Bài 1. Bán lúa giống khi chưa được công nhận
Tại sao một công ty giống cây trồng mang danh Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm lại thiếu hiểu biết, lập lờ thông tin?
Nhập nhèm với giống lúa BC15 để trục lợi?
Nhiều người rất bất ngờ khi cầm trên tay biên bản thỏa thuận về việc sản xuất thử giống lúa mới (VC6) giữa Cty Viện CLT-CTP (địa chỉ tại xã Liên Hồng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương) và HTX Nông nghiệp Sông Cầu 1 (xã Xuân Cẩm, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang) được hai bên ký kết vào cuối năm 2018.
Thông báo cho các xã viên đặt tiền đăng ký mua giống lúa BC15 kháng đạo ôn, nhưng HTX Bắc Hải lại bán giống lúa VC6 (chưa được cấp phép sản xuất tại Việt Nam). |
Theo đó, Cty Viện CLT-CTP đồng ý để HTX Sông Cầu 1 sản xuất thử giống lúa VC6 (BC15 kháng đạo ôn lá) tại huyện Hiệp Hòa và một số địa phương lân cận. Trách nhiệm của HTX Sông Cầu 1 là “phát triển giống lúa VC6 tại huyện Hiệp Hòa và tiêu thụ một phần giống nay cho bà con nông dân”. Việc sản xuất thử bắt đầu từ vụ xuân 2019.
Sau khi giống lúa VC6 được phát triển tại huyện Hiệp Hòa thì Cty Viện CLT-CTP sẽ cho HTX Sông Cầu 1 làm đại lý độc quyền phân phối giống (giá cả do hai bên thỏa thuận tại thời điểm mua bán).
Sau đó, HTX Sông Cầu ra văn bản quảng cáo VC6-VC9 là giống lúa cao sản (BC15 kháng đạo ôn), năng suất trung bình 70 tạ/ha/vụ, thâm canh tốt có thể đạt 80 - 85 tạ/ha/vụ.
Thấy thế, nhiều nông dân rất phấn khởi. Bởi BC15 là giống lúa nổi tiếng của Cty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed, năng suất cao, cơm ngon và phù hợp với thị hiếu của đông đảo người tiêu dùng, nhưng vào vụ xuân, giống dễ nhiễm bệnh đạo ôn khi gặp thời tiết bất thuận.
Nếu VC6 chính là giống BC15 có khả năng kháng đạo ôn thì đây thực sự là giống lúa hoàn hảo. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có bất cứ cơ quan nhà nước nào công nhận VC6 chính là BC15 kháng đạo ôn. Điều đó cho thấy Cty Viện CLT-CTP và HTX Sông Cầu 1 đã thông tin quảng cáo sai sự thật về giống VC6.
Mặc dù đây mới chỉ là giống tiến bộ kỹ thuật đang trong quá trình khảo nghiệm đánh giá, nhưng vụ mùa 2019, HTX Sông Cầu 1 đã nhập 950 kg lúa giống VC6 từ Cty Viện CLT-CTP để cung ứng cho bà con không đúng quy định của pháp luật.
Rất may, Thanh tra của Chi cục Trồng trọt - Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang đã phát hiện và thành lập đoàn thanh kiểm tra. Tại thời điểm kiểm tra, HTX Sông Cầu 1 đã bán cho nông dân 600kg lúa giống. Đặc biệt, lô giống này vi phạm nhãn mác bao bì như: không có ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã số lô giống.
Trao đổi với PV NNVN, ông Đặng Văn Tặng, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bắc Giang cho biết: “Chi cục đã yêu cầu Cty Viện CLT-CTP thu hồi toàn bộ sản phẩm giống lúa VC6, dừng ngay việc cung ứng giống và ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, mức phạt 5.000.000 đồng”.
Liên quan đến sự việc trên, ông Hoàng Tiến Hùng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Hiệp Hòa, cho biết: Theo quy định thì Cty Viện CLT-CTP phải ghi rõ VC6 là giống phục vụ khảo nghiệm trên bao bì, nhãn mác, chứ không thể mập mờ giữa giống đang khảo nghiệm và giống thương mại được.
“Tên giống cũng phải rõ ràng, không được mập mờ, gây hiểu lầm là giống BC15 kháng đạo ôn để lừa dân, bởi nếu xảy ra sự cố thì ai là người chịu trách nhiệm?”, ông Hùng nhấn mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, ngay sau khi phát hiện giống lúa VC6 được bán ở địa phương, ông Lê Xuân Chu, Chủ tịch UBND xã Hương Lâm đã yêu cầu ban quản lý thôn Đồng Công không sử dụng giống lúa đó, vì đây là giống đang trong quá trình khảo nghiệm, nếu không đảm bảo chất lượng thì sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng lúa của địa phương.
Sai phạm có hệ thống?
Không chỉ riêng tỉnh Bắc Giang, theo ghi nhận của PV, chỉ trong vụ mùa 2019, Cty Viện CLT-CTP đã cung ứng cho HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Bắc Hải (huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình) 1.400kg lúa giống VC6. Tuy nhiên, HTX Bắc Hải đã có hành vi “treo đầu dê, bán thịt chó”, tuyên truyền một đằng, bán giống một nẻo.
Giống lúa VC6 mới đang trong giai đoạn khảo nghiệm, nhưng đã được bán số lượng không nhỏ đến tay nông dân. |
Cụ thể, ngày 28/5/2019, HTX Bắc Hải ra thông báo các hộ xã viên trong toàn HTX có nhu cầu cấy giống BC15 kháng đạo ôn (lấy tên khoa học là BC-26) đăng ký mua giống với ông bà trưởng thôn, phó thôn và nộp tiền mua giống với giá 33.000 đồng/kg. Tuy nhiên, sau khi bà con trong xã đăng ký mua giống lúa BC15 kháng đạo ôn và nộp tiền, HTX Bắc Hải lại trả cho dân giống lúa VC6 của Cty Viện CLT-CTP.
Lý giải về sự nhầm lẫn tai hại trên, ông Trần Văn Chín, Giám đốc HTX Bắc Hải cho biết: Cơ sở để chúng tôi ra thông báo này là do ông Tuyện, ông Nhân (Giám đốc và Phó Giám đốc Cty Viện CLT-CTP) không nói rõ về lý lịch giống.
Tuy nhiên, điều kỳ lạ là cách đó hàng chục km, một hợp tác xã nông nghiệp khác trên địa bàn huyện Tiền Hải cũng bị “nhầm lẫn” tương tự. Điển hình là HTX Dịch vụ nông nghiệp xã Đông Lâm ra thông báo cho bà con đăng ký giống lúa vụ mùa năm 2019, trong đó có giống lúa “VC6 (BC15 kháng đạo ôn) với giá 33.000 đồng/kg.
Câu hỏi đặt ra là, những sự nhầm lẫn tai hại trên, xảy ra ở nhiều HTX và Cty Viện CLT-CTP là sự cố tình hay vô ý? Phải chăng Cty Viện CLT-CTP muốn “đạp lên vai người khổng lồ” là giống lúa nổi tiếng BC15 (thuộc bản quyền của Cty CP Tập đoàn ThaiBinh Seed) để quảng bá giống lúa lạ hoắc VC6 (vẫn đang trong quá trình khảo nghiệm)?
Tại sao một công ty giống cây trồng mang danh Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm - với những chuyên gia chọn tạo giống lúa giỏi của Việt Nam, lại thiếu hiểu biết, lập lờ thông tin khiến nhiều nông dân hiểu nhầm VC6 chính là giống lúa BC15 kháng đạo ôn như vậy?