| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An quay quắt trong nắng hạn

Thứ Tư 15/07/2020 , 10:56 (GMT+7)

Thiếu nước tưới trầm trọng khiến nhiều huyện trên địa bàn Nghệ An không thể đảm bảo kế hoạch gieo cấy, kéo theo hàng loạt diện tích đứng trước nguy cơ hạn nặng.

Nắng hạn gay gắt đe dọa hàng loạt diện tích lúa Hè Thu - Mùa. Ảnh: Việt Khánh.

Nắng hạn gay gắt đe dọa hàng loạt diện tích lúa Hè Thu - Mùa. Ảnh: Việt Khánh.

Thời tiết trên địa bàn Nghệ An vẫn chưa cho thấy dấu hiệu chuyển biến, với tình hình hiện tại không lo không xong.

Nắng nóng gay gắt kéo dài hơn 2 tháng trời đang biến Nghệ An thành một “lò lửa” thực sự. Tình hình nan giải đến mức Phó Chủ tịch UBND tỉnh này, ông Hoàng Nghĩa Hiếu đã phải ban hành công văn: “Xác nhận thiên tai do nắng nóng”.

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký công văn xác nhận thiên tai do nắng nóng. Ảnh: Việt Khánh.

Trước tình hình trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nghĩa Hiếu đã ký công văn xác nhận thiên tai do nắng nóng. Ảnh: Việt Khánh.

Trên tinh thần đó, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và các đơn vị liên quan căn cứ Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 9/1/2017 của Chính phủ, Quyết định số 48/2017/QĐ-UBND ngày 5/6/2017 và số 04/2019/QĐ-UBND ngày 19/2/2019 của UBND tỉnh Nghệ An cũng như các chính sách hỗ trợ hiện hành khác của Nhà nước phải tập trung chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai, trích dự phòng ngân sách nhằm sớm khôi phục sản xuất nông nghiệp trên địa bàn.

Ngoài ra, các địa phương phải có phương án rà soát, thống kê thiệt hại, báo cáo về Sở NN-PTNT, Sở Tài chính và Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh để tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ khắc phục theo quy định hiện hành.

Hiện tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang rất đáng lo. Ảnh: Việt Khánh.

Hiện tình hình sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đang rất đáng lo. Ảnh: Việt Khánh.

Theo ghi nhận của PV NNVN, nắng nóng trên diện rộng suốt thời gian dài đã xáo trộn nặng nề đến đời sống, sinh hoạt của người dân toàn tỉnh. Hiện lượng nước trong các hồ đập đang thiếu hụt trầm trọng, nhiều hồ trơ đáy, cạn khô khốc.

Về sản xuất nông nghiệp, đến ngày 15/7 tổng diện tích lúa Hè Thu – Mùa mới gieo cấy được 82.270 ha/kế hoạch (KH) 90.000 ha, đạt 91,41 % so với KH. Diện tích giảm tập trung phần lớn ở lúa Mùa (23.231 ha/KH 31.000 ha).

Thiếu nước tưới là nguyên nhân chính làm chậm tiến độ gieo cấy của các địa phương. Qua theo dõi, hàng loạt huyện trên địa bàn chưa đạt kế hoạch đặt ra, bao gồm Tương Dương (1.346 ha/KH 3.610 ha), Con Cuông (1.290 ha/KH 1.900 ha), Anh Sơn (589 ha/KH 700 ha), Quế Phong (1.608 ha/KH 2.200 ha), Quỳ Châu (1.284 ha/KH 1.684 ha), Tân kỳ (3.250 ha/KH 4.000ha), Thái Hòa (575 ha/KH 800 ha), TP Vinh (0,5 ha/KH 300 ha).

Nhiều diện tích lúa đang đứng trước nguy cơ hạn nặng. Ảnh: Việt Khánh.

Nhiều diện tích lúa đang đứng trước nguy cơ hạn nặng. Ảnh: Việt Khánh.

Nắng nóng đỉnh điểm kéo dài từ đầu tháng 6 khiến tình hình hết sức cam go, hiện tại ước tính trên dưới 9.000 ha lúa đã gieo, cấy có nguy cơ bị hạn. Trước mắt trên 1.600 ha đã bị vàng úa và có dấu hiệu chết cháy, trong đó huyện Hưng Nguyên khoảng 700 ha, tập trung tại các xã Hưng Tây, Hưng Tân, Hưng Nghĩa, Hưng Phúc và khu vực thị trấn), huyện Nghi Lộc gần 1.000 ha, phân bổ tại các xã Nghi Hưng, Nghi Phương, Nghi Mỹ…

Giữa cái nắng như thiêu như đốt, bà Trương Thị Lĩnh, trú tại xã Nghi Hưng (Nghi Lộc) lộ rõ vẻ mệt mỏi: “Gia đình làm nông thuần túy, quanh năm suốt tháng chỉ biết nhìn vào hạt lúa, củ khoai, giờ nắng hạn thế kia có lẽ chẳng trông mong được gì nữa rồi”.

