Ngày 12/5, tại Hà Nội, ông Lê Quang Hùng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Việt Nam và ông Philippe Orliange, Giám đốc Điều hành toàn cầu của Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) ký kết Thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa hai bên nhằm hỗ trợ cho các đô thị Việt Nam nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi trước biến đổi khí hậu và thiên tai. Buổi lễ ký kết diễn ra dưới sự chứng kiến của ông Nguyễn Thanh Nghị, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, và ngài Nicolas Warnery, Đại sứ Pháp tại Việt Nam.
Việt Nam là một trong những nước bị tác động lớn nhất bởi biến đổi khí hậu. Nhiệt độ nóng dần và nước biển dâng, tần suất và cường độ của các hiện tượng thời tiết cực đoan kết hợp với tăng trưởng dân số và đô thị hóa càng làm cho những rủi ro về thiên tai, xói lở bờ biển cũng như ngập lụt trở nên nghiêm trọng hơn trên phạm vi cả nước.
Sự tăng trưởng đô thị, vốn là một trong những động lực chính của tăng trưởng kinh tế tại Việt Nam từ những năm 1990, đã góp phần tạo nhiều việc làm và cải thiện chất lượng các dịch vụ thiết yếu cho người dân như năng lượng, nước sạch, y tế, giáo dục và giải trí, và tạo ra một cơ sở hạ tầng không thể thiếu cho sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, đô thị hóa nhanh chóng cũng khiến cho người dân dễ bị tổn thương hơn trước những biến đổi thời tiết, đặc biệt là do các giải pháp cứng hóa bề mặt và phát triển đô thị trải rộng ở những khu vực có rủi ro tự nhiên lớn như các vùng đồng bằng chịu lụt úng nghiêm trọng.
Tại hội nghị Thượng đỉnh thứ 26 của Liên hiệp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết quyết tâm ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, đặc biệt với mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Sự lựa chọn phát triển bền vững và hạn chế phát thải carbon sẽ góp phần giải quyết khủng hoảng khí hậu và đẩy mạnh chuyển đổi nền kinh tế quốc dân.
Các đô thị có vai trò chủ chốt trong việc đạt được những mục tiêu này vì:
1. Đây là khu vực tập trung phần lớn lượng phát thải carbon, nhất là trong các ngành xây dựng và giao thông
2. Sự lựa chọn phương thức phát triển đô thị của các thành phố sẽ mang tính quyết định đối với tương lai của quốc gia, cần tính tới những khu vực chịu nhiều rủi ro từ thảm họa thiên nhiên như ngập lụt hay xói lở đất khi xác định vị trí các công trình xây mới, áp dụng các kỹ thuật xây dựng sinh thái và với mức phát thải carbon thấp, v.v…
3. Các đô thị cũng là đơn vị cấp hành chính phù hợp nhất để tăng cường khả năng chống chịu và phục hồi của người dân đô thị với biến đổi khí hậu, thông qua việc bảo vệ người dân trước những rủi ro thiên tai và đồng thời tạo thuận lợi cho họ tiếp cận các dịch vụ thiết yếu như y tế, việc làm.
Trên cơ sở đó, Thỏa thuận hợp tác được ký kết giữa Bộ Xây dựng và AFD sẽ được cụ thể hóa bằng một chương trình hành động và hợp tác trong 5 năm (2022-2027), bao gồm hoạt động hỗ trợ dành cho Cục Phát triển Đô thị trong việc soạn thảo các chính sách công và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng chống chịu, phục hồi và tăng trưởng xanh cho các đô thị; hỗ trợ cho các đô thị và tỉnh thành trong việc triển khai các dự án thí điểm; tổ chức các hội thảo và hoạt động tuyên truyền quảng bá chung.
Các hoạt động này sẽ góp phần triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, và sẽ được tài trợ bằng quỹ WARM Facility (Water and Natural Resources Management Facility) do Liên minh Châu Âu tài trợ và được ủy thác cho AFD quản lý.