| Hotline: 0983.970.780

Để rau quả chế biến phát triển, phải nắm chắc tín hiệu của thị trường

Thứ Năm 07/07/2022 , 08:10 (GMT+7)

Theo ông Nguyễn Quốc Toản, phải nắm rõ lợi thế của từng thị trường, cập nhật thông tin thường xuyên. Từ đó sẽ nhận thức đúng, đưa ra phương pháp đúng và hành động đúng.

Hình ảnh tại điểm cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Hình ảnh tại điểm cầu Báo Nông nghiệp Việt Nam, số 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Ngày 7/7, Tổ Điều hành Diễn đàn thông tin kết nối sản xuất và tiêu thụ nông sản (Diễn đàn Kết nối nông sản 970 - Bộ NN-PTNT) tổ chức Diễn đàn trực tuyến với chủ đề “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ”. Dự kiến, diễn đàn sẽ bắt đầu lúc 8h30 và kết thúc vào buổi trưa cùng ngày.

Diễn đàn 970 lần này được tổ chức nhằm kết nối thông tin cung cầu để thúc đẩy tiêu thụ nông sản các tỉnh thành đến các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước cũng như xuất khẩu. Đồng thời nắm bắt thông tin, đặc biệt thông tin về sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả, chú trọng tới thông tin về công nghệ chế biến, bảo quản rau quả; thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường các nước nhập khẩu. Qua đó, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ cây ăn trái, nhất là xuất khẩu trong điều kiện dịch Covid-19.

Diễn đàn có sự tham gia của đại diện Tổ Điều hành Diễn đàn kết nông sản 970, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp, lãnh đạo Văn phòng Bộ NN-PTNT phía Nam, Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật và các thành viên Tổ công tác 970…

Diễn đàn 970 lần này cũng nhận được sự quan tâm của Sở NN-PTNT các địa phương và đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, các nhà bán lẻ, hệ thống phân phối nông sản và các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại, cơ sở sản xuất nông sản.

Diễn đàn 'Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ'.

Diễn đàn “Đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến, bảo quản gắn với yêu cầu của thị trường tiêu thụ”.

Tất cảTổng thuật

12h00

Để rau quả chế biến phát triển, phải nắm chắc tín hiệu của thị trường

z3548379379396_d0466bccb3afff515de90d71aa905f6e

Ông Nguyễn Quốc Toản (ảnh), Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) chia sẻ:

Diễn đàn được diễn ra trong bối cảnh đầy đủ nội hàm về thể chế: Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững theo Quyết định 150 của Thủ tướng Chính phủ; gần đây nhất Hội nghị TW5 khóa XIII đã ban hành Nghị quyết số 19 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân ngày 16/6/2022. Trong đó, có nội hàm về thúc đẩy chế biến, bảo quản, nâng cao giá trị gia tăng gắn liền với việc đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng yêu cầu của thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Đây là chỉ đạo vô cùng đúng đắn từ Trung ương, Chính phủ.

Bên cạnh đó, dưới sự chỉ đạo sâu sắc của đồng chí Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, Diễn đàn được tổ chức cởi mở, tập trung trí tuệ, trách nhiệm và tổ chức triển khai thực tế từ cơ sở. Đây cũng là diễn đàn lần đầu tiên kết nối giữa chế biến rau, quả với thị trường tiêu thụ, có sự tham gia của khối trường đào tạo trong việc đa dạng hóa công nghệ, nguồn lực, thương mại hóa các nghiên cứu trong chế biến, bảo quản rau quả. Từ đó, thông qua diễn đàn, bức tranh về liên minh ngành hàng đã được hình thành.

Theo ông Toản, trong những năm qua, việc ưu tiên tập trung vào mũi nhọn rau, quả đang được quan tâm. Sản phẩm rau quả là sản phẩm đặc thù của nền nông nghiệp nhiệt đới, có tính mùa vụ, bảo quản khó khăn.

Khi vươn mình sản xuất hàng hóa lớn phục vụ xuất khẩu vào các thị trường xa, yêu cầu cao như EU, Mỹ... hơn lúc nào hết mũi nhọn này cần được tiếp tục đẩy mạnh. Hiện nay, chúng ta có 153 cơ sở chế biến rau, củ, quả, trong khi phải giải quyết 28 triệu tấn sản phẩm rau củ quả/năm, đây là điều không hề đơn giản.

Bên cạnh đó, các yếu tố kỹ thuật, hạ tầng, đầu tư, lực lượng lao động... cũng cần được quan tâm và phát triển đồng bộ. Động lực để rau củ quả chế biến vươn lên thị trường đầu tiên phải từ các tín hiệu của thị trường: Xu hướng tiêu dùng đang thay đổi rất nhiều, tập trung vào các sản phẩm có nguồn gốc thực vật; sau đại dịch hành vi tiêu dùng của người dân trong và ngoài nước thay đổi; nhu cầu được tiêu thụ những sản phẩm tinh, chất lượng, linh hoạt, đa dụng, giá trị cao hơn đang phát triển...

Từ những xu hướng thay đổi này, buộc chúng ta phải có công nghệ để đáp ứng sự thay đổi đó. Về vấn đề xây dựng vùng nguyên liệu, theo ông Toản, ngoài các doanh nghiệp lớn cần quan tâm hơn nữa tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ, HTX... cần có chính sách liên kết vùng nguyên liệu để phát huy tiềm năng, thế mạnh của các thành tố.

Về chất lượng sản phẩm chưa đồng đều, theo ông Toản bằng những công nghệ sẽ khắc phục được vấn đề này. Tuy nhiên, cần phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan, cơ sở nghiên cứu, nhất là khối trường, vụ, viện.

Một vấn đề Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản lưu ý là việc quản trị giá thành sản phẩm, thực tiễn cho thấy nếu muốn vươn tới kinh tế nông nghiệp thì từ khâu sản xuất, chế biến phải xác định được cấu trúc, giá thành sản phẩm. Nếu không xác định được vấn đề này từ gốc thì biên độ lợi nhuận sẽ không rõ ràng, trong khi chi phí nguyên vật liệu đầu vào, vận chuyển đang ở mức rất cao.

Về rào cản của thị trường, phải nắm rõ lợi thế của từng thị trường, cập nhật thường xuyên, liên tục thông tin từ thị trường. Từ đó, nhận thức đúng, đưa ra phương pháp đúng và hành động đúng trong thực tiễn.

Một yếu tố quan trọng khác là kích hoạt thị trường tiêu thụ nội địa đối với sản phẩm rau, củ, quả chế biến, đưa sản phẩm vào các chuỗi siêu thị bền vững, phân tuyến tiêu thụ ngay từ địa phương để mở rộng thị trường tiêu thụ.

Bên cạnh đó, cần quan tâm tới việc hấp thụ chính sách vào thực tiễn: Đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ cần có chính sách tín dụng phù hợp, tạo điều kiện để các đối tượng này được tiếp cận thuận lợi. Đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ, một trong những chính sách cần được quan tâm là chính sách về giá điện theo vùng miền... Từ đó, tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất phát triển, hạ giá thành sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm.

Ngoài ra, thời gian tới cần tập trung đẩy mạnh xúc tiến đầu tư cho 4 khu vực chế biến như: Đầu tư cho các nhà máy chế biến lớn; cơ sở chế biến vừa và nhỏ; đầu tư vào cơ sở chế biến phế phụ phẩm trong lĩnh vực rau, quả; trung tâm kết nối logistics nông sản.

Từ đó, mới có thể phát huy được hết năng lực của chế biến, bảo quản; giải quyết điểm yếu của nền nông nghiệp nhiệt đới có tính chất mùa vụ cao; thúc đẩy sự phát triển ngành nông nghiệp các địa phương; gắn chặt với sinh kế, quyền lợi của người nông dân - chủ thể chính, xuyên suốt trong quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp...

"Diễn đàn sáng nay đã hội tụ, làm sâu sắc thêm nội hàm phát triển kinh tế nông nghiệp một cách thực chất, đó là cùng cầu thị hoàn thiện thể chế, thu hút nguồn lực từ chính thực tiễn cơ sở, từ sự tự nguyện liên kết liên minh hệ sinh thái ngành hàng, từ đòi hỏi và năng lực tiếp cận của thị trường và từ chính tâm thế vươn lên vượt khó, tự lực, tự chủ, tự cường của từng người nông dân, cơ sở chế biến nhỏ lẻ, HTX, nhà máy chế biến tham gia phục vụ khâu gia tăng giá trị của sản phẩm nông nghiệp chế biến, cuối cùng mang lại lợi ích, lợi nhuận cho chính bà con nông dân, HTX, DN vừa và nhỏ trong sự đòi hỏi khắc nghiệt của biến động thị trường", Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản phát biểu.

11h20

Rau củ quả Việt Nam cần tận dụng nhiều hơn tiềm năng từ thị trường châu Âu

z3548416543291_e0fc7f7c793b61b04966508f8513a5e6

Mặc dù điều kiện để có thể tiếp cận dễ dàng nhưng thị trường châu Âu là một thị trường có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Ảnh: Thu Hà.

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu, nhiều lần nhấn mạnh châu Âu là một thị trường quan trọng, tiềm năng trong xuất khẩu nông sản của Việt Nam. Và để có thể tăng kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam sang châu Âu, trong tất cả nhóm hàng, rau củ quả là nhóm hàng có dư địa lớn nhất.

“Mỗi năm, thị trường châu Âu nhập khẩu rau củ quả khoảng 120 tỷ USD, chiếm 40% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu rau quả toàn cầu. Thế nhưng kim ngạch xuất khẩu rau củ quả của Việt Nam sang châu Âu chỉ đạt khoảng 190 triệu USD, chiếm tỉ trọng rất nhỏ so với thị phần châu Âu đang nhập khẩu”, ông Trần Văn Công thông tin.

Theo đó, trong cơ cấu rau củ quả Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu thời gian qua, sản phẩm tươi chiếm khoảng 70%, sản phẩm chế biến chiếm 30% (nước ép trái cây, nước ép đông lạnh chiếm tỉ trọng lớn). Người dân châu Âu đang có xu hướng tiêu dùng xanh và có nhu cầu cao với thực phẩm bổ dưỡng, có lợi cho sức khỏe, sản phẩm thực vật để thay thế sản phẩm động vật.

Ông Công cho hay, mặc dù điều kiện để có thể tiếp cận dễ dàng nhưng thị trường châu Âu là một thị trường có khâu hậu kiểm được kiểm soát chặt chẽ, yêu cầu cao. Một trong những tiêu chí, tiêu chuẩn quan trọng của nông sản xuất khẩu sang châu Âu là phải đạt ngưỡng dư lượng thuốc BVTV, các loại hóa chất tồn dư dưới mức quy định. Ngoài ra, khâu thiết kế mẫu mã, bao bì phù hợp với thị trường châu Âu, thân thiện với môi trường cũng là yếu tố cần được quan tâm.

