Trận mưa lớn nhất trong khoảng 20 năm
Trận mưa dông xảy ra đêm 12, rạng sáng 13/5 đã gây thiệt hại lớn về tài sản và ảnh hưởng đến giao thông tại một số huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Theo đó, trận mưa lớn xảy ra đêm 12/5 đã khiến khoảng 10 m cầu suối Chùn, thuộc xóm Suối Chùn, xã Hoàng Nông, huyện Đại Từ bị cuốn trôi. Đến sáng 13/5, lượng nước lớn ở thượng nguồn vẫn dồn về, kèm theo những cây gỗ.
Tại xóm La Kham, xã Hoàng Nông, mưa lớn dồn về khiến nước dâng cao hơn mặt cầu tràn 7, khu vực giáp xã Khôi Kỳ khoảng 1 m, khiến nhiều diện tích lúa, chè của người dân bị thiệt hại.
“Gia đình tôi có 3 sào chè đang cho thu hoạch. Trận mưa lớn vào tối 12/5 đã khiến toàn bộ diện tích chè trên bị úng, long gốc, rác dồn về nhiều ứ đọng trên ngọn chè. Ước tính 70% số gốc chè sẽ phải trồng lại”, ông Nguyễn Huyền Điều, người dân xóm La Kham, cho biết.
Theo thống kê sơ bộ, trận mưa dông lớn đã làm toàn xã Hoàng Nông thiệt hại 6 ha lúa, chè; làm trôi 1/3 cầu suối Chùn. Ông Nguyễn Anh Tấn, Chủ tịch UBND xã Hoàng Nông thông tin, riêng đối với cầu suối Chùn, trước đó, UBND xã đã có đề xuất và được UBND huyện Đại Từ đồng ý chủ trương đầu tư xây mới để đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu giao thông của người dân.
“Đây là trận mưa có lượng nước dồn về lớn nhất trong khoảng 20 năm trở lại đây tại xã Hoàng Nông. Rất may mắn là địa phương đã không xảy ra thiệt hại về người”, ông Nguyễn Anh Tấn chia sẻ.
Theo thống kê của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn huyện Đại Từ, do ảnh hưởng bởi cơn mưa dông, xã Cát Nê có 1 công trình nhà ở, 17 công trình phụ bị tốc mái. Nước ngập vào nhà dân ở xã Mỹ Yên, gây hư hỏng nhiều giường, tủ, bàn ghế… Ước thiệt hại là 250 triệu đồng.
Ngoài ra, mưa lớn cũng gây ngập úng, đổ gãy khoảng 33 ha chè, lúa và rau màu các loại ở các xã Mỹ Yên, Cát Nê và Hoàng Nông, gây sạt lở, sập cầu, phá vỡ lòng suối, chia cắt giao thông đường trục xóm ở xã Mỹ Yên, Hoàng Nông…
180 ha diện tích lúa, hoa màu và lâm nghiệp bị ảnh hưởng
Theo rà soát của TP. Thái Nguyên, ước tính dông lốc gây thiệt hại 1,45 tỷ đồng, chủ yếu là nhà bị tốc mái, thiết bị gia dụng bị hỏng do ngập nước, hoa màu, chè bị ngập…
Còn tại huyện Đồng Hỷ, mưa dông làm tốc mái nhà và hỏng téc nước của 4 gia đình và làm đổ tấm pano Làng nghề chè xóm Khe Mong, xã Văn Lăng. Tại thị trấn Sông Cầu, mưa to làm ngập úng 1,16 ha lúa và hoa màu; 110m tường rào của 1 hộ dân và Trường THCS thị trấn Sông Cầu bị đổ. Tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 190 triệu đồng.
