| Hotline: 0983.970.780

Sức sống hồi sinh trên 'vành đai lửa'

Thứ Tư 01/05/2019 , 10:01 (GMT+7)

Nếu như 50 năm trước, những cuộc càn quét ngày đêm của địch quanh căn cứ Chu Lai không thể ngăn nổi ý chí quyết tâm giữ đất, giữ làng của quân dân Núi Thành, thì bây giờ, khi chiến tranh khốc liệt đã lùi xa, người ta lại được chứng kiến một quyết tâm khác.

Đó là biến vùng đất từng được mệnh danh là “vành đai lửa” này trở thành một trong những Khu kinh tế (KKT) trọng điểm của miền Trung.
 

Ký ức về một thời oanh liệt

Dẫn chúng tôi đi dọc tuyến đường Quốc lộ 1A qua địa phận huyện Núi Thành (Quảng Nam), hướng về phía những nhà máy, khu công nghiệp đang đua nhau mọc lên giữa miền đất cát trắng, ông Nguyễn Văn Lời (SN 1949, trú thôn Vân Thạch, Tam Hiệp, Núi Thành) cho biết vùng đất này trước đây chính là căn cứ của đội du kích Kỳ Khương (nay là xã Tam Hiệp). Đội du kích này thành lập ra với nhiệm vụ đấu tranh chống lại ý đồ tạo vành đai trắng của Mỹ quanh căn cứ Chu Lai.

15-32-40_1
Đình làng Hương Hội - nơi ông Lời và đội du kích năm xưa đến họp bàn và nghe chỉ thị của cấp trên

Ông Lời cũng chính là một trong những chiến sĩ du kích mà trước đây có tên gọi khác là đội công tác Kỳ Khương. Đến bây giờ, dù đã bước qua tuổi 70 nhưng ông Lời vẫn nhớ như in những ngày tháng đấu tranh oanh liệt của ông và đồng đội tại vùng đất đầy khỏi lửa này. Còn nhớ, vào tháng 5/1965, quân Mỹ đổ bộ vào cảng Kỳ Hà, huyện Nam Tam Kỳ (nay là huyện Núi Thành) với 5 tiểu đoàn của Sư 1, 1 tiểu đoàn công binh, 1 tiểu đoàn pháo 105 ly, 1 đại đội pháo 105 ly, 2 đại đội xe bọc thép, 1 đại đội pháo tự hành, 5 phi đoàn máy bay trực thăng, 1 phi đoàn máy bay phản lực tiềm kích.

“Chúng đổ một lực lượng lớn về đây để xây dựng căn cứ Chu Lai rồi mở nhiều đợt càn quét về hướng Tây của căn cứ, đẩy lùi lực lượng chiến đấu của ta nhằm tạo một vành đai trắng bảo vệ. Suốt trong vòng 1 năm, hầu như ngày nào chúng cũng tổ chức nhiều đợt truy lùng bằng bộ binh, xe tăng, càn quét nhiều trận bom. Đội du kích của chúng tôi lúc đó đã đánh trả quyết liệt, tiêu diệt được 100 tên lính mỹ, 2 máy bay trực thăng, 10 xe tăng của địch”, ông Lời kể lại.

Dù vậy, để có được những thành tích đó, đội công tác Kỳ Khương cũng phải chịu nhiều mất mát. Từ 170 chiến sĩ thời điểm đầu thành lập thì sau 1 năm chỉ còn lại 50 người. Rồi một số đồng chí khác vì lý do sức khỏe nên được đưa về hậu phương. Đến cuối năm 1966 toàn đội chỉ còn lại vỏn vẹn 30 người. Từ đây, đội chia làm 2 đơn vị, ông Lời cùng với 14 đồng đội khác được giao nhiệm vụ hoạt động ở cánh Bắc Núi Thành với nhiệm vụ hoạt động nửa công khai, nửa bí mật vừa chiến đấu, vừa vận động nhân dân thanh niên trong vùng bổ sung vào bộ đội.