“Vừa qua, các doanh nghiệp quy mô lớn, có công nghệ sản xuất hiện đại đã làm tốt công tác chế biến sản phẩm để thâm nhập thị trường châu Âu. Đối với sản phẩm chế biến, Việt Nam hoàn toàn có thể tiếp cận thị trường châu Âu bằng sản phẩm rau củ quả đông lạnh, đóng lon…”, Tham tán Nông nghiệp của Việt Nam tại châu Âu lưu ý.

11h15

Thiếu nguồn lực, tài chính trong đào tạo tại các doanh nghiệp vừa, nhỏ và HTX

Ông Đỗ Chí Thịnh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Lương thực – Thực phẩm Đà Nẵng trao đổi vấn đề liên quan đến đào tạo.

Theo ông, đào tạo là một mảng trong chuỗi sản xuất sản phẩm. Công tác đào tạo, nghiên cứu chuyển giao, tư vấn khởi nghiệp, giúp đỡ doanh nghiệp… đều khá tốt song sự liên kết giữa các bên nghiên cứu chính sách, kỹ thuật, thị trường, sản xuất kinh doanh... cần phải chặt chẽ hơn.

Việc đào tạo cho doanh nghiệp lớn có đủ khả năng giải quyết vấn đề năng lực. Song vấn đề nằm ở đào tạo tại các doanh nghiệp vừa, nhỏ và HTX vì thiếu nguồn lực, thiếu tài chính. Nhiều doanh nghiệp đến với nhà trường để đặt hàng chuyển gia công nghệ song thông tin họ nắm chưa tổng quát.

Như vậy cần có sự hỗ trợ thông tin phù hợp để các trường, viện đào tạo có thể tư vấn đào tạo cho doanh nghiệp cũng như để doanh nghiệp nắm thông tin rõ ràng hơn để lựa chọn.

11h05

Doanh nghiệp Việt cần phát huy tinh thần “một người vì tất cả, tất cả vì một người”

ong Khang

Ông Hoàng Xuân Khang (ảnh), đại diện Công ty international Fresh Group, công ty chuyên sản xuất và nhập khẩu rau, củ, quả tại thị trường châu Âu chia sẻ: Hiện tại, sản phẩm do công ty phân phối đã có mặt tại hơn 3.500 siêu thị tại nhiều nước EU. Tuy nhiên, sản lượng nông sản từ Việt Nam mà công ty phân phối tại thị trường này mới chỉ chiếm dưới 1%, đây là một điều rất đáng tiếc.

Theo ông Khang, những khó khăn, thách thức lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường EU là những yêu cầu khắt khe của thị trường này về dư lượng thuốc BVTV, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc...

Trên thực tế, công ty đã làm việc với các doanh nghiệp Việt Nam, tuy nhiên nhiều doanh nghiệp hiện tại chưa đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và truy suất nguồn gốc nên đã bị loại ngay từ ban đầu.

Do đó, ông Khang bày tỏ mong muốn: Trước hết, các cơ quan quản lý nhà nước cần giúp các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể đạt được các chứng nhận về tiêu chuẩn, cơ sở hạ tầng cơ bản để xuất khẩu sang thị trường EU. Sau đó mới đến chọn mặt hàng và chiến lược marketing phù hợp.

Đối với các doanh nghiệp, theo ông Khang các doanh nghiệp cần phải đặc biệt quan tâm tới vấn đề về dư lượng thuốc BVTV, bởi lẽ chỉ cần một vài lô không đạt tiêu chuẩn, có thể ảnh hưởng đến tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu còn lại. Do đó, các doanh nghiệp cần phát huy tư duy “một người vì tất cả, tất cả vì một người”.

10h55

Yêu cầu giám sát chặt chẽ về sinh vật gây hại trên mận hậu

man hau

Độc giả tên Thoa gửi câu hỏi tới Diễn đàn 970 về việc xuất khẩu mận hậu sang thị trường EU.

Bà Phan Thị Thu Hiền, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu I, II của Cục Bảo vệ thực vật cho biết, yêu cầu của từng thị trường với nông sản khác nhau. Ví dụ, thị trường Mỹ yêu cầu rau quả tươi phải xử lý bằng chiếu xạ; Hàn Quốc, Nhật Bản yêu cầu xử lý bằng hơi nước nóng.

Với EU, mận hậu không yêu cầu về phương pháp xử lý kiểm dịch thực vật nào, nhưng cần kiểm soát chặt chẽ về sinh vật gây hại. Các loài như sâu đục lá, sâu đục cuống… được phía bạn ghi cụ thể, chi tiết trong các phụ lục.

“Về tổng thể, HTX, hộ nông dân cần phối hợp cơ quan quản lý nhà nước đảm bảo, giám sát chặt chẽ mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản xuất khẩu. Riêng EU, những nông sản như xoài, bưởi, chanh và một số loài rau ăn lá nằm trong nhóm được yêu cầu”, bà Hiền chia sẻ.

Nhận định EU là một trong những thị trường khó tính bậc nhất thế giới, bà Hiền mong muốn những đặc sản vùng miền hoặc sản phẩm OCOP Việt Nam sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại châu Âu.

10h45

Đào tạo, xây dựng chuỗi sản phẩm chế biến từ tín hiệu thị trường

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Chu Kỳ Sơn, Viện trưởng Viện Công nghệ sinh học và Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết, đơn vị sẵn sàng cung cấp các khóa đào tạo ngắn hạn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX trong lĩnh vực chế biến, nâng cao giá trị gia tăng của nông sản nói chung và rau củ quả nói riêng.

Theo ông Sơn, đơn vị cũng sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các HTX nghiên cứu, phát triển sản phẩm theo chuỗi để đảm bảo nâng cao giá trị gia tăng, tích hợp những giá trị từ bảo quản và chế biến.

“Chúng tôi sẽ xây dựng mô hình nghiên cứu phát triển sản phẩm với doanh nghiệp và HTX khi có yêu cầu. Sản phẩm đó sẽ không chỉ được đánh giá chất lượng, chỉ tiêu về dinh dưỡng, hóa lý mà còn được đánh giá về thị hiếu người tiêu dùng, cảm quan từ đó có hiệu chỉnh từ tín hiệu thị trường”, ông Chu Kỳ Sơn chia sẻ.

10h35

Mở rộng liên kết, đa dạng thị trường

z3548223180204_3361baccc8921ca2209eb4319c31a3b4

Vựa vải lớn nhất cả nước đã nhận đơn hàng 7.000 tấn từ thị trường Đài Loan.

Ông Nông Ngọc Trung, Chủ tịch Công ty CP Nông lâm nghiệp Cánh Đồng Vàng cho biết, đơn vị đang có công nghệ sấy đa năng, giúp đa dạng hóa thị trường, thời gian tiêu thụ cho một số sản phẩm như mít, xoài ở dạng sấy dẻo. Điểm đáng lưu ý nhất của Cánh Đồng Vàng, đó là công nghệ sấy được chở bằng container, và có thể lưu động qua các khu vực, thậm chí đến được nhiều vùng sâu, vùng xa. Hàng nông sản thu hoạch đến đâu có thể được chế biến tại chỗ đến đó.

“Công nghệ của chúng tôi được nhiều bạn hàng tại Đức, Hà Lan, Australia… đón nhận và đánh giá cao”, ông Trung chia sẻ. Nhờ công nghệ sấy tách nước khử khuẩn tiên tiến, Công ty Cánh Đồng Vàng có thể sấy được 5-7 tấn nông sản trong một mẻ. Thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phổ biến, chuyển giao, đẩy mạnh công nghệ chế biến sâu vào miền Nam cho thanh long tại Bình Thuận, hay xoài tại Đồng Tháp.

Theo nhu cầu giảm chi phí logistics, cũng như mở rộng thị trường thế giới, ông Trung cho rằng chế biến, đặc biệt là chế biến sâu đang là xu thế. Riêng Cánh Đồng Vàng luôn nhận ổn định các đơn hàng, như ớt khoảng 100.000 tấn; mít, xoài cùng khoảng 20.000 tấn. Hiện tại Lục Ngạn, vải thiều đang vào chính vụ. Ông Trung báo tin vui, vựa vải lớn nhất cả nước đã nhận đơn hàng 7.000 tấn từ thị trường Đài Loan.

Với mục tiêu nâng tầm giá trị thương hiệu, chất lượng nông sản Việt trên thị trường toàn cầu, ông Trung mong muốn được hợp tác với các HTX, hộ nông dân có vùng nguyên liệu, sản lượng ổn định.

10h25

Công nghệ sấy bằng điện lạnh đang là xu hướng mới

Ông Đặng Trần Việt, Giám đốc Kinh doanh Sasaki Việt Nam cho biết, hiện các công nghệ sấy bằng điện lạnh đang là xu hướng mới mang lại chất lượng sản phẩm cao hơn với chi phí sản xuất thấp và thân thiện với môi trường.

Trong thời gian qua, Sasaki đã hỗ trợ HTX, nông dân, doanh nghiệp vừa nhỏ phát triển các sản phẩm phù hợp, tập trung đáp ứng nhu cầu thị trường.

Để cùng đồng hành, nghiên cứu phát triển và chuyển giao công nghệ với khách hàng, Sasaki đặt ra quy trình tiếp cận từ tiếp xúc, nắm bắt thông tin hiện trạng sản xuất, và mong muốn của khách hàng; xác định rõ mục tiêu phát triển sản phẩm bằng lượng hóa và tiêu chuẩn rõ ràng; phân tích kỹ thuật đặc điểm lý hóa để vạch ra kế hoạch sơ chế; cung cấp quy trình sấy thử nghiệm để đưa ra phương án tối ưu cho khách hàng và cung cấp thiết bị sấy, thiết bị nằm trong dây chuyền sản xuất để cho ra sản phẩm cuối.

10h15

Gia Lai kêu gọi thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản

z3548214357355_ff0540d551852e73d20bba9f4f5dbbd8

Gia Lai sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến và logistics nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông sản địa phương.

“Tỉnh Gia Lai hết sức quan tâm đến mặt hàng nông sản rau củ quả. Điều đó được thể hiện qua việc tỉnh đã ban hành đề án phát triển rau củ quả để tận dụng tiềm năng, lợi thế về thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng nhằm phát triển Gia Lai thành vùng phát triển rau củ quả lớn trên cả nước”, ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai, mở đầu phần phát biểu tại Diễn đàn.

Theo ông Đoàn Ngọc Có, năm 2022, Gia Lai phát triển khoảng 35.000 ha diện tích trồng các loại rau ăn lá, rau ăn quả, trong đó khoảng 1.200 ha diện tích sản xuất rau theo tiêu chuẩn. Đến năm 2025, tỉnh Gia Lai sẽ phấn đấu mở rộng diện tích lên 50.000 ha, chuyển hướng toàn bộ sang sản xuất theo tiêu chuẩn, có chứng nhận VietGAP, đáp ứng được vấn đề truy xuất nguồn gốc để có thể tiêu thụ tại thị trường trong nước, hướng đến xuất khẩu.

Đối với cây ăn quả, năm 2022, Gia Lai phấn đấu mở rộng diện tích lên 29.700 ha trồng với 4 cây trồng chủ lực chanh leo, chuối, sầu riêng, bơ. Trong đó tỉnh hiện có 8.500 ha sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP phục vụ xuất khẩu. Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 22 cơ sở và 4 nhà máy chế biến rau củ quả.

Lãnh đạo Sở NN-PTNT tỉnh Gia Lai cho biết, hiện toàn bộ sản phẩm rau của địa phương chủ yếu được tiêu thụ nội địa, số ít xuất khẩu sang Trung Quốc. Còn sản phẩm trái cây và trái cây sơ chế, chế biến đã xuất khẩu sang nhiều thị trường trên thế giới như châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc…

“Mặc dù đã có nhiều cố gắng từ chính quyền đến người dân nhưng diện tích sản xuất những sản phẩm rau củ quả của Gia Lai đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu còn chưa cao. Thời gian tới, tỉnh sẽ tổ chức lại sản xuất, gắn với tiêu chuẩn của thị trường quốc tế. Ngoài ra, chuỗi liên kết sản xuất cũng như tỉ lệ rau củ quả được ứng dụng công nghệ kỹ thuật để sơ chế, chế biến còn thấp, sắp tới Gia Lai sẽ đẩy mạnh thu hút đầu tư trong lĩnh vực chế biến và logistics nhằm nâng cao giá trị gia tăng nông sản địa phương”, ông Đoàn Ngọc Có chia sẻ.

10h00

Sơn La ban hành nhiều chính sách thúc đẩy chế biến, tiêu thụ nông sản

xk chuoi

Bà Cầm Thị Phong, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sơn La cho biết: Hiện nay, Sơn La có hơn 82.800 ha cây ăn quả. Tỉnh được cấp 241 mã số vùng trồng (diện tích hơn 3.800 ha), 37 mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu, xây dựng 242 chuỗi cung ứng nông sản an toàn, 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ...

Từ đầu năm 2022 đến nay, toàn tỉnh đã tiêu thụ được hơn 135.000 tấn quả các loại, thị trường tiêu thụ chủ yếu là trong nước với hơn 131.900 tấn; xuất khẩu hơn 1.600 tấn xoài, 20 tấn chuối.

Theo bà Phong, trong giai đoạn 2021-2025, tỉnh Sơn La đã đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm phát triển công nghiệp chế biến, bảo quản, tiêu thụ nông sản.

Có thể kể đến trong niên vụ nhãn 2021, tỉnh đã ban hành chính sách hỗ trợ HTX, doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh phí xây dựng lò sấy nông sản, container lạnh. Nhờ đó, toàn tỉnh đã chế biến được 65.000 tấn nhãn, giải tỏa áp lực tiêu thụ trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến căng thẳng. Bên cạnh đó, tỉnh tập trung thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chuỗi liên kết, xây dựng các cơ sở chế biến trên địa bàn như Nafood, Doveco...

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh hiện nay nhiều cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, quả sấy dẻo cũng được hình thành (theo thống kê hiện có 543 cơ sở chế biến nông sản). Từ đó, giúp công tác chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông sản trở nên thuận lợi, xây dựng được thương hiệu nhiều sản phẩm đặc sản, OCOP (hiện có 83 sản phẩm OCOP)...

9h40

Nắm chắc quy định từng thị trường xuất khẩu

ts ngo xuan nam

Theo TS. Ngô Xuân Nam (ảnh), Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, các biện pháp SPS liên quan tới chế biến rau quả giống như những mảnh ghép để hoàn thiện công tác xuất khẩu. Doanh nghiệp, HTX, người dân cần nắm chắc để đảm bảo giao thương không bị gián đoạn.

Theo ông Nam, trong 6 tháng đầu năm, Việt Nam nhận 504 thông báo liên quan đến ATTP và kiểm dịch động thực vật, bao gồm thay đổi các biện pháp thay đổi mức dư lượng, phương pháp kiểm dịch.

So với cùng kỳ năm 2021, số thông báo tăng khoảng 9%. Nhật Bản là quốc gia có nhiều thông báo nhất, với 83 thông báo, chiếm 16,47%. Xếp tiếp sau là Brazil, EU, Canada, Mỹ. Lãnh đạo SPS Việt Nam cho rằng, điều này phù hợp với quy luật vận động trên trường quốc tế hiện nay. Chia theo nhóm lĩnh vực, 319 trong tổng số 504 thông báo liên quan đến các thay đổi liên quan đến thực vật, chiếm khoảng 63%.

TS. Ngô Xuân Nam cho rằng, đây cũng là vấn đề được quan tâm nhiều nhất và liên quan trực tiếp đến chủ đề được thảo luận tại diễn đàn hôm nay.