Huyện Phú Lương là địa phương bị thiệt hại nặng nhất trong trận mưa dông diễn ra đêm 12, rạng sáng 13/5 tại tỉnh Thái Nguyên. Theo đó, toàn huyện Phú Lương đã có 175 nhà bị tốc mái, 3 nhà dân bị sập hoàn toàn. Trong đó, riêng xã Yên Trạch có 151 hộ bị tốc mái, 2 mái tôn của chợ trung tâm xã bị tốc mái, 70 m tường rào của Trường THCS Yên Trạch bị sập, 1 cột điện trung thế và 2 cột hạ thế bị gãy đổ…
Ngoài ra, khoảng 180 ha lúa, hoa màu và lâm nghiệp tập trung ở các xã Yên Ninh, Yên Đổ, Yên Trạch và Yên Lạc đã bị gãy đổ, ngập nước. Cùng với đó, một số đường tràn, ngầm tràn tại các địa phương cũng bị ngập nước và một số điểm tại xã Phú Đô bị sạt lở đất, đá khiến giao thông đi lại khó khăn. Tổng thiệt hại sau trận dông lốc ước tính trên 3,6 tỷ đồng.
Là cơ quan Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn của huyện, ngay từ sáng sớm ngày 13/5, Phòng NN-PTNT huyện Phú Lương đã đề nghị các xã khẩn trương rà soát, kiểm đếm thiệt hại. Đồng thời huy động lực lượng dân quân tự vệ giúp đỡ các nhà dân bị ảnh hưởng, dọn dẹp đường giao thông bị sạt lở…
“Đến nay, chúng tôi đã bố trí được nơi ở tạm thời cho 3 hộ dân bị sập nhà hoàn toàn, sửa chữa khắc phục tạm thời cho hầu hết các nhà dân bị tốc mái…”, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Phú Lương, cho biết.
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên, mặc dù xảy ra mưa lớn kèm dông lốc nhưng do được cảnh báo kịp thời, người dân cũng đã có sự chuẩn bị từ trước nên các địa phương không có thiệt hại về người.
Sau khi xảy ra thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố đã trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả tại các nơi bị ảnh hưởng. Lãnh đạo các địa phương đã thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho các gia đình bị thiệt hại lớn về tài sản. Công tác rà soát, thống kê thiệt hại vẫn đang được các địa phương tiếp tục tổng hợp.
Mưa dông trở lại từ đêm 15/5
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp nên từ chiều tối 12/5 đến sáng sớm 13/5, khu vực Bắc bộ và Bắc Trung bộ đã có mưa rào và dông, cục bộ có mưa to đến rất to.
Lượng mưa tính từ 19h ngày 12/5 đến 3h ngày 13/5 có nơi trên 100mm như Chúc Sơn (Hà Nội) 164.6mm, Hạ Hòa (Phú Thọ) 164mm, Ân Thi (Hưng Yên) 120mm, Mỹ Yên (Thái Nguyên) 103.2mm.
Theo dự báo, các ngày 14/5 và 15/5, miền Bắc và Bắc Trung bộ ít mưa. Từ đêm 15/5, khu vực này đón mưa dông trở lại, nhiều nơi xuất hiện mưa vừa, mưa to đến rất to.
Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cảnh báo, mưa dông liên tiếp sẽ dẫn đến nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tăng cao. Cơ quan khí tượng khuyến cáo người dân cần thường xuyên theo dõi thông tin cảnh báo tình hình mưa lũ tại nơi đang sống để chủ động đối phó.
Đồng thời, cần kiểm tra xung quanh nhà để phát hiện, khắc phục nguy cơ sạt lở đất; chuẩn bị thuyền, phao, bè, mảng, vật nổi; gia cố nhà làm gác lửng, lối thoát trên mái nhà để ở tạm, cất giữ đồ đạc đề phòng lũ lên cao.
Đặc biệt, cần thường xuyên kiểm tra hệ thống thoát nước của các công trình thủy, tránh nguy cơ bị tràn, vỡ. Người dân cũng cần bảo vệ nguồn nước và dự trữ nước uống, lương thực, thực phẩm để đủ dùng ít nhất trong 7 ngày.