“Từ đó, chúng tôi đào hầm, ẩn nấp ở trong dân và mỗi lần có chỉ thị sẽ tập trung ở đình làng Hương Hội để triển khai tác chiến. Từ đầu năm 1967, địch tiếp tục thực hiện nhiều cuộc càn quét, xây dựng hàng loạt đồng bốt hòng đẩy lùi quân cách mạng ta ra xa căn cứ Chu Lai. Từ trung tâm huyện Núi Thành ra phía Bắc khoảng 10km đã có đến hơn 30 đồn bốt của địch. Tuy vậy, chúng không thể nào truy lùng được căn cứ của chúng tôi. Đến giữa năm 1967, chúng tôi nhận được chỉ thị không đấu tranh vũ trang nữa mà chuyển qua công tác vận động để chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968”, ông Lời nhớ lại.

Năm 1968, chiến dịch bùng nổ, ông và đồng đội hòa vào biển người tham gia biểu tình đấu tranh chính trị. Tuy nhiên, địch man rợ đàn áp, giết chết 31 người, làm bị thương 10 người trong đó có 3 chiến sĩ trong đội du kích Kỳ Khương cũng hy sinh. Cũng sau lần này, hầu hết các hầm căn cứ của đội du kích bị lộ. Ông Lời cùng đồng đội phải tạm lui về sau núi, ăn tạm lá rừng, trái cây dại để cầm cự rồi đến tối lại tìm vào lòng địch, xây dựng lại căn cứ trong dân.

Nói đến đây, giọng ông chùng lại, sau một hồi trầm ngâm, ông kể tiếp: “Giai đoạn cuối năm 1969, có thời điểm suốt 14 ngày đêm liên tục lẻn vào trong vùng địch kiểm soát thì có đến 12 đêm chúng tôi bị phục kích. Nhiều đồng đội đã hy sinh, bản thân tôi cũng 2 lần bị thương nhưng vẫn chưa lúc nào ý chí bị khuất phục. Đến năm 1971, thì cuối cùng cũng hoàn thành nhiệm vụ tạo căn cứ nhưng đội chúng tôi chỉ còn vỏn vẹn 2 người”.

Nơi đặt bia tưởng niệm chiến tích về cuộc đấu tranh của người dân Núi Thành bây giờ đây chính là Khu kinh tế mở Chu Lai

Xây dựng được căn cứ, ông cùng người đồng đội còn lại của mình tiếp tục vận động thanh niên rồi đào tạo tham gia vào đội công tác. Đến khoảng năm 1974, đội của ông đã tăng lên được 12 người và bắt đầu chủ động đánh địch, sẵn sàng cho những chiến dịch lớn. Năm 1975, kháng chiến nổ ra khắp nơi, lực lượng địch ở căn cứ Chu Lai bị kéo dãn ra nhiều chiến trường, bộ đội chủ lực của ta cũng bắt đầu tấn công vào căn cứ bằng pháo binh từ những ngọn đồi gần đó. Chính quyền ngụy quân, ngụy quyền vô cùng hoảng loạn.

“Lúc đó đội công tác chúng tôi cùng phối hợp đánh vào cứ địa Chu Lai, 12 tay súng của đội công tác cùng với bộ đội chủ lực đã giải phóng được Núi Thành. Địch buông vũ khí đầu hàng. Số lượng vũ khí mà quân địch để lại tôi còn nhớ là phải chở đến 3 xe tải nhưng vẫn không hết”, ông Lời tự hào.
 

Đổi thay trên quê hương anh hùng

Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày giải phóng, Núi Thành giờ đây đã có những bước chuyển mình đáng kể. Mấy ai ngờ được, vùng đất chỉ toàn đồi núi và cát trắng năm đó, giờ lại trở nên tươi mới, nhộn nhịp và tràn đầy sức sống như bây giờ. Hàng loạt nhà máy, công trình mọc lên san sát, cùng những cánh đồng lúa trải dài xanh mướt bao quanh khiến cho Núi Thành giờ đây đã thực sự được thay da đổi thịt.

