Dự và phát biểu tại lễ thả cá, trên địa bàn xã Tân An Luông, huyện Vũng Liêm, bà Phạm Thị Thu Hồng, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam cho biết ngành thủy sản đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc gia, chỉ sau ngành dầu khí và dệt may. Với sự gia tăng nhu cầu về thực phẩm giàu chất đạm trên toàn cầu, thủy sản đang trở thành sự lựa chọn hàng đầu. Thủy sản của Việt Nam đã có mặt tại hơn 150 quốc gia trên thế giới, mang lại lợi ích cho tất cả người dân.
Tuy nhiên, việc sử dụng các phương pháp đánh bắt trái phép gây ra tình trạng suy giảm nguồn lợi thủy sản. Sự đe dọa tuyệt chủng đối với một số loài thủy sản đặt ra vấn đề cấp bách về việc tái tạo. Để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, việc tăng cường vận động và tuyên truyền là vô cùng quan trọng. Mọi người cần nhận thức và hành động để bảo vệ nguồn lợi chung của đất nước.
Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, từ năm 2010 đến nay Chi cục Chăn nuôi Thú y và Thủy sản (trước đây là Chi cục Thủy sản) đều tổ chức các hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản vào ngày 1/4 cũng như phối hợp với Giáo Hội phật giáo Việt Nam tỉnh Vĩnh Long hằng năm thả hàng triệu con cá ra tự nhiên.
Bên cạnh hoạt động thả cá thì ngành thủy sản địa phương đã phối hợp triển khai các hoạt động tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong lĩnh vực bảo vệ nguồn lợi thủy sản tới các tổ chức, cá nhân, các tăng ni, phật tử và người dân. Tăng cường tuần tra, kiểm tra kiểm soát tình hình sử dụng xung điện, kích điện để đánh bắt thủy sản trên địa bàn tỉnh. Tổ chức tuyên truyền, vận động ngư dân không đánh bắt thủy sản trái quy định của pháp luật, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
Phong trào thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản là một việc làm có ý nghĩa và hết sức thiết thực. Đây là một trong những biện pháp nhằm phục hồi, tái tạo đàn các loại thủy sản đang bị suy giảm, giúp cải thiện sinh kế cho cộng đồng người dân sống phụ thuộc vào nguồn lợi thủy sản. Đồng thời thông qua đó nâng cao nhận thức cộng đồng, đặc biệt là thế hệ trẻ đối với công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản.
Ông Liêm cho biết, chiến lược phát triển thủy sản của Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến 2050 đã xác định hoạt động thả giống bổ sung, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản phải được coi trọng, thực hiện thường xuyên trên cả nước và được xã hội hóa sâu rộng. Với ý nghĩa to lớn như thế đối với cộng đồng, việc thả cá ra tự nhiên để tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân ngày 1/4 cần tiếp tục được duy trì và phát huy hơn nữa.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long mong muốn tiếp tục nhận được sự chung tay, góp sức của các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài ngành thủy sản cùng các tăng ni, phật tử và bà con nhân dân để hoạt động thả cá tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày càng thiết thực, hiệu quả và mang lại nhiều ý nghĩa.
Các đại biểu đã thả 363.500 con cá giống các loại ra tự nhiên như cá trê, cá chép, cá tra, cá hường, cá trắm cỏ, cá rô phi, cá điêu hồng… với tổng giá trị là 180 triệu đồng. Trong đó, tiền ngân sách nhà nước là 24 triệu đồng, còn lại từ sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài ngành thủy sản.