Giới thiệu một số biện pháp SPS liên quan đến chế biến rau quả ở các thị trường trọng điểm, ông Nam nhấn mạnh, mỗi thị trường sẽ có một bộ tiêu chuẩn cũng như đối tượng quan tâm khác nhau. Ví dụ, Nhật Bản có 5 bộ luật, 3 quy định về chất lượng ATTP, Mỹ có 4 quy định khung, còn ASEAN lại chủ yếu quan tâm đến các vấn đề kiểm dịch động vật.

Hai thị trường được ông Nam chú trọng là EU và Trung Quốc. Trong đó, EU đặc biệt lưu tâm đến các mức dư lượng tại cả sản phẩm quả tươi lẫn sản phẩm chế biến, đồ khô. “Vừa qua, tại phiên họp thứ 83 Ủy ban SPS-WTO, chúng tôi đã làm việc với EU về vấn đề này. Phía bạn cam kết phối hợp chặt chẽ với Việt Nam để tăng cường thông tin, cũng như thống nhất các biện pháp kiểm soát, thông báo, nhằm thúc đẩy giao thương nông sản”, ông Nam nói.

Với Trung Quốc, TS. Nam thông tin, rằng khoảng 2 năm nước bạn sẽ cập nhật các chính sách liên quan đến kiểm dịch một lần và gửi thông báo cho WTO.

Thông qua diễn đàn ngày 7/7, ông Nam cũng báo tin vui cho doanh nghiệp, HTX trong nước, rằng Trung Quốc hứa sẽ phối hợp Việt Nam để xây dựng và phổ biến những quy định liên quan đến Lệnh 248, Lệnh 249 dưới dạng video, clip, nhằm giúp doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo thời hạn hoàn thiện hồ sơ đăng ký trước tháng 6/2023.

9h20

4 nhóm sản phẩm rau quả phù hợp với chế biến, bảo quản quy mô nhỏ, vừa

z3548005736940_16bd987bc58ea620e9fa523ddbad3f70

PGS.TS Phạm Anh Tuấn (ảnh) - Viện trưởng Viện Cơ điện Nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch đề xuất 4 nhóm sản phẩm phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là rau quả tươi, rau quả sấy, rau quả đông lạnh và rau quả đồ hộp với các công nghệ như sấy nhiệt, sấy thăng hoa, cấp đông, muối chua…

Theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, đối tượng quy mô nhỏ, vừa chiếm 97% trong đối tượng doanh nghiệp, do vậy định hướng cho phát triển công nghệ hiện đại, phù hợp với quy mô nhỏ, vừa là điều cần thiết.

“Nếu chúng ta quan tâm đến khối doanh nghiệp nhỏ, vừa và HTX thì chúng ta có thể nâng cao tỷ lệ chế biến và có thể đáp ứng được nhu cầu về đa dạng hóa sản phẩm rau quả chế biến”, ông Tuấn cho biết.

Hiện tại năng lực chế biến đạt trên 1,1 triệu tấn nhưng để nâng lên gấp đôi trong những năm tới, quy mô nhỏ, vừa có đóng góp lớn, tuy vậy lại cần đầu tư và công nghệ phù hợp.

Theo ông, để lựa chọn công nghệ và thiết bị, xây dựng nhà xưởng sơ chế bảo quản, chế biến rau quả đối với quy mô nhỏ, vừa cần lưu ý các yêu cầu như: xác định đối tượng, sản phẩm, quy mô sản xuất, khả năng đầu tư và thị trường mục tiêu, lựa chọn nhà tư vấn công nghệ thiết bị phù hợp, đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt trang thiết bị, sản xuất thử, tiếp nhận chuyển giao công nghệ và cuối cùng mới đến đăng ký chất lượng, thương mại hóa sản phẩm.

Tại diễn đàn, ông Tuấn cũng giới thiệu về các công nghệ mới, hiện đại, phù hợp với doanh nghiệp quy mô vừa, nhỏ và hợp tác xã trong chế biến, bảo quản rau quả như công nghệ sấy (nóng, lạnh, thăng hoa..), cấp đông, kho lạnh…

Sấy thăng hoa (freeze drying) là một kỹ thuật còn được gọi là “làm khô lạnh” hay còn gọi là kỹ thuật khử nước

Sấy thăng hoa (freeze drying) là một kỹ thuật còn được gọi là “làm khô lạnh” hay còn gọi là kỹ thuật khử nước.

Ông kiến nghị trong giai đoạn tới cần phát triển nhiều thị trường đầu ra cho bà con nông dân, có công nghệ, thiết bị phù hợp và có giải pháp thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ.

Sản lượng rau quả Việt Nam đạt 31 triệu tấn nhưng tỷ lệ chế biến chỉ đạt khoảng 12-17%. Ngành chế biến chỉ mới đáp ứng khoảng 8-10% sản lượng ra quả hàng năm. Trong khi đó, đến nay, hơn 76% rau quả xuất khẩu chưa qua chế biến, việc tiêu thụ vẫn đang ở dạng tươi hoặc sơ chế bao quản là chủ yếu, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch khá cao.

9h00

10 xu hướng thực phẩm của thế giới hiện nay

z3547953574519_61b589d2fe489dbf4423320be3867bff

Từ những thông tin mới nhất về xu hướng thực phẩm hiện nay được thu thập từ Hội chợ Thaifex 2022 vừa qua, bà Vũ Kim Hạnh (ảnh), Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao, đã có những chia sẻ quý giá về xu hướng mới nhất của thực phẩm thế giới - châu Á tại Diễn đàn.

