| Hotline: 0983.970.780

Thanh Hóa đối mặt hạn hán kỷ lục

Thứ Tư 15/07/2020 , 13:32 (GMT+7)

Lần đầu tiên trong vòng 10 năm hồ Mậu Lâm (Như Thanh) cạn kiệt. Người dân “vét” từng hạt nước để dưỡng cây. Tình trạng này đang diễn ra tại nhiều huyện của Thanh Hóa.

Đi qua các xã Phú Nhuận, Mậu Lâm, Xuân Thái (Như Thanh), không khó để bắt gặp những ruộng mạ đã già tuổi nhưng chưa được cấy, lá đã cháy sém; nhiều cánh đồng trơ gốc rạ, khô khốc, không có nước cấy.

241/610 hồ đập tại Thanh Hóa dưới mực nước chết và cạn kiệt. Ảnh: Võ Dũng.

241/610 hồ đập tại Thanh Hóa dưới mực nước chết và cạn kiệt. Ảnh: Võ Dũng.

Theo kế hoạch, vụ thu mùa 2020, xã Mậu Lâm gieo cấy trên 380 ha lúa nhưng đến nay mới gieo cấy được 322 ha dù lịch thời vụ đã kết thúc. Diện tích gieo cấy được của xã Mậu Lâm cũng đang có trên 300 ha thiếu nước dưỡng. Trong vòng 5-7 ngày nữa không có mưa thì diện tích này đối diện nguy cơ “chết khát”.

“Hồ Mậu Lâm cạn kiệt đã khiến gần 60 ha lúa của 3 thôn không thể cấy. Bây giờ gay nhất là nước dưỡng. Nếu trong vòng 1 tuần nữa trời không mưa thì trên 300 ha lúa của xã sẽ chết. Chúng tôi đã có kế hoạch chuyển đổi một số diện tích không cấy lúa sang trồng ngô, đậu, hoa màu nhưng nếu không có mưa thì cũng không thể trồng trỉa được” – Ông Hà Văn Thoa, Phó Chủ tịch UBND xã Mậu Lâm cho biết.

Ruộng đồng nứt nẻ, nhiều diện tích lúa không thể cấy. Ảnh: Võ Dũng.

Ruộng đồng nứt nẻ, nhiều diện tích lúa không thể cấy. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Lê Cao Thắng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Sông Chu – Chi nhánh Thủy lợi Như Thanh cho hay, đây là đợt nắng nóng, hạn hán kỷ lục trong vòng 20 năm qua.

“Năm 2010 cũng có một đợt hạn hán nhưng không khủng khiếp như năm nay. Từ đó đến nay, đây là lần đầu tiên hồ Mậu Lâm kiệt nước. Bình thường đầu tháng 7 đã có mưa nhưng năm nay đã 4 tháng nay không có giọt mưa nào. Nếu kéo dài 7-10 ngày nữa thì tình hình sẽ rất căng thẳng” – ông Thắng cho hay.

 
Trên 7,5 nghìn ha lúa thiếu nước dưỡng. Ảnh: Võ Dũng.

Trên 7,5 nghìn ha lúa thiếu nước dưỡng. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Thắng cũng cho biết thêm, Công ty TNHH MTV Sông Chu – Chi nhánh Thủy lợi Như Thanh quản lý 2 hồ Sông Mực và Mậu Lâm. Mực nước hồ Sông Mực hiện nay vẫn ổn nhưng hồ Mậu Lâm đã về mực nước chết từ cuối tháng 5 và đến nay thì cạn kiệt. Sau khi các hồ đập do công ty quản lý vận hành đảm bảo nước cấy cho 220 ha thì hiện vẫn còn 170 ha đất phải bỏ hoang, mạ đã quá 15 ngày tuổi nhưng không thể cấy do thiếu nước.

“Trước tình hình này, công ty đã hỗ trợ 17 triệu đồng tiền dầu để các địa phương thuê vận hành 8 máy bơm dã chiến công suất từ 10-20 CV “vét nước” từ các ao hồ, sông suối, hút cả ngày lẫn đêm dưỡng cho cây trồng. Chúng tôi cũng đề nghị các địa phương chuyển đổi cơ cấu cây trồng để ứng phó với tình hình hạn hán hiện nay” – ông Thắng nói.

