Diễn đàn được tổ chức kết hợp theo hai hình thức tường thuật trực tiếp trên Báo Nông nghiệp Việt Nam và trực tuyến trên nền tảng Zoom. Đây là sự kiện quan trọng, mang tính định hướng, nhất là khi người dân tại ĐBSCL đang bước vào vụ đông xuân 2024-2025.
Diễn đàn dự kiến bắt đầu lúc 8h và sẽ bắt đầu bằng 5 tham luận của đại diện các cơ quan: Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc BVTV Việt Nam, Công ty Syngenta Việt Nam và BIOWISH Việt Nam.
Sau giải lao, diễn đàn tiếp tục được nghe thêm 5 tham luận của các cơ quan gồm: Tổ chức Croplife Việt Nam, Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, Chi cục Trồng trọt - BVTV Cần Thơ, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Kiên Giang và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia.
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục BVTV, dự kiến sẽ tổng kết diễn đàn.
Ban tổ chức cho biết, diễn đàn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào, nhất là các vật tư nông nghiệp như phân bón, thuốc BVTV.
Cùng với đó, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Diễn đàn cũng là nơi để các bên liên quan trong ngành nông nghiệp chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, thảo luận, hợp tác và xây dựng những giải pháp thực tiễn, phù hợp với tình hình thực tế của từng địa phương, nhất là vùng ĐBSCL.
"Chúng ta sẽ cùng nhau tìm ra những giải pháp thiết thực, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, đồng thời đảm bảo sức khỏe cho cộng đồng", nhà báo Trần Cao, Phó Tổng biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, chia sẻ.
9 giờ 50 phút
Cần Thơ đã nhân rộng 10 mô hình IPHM trong trồng lúa, cây ăn quả, rau màu
Ông Huỳnh Thanh Vui, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Thành phố Cần Thơ, cho biết, địa phương có diện tích khoảng 114.000ha dành cho nông nghiệp, với diện tích chuyên canh lúa khoảng 75.000ha, diện tích cây ăn quả là 26.102ha và diện tích gieo trồng rau màu là 15.000ha.
Về hoạt động quả lý IPHM, Cần Thơ đã tích cực tuyên truyền về IPHM với hội thi “Nông dân ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) giỏi năm 2024, thu hút đông đảo nông dân tham gia; xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM.
Bên cạnh đó, thành phố cũng triển khai các lớp tập huấn nâng cao năng lực cán bộ, nông dân về IPHM, đào tạo được 30 cán bộ kỹ thuật IPHM cấp thành phố, 30 nông dân nòng cốt huyện Cờ Đỏ; xây dựng và nhân rộng được 10 mô hình IPHM trên canh tác lúa, cây ăn quả và cây rau màu.
Đánh giá về kết quả triển khai IPHM tại thành phố, ông Vui cho biết, chương trình phù hợp với giai đoạn hiện nay, đáp ứng yêu cầu kiểm soát suy thoái đất, thích ứng biến đổi khí hậu, đồng thời nâng cao giá trị sản phẩm, bảo vệ môi trường sinh thái và đa dạng sinh học.
Ngoài ra, việc ứng dụng IPHM giúp hoạt động trồng trọt thay đổi theo hướng nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, tạo ra sản phẩm an toàn, thích ứng biến đổi khí hậu góp phần bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chuỗi giá trị nông sản.
Các mô hình được triển khai đều hướng người dân sử dụng phân bón hữu cơ, các loại thuốc bảo vệ thực vật sinh học. Ngoài ra, tập trung vào sức khỏe đất, nước, giảm phát thải khí nhà kính, bảo vệ sức khỏe con người, nâng cao nhận thức cho nông dân về sức khỏe cây trồng.
9 giờ 40 phút
Sử dụng đúng loại phân bón cho cây trồng
GS.TS Trần Văn Hâu, nguyên Giảng viên cao cấp Trường Đại học Cần Thơ cho biết, đối với những cây trồng có yêu cầu kỹ thuật và giá trị kinh tế cao như sầu riêng, cần có những phân bón “chuyên dụng”.
Chẳng hạn, nhiều vùng chuyên canh cây ăn quả quy mô lớn hiện sử dụng các loại phân bón lá. Đây là loại có chứa các hợp chất dinh dưỡng hòa tan trong nước, dùng phun lên lá giúp bổ sung các chất cần thiết cho cây trồng ở dạng dễ hấp thu.
Theo ông Hâu, cung cấp dưỡng chất qua lá tạo điều kiện cho cây sinh trưởng khi gặp hạn hán, ngập úng hay sâu bệnh hại tấn công. Đặc biệt, thành phần của phân bón lá có chứa nhiều dinh dưỡng vi lượng kích thích cây ra hoa, ra lá nhanh hơn, khỏe hơn, giúp đảm bảo quá trình phát triển cho các cây trồng lâu năm.
Ngoài phân bón lá, loại phân bón Bio-Fertilizer cũng đang được nghiên cứu, phổ biến rộng cho người nông dân. Đây là sản phẩm phân bón hữu cơ vi Sinh cao cấp, được sản xuất theo hướng chế phẩm sinh học công nghệ cao, chứa hàm lượng lớn các các chủng vi sinh vật có ích cho đất và cây trồng như Trichoderma, Azotobacter, Bacillus subtilis, Aspergilluss, Streptomyces…
Ngoài ra, Bio-Fertilizer giúp phân hủy nhanh các chất hữu cơ, đối kháng và tiêu diệt các vi sinh vật có hại, phát triển bộ rễ và bảo vệ cây trồng một cách toàn diện. Sản phẩm còn chứa một lượng vừa đủ chất hữu cơ và khoáng sinh học, giúp cây phát triển tốt và khỏe mạnh trước các điều kiện thay đổi của thời tiết và môi trường.
“Những phân bón hữu cơ có thành phần khoáng chất đa dạng thường có giá thành cao hơn, nhưng lợi ích về lâu dài”, ông Hâu chia sẻ, và khuyến nghị người nông dân cân nhắc kỹ tình hình sản xuất cụ thể để chọn đúng loại phân bón phù hợp.
9 giờ 30 phút
Đa dạng hóa và ứng dụng cây trồng cải tiến trong thực hành IPHM
Theo bà Đào Thu Vinh, Điều phối viên tổ chức Croplife Việt Nam, trồng cải tiến trong thực hành IPHM sẽ giúp cây trồng khỏe mạnh hơn, có khả năng chống chịu lại các yếu tố bất lợi của môi trường và dịch hại. Đây luôn là một cấu phần quan trọng trong chương trình IPHM và IPM.
Những cây trồng mang tính trạng cải tiến có thể được tạo ra theo nhiều phương thức lai tạo khác nhau như: lai truyền thống, ứng dụng kỹ thuật khác nhau của công nghệ sinh học hiện đại như biến đổi gen (GMO) và chỉnh sửa gen (GE), công nghệ lai tạo giống mới (PBI).
Cây trồng cải tiến còn hạn chế sử dụng các biện pháp BVTV, bao gồm cả biện pháp cơ học và sử dụng thuốc BVTV, tiết kiệm chi phí, giảm công lao động từ việc sử dụng các biện pháp BVTV. Cây trồng có khả năng chống chịu thuốc trừ cỏ sẽ giúp nông dân giảm và không cần làm đất, giúp đất trồng lưu trữ dinh dưỡng tốt hơn, giảm xói mòn.
Đại diện Croplife Việt Nam cũng chỉ ra một số lợi ích kinh tế - xã hội khi sử dụng thuốc BVTV một cách hợp lý. Trong giai đoạn 1996-2020, chỉ số tác động lên môi trường giảm trong 24 năm qua, giảm 748,6kg thuốc BVTV nhờ việc mở rộng canh tác giống cây biến đổi gen. Cũng trong giai đoạn trên, tiết kiệm 14,662 triệu lít nhiên liệu, 2,330 triệu kg CO2 tương đương với việc giảm 1.58 triệu chiếc xe hơi lưu thông trên đường trong 1 năm.
Với từng nông hộ, thu nhập trang trại canh tác quy mô ghi nhận cao hơn ở các quốc gia đang phát triển so với các nước phát triển. Lợi ích liên quan bảo tồn nguồn đất, ứng dụng cây trồng chuyển gen giảm mức độ tiếp xúc của lấp đất mặt trên với các yếu tố thời tiết để lưu giữ độ ẩm, giảm sự biến động nhiệt độ đất từ cách nhiệt tàn dư cây trồng, tăng carbon hữu cơ từ tàn dư cây trồng, tăng tác động tích cực tới thành phần vật lý, hoá học và vi sinh vật của đất trồng và bổ sung sự đồng hóa carbon gia tăng sản lượng cây trồng, gia tăng năng suất, thêm thời vụ, và sử dụng cây che phủ.
Bà Đào Thu Vinh lấy ví dụ các cây trồng chỉnh sửa gen chống chịu các yếu tố căng thẳng phi sinh học chính như ngô chịu hạn, lúa gạo chịu mặn, chống chịu thuốc trừ cỏ.
Việt Nam đang triển khai nhanh trong nghiên cứu về công nghệ chỉnh sửa gen. Các chính sách khoa học, cởi mở, đón đầu công nghệ và hài hòa sẽ là động lực giúp tạo ra ngày càng nhiều các giống cây trồng cải tiến và giới thiệu cho nông dân - giúp họ có thêm công cụ để triển khai hiệu quả chương trình IPHM/IPM và canh tác nông nghiệp bền vững.
9 giờ 20 phút
Nỗ lực vì môi trường sạch, cuộc sống xanh
Ông Trần Văn Trưa, Giám đốc Phát triển thị trường khu vực ĐBSCL, Công ty Syngenta Việt Nam, chia sẻ, với mong muốn mang lại những giá trị dài hạn và bền vững cho nông dân, những năm qua, công ty đã phát triển nhiều chương trình đồng hành cùng nhà nông Việt nâng cao năng suất và chất lượng mùa vụ thông qua kỹ thuật canh tác hiện đại.
Công ty đã tổ chức tập huấn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả cho hơn 1 triệu nông dân mỗi năm. Từ năm 2015 đến nay, công ty phối hợp cùng ngành nông nghiệp địa phương thực hiện chương trình môi trường sạch, cuộc sống xanh; với cam kết tăng cường đào tạo và nâng cao nhận thức cho nông dân về bảo vệ môi trường, sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả và có trách nhiệm.
Thông qua chương trình, hơn 30.000 nông dân được tập huấn về sử dụng thuốc BVTV an toàn, có trách nhiệm với môi trường; hơn 180 tấn vỏ bao gói thuốc BVTV được thu gom và tiêu hủy an toàn; hơn 5.000 cây xanh được trồng tại khu vực ĐBSCL.
Đặc biệt, công ty đang phát triển nhiều công nghệ hiện đại như amistar, miravis, tymirium (công nghệ đột phá trong quản lý tuyến trùng và nấm fusanium spp)… nhằm nâng cao khả năng kiểm soát dịch bệnh trên cây trồng; tạo thuận lợi cho nông dân gia tăng giá trị sản xuất, bảo vệ môi trường.
9 giờ 10 phút
Sử dụng phân bón sinh học nâng cao hiệu suất, hướng tới giảm phát thải
Chia sẻ về công nghệ phân bón sinh học nâng cao hiệu suất sử dụng hữu hiệu (BIO EFF), ông Lê Văn Hải, Tổng Giám đốc BiOWISH Việt Nam, cho biết, sản phẩm công nghệ sinh học này hoạt động và phát huy hiệu quả trên các loại thổ nhưỡng, khí hậu, môi trường. Các chủng vi sinh BiOWISH Crop Liquid kết hợp với phân bón vô cơ (Urea, NPK, SA, DAP, Lân, Kali…) và phân bón hữu cơ, tạo nên giải pháp phân bón tích hợp vi sinh giúp tối ưu hóa việc chuyển hóa Nitơ và Phốt pho, giảm thiểu thất thoát phân bón.
Theo ông Hải, khác với phân bón nhả chậm, phân bón nâng cao hiệu suất sử dụng không chỉ giải phóng chất dinh dưỡng mà còn sử dụng công nghệ tiên tiến để tối đa hóa hiệu quả của chúng. Phân bón EFF được pha chế để giảm thiểu mất chất dinh dưỡng thông qua quá trình rửa trôi hoặc bay hơi, đảm bảo rằng nhiều chất dinh dưỡng hơn được cây trồng hấp thụ và không bị rửa trôi. Điều này có nghĩa, nông dân sẽ nhận được nhiều lợi ích hơn cho số tiền bỏ ra và cây trồng khỏe mạnh, phát triển mạnh mẽ với ít tác động đến môi trường hơn.
Về cơ hội ứng dụng phân bón sinh học nâng cao hiệu suất trong giảm phát thải carbon trong nông nghiệp Việt Nam, đại diện BiOWISH cho biết, phân bón này có thể giúp giảm tỷ lệ bổ sung nitơ để giảm lượng khí thải nhà kính phát ra từ đất.
Cụ thể cho cây lúa, BiOWiSH có khả năng giúp giảm lượng khí thải N2O từ các hệ thống tưới ướt và khô xen kẽ (AWD), giảm phát thải N2O bằng cách giảm 10% lượng nitơ sử dụng cho 1.000.000ha. Đối với lúa và ngô, phân phón BiOWISH thúc đẩy tiềm năng giảm phát thải 429,448.26 tấn CO2e hằng năm bằng cách giảm 10% lượng nitơ sử dụng.
Trong chương trình khảo nghiệm phát thải khí nhà kính trong đất, các thử nghiệm với BiOWISH đã cho kết quả hệ số phát thải nhỏ hơn 61,9% so với đối chứng. Điều này có thể giúp giảm ~+9 triệu tấn CO2e thải ra hằng năm tại Việt Nam do sử dụng phân đạm thông qua phát thải N2O.
9 giờ 00 phút
Phát triển kit chẩn đoán nhanh, giám định sinh vật gây hại tại chỗ
GS.TS Nguyễn Văn Tuất, Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật BVTV Việt Nam, chia sẻ, nhiều sinh vật gây hại bùng phát mạnh trong điều kiện biến đổi khí hậu. Ông liệt kê khoảng 10 sinh vật gây hại phổ biến hiện nay, như: sâu cuốn lá nhỏ, rầy nâu, sâu keo mùa thu, châu chấu tre lưng vàng, lùn sọc đen, khảm lá hại sắn…
Ngoài ra còn hơn 10 loài sinh vật gây hại mới nổi, sinh vật gây hại ngoại lai trên cây trồng. Nổi bật có vàng lùn - lùn xoăn lá, bệnh héo rũ Panama, rầy xanh hại sầu riêng, rệp sáp hại rễ cây có múi, bệnh lùn sọc đen phương Nam, sâu đục thân mía 4 vạch đầu nâu…
Để phòng ngừa, nguyên Phó giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cho rằng, nên nghiên cứu, sản xuất các giống cây trồng có khả năng kháng hoặc chống chịu, tăng cường dự báo tình hình phát sinh gây hại của các loài sinh vật mới, đồng thời xây dựng bộ dữ liệu sinh vật hại cây trồng quốc gia phục vụ công tác tra cứu, phân tích nguy cơ dịch hại.
“Cần phát triển và sản xuất, thương mại các loại kit chẩn đoán nhanh phục vụ giám định ngay tại địa phương các bệnh do virus hại cây trồng”, vị giáo sư bày tỏ, đồng thời nhấn mạnh, rằng cán bộ chuyên môn có thể đào tạo, hướng dẫn người dân chẩn đoán bệnh hại sớm thông qua biểu hiện.
Cùng với đó, xây dựng quy trình IPHM trên các cây trồng chủ lực (đã được Cục Trồng trọt tham mưu Bộ NN-PTNT), quy trình quản lý sinh vật gây hại có nguồn gốc trong đất bằng các biện pháp không sử dụng thuốc hóa học.
Trong dài hạn, GS.TS Nguyễn Văn Tuất đề nghị người sản xuất tăng cường sử dụng thuốc BVTV sinh học, thảo dược, nhất là những thuốc sử dụng các hoạt chất chiết từ vi sinh vật thay vì sử dụng sinh vật sống.Hiện nhiều tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn. Do đó, vị chuyên gia đề nghị có thêm những nghiên cứu về loại thuốc đặc trị cho máy bay không người lái, hoặc các loại thuốc BVTV nano nhằm tăng hiệu quả diệt trừ, giảm giá thành cho người dân.
8 giờ 50 phút
Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật càng ít, càng tốt
Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM) đang được khuyến khích thực hiện. Việc phối hợp chặt chẽ các biện pháp từ khâu giống, kỹ thuật canh tác, kiểm soát sinh vật gây hại là cần được phối hợp chặt chẽ. Trong kiểm soát sinh vật gây hại cây trồng có việc sử dụng thuốc BVTV, chỉ sử dụng thuốc khi cần thiết, ưu tiên sử dụng thuốc BVTV sinh học và thuốc BVTV hóa học có độ độc thấp (theo GHS).
Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Sản xuất và kinh doanh thuốc Bảo vệ thực vật Việt Nam, “tùy loại cây trồng, loại sinh vật gây hại mà áp dụng thuốc BVTV 1 lần hoặc lớn hơn 1 lần trong vụ hay trong năm. Nhìn chung, số lần dùng thuốc BVTV càng ít, càng tốt”.
Về thuốc BVTV hóa học, ông Sơn cho biết, điểm mạnh những loại thuốc này là có khả năng phòng trừ sinh vật gây hại nhanh nhất, hiệu quả nhất, chặn đứng trận dịch trong thời gian ngắn mà các biện pháp khác không thể thực hiện được. Tuy nhiên, do nhận thấy ưu điểm của thuốc BVTV, người nông dân đã lạm dụng, dùng sai kỹ thuật, bỏ qua các biện pháp BVTV khác.
Nhiều quốc gia trên thế giới đang sử dụng kết hợp với thuốc BVTV sinh học thường an toàn và ít độc đối với sức khỏe người, sinh vật có ích và môi trường, nhanh phân hủy trong tự nhiên, thời gian cách ly ngắn, ít để lại dư lượng trong nông sản nên rất thích hợp sử dụng cho các nông sản sạch như rau, chè, cây ăn quả...; rất thân thiện với môi trường.
Hiện nay, xu hướng của thị trường đang có nhu cầu ngày càng tăng đối với thực phẩm hữu cơ, an toàn, không bị ô nhiễm các chất độc hại, do đó sử dụng thuốc BVTV sinh học trong sản xuất nông nghiệp là biện pháp phù hợp. Nhiều tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thị trường thực phẩm của thế giới đang có hướng kinh doanh các sản phẩm nông sản sử dụng thuốc BVTV sinh học.
Tuy nhiên, bên cạnh các ưu điểm an toàn, nhiều loại thuốc BVTV sinh học cũng bộc lộ một số nhược điểm như: giá thành cao, hiệu lực phòng trừ dịch hại chậm hơn các thuốc BVTV hóa học, thời gian bảo quản của nhiều loại thuốc BVTV sinh học ngắn hơn thuốc BVTV hóa học.
Vì vậy, cần cân nhắc và sử dụng hài hòa giữa thuốc BVTV hóa học và sinh học nhằm vừa phòng trừ được sinh vật gây hại vừa đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người và bảo vệ môi trường, đồng thời sử dụng thuốc BVTV dựa vào tình trạng sâu bệnh, điều kiện môi trường và khả năng tài chính của nông dân tại từng vùng.
Ông Nguyễn Văn Sơn cũng khuyến khích sử dụng luân chuyển các thuốc BVTV có cơ chế tác động khác nhau nhằm giảm thiểu khả năng hình thành tính kháng của sinh vật gây hại đối với thuốc trừ BVTV. Cũng như, trong thời gian tới, ngành thuốc BVTV Việt Nam cần phát triển việc sản xuất và sử dụng các dạng gia công thuốc BVTV tiên tiến như CS, ME, EW, SC, SE, SW, WG, dạng nano… Chọn phụ gia tốt, thay thế các dung môi hữu cơ độc hại bằng các dung môi có nhiều ưu điểm hơn, sử dụng các phụ gia có ở trong nước, phụ gia thân thiện môi trường.
Trong các biện pháp phun thuốc BVTV, xu hướng sử dụng drone đang phát triển mạnh mẽ tại châu Á và trên thế giới, nhờ vào những lợi ích phun thuốc nhanh hơn tới 30 lần so với phương pháp phun thủ công, giúp nông dân tiết kiệm thời gian và tăng hiệu quả làm việc, tiết kiệm tới 97% lượng nước so với cách phun truyền thống và giảm khoảng 50% chi phí đầu vào.
8 giờ 40 phút
Cả nước đã đào tạo được 756 giảng viên IPHM
Ông Đỗ Văn Vấn, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam (Cục Bảo vệ thực vật), thông tin, IPHM là tên viết tắt của Chương trình Quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp. Để triển khai chương trình, Bộ NN-PTNT đã tiếp nhận dự án hỗ trợ kỹ thuật “Xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động IPHM” từ FAO; triển khai tại Việt Nam từ năm 2021 đến 2023.
Mục tiêu chung của Chương trình IPHM: tăng cường sức khỏe cây trồng; nâng cao khả năng phòng chống sinh vật gây hại và chống chịu tốt với điều kiện bất thuận của thời tiết; nâng cao hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm; bảo vệ môi trường sinh thái, đa dạng sinh học.