"Nhu cầu ăn uống của người dân trên toàn thế giới đang được cân bằng theo hướng tốt cho sức khỏe và tiện lợi. Ngoài ra, việc phải làm việc trực tuyến, làm việc tại nhà kéo dài do đại dịch khiến mọi người ngại đi ăn ở ngoài dẫn tới nhu cầu về thực phẩm chế biến lớn hơn”, bà Vũ Kim Hạnh phân tích.

Cùng với đó, Chủ tịch Hiệp hội Hàng Việt Nam chất lượng cao cũng chỉ ra bối cảnh thế giới hiện đang bị đe dọa bởi tình trạng thiếu lương thực, thực phẩm; yêu cầu từ việc phát triển bền vững và bảo vệ môi trường; công nghệ chế biến thực phẩm ngày càng sâu, đa dạng, đa chức năng.

Tại Diễn đàn, bà Vũ Kim Hạnh đã chia sẻ 10 xu hướng thực phẩm của thế giới hiện nay.

Thứ nhất, hiện nay người dân toàn cầu đang có xu hướng quan tâm thực phẩm dựa trên thực vật (plant-based), thực phẩm tốt cho sức khỏe và đạm thay thế.

Thứ hai, vai trò của vi sinh vật ngày càng được chú trọng, qua đó những yếu tố có lợi cho vi sinh vật và đường ruột được người tiêu dùng quan tâm hơn.

Thứ ba, người tiêu dùng đang có xu hướng trở về với “cội nguồn”, tìm đến những thực phẩm là lợi thế của địa phương.

Thứ tư, yêu cầu về việc được trải nghiệm thực phẩm đang dần trở nên cực kỳ quan trọng.

Thứ năm, người tiêu dùng đang đề cao trách nhiệm chung trong việc hình thành mạng lưới thực phẩm tin cậy, minh bạch, phát triển bền vững và thân thiện với môi trường.

Thứ sáu, sau đại dịch Covid-19, thói quen tiêu dùng của người dân đang có sự thay đổi mạnh mẽ.

Thứ bảy, công nghệ mới trong ngành chế biến thực phẩm phải luôn sẵn sàng với những công đoạn cá nhân hóa dinh dưỡng, sinh học hay yếu tố protein thay thế.

Thứ tám, việc nâng cao chất lượng thực phẩm bằng chế biến có thể góp phần tăng giá sản phẩm đi kèm tăng chất lượng, đồng thời sẽ giúp chống lãng phí thực phẩm.

Thứ chín, mối liên kết giữa tiếng nói của người tiêu dùng với các thương hiệu ngày càng được hình thành chặt chẽ hơn. Người tiêu dùng sẽ kiểm soát tính pháp lý, chất lượng và việc phát triển bền vững của các thương hiệu thực phẩm.

Thứ mười, cách chọn lựa thực phẩm sẽ hình thành thương hiệu cá nhân. Người tiêu dùng hiện đang có xu hướng áp yếu tố cá nhân hóa vào quyết định mua hàng.

“Có thể thấy, người tiêu dùng trên toàn thế giới đang hướng đến nhiều hơn yếu tố thực phẩm đảm bảo sức khỏe. Họ quan tâm nhiều đến những yếu tố cụ thể như sức khỏe tinh thần, các quy định về lượng đường trong sản phẩm, các quy định về nhãn sản phẩm, yếu tố về béo phì…”, bà Vũ Kim Hạnh chia sẻ.

8h45

Những “nút thắt” cần giải quyết trong chế biến, bảo quản rau quả

z3547870116813_c1d4b7cb99c30db3faeb59782a022a6a

Tại Diễn đàn, ông Ngô Quang Tú (ảnh), đại diện Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) trình bày báo cáo chế biến, bảo quản rau quả những “nút thắt” cần giải quyết hiện nay.

Về nguyên liệu, tình trạng thiếu nguyên liệu vẫn xảy ra (nguyên liệu mới đáp ứng 50-60% công suất chế biến), nguyên nhân là do diện tích canh tác nhỏ lẻ, phân tán, không đồng nhất; chế biến theo mùa mụ (2-3 tháng/năm);

Chất lượng an toàn thực phẩm chưa đảm bảo (không đều, không ổn định, kích thước, mùi vị, màu sắc, dinh dưỡng...). Một số loại rau quả giá thành còn cao...

Về nội tại doanh nghiệp chế biến rau quả, thiếu vốn sản xuất, quy mô vốn rất nhỏ (hơn 80% số cơ sở dưới 2 tỷ đồng). Khó khăn về mặt bằng sản xuất, không được ưu tiên về mặt bằng sản xuất; Bảo quản sau thu hoạch kém, thiếu thiết bị tối thiểu (điện, nước, kho lạnh...), dẫn tới tổn thất sau thu hoạch hơn 20%; Trình độ quản lý và tay nghề thấp...

Về thị trường tiêu thụ, sản phẩm chế biến càng sâu thì thị trường tiêu thụ càng hẹp; thói quen tiêu dùng (rau quả sử dụng vẫn là sử dụng tươi, đặc biệt khu vực nông thôn, người thu nhập thấp); nhiều rào cản xuất khẩu (quy định ngặt nghèo về dư lượng khánh sinh, thuốc BVTV, hóa chất bảo quản, thuế, điều kiện lao động, môi trường, truy suất nguồn gốc); chi phí logistics cao (vận tải, xếp dỡ, bán lẻ... chiếm từ 35-50% giá xuất, giá bán cao khó cạnh tranh và chưa phù hợp với thu nhập người dân).