Trước tình hình nắng hạn kéo dài, huyện Như Thanh đã phải chuyển 114 ha đất trồng lúa trong tổng số 500 ha không thể gieo trồng được sang các cây trồng khác. Về công tác vận hành nước để dưỡng cho cây lúa, ông Vũ Hữu Tuấn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Như Thanh cho biết, UBND huyện chỉ đạo các địa phương phải ưu tiên mọi nguồn nước để phục vụ dưỡng cho diện tích lúa đã cấy.

“Hiện nay, mọi nguồn nước đều vận hành để ưu tiên cấp cho cây lúa nhưng nếu trời không mưa nữa thì 5-7 ngày nữa sẽ có khoảng gần 700 ha lúa chết khô. Huyện đang chỉ đạo các HTX sử dụng nguồn cấp bù thủy lợi phí để thuê máy bơm dầu cấp nước cho lúa” – ông Tuấn thông tin.

Mạ đã quá ngày tuổi nhưng đang chết khô do thiếu nước không thể cấy. Ảnh: Võ Dũng.

Mạ đã quá ngày tuổi nhưng đang chết khô do thiếu nước không thể cấy. Ảnh: Võ Dũng.

Ông Tuấn cho biết thêm, toàn huyện có 105 hồ nước thì có 91 hồ đã cạn kiệt. Các địa phương đã vận hành 113 máy dầu bơm nước chống hạn. Do nắng hạn kéo dài, hiện có trên 1,9 nghìn hộ dân thiếu nước sinh hoạt trầm trọng.

Còn tại huyện Quảng Xương, UBND huyện đã phải chi 240 triệu đồng hỗ trợ các địa phương và mua 4 máy chạy dầu để “vét nước” cứu lúa.

Ông Lê Đại Hiệp, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quảng Xương cho biết, gay go nhất bây giờ là mặn đã xâm nhập vào hệ thống sông Ý, sông Hoàng khoảng 15 km với độ mặn 2%o. Vì vậy, việc bơm nước trực tiếp từ hai hệ thống sông này cũng phải rất cẩn trọng. Trong vòng 5-7 ngày nữa nếu trời không mưa thì Quảng Xương có khoảng 100 ha lúa sẽ chết.

Thanh Hóa đã phải vận hành 349 máy máy bơm dầu đã lắp đặt để thực hiện bơm vét nước chống hạn. Ảnh: Võ Dũng.

Thanh Hóa đã phải vận hành 349 máy máy bơm dầu đã lắp đặt để thực hiện bơm vét nước chống hạn. Ảnh: Võ Dũng.

Đến thời điểm này, Thanh Hóa đã gieo cấy được trên 112 nghìn ha lúa thu mùa trên tổng số hơn 116 nghìn ha theo kế hoạch. Theo số liệu của Chi cục Thủy lợi Thanh Hóa, toàn tỉnh có 241/610 hồ dưới mực nước chết, trong đó có nhiều hồ kiệt nước. Nắng hạn kéo dài hàng tháng trời khiến trên 7,5 nghìn ha lúa thiếu nước dưỡng. Trước tình hình nắng hạn, các địa phương đã phải lắp đặt 349 máy máy bơm dầu đã lắp đặt để thực hiện bơm vét nước chống hạn.

Tuyệt đối không cấy cưỡng: “Các hồ đập nhỏ cơ bản đã về mực nước chết hoặc nước kiệt. Khoảng 10 ngày nữa không có mưa thì tình hình sẽ rất căng. Tuy nhiên, chúng tôi khuyến cáo các địa phương, khi thời vụ đã qua, nếu trời mưa các địa phương phải chuyển đổi cây trồng chứ tuyệt đối không được cấy cưỡng. Các địa phương cần tập trung sử dụng máy bơm dầu để bơm nước dưỡng cho cây trồng. Vùng ven biển phải thường xuyên canh chừng thủy triều, bơm nước tưới, tránh xâm nhập mặn. Các vùng dọc sông Mã và các hệ thống sông trên địa bàn chủ động nắm lịch điều tiết nước của thủy điện để bơm nước tưới cây trồng” – ông Đặng Tiến Dũng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Thanh Hóa.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.

3 hộ dân Làng Nủ viết đơn xin... nhường nhà cho người khác

Thân nhân của 3 hộ dân thôn Làng Nủ viết đơn xin không nhận nhà tái định cư, nhường ngôi nhà khang trang cho các trường hợp có hoàn cảnh khó khăn hơn.