Hàng trăm thân nhân tập trung về Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh Quảng Trị, nơi đặt 22 thi thể quân nhân gặp nạn, buồn bã dõi mắt nhìn vào. Từng chuyến xe chở theo thi thể các quân nhân từ hiện trường tở về chậm chậm tiến vào bên trong khu nhà.
Tiếng gào khóc của những người mẹ mất con, người vợ mất chồng làm mọi người có mặt không cầm được nước mắt.
Một khu lều bạt dã chiến được dựng lên ngay cổng của Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao tỉnh, để làm nơi tiếp đón thân nhân người gặp nạn.
Bà Lương Thị Lý (55 tuổi, nhà ở khu phố 5, thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị) mẹ của quân nhân Lê Thế Linh (sinh năm 1995) cứ liên tục gào khóc. Thỉnh thoảng bà lại rút điện thoại có hình con trai ra nhìn rồi chực ngã quỵ xuống, người thân phải khó khăn lắm mới dìu được bà vào trong khu lều bạt.
Nước mắt chảy dài, bà Lý kể, Linh là con thứ 3 trong 4 người con của vợ chồng bà. Linh đi lính nghĩa vụ đã gần 1 năm nay. Đêm xảy ra sự cố đau lòng khiến con trai mãi ra đi, Linh có gọi điện về nhà nói chuyện gần 1 giờ đồng hồ.
Khi nghe bà Lý hỏi tình hình mưa lũ ở khu vực đóng quân ra sao, Linh trấn an mẹ rằng, ở đây cũng mưa to nhưng là vùng núi cao ráo không lo gì đâu. Nghe tin ở quê nhà đang lụt to, Linh dặn dò mẹ phải hết sức cẩn thận.
Kể đến đây, người em gái của anh Linh ôm chầm lấy mẹ, nghẹn ngào, trước lúc anh trai gặp nạn, Linh còn dặn dò em gái là mưa lũ không được đi đâu xa.
“Tội nghiệp con tôi, nó cao to, đẹp trai lắm. Mấy giục nó lấy vợ nhưng cháu nói đợi lúc nào xong nghĩa vụ thiêng liêng với Tổ quốc, rồi về học nghề lái xe và đi xuất khẩu lao động. Lúc nào có việc làm ổn định sẽ cưới vợ. Thế mà giờ đây, nó đã không về nữa”, Bà Lý gào khóc.
Ở góc bên kia, chị Thiều Thị Nhung vợ Thượng úy Trần Quốc Dũng (sinh năm 1984), quê ở xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh cũng nghẹn ngào gục đầu vào vai người họ hàng.
Theo người thân, anh Dũng công tác tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 (Quân khu 4, Bộ Quốc phòng) từ năm 2011 đến nay. Anh Dũng và chị Nhung nên duyên vợ chồng cách đây 7 năm, nay đã có 2 người con, đứa 7 tuổi và 3 tuổi.
Ngay khi nhận được tin báo chồng gặp nạn, chị Nhung đã cùng người thân tức tốc bắt xe vào Quảng Trị để theo dõi công tác tìm kiếm, chờ đón thi thể chồng. Ở nhà khi nghe tin dữ về con trai, bà Nguyễn Thị Tứ (61 tuổi, mẹ anh Dũng) như ngã quỵ, nằm bệt trên giường cả mấy ngày nay.
Chị Nhung cho biết, trước hôm xảy ra sự việc đau lòng, anh Dũng gọi điện về nói sắp đến ngày sinh nhật của chị nên đã chuẩn bị quà tặng, sau đó sẽ xin cắt phép về quê tổ chức sinh nhật cho vợ. Biết vợ hay lo lắng, anh cũng trấn an rằng, chỗ đóng quân của anh có mưa to nhưng ít khi có sự cố thiên tai lớn. "Vậy mà, anh ơi, anh ơi... Mất anh rồi mẹ con em biết nhờ cậy vào ai", chị Nhung nghẹn ngào.
Trước đó, vào rạng sáng 18/10 tại Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 337 bị sạt lở đất, hàng triệu m3 đất đá đổ xuống khu nhà Tham mưu, nơi có 27 quân nhân đang lưu trú. 5 người may mắn thoát nạn, 22 người còn lại bị vùi lấp, mất tích.
Trong danh sách có 4 sĩ quan (1 thượng tá, 3 trợ lý), 10 quân nhân chuyên nghiệp và 8 hạ sĩ quan, binh sĩ. Số quân nhân chuyên nghiệp chủ yếu là lực lượng hậu cần, kỹ thuật.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, vào 2h sáng 18/10, lực lượng cứu hộ của UBND tỉnh Quảng Trị cùng với Quân khu 4, Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh đã lập tức ứng cứu, trên tinh thần huy động tất cả lực lượng, phương tiện tham gia. Tranh thủ từng giây phút một để tìm kiếm các quân nhân bị vùi lấp.
Đến chiều 19/10, toàn bộ 22 thi thể quân nhân gặp nạn đã được tìm thấy và đưa về quàn tại Nhà huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Quảng Trị. Dự kiến lễ truy điệu và tang lễ sẽ được tổ chức trong thời gian sớm nhất.