Về cơ chế chính sách, mức hỗ trợ thấp, thủ tục phức tạp; chỉ khoảng 30% doanh nghiệp có khả năng tiếp cận vốn ngân hàng; nguồn lực triển khai chính sách hạn chế; lãi suất vay chưa phù hợp với 80% doanh nghiệp vừa và nhỏ.

xuat-khau-26-282_1

Sản xuất gia vị xuất khẩu tại Dh Foods. Ảnh: Báo Đầu tư.

Trên cơ sở đó, ông Tú đề xuất các giải pháp tháo gỡ như: Tổ chức lại sản xuất, vùng nguyên liệu theo hướng đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi để đảm bảo nguyên liệu cho chế biến;

Nghiên cứu ban hành văn bản quy phạm pháp luật quản lý liên kết chuỗi, có quy định điều phối các hoạt động liên kết; nâng cao năng lực chế biến, bảo quản rau, quả;

Hoàn thiện thể chế, chính sách; phát triển thị trường sản phẩm chế biến; tiếp tục thực hiện hiệu quả đề án phát triển ngành chế biến rau, quả giai đoạn 2021-2030 (Quyết định 417/QĐ-TTg ngày 22/3/2021)...

Theo số liệu thống kê của Bộ NN-PTNT năm 2020, sản lượng quả, trái cây cả nước hơn 11,6 triệu tấn, sản lượng rau, đậu gần 19,3 triệu tấn.

Về quy mô công nghiệp ngành chế biến rau quả, công nghệ chế biến nông lâm thủy sản (nằm trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo) đóng góp 17% GDP cả nước, 6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,66%, đóng góp 2,58 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế.

8h30

Đa dạng hóa sản phẩm gắn với yêu cầu thị trường

z3547868705823_6e1dab47b1fdfe17b60968fd4dd0912f

Ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, phát biểu khai mạc tại điểm cầu 14 Ngô Quyền, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Ngọc Thạch, Tổ trưởng Tổ điều hành Diễn đàn kết nối nông sản 970, Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam cho biết, Bộ NN-PTNT vừa sơ kết 6 tháng với nhiều tín hiệu vui về kết quả sản xuất, mở cửa thị trường, nhiều mặt hàng nông lâm sản và thủy sản có mức tăng trưởng xuất khẩu tốt và ổn định.

Trong tâm thế đó, Diễn đàn kết nối nông sản 970 phiên ngày 7/7 đặt mục tiêu kết nối thông tin cung cầu, thúc đẩy hoạt động chế biến, tiêu thụ nông sản giữa các vùng sản xuất đến các thành phố lớn và các tỉnh trong cả nước, cũng như xuất khẩu.

Một nội dung nữa, là phổ biến các quy định thị trường, nắm bắt thông tin, đặc biệt thông tin về sản xuất, chế biến và tiêu thụ rau quả; thông tin về công nghệ chế biến, bảo quản rau quả; thông tin về tiêu chuẩn, quy chuẩn của thị trường các nước nhập khẩu.

“Chúng tôi hy vọng sẽ góp phần hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, lưu thông và tiêu thụ rau quả, nhất là xuất khẩu trong điều kiện vẫn còn dịch Covid-19 và xung đột quân sự Nga - Ukraine làm đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu”, ông Thạch nói.

Theo ông Thạch, thời gian qua Bộ NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với nhiều Bộ, ban, ngành, địa phương nhằm xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa, phát triển thị trường, giải quyết các vướng mắc thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản.

Cụ thể, Bộ NN-PTNT đang chuẩn bị tổ chức Đoàn giao thương, quảng bá chuỗi cung ứng trái cây, thủy sản tại Trung Quốc; đàm phán, hoàn thiện các thủ tục xuất khẩu xoài, thịt gà sang Hàn Quốc; bưởi, chanh ta sang New Zealand; lông vũ, yến và sản phẩm từ yến, sữa và sản phẩm từ sữa sang Trung Quốc; mật ong sang EU; khảo sát vùng trồng, nhà máy chiếu xạ để thống nhất kế hoạch xuất khẩu bưởi với Hoa Kỳ.

0608_che-bien-nong-san-xuat-khau

Chế biến xoài trước khi xuất khẩu giúp tăng giá trị nông sản lên nhiều lần.

Với những hành động quyết liệt, đồng bộ, kịp thời của ngành nông nghiệp, ông Thạch bày tỏ: “Mong rằng Diễn đàn sẽ trở thành kênh đối thoại quan trọng và hiệu quả giữa các nhà quản lý; nhà sản xuất, chế biến; doanh nghiệp kinh doanh tiêu thụ các mặt hàng nông sản nói chung và rau quả nói riêng”.

Xem thêm
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng ông Trump

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường và Thủ tướng Phạm Minh Chính đã gửi thư chúc mừng ông Donald Trump nhậm chức Tổng thống Hoa Kỳ thứ 47.

Lai Vung tỏa sáng Ngày hội tôn vinh nghề truyền thống

Đồng Tháp Ngày hội tôn vinh Nghề truyền thống không chỉ là sự kiện giao lưu văn hóa mà là nền tảng xây dựng huyện Lai Vung hiện đại, văn minh và mang bản sắc đậm đà.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Xuân về trên vùng biên cương

Quảng Bình Bà con dân tộc trên vùng miền núi huyện Bố Trạch đã có thêm cái tết ấm áp khi chương trình 'Xuân Biên phòng - Ấm lòng dân bản' đến với bà con.