| Hotline: 0983.970.780

Tân Chủ tịch EuroCham Gabor Fluit: 'EuroCham sẽ giúp Việt Nam lấy được thị trường lớn hơn ở châu Âu'

Chủ Nhật 19/03/2023 , 17:23 (GMT+7)

Đó là chia sẻ của tân Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Gabor Fluit với Báo Nông nghiệp Việt Nam ngay sau khi ông nhậm chức 1 ngày.

Tôi rất quan tâm đến các chính sách liên quan đến nông nghiệp

Đầu tiên, xin chúc mừng ông trúng cử chức Chủ tịch EuroCham. Cảm xúc của ông lúc này như thế nào?

Chủ tịch EuroCham có vai trò khá quan trọng, bởi chúng tôi đại diện cho 8 hiệp hội doanh nghiệp của các quốc gia châu Âu. Mỗi hiệp hội cử 1 người trong Ban Quản trị của EuroCham.

Đặc biệt, Chủ tịch EuroCham đại diện cho 1.300 doanh nghiệp của châu Âu. Sau khi Việt Nam và châu Âu ký kết Hiệp định thương mại tự do EVFTA, rất nhiều doanh nghiệp châu Âu đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam và nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam rồi, họ cũng rất quan tâm đến các chính sách của Chính phủ. Họ luôn muốn có những ý kiến góp ý cho Việt Nam đi đúng hướng và thu hút được thêm nhiều nguồn đầu tư hơn nữa từ bên ngoài.

fluit

Ông Gabor Fluit phát biểu tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh" do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì.

Tôi là một người đi lên từ lĩnh vực nông nhiệp, do đó ở cương vị Chủ tịch EuroCham, tôi rất quan tâm đến các chính sách và chương trình liên quan đến nông nghiệp. Tôi nghĩ rằng với giá trị xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam hiện tại và cơ hội phát triển trong tương lai, thì các doanh nghiệp châu Âu cũng có thể đóng góp được một phần khá lớn trong việc thúc đẩy xuất khẩu và sản xuất các sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm cho cả người dân Việt Nam và cả thế giới.

Ông đánh giá như thế nào về chính sách phát triển của Việt Nam trong thời gian vừa qua, nhất là các chính sách kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào Việt Nam?

Trong mười mấy năm gần đây, so với các quốc gia khác thì Việt Nam ký kết khá nhiều hiệp định thương mại tự do và đó là bằng chứng cho thấy Việt Nam muốn mở cửa thị trường; Việt Nam hiểu rằng muốn phát triển kinh tế thì phải hợp tác với rất nhiều quốc gia khác.

Sáng 19/3, tại phiên cấp cao Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên với chủ đề "Cộng đồng doanh nghiệp đồng hành cùng Chính phủ Việt Nam trong thúc đẩy tăng trưởng xanh", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã so sánh giữa Philippines và Việt Nam.

Cách đây 25 năm quy mô nền kinh tế Philippines gấp Việt Nam 8 lần và đến bây giờ Việt Nam đã vượt Philippines. Đó là nhờ một phần đóng góp đầu tư của các doanh nghiệp nước ngoài (FDI) cùng với sự nỗ lực hợp tác của các doanh nghiệp Việt Nam.

EuroCham luôn luôn hợp tác với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) để tìm cách phối hợp với Chính phủ, áp dụng các chính sách mới nhất thúc đẩy kinh tế. Năm vừa rồi, so với các quốc gia khác thì Việt Nam đứng đầu trong tổng tăng trưởng kinh tế trên thế giới.

Việt Nam và EU chưa tận dụng hết được cơ hội của Hiệp định EVFTA

Trong giai đoạn vừa qua, EuroCham cũng có nhiều hành động cụ thể để thúc đẩy thực thi Hiệp định EVFTA, với vai trò mới của mình, ông sẽ thực hiện nhiệm vụ đó như thế nào?

Tôi nghĩ rằng, Việt Nam và EU ký được Hiệp định EVFTA là rất giá trị. Nhưng hiện trong quá trình áp dụng và triển khai hiệp định giữa hai bên đang gặp nhiều khó khăn nên chưa tận dụng hết được cơ hội của Hiệp định.

DSC_5984

Ông Gabor Fluit cho rằng: Tại Việt Nam đôi khi các Bộ, ngành cũng chưa thống nhất với nhau quan điểm về một chính sách nào đó. Doanh nghiệp thì nằm ở giữa nên không biết theo ai. Ảnh: Quang Linh.

EuroCham cùng với các Đại sứ quán, các Bộ, ngành liên quan sẽ tìm cách để giải quyết được khó khăn trong việc triển khai. Ví dụ, doanh nghiệp Việt Nam thì muốn xuất khẩu sang châu Âu, nhưng nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sở hữu sản phẩm có chất lượng tốt chưa xây dựng được thương hiệu. Còn các quốc gia châu Âu lại đưa ra những hàng rào kỹ thuật quá cao hoặc chưa phù hợp. EuroCham sẽ góp ý liên quan đến những vấn đề này.

Tại Việt Nam đôi khi các bộ, ngành cũng chưa thống nhất quan điểm với nhau về một chính sách nào đó. Doanh nghiệp thì nằm ở giữa nên không biết theo ai. Những vấn đề đó đã được đề cập trong cuốn “Sách Trắng” của EuroCham xuất bản năm 2021, đồng thời đưa ra những giải pháp để cải thiện, từ đó tạo được sự thu hút, lấy được cơ hội tốt từ hiệp định thương mại tự do.

Vậy theo ông đâu là những lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp châu Âu và Việt Nam có thể đẩy mạnh hợp tác trong tương lai?

Đối với ngành nông nghiệp, tôi nghĩ rằng các sản phẩm như trái cây, trà, cà phê và rất nhiều sản phẩm đã được doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu. Tuy nhiên, một số sản phẩm xuất khẩu chưa nhiều, chưa khai thác được hết cơ hội.

Và cũng phải phân tích lại là trước đây Việt Nam tập trung vào sản lượng, bán được nhiều là tốt. Còn bây giờ Việt Nam đang chuyển đổi từ sản lượng sang chất lượng, thì phải nghĩ đến việc nâng giá trị của nông sản Việt Nam lên.

Một số doanh nghiệp đang làm rất tốt, đang xây dựng hình ảnh, thương hiệu của Việt Nam tại thị trường châu Âu, nhưng một số sản phẩm chưa làm được. Đối với kinh nghiệm của EuroCham, chúng tôi có thể giúp được các doanh nghiệp Việt Nam xây dựng thương hiệu để lấy lại được thị trường lớn hơn ở châu Âu.

Điều mà ông vừa nói cũng trùng với mong muốn của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan, bởi hiện nay nền nông nghiệp của Việt Nam đang đứng trước những khó khăn và thách thức không nhỏ, đặc biệt là câu chuyện được mùa mất giá, sản xuất manh mún. Vậy EuroCham sẽ kết nối các doanh nghiệp châu Âu như thế nào để Việt Nam cùng chung tay giúp người nông dân chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp?

Chúng tôi sẽ kết nối thông qua nhiều kênh. Trong năm nay EuroCharm sẽ tổ chức cùng với một số tỉnh, thành phố, trong đó có Bộ NN-PTNT tổ chức một số hội nghị để doanh nghiệp Việt Nam đang quan tâm đến việc xuất khẩu nông sản vào châu Âu và những doanh nghiệp châu Âu quan tâm đầu tư vào Việt Nam gặp gỡ, trao đổi cơ hội hợp tác kinh doanh.

Thứ hai, năm nay có rất nhiều quốc gia châu Âu kỷ niệm 50 năm hợp tác ngoại giao với Việt Nam, ví dụ Hà Lan, Đức, Pháp. Nhờ đó, các quốc gia sẽ cử lãnh đạo cấp cao thăm Việt Nam cùng một số doanh nghiệp để đánh giá khả năng đầu tư và khả năng hợp tác vào Việt Nam. Những chuyến đi đó EuroCham sẽ kết nối doanh nghiệp Việt Nam và doanh nghiệp châu Âu với nhau thúc đẩy sự hợp tác.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Chiều 2/5, Quốc hội họp bất thường lần thứ 7

Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định triệu tập Kỳ họp bất thường lần thứ 7, Quốc hội khóa XV để xem xét nội dung về công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.

ĐBSCL thiếu nước hay không biết giữ nước?

CẦN THƠ 'Sông có nước, trên trời có nước, vậy tại sao ĐBSCL lại thiếu nước?', vấn đề được các chuyên gia đặt ra để đi tìm giải pháp cho câu chuyện giữ nước của vùng.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Vụ nổ lò hơi khiến 6 người tử vong: Công an đã xác định nguyên nhân

ĐỒNG NAI Sau khi vụ nổ lò hơi tại Công ty gỗ Bình Minh xảy ra, Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các đơn vị vào cuộc điều tra nguyên nhân của vụ việc.

Bình luận mới nhất