Các loại cây trồng khác cùng gặp tình cảnh tương tự. Ảnh: Việt Khánh.

Các loại cây trồng khác cùng gặp tình cảnh tương tự. Ảnh: Việt Khánh.

Hiện lưu lượng dòng chảy trên các dòng sông ở Nghệ An thiếu hụt so với cùng kỳ từ 35-45%, dự báo thời gian tới hạn hán vẫn diễn tiến khốc liệt, khó lường.

Sáng 15/7, trao đổi với NNVN, ông Nguyễn Đức Thọ, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc xác nhận: “Hết sức nguy cấp, trên tổng số 5.800 ha lúa có đến 1.500 ha không thể sản xuất, 2.800 ha khác đang bị hạn nặng, trong đó khoảng 1.000 dễ mất trắng”.

Ông Thọ chia sẻ thêm, lúc này vùng hồ đập cơ bản tạm duy trì, riêng vùng trạm bơm của hệ thống kênh Gai – sông Cấm nhìn chung tê liệt hết cả, kết hợp với tình trạng xâm nhập mặn ngày càng tiến sâu khiến mọi thứ càng thêm phần khốn khó: “Huyện Nghi Lộc nằm cuối hệ thống thủy lợi Nam, lại đầu nguồn nước mặn thành thử công tác phòng chống hạn vô cùng khó khăn”.

Không riêng gì lúa Hè Thu – Mùa, nắng hạn cũng đang de dọa đến các loại cây trồng khác trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, diện tích ngô đang bị hạn lên đến 1.139 ha, ngoài ra còn có lạc (56 ha), rau màu các loại (trên 471 ha), đậu (hơn 237)…

Nông dân trên địa bàn Nghệ An đang dối diện với muôn vàn khốn khó. Ảnh: Việt Khánh.

Nông dân trên địa bàn Nghệ An đang dối diện với muôn vàn khốn khó. Ảnh: Việt Khánh.

Xuất phát từ nhu cầu thực tế, Chi cục đề nghị UBND các huyện, thành, thị tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung của công văn số 1949/SNN-TL ngày 23/6/2020 của Sở NN-PTNT về việc tăng cường công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn vụ Hè Thu - Mùa năm 2020.

Với cây lúa, phải căn cứ vào tình hình nguồn nước tưới của từng địa phương, đặc điểm sinh lý, nhu cầu của cây ở từng giai đoạn sinh trưởng để hướng dẫn nông dân thực hiện kỹ thuật tưới nước tiết kiệm theo hình thức: Nông - Lộ - Phơi (ướt khô xen kẽ).

Đối với diện tích lúa Mùa, bà con cần tiếp tục gieo cấy trên những khu vực đủ nguồn nước tưới. Những nơi không đảm bảo nên kết thúc gieo cấy trước ngày 20/7/2020.

Đối với cây ngô, lạc và rau các loại, sau khi thời tiết có chuyển biến, nếu vẫn nằm trong khung thời vụ cần khẩn trương gieo trồng. Riêng cây ngô, nên lựa chọn giống ngô sinh khối hoặc luân canh sang các cây trồng khác có thời gian sinh trưởng ngắn.

Xem thêm
Thành lập hợp tác xã để nâng tầm giá trị cầy vòi hương

QUẢNG NAM Từ một hộ ban đầu, đến nay, mô hình nuôi cầy hương đã lan rộng ra toàn xã với hàng trăm hộ nhờ giá trị kinh tế cao mà loài vật này mang lại.

Giao mặt nước biển để quy hoạch đối tượng nuôi thủy sản phù hợp

Nhà nước cần sớm ban hành quy hoạch không gian biển để giao mặt nước biển cho các vùng nuôi trồng thủy sản, từ đó lựa chọn đối tượng nuôi, mật độ nuôi phù hợp.

Giống cà chua ngoại hợp đất Mù Cang Chải, năng suất 100 tấn/ha

YÊN BÁI Giống cà chua Beef có nguồn gốc Israel được trồng bằng công nghệ cao, theo tiêu chuẩn VietGAP ở Mù Cang Chải cho năng suất lên tới 100 tấn/ha, chất lượng tốt, giá bán cao.