Chương trình phát triển đàn bò sữa từng gánh nhiều vấp ngã và chỉ trích. Tuy nhiên, sự vực dậy của ngành chăn nuôi bò sữa qua hơn một thập kỷ có mặt tại Việt Nam đang tái khẳng định tinh thần của chính sách này không hề chệch hướng.
Ông Lê Bá Lịch (ảnh), nguyên Phó Cục trưởng Cục Khuyến nông – Khuyến lâm cũ (Bộ NN-PTNT) cho rằng, với dư địa còn vô cùng lớn, chính sách cho bò sữa ngay lúc này cần tiếp tục có tầm nhìn dài hơi.
Xin lật lại về Quyết định 167, bối cảnh nào chúng ta có chủ trương phát triển bò sữa, thưa ông?
Đến năm 1999 – 2000, tình cảnh về chăn nuôi bò sữa lúc ấy rất rệu rã. Số lượng bò sữa cả nước chỉ còn mấy chục nghìn con, chủ yếu tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ tại TP.HCM. Có hai nơi người ta khẳng định nuôi được bò sữa là Mộc Châu và Lâm Đồng thì tình cảnh cũng rất bi đát, Mộc Châu chỉ còn 1.500 con, còn nông trường Đức Trọng (Lâm Đồng) thì giải tán, bán đất cho Đài Loan trồng rau.
Bình quân sữa/người lúc đó của Việt Nam chỉ chưa nổi nửa lít/người/năm, trong khi ấy ngay Trung Quốc bên cạnh Việt Nam thôi, bình quân sữa của họ thời điểm đó đã 10-11 lít/người/năm, Thái Lan 17-18 lít/người/năm, nhìn ra thế giới như châu Âu còn ngợp hơn, tới trên 70 lít/người/năm…
Tôi là một trong những người tham gia chấp bút cho cố Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn ký Quyết định 167. Nhưng lúc ấy, nhiều quan điểm trong ngành lại phản ứng gay gắt.
Đặc biệt là khi một số bò sữa NK về nuôi bị thiệt hại, người ta khăng khăng cho rằng Việt Nam không thể nào nuôi được bò sữa thuần. Nhưng thực tế bây giờ đã trả lời, chúng ta hoàn toàn nuôi được bò sữa thuần.
Điều gì khiến ngay từ ban đầu, ông tự tin cho rằng Việt Nam hoàn toàn nuôi được bò sữa thuần?
Quan điểm trước đây của nhiều nhà khoa học cho rằng Việt Nam chỉ nuôi được bò sữa lai có ½, ¾, cùng lắm 7/8 máu ngoại, và chỉ nuôi được ở vùng ôn đới.
Tôi đã sang Israel từ năm 2000, nơi có nhiệt độ thường xuyên nóng tới trên 40 độ C, nhưng họ nuôi bò sữa năng suất tới trên 40 lít/con/ngày, nên Việt Nam không có lí gì không nuôi được.
Một số lô bò sữa thuần trước đây NK về bị yếu, chết chủ yếu do chúng ta nhập toàn bò chửa, bị ảnh hưởng do di chuyển tàu biển dài ngày, những lô về sau chúng ta nhập bò non, về vẫn phát triển bình thường.
Trước đây bò sữa lai trên nền bò Sind, giỏi lắm năng suất chỉ 12-13 lít/ngày đã khó, bây giờ bò sữa thuần của TH True milk mấy chục nghìn con, họ nuôi ở Nghệ An, nóng như thế mà năng suất sữa tới 28-32 kg/con/ngày, và còn kế hoạch mở rộng, toàn bò sữa thuần cả chứ có phải bò lai đâu?
Tóm lại, đến giờ phút này mà nói, chương trình bò sữa đã gặt hái được 2 cái thắng, mà cái thắng đầu tiên là thắng về quan điểm.
Vậy cái thắng còn lại theo ông là gì?
Chiến thắng thứ đến là dân đang có một nghề mới, nghề nuôi bò sữa. Một con bò sữa bây giờ mỗi năm trừ tất tần tật lãi 30-35 triệu đồng là điều không phải bàn cãi.
Các DN thu mua sữa cho dân vẫn cao chót vót tới hơn 13 nghìn đồng/kg là bởi so với NK, họ mua sữa của dân SX trong nước vẫn còn rẻ hơn. Khó có ngành gì trong nông nghiệp mà lợi nhuận trên 50% như bò sữa.
Dân nuôi bò lãi 50%, các DN sữa hiện nay cũng lãi trên 50%. Ngay cả người trồng cỏ bán cho người nuôi bò sữa thôi, ở Củ Chi (TP.HCM) một ha cỏ họ thu 150-170 tấn, mỗi kg cỏ loại I giá 1.000 đ, cỏ loại II 800 đồng/kg, tính ra mỗi ha thu lãi cao gấp 4 lần trồng lúa.
