh 3 xã Kim Hóa, Lê Hoá và xã Hồng Hoá. “Huyện Tuyên Hoá cũng đã yêu cầu Hạt Kiểm lâm chủ trì phối hợp với Công an huyện và các địa phương điều tra, xác minh, truy tìm đối tượng vi phạm, lập hồ sơ xử lý theo đúng quy định của pháp luật”- ông Dũng nhấn mạnh.

9

Một khoảng rừng bị cạo trắng và đã trồng keo tràm từ năm trước. Ảnh: T.P

Cũng theo ông Dũng, sau khi xử lý rốt ráo vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng này, huyện Tuyên Hóa sẽ chỉ đạo các cơ quan chức năng và các địa phương triển khai trồng các loại cây bản địa trên vùng rừng đã bị phá trắng. “Những diện tích rừng bị xâm lấn và đã trồng keo tràm, chúng tôi cũng đưa vào bảo vệ và tiếp tục trồng xen cây bản địa. Qua đó, từng bước phục hồi rừng trở lại nguyên trạng và chấn chỉnh việc phá rừng trái phép”- ông Dũng nhấn mạnh thêm.

Một số hình ảnh chặt phá rừng PV ghi tại hiện trường:

10
11
12
13
14
15

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Trang bị kỹ năng tận dụng phụ phẩm nông nghiệp cho nông dân

Trung tâm Khuyến nông Tây Ninh vừa tổ chức lớp tập huấn về 'Quy trình sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng từ phụ phẩm nông nghiệp địa phương'.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.