Trong đó, mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu có > 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn quả, hoa cảnh và cây dược liệu áp dụng IPHM. Có 70% diện tích ngô, cây công nghiệp áp dụng IPHM (ít nhất 60% diện tích ngô, 50% diện tích cây công nghiệp áp dụng đầy đủ các biện pháp IPHM). Lượng thuốc BVTV hóa học và lượng phân bón vô cơ giảm 30% và tăng hiệu quả kinh tế 15-20% so với sản xuất thông thường. Trên 80% số xã/phường có ít nhất 5 nông dân nòng cốt/xã, có hiểu biết và ứng dụng hiệu quả IPHM, có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM. Mỗi tỉnh/thành phố có ít nhất 5 giảng viên IPHM quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh; mỗi xã/phường có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng. Phấn đấu trên 90% số xã thu gom bao bì thuốc BVTV sau sử dụng.
Trên cơ sở 7 nhiệm vụ trọng tâm, gồm: tăng cường nguồn lực phát triển IPHM; nâng cao nhận thức về IPHM; xây dựng tài liệu hướng dẫn về IPHM; rà soát, lồng ghép IPHM trong các quy hoạch, chiến lược và chương trình, đề án có liên quan; xây dựng chỉ tiêu đánh giá và định mức kinh tế - kỹ thuật; nghiên cứu khoa học, công nghệ phục vụ IPHM; xây dựng và nhân rộng các mô hình ứng dụng IPHM, Cục BVTV đã đào tạo được 756 giảng viên IPHM (132 giảng viên IPHM quốc gia, 624 giảng viên IPHM cấp tỉnh). Xây dựng và ban hành 2 cuốn tài liệu (TOT-IPHM và FFS-IPHM); ban hành Khung chương trình TOT và FFS-IPHM; xây dựng các mô hình tại 4 tỉnh thành trên cả nước…
Đối với các tỉnh phía Nam, hiện tại đã đào tạo được 180 giảng viên IPHM. Tổ chức 10 lớp FFS IPHM, 300 nông dân (Tiền Giang và Đồng Tháp).
Trên cơ sở đó, ông Vấn đề nghị Sở NN-PTNT các tỉnh, trong thời gian tới cần xây dựng và nhân rộng mô hình ứng dụng IPHM, gắn sản xuất với bảo quản, chế biến, tiêu thụ; xây dựng và nhân rộng mô hình nông dân hướng dẫn nông dân về IPHM; hướng dẫn địa phương hoàn thiện thủy lợi nội đồng để ứng dụng AWD, 3 giảm 3 tăng, 1 phải 5 giảm, SRI...
8 giờ 30 phút
Đẩy mạnh ứng dụng IPHM, hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu ha lúa
Nhà báo Trần Cao, Phó Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam, cho biết, Diễn đàn “Sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả trong chương trình IPHM” diễn ra vào thời điểm cuối năm, nhưng lại là đầu vụ đông xuân 2024-2025 tại ĐBSCL. Sự kiện này không chỉ quan trọng đối với ngành nông nghiệp ĐBSCL mà còn cho cả nước.
Trong bối cảnh phát triển nông nghiệp bền vững, việc sử dụng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả là một trong những vấn đề cấp thiết.
Theo kế hoạch hành động của Cục Bảo vệ thực vật đến 2030 sẽ có trên 80% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có đội ngũ nông dân nòng cốt có hiểu biết, kỹ năng và ứng dụng hiệu quả IPHM. Nhất là có khả năng hướng dẫn nông dân khác ứng dụng IPHM, đánh giá hiệu quả và phổ biến kết quả cho cộng đồng.
Mỗi tỉnh trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có ít nhất 5 giảng viên IPHM Quốc gia và 20 giảng viên IPHM cấp tỉnh. Mỗi xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè có ít nhất 2 hướng dẫn viên IPHM cộng đồng và 5 nông dân IPHM nòng cốt. Phấn đấu có 90% diện tích lúa, nhãn, vải, thanh long ứng dụng IPHM; cây cà phê, hồ tiêu, chè đạt 70% diện tích ứng dụng IPHM ở mỗi tỉnh.
Qua đó sẽ giảm 30% lượng thuốc bảo vệ thực vật và 30% lượng phân bón hóa học. Trên 90% số xã trồng lúa, nhãn, vải, thanh long, cà phê, hồ tiêu, chè thực hiện thu gom bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đúng theo quy định.
Diễn đàn hướng đến mục tiêu đẩy mạnh truyền thông, ứng dụng quản lý sức khỏe cây trồng tổng hợp (IPHM), chủ động phòng chống sinh vật gây hại cây trồng, giảm chi phí đầu vào. Bên cạnh đó, giúp giảm hóa chất độc hại, giảm phát thải khí nhà kính, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất, đảm bảo an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, hỗ trợ tích cực cho Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp tại ĐBSCL.