Đứng cạnh bia tưởng niệm chiến thắng, từng mảng kí ức về một thời gian khó mà oanh liệt cứ dần hiện lên rõ nét trong ánh mắt của người lính can trường năm xưa. Ông Lời có lẽ vẫn chưa tin được rằng, quê hương mình lại trở mình mạnh mẽ đến vậy.

“Sau ngày giải phóng, vùng cứ địa năm xưa chỉ toàn là đồi núi cằn cọc sỏi đá. Cuộc sống cứ thế gian truân, tất cả chỉ dựa vào mấy sào ruộng dưới chân núi. Năm được, năm mất. Vậy mà cũng qua đi một thời gian khó… Rồi bây giờ, người dân đã không còn phụ thuộc chủ yếu vào đồng ruộng nữa. Con em trong vùng được vào làm việc trong KKT, nhà máy, cuộc sống cũng tuy chưa phải là giàu có nhưng cũng sung túc hơn rồi”, ông Lời tâm sự.

Có thể nói, năm 2003 chính là bước ngoặt đánh dấu sự chuyển mình của Núi Thành, với sự ra đời của Khu Kinh tế mở (KKTM) Chu Lai. Không phải ngẫu nhiên mà Núi Thành được chọn để xây dựng KKT. Bởi lẽ, dù có xuất phát điểm thấp nhưng đây lại là nơi hội tụ rất nhiều tiềm năng. Vốn dĩ Chu Lai nắm giữ vị trí chiến lược vô cùng quan trọng tại miền Trung. Đây không chỉ là nút thắt giao thông quan trọng, kết nối các địa phương liên tỉnh thông qua quốc lộ 1 mà còn là điểm hội tụ của đường ven biển quốc gia, đường sắt xuyên việt, đường biển qua cảng Kỳ Hà...

15 năm từ khi thành lập KKTM Chu Lai, Núi Thành đã là trung tâm phát triển công nghiệp nhanh và mạnh nhất của Quảng Nam. KKTM Chu Lai cũng khởi đầu hình thành từ vùng đất cũ - vùng đất “dư” những anh hùng lẫn thương tổn, giờ được đánh giá là KKT thành công lớn của Việt Nam, đóng góp hơn 60% tổng thu ngân sách Quảng Nam.

15-32-40_3
Vùng căn cứ cách mạng bây giờ đã là khu kinh tế sầm uất bậc nhất miền Trung

Ông Nguyễn Tri Ấn, Bí thư Huyện ủy Núi Thành cho rằng, từ khi KKTM Chu Lai được hình thành, vùng đất cát dưới chân Tượng đài chiến thắng Núi Thành đã hồi sinh và bừng sáng. Hàng loạt dự án đầu tư xây dựng đã tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế và chuyển dịch cơ cấu lao động. Trước đây, khi chưa có các nhà máy đi vào hoạt động, người dân Núi Thành chủ yếu làm ruộng và khai thác thủy sản. Còn bây giờ, họ đã trở thành công nhân của các nhà máy sản xuất ngay trên quê hương mình với thu nhập ổn định. Núi Thành đang nỗ lực phấn đấu đạt tiêu chí đô thị loại IV và trở thành thị xã vào năm 2020.

Cuối chiều, khi ánh hoàng hôn đã khuất dần sau dãy núi, từng tốp người hối hả trở về từ các công ty, nhà máy. Xa xa trên con đường làng thẳng tắp như xẻ đôi cánh đồng lúa nước, rộn ràng với những chuyến xe chở bao thóc đầy... Một khung cảnh no ấm, đủ đầy đang thế chỗ cho những đau thương, mất mát của Núi Thành một thời hoa lửa...

Xem thêm
Công tử Bạc Liêu trên màn ảnh mờ nhạt cá tính

Công tử Bạc Liêu là nhân vật để lại nhiều giai thoại trong đời sống cộng đồng, nhưng khi được tái hiện thành một tác phẩm điện ảnh lại không mấy ấn tượng.

Messi và Ronaldo vắng tên trong đội hình hay nhất năm của thế giới

2 ngôi sao nổi tiếng không có tên trong danh sách đội hình hay nhất năm 2024 của bóng đá thế giới.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.