Tái cơ cấu nông nghiệp là đó chứ đâu?
Theo ông, khả năng phát triển bò sữa của chúng ta tới đâu, đàn bò bao nhiêu thì vừa?
Phát triển bò sữa ở Việt Nam có bền được không? Hoàn toàn có.
Bò sữa đang đem lại sự thay da đổi thịt cho nhiều địa phương
"Không chỉ bò sữa, ngành nông nghiệp nên nghiêm túc có chiến lược phát triển bò thịt. Xu hướng tất yếu dân rồi sẽ ăn ngon mặc đẹp, thịt bò hiện mới chỉ 7% trong cơ cấu tiêu thụ thịt ở Việt Nam, và nhu cầu thịt bò tất yếu sẽ tăng lên tới 25-30% trong cơ cấu tiêu dùng thịt y như các nước phát triển. Một cân thịt bò hiện lên tới 250 – 280 nghìn đồng, trong khi 1kg lúa cao lắm chỉ có 7 nghìn đồng, nghĩa là phải bán 35-40kg lúa mới mua được một cân thịt bò. Thử hỏi dân trồng lúa bao nhiêu mới có tiền ăn thịt bò? Sao không chuyển lúa sang trồng cỏ nuôi bò, bò thịt cũng rất có lãi chứ chẳng phải không?" (Ông Lê Bá Lịch) |
Tốc độ tăng trưởng đàn bò nhiều năm qua vẫn tằng tằng 12-14%/năm. Năm 2014 dự kiến tổng đàn bò sẽ lên trên 206 nghìn con, thực tế có thể còn cao hơn nhiều. Năm 2013, sản lượng sữa chúng ta đạt 456 nghìn tấn, năm nay triển vọng sẽ đạt 545 nghìn tấn.
Như vậy sau 14 năm có mặt bò sữa, từ chỗ bình quân sữa/người chỉ chưa đầy nửa lít/năm, đến năm 2014, chúng ta đã có bình quân sữa/người đạt 6 lít/người/năm. Tất nhiên so với Trung Quốc, Thái Lan thì ta chưa là gì, nhưng rõ ràng đã có bước phát triển đáng mừng.
Dư địa bò sữa của Việt Nam còn vô cùng lớn, đặc biệt khi GDP/người tăng càng cao thì nhu cầu sữa càng khủng khiếp.
Thái Lan bây giờ bình quân sữa có thể đã 25 lít/người/năm, Trung Quốc chắc cũng 17-18 lít/người/năm rồi. Chúng ta phấn đấu bằng như họ thì còn khơi xa.
Việt Nam rồi cũng sẽ phát triển tới như châu Âu, con người luôn tính tới ăn ngon, mặc đẹp, nhu cầu sữa bình quân rồi sẽ tới 100 lít/người/năm như châu Âu. Vì thế chiến lược cho bò sữa phải tính tới chuyện dài hơi, với kịch bản dân số và nhu cầu sữa 70-80 lít/người/năm.
Trước mắt, theo ông cần có chính sách gì để đáp ứng nhu cầu mở rộng, tăng đàn bò sữa?
Một số tỉnh định hướng phát triển bò sữa ven đất bãi dọc các sông tôi nghĩ là rất hợp lí. Bản đồ bò sữa đã thay đổi rồi, không thể đưa lên núi được, mà phải nuôi ở chỗ nào có đất rộng, trồng được cỏ, mà đất trồng cỏ phải là đất tốt, 1 tháng thu hoạch 1 lần.
Phát triển bò sữa thì nhất định phải đi với DN, phải có DN thu mua, chế biến, chứ không thể ồ ạt nuôi bò, vắt sữa ra rồi đổ cho lợn ăn như trước đây.
Về vốn, Quyết định 167 trước đây chỉ chủ yếu hỗ trợ trực tiếp, đặc biệt về giống mà chưa tính xa tới hỗ trợ phát triển duy trì đàn bò. Hiện nay ngân hàng cho vay lãi suất 7%/năm là khá ổn rồi, tuy nhiên cho nông dân vay phát triển đàn bò nên có chính sách ân hạn lãi suất, tối thiểu là 2 năm.
Cho dân vay thì đừng có tính lãi ngay, đợi bò họ vắt được sữa rồi hẵng tính lãi. Chính sách này các nước họ làm rất tốt, nhưng Việt Nam thì chưa quen lắm.
Bên cạnh đó, chính sách bảo hiểm cho bò sữa rất nên triển khai, nhà nước phải đứng ra hỗ trợ một phần để giúp người nuôi bò mua bảo hiểm, tránh rủi ro. Bảo hiểm cho bò sữa tôi nghĩ là sẽ dễ triển khai mà thôi.
Xin cảm ơn ông!