Tối 27/10, tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024) và khánh thành công trình tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc".
Tham dự lễ kỷ niệm, có ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ; bà Võ Thị Ánh Xuân, Phó Chủ tịch nước, cùng nguyên lãnh Chính phủ, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa và hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Đọc diễn văn khai mạc, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Nguyễn Doãn Anh đã ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình trên đất Bắc cách đây 70 năm, khi Thanh Hóa vinh dự được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết.
Mặc dù tỉnh còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn do chiến tranh, thiên tai tàn phá nặng nề nhưng với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng, đẩy mạnh sản xuất, khẩn trương chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và điều kiện cần thiết để đón đồng bào miền Nam.
“70 năm đã trôi qua, nghĩa tình của Nhân dân miền Bắc, trong đó có Nhân dân tỉnh Thanh Hóa dành cho đồng bào miền Nam tập kết, thêm lần nữa khẳng định chân lý “Bắc - Nam một nhà”, “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc”, ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa nhấn mạnh.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh: 70 năm đã trôi qua, nhưng sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ, đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trong trái tim của biết bao thế hệ đồng bào và chiến sĩ hai miền Nam - Bắc; là bài học vô giá về “ý Đảng, lòng dân”; biểu tượng sáng ngời của tinh thần đại đoàn kết và khẳng định chân lý “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Để phát huy sức mạnh của truyền thống lịch sử văn hóa, tinh thần tự lực, tự cường và sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy mạnh mẽ ý nghĩa lịch sử to lớn của sự kiện tập kết ra Bắc, các tỉnh, thành trên cả nước, cần tăng cường hơn nữa mối quan hệ hợp tác, chung sức, đồng lòng, phát huy tối đa sức mạnh mỗi địa phương và tương trợ lẫn nhau vì một nước Việt Nam phát triển và hội nhập; tiếp tục phát huy truyền thống “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.
Cách đây 70 năm, sau thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, Hiệp định Giơ-ne-vơ về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Việt Nam và các nước Đông Dương được ký kết. Vĩ tuyến 17, dòng sông Bến Hải, đã trở thành ranh giới quân sự chia cắt hai miền Nam - Bắc. Miền Bắc được hòa bình, bước vào công cuộc xây dựng CNXH; miền Nam tiếp tục cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.
Ngay sau Hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, với tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định bố trí một bộ phận cán bộ, đảng viên ở lại để lãnh đạo cuộc chiến đấu ở miền Nam và chuyển hàng vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Vào thời điểm lịch sử ấy, Thanh Hóa vinh dự là nơi đầu tiên của miền Bắc, được Trung ương Đảng, Chính phủ và Bác Hồ tin tưởng giao nhiệm vụ đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam tập kết. Mặc dù tỉnh còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn, do bị chiến tranh và thiên tai tàn phá nặng nề, song với trách nhiệm trước Trung ương Đảng, với tinh thần “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Thanh Hóa vừa tập trung khôi phục cơ sở hạ tầng sau chiến tranh, đẩy mạnh sản xuất, vừa khẩn trương chuẩn bị lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm và những điều kiện cần thiết để đón đồng bào miền Nam tập kết.
Chính vì vậy, ngày 25/9/1954 đã trở thành thời khắc lịch sử không thể nào quên, con tàu đầu tiên, đã rẽ sóng tiến vào cửa Lạch Hới - Sầm Sơn trong tiếng reo mừng của hàng nghìn người dân Thanh Hóa, hân hoan chào đón những người con thân yêu của miền Nam ruột thịt. Chỉ trong 9 tháng (từ tháng 9 năm 1954 đến tháng 5 năm 1955), tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 47.346 cán bộ, bộ đội, 1.869 thương bệnh binh, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết; và là địa phương đón số lượng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhiều nhất cả nước.
Trong thời gian ấy, Thanh Hóa đã thành lập hàng chục trạm đón tiếp, xây dựng nhiều bệnh viện, trạm xá tại Sầm Sơn, huyện Hoằng Hóa, huyện Thiệu Hóa, để tổ chức khám chữa bệnh, chăm sóc sức khoẻ cho đồng bào ngay từ những ngày đầu đặt chân trên đất Bắc. Trên khắp mọi miền xứ Thanh, phong trào quyên góp ủng hộ đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam diễn ra sôi nổi; chuẩn bị nhiều tấn lương thực, thực phẩm; cung cấp hàng chục ngàn bộ quần áo, chăn màn và các điều kiện cần thiết khác; các huyện miền núi ngày đêm vận chuyển hàng vạn cây luồng, nứa, gỗ,... để xây dựng nhà cửa, lán trại, giúp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam nhanh chóng ổn định cuộc sống.
Sau những ngày đón tiếp, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ, học sinh miền Nam đã được đưa đến nhiều tỉnh, thành của miền Bắc, như: Hà Nội, Ninh Bình, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình, Hải Phòng... để lao động, học tập và công tác. Những người ở lại, được nhân dân Thanh Hóa chăm sóc, nuôi dưỡng học tập, lao động, sản xuất. Tỉnh đã đầu tư xây dựng trường học sinh miền Nam số 9 tại xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, góp phần đào tạo những “hạt giống đỏ” cho cách mạng và cho đất nước sau này.
Các nông lâm trường trên địa bàn tỉnh, như: Nông trường Phúc Do, Vân Du, Lam Sơn, Thống Nhất... được cán bộ, chiến sĩ, các gia đình miền Nam tập kết lựa chọn là quê hương thứ hai của mình. Nhiều cụ già, cháu nhỏ được các gia đình quê hương Thanh Hóa nuôi dưỡng, đùm bọc, "nhường cơm, sẻ áo", dành những gì tốt nhất, bằng tất cả tấm lòng và tình cảm thân thương, ruột thịt.
Đáp lại nghĩa tình sâu nặng của nhân dân Thanh Hóa và nhân dân miền Bắc, đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam, đã ra sức học tập, lao động, sản xuất, công tác, góp phần vào công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc. Nhiều người sau khi dưỡng bệnh, học tập, rèn luyện, đã lên đường nhập ngũ, trở lại quê hương, kề vai sát cánh cùng đồng chí, đồng bào, xông pha trên khắp các chiến trường, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nhiều học sinh miền Nam nỗ lực học tập, rèn luyện, phấn đấu, trở thành những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, các tướng lĩnh quân đội, công an, các nhà giáo, bác sĩ, nhà khoa học, doanh nhân thành đạt, các văn nghệ sĩ tiêu biểu... đã và đang mang sức lực, trí tuệ cống hiến cho công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại lễ kỷ niệm, chương trình nghệ thuật đặc biệt có chủ đề “Quê Thanh - Nghĩa Bắc - Tình Nam” tái hiện hình ảnh đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024); những chuyến tàu tập kết ra Bắc, chiến sĩ miền Nam; sự trưởng thành và những đóng góp to lớn của các thế hệ cán bộ chiến, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước..