Phó thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh vừa ký, ban hành Nghị định 38/2022 về mức lương tối thiểu tháng và tối thiểu giờ với người lao động làm việc theo hợp đồng tại các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình.
Theo đó, người lao động tại vùng 1 được tăng lương nhiều nhất với mức tăng 260.000 đồng/tháng. Còn người lao động tại vùng 4 được tăng lương ít nhất với mức tăng 180.000 đồng/tháng.
Nghị định quy định các mức lương tối thiểu tháng theo 4 vùng: vùng I là 4.680.000 đồng/tháng, tăng 260.000 đồng, từ mức 4.420.000 đồng; vùng II là 4.160.000 đồng/tháng, tăng 240.000 đồng, từ 3.920.000 đồng; vùng III là 3.640.000 đồng/tháng, tăng 240.000 đồng, từ 3.420.000 đồng; vùng IV là 3.250.000 đồng/tháng, tăng 180.000 đồng, từ 3.070.000 đồng.
Như vậy, mức lương tối thiểu nêu trên tăng bình quân 6% (tương ứng tăng từ 180.000 đồng – 260.000 đồng) so với mức lương tối thiểu hiện hành. Mức điều chỉnh lương tối thiểu nêu trên gồm tăng 5,3% để bảo đảm đủ mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ (tính đến hết năm 2023) và tăng thêm 0,7% để cải thiện thêm tiền lương cho người lao động.
Nghị định cũng quy định các mức lương tối thiểu giờ theo 4 vùng: vùng I là 22.500 đồng/giờ, vùng II là 20.000 đồng/giờ, vùng III là 17.500 đồng/giờ, vùng IV là 15.600 đồng/giờ.
Mục đích của lương tối thiểu giờ là mở rộng độ bao phủ, bảo vệ các nhóm lao động làm công việc linh hoạt, không trọn thời gian trong các hộ gia đình, cơ sở kinh doanh nhỏ lẻ như nhà hàng, siêu thị, quán cà phê… Cách tính được quy đổi theo lương tối thiểu tháng và thời gian làm việc tiêu chuẩn. Bộ Lao động giải thích phương pháp này tránh gây xáo trộn về việc trả lương cho người lao động, ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ lao động trong doanh nghiệp.
Thực tế lương tối thiểu giờ đã được đưa vào Bộ luật Lao động năm 2012 (thi hành từ năm 2013, hiện hết hiệu lực). Điều 91 bộ luật quy định “lương tối thiểu được xác định theo tháng, ngày, giờ và xác lập theo vùng, ngành”. Tới Bộ luật Lao động 2019, lương tối thiểu ngành bị bỏ, chỉ còn xác lập theo vùng, ấn định theo tháng, giờ. Song các văn bản điều chỉnh lương hàng năm mới quy định cụ thể về lương tối thiểu tháng mà không có lương tối thiểu giờ. Theo đó, 10 năm qua vẫn chưa có quy định cụ thể thực hiện lương tối thiểu giờ ra sao.
Cũng theo Nghị định 38, mức lương tối thiểu tháng, giờ là mức thấp nhất làm cơ sở để thỏa thuận và trả lương cho người lao động. Doanh nghiệp không được áp dụng thấp hơn mức lương tối thiểu này. Với người lao động được trả lương theo tuần, ngày hoặc theo sản phẩm thì mức lương quy đổi cũng không thấp hơn mức lương tối thiểu tháng hoặc tối thiểu giờ.