Bí thư, Chủ tịch huyện vận động làm nhà cho dân
Từ năm 2008 đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã cấp đất cho 880 hộ dân sinh sống trên sông; hỗ trợ làm nhà cho 865 hộ dân. Cả tỉnh hiện còn 240 hộ dân sinh sống trên sông chưa được cấp đất ở, 273 hộ đang sinh sống trên sông chưa được hỗ trợ kinh phí xây nhà ở. Các huyện Thọ Xuân, Thiệu Hóa, Yên Định, TP. Thanh Hóa là những địa phương có số hộ dân đề nghị hỗ trợ kinh phí làm nhà nhiều nhất tỉnh.
Kể từ khi thực hiện Chỉ thị số 08 ngày 10/10/2003 của Ban Thường vụ tỉnh ủy Thanh Hóa về đẩy mạnh Cuộc vận động “Toàn dân hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo chưa có nhà ở, đang ở nhà tạm bợ, dột nát và ổn định đồng bào sinh sống trên sông", nhiều gia đình thuyền chài đã “an cư, lạc nghiệp”. Tuy nhiên, có không ít trường hợp sau khi được bố trí tái định cư, hỗ trợ làm nhà, vẫn quay lại bến sông để mưu sinh vì chưa có việc làm hoặc thu nhập bấp bênh…
Tại huyện Yên Định, từ năm 2017 đến năm 2020, UBND huyện đã cấp 179 xuất đất ở cho 179 hộ giáo dân nghèo sinh sống lên bờ, trong đó có 136 hộ dân với 519 nhân khẩu đã xây nhà và có cuộc sống ổn định. Toàn huyện còn 31 hộ chưa được cấp đất ở. Trong số 519 nhân khẩu nói trên, có 119 người vẫn đang làm nghề chài lưới sau khi lên bờ.
Nói về nguyên nhân khiến dân chài vẫn chưa “lạc nghiệp” sau khi lên bờ, ông Vũ Ngọc Thưởng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Yên Định chia sẻ: “Nhiều hộ dân sau khi lên bờ chưa tìm được việc làm ổn định, nên lại xuống chài mưu sinh bằng nghề sông nước. Mặt khác việc dân chài sinh sống trên sông bằng nghề đánh bắt cá đã trở thành tập tục lâu đời, nên rất khó bỏ trong ngày một, ngày hai. Một số lao động sau khi lên bờ không biết chữ nên rất khó khăn để tìm việc làm”.
Ông Thưởng cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện sẽ triển khai kế hoạch đào tạo nghề, xóa mù chữ cho người dân thuyền chài sau khi lên bờ sinh sống ổn định: “Trước mắt huyện sẽ bố trí cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà cho 31 hộ dân chài đang sinh sống trên sông trước tháng 6/2023. Sau khi đưa các hộ dân thuyền chài lên bờ sinh sống ổn định, huyện sẽ triển khai thực hiện kế hoạch đào tạo nghề, tạo tạo công ăn việc làm, thu nhập ổn định cho đồng bào sông nước.
Bên cạnh đó, địa phương sẽ rà soát, khảo sát trình độ văn hóa của người dân, từ đó phân loại đối tượng theo độ tuổi, để mở các lớp xóa mù chữ. Việc dạy nghề và dạy chữ sẽ được tiến hành song song căn cứ vào từng đối tượng sau khi phân loại cụ thể. Kế hoạch sẽ được giao cho Phòng Lao động, Thương binh và xã hội; Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện làm đầu mối triển khai thực hiện”, ông Thưởng cho biết.
Huyện Thiệu Hóa có hơn 200 hộ nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn về chỗ ở (bao gồm 27 hộ dân chài đang sinh sống dưới sông nước). Để triển khai Chỉ thị số 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, huyện ủy Thiệu Hóa đã ban hành kế hoạch vận động kinh phí hỗ trợ làm nhà cho các hộ nghèo giai đoạn 2021-2025.
Đáng chú ý, ngoài nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị, Bí thư, Chủ tịch UBND huyện tự “nhận khoán” bằng việc, mỗi cá nhân sẽ có trách nhiệm vận động kinh phí, xây dựng ít nhất 5 ngôi nhà cho đồng bào nghèo, trong đó có cả các hộ dân thuyền chài.
Ông Nguyễn Văn Biện - Bí thư Huyện ủy Thiệu Hóa chia sẻ: “Đây vừa là trách nhiệm tập thể, vừa là trách nhiệm cá nhân, với mong muốn cả hệ thống chính trị, các nhà hảo tâm cùng đồng lòng, chung sức giúp đỡ đồng bào có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở kiến cố”.
Theo kế đề ra, huyện Thiệu Hóa sẽ kêu gọi vận động, hỗ trợ cho mỗi hộ gia đình thuộc diện khó khăn về nhà ở số tiền 50 triệu đồng; chỉ hỗ trợ cho các hộ xây nhà mới có tổng giá trị dưới 300 triệu đồng. Lộ trình đến năm 2025, tất cả các hộ nghèo được hỗ trợ, xây dựng nhà kiên cố. Riêng các hộ dân thuyền chài, huyện sẽ cấp đất, hỗ trợ người dân xây nhà trước ngày 30/6/2023. Kinh phí vận động sẽ được các tổ chức, nhà hảo tâm trao tận tay các hộ dân nghèo.
Không chấp nhận việc trục lợi chính sách
Tỉnh Thanh Hóa xác định việc bố trí đất và hỗ trợ kinh phí cho đồng bào đang sinh sống trên sông là nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong 2 năm (2022-2023), đồng thời phấn đấu trong khoảng thời gian trên sẽ hoàn thành việc cấp đất ở và hỗ trợ xây dựng xong nhà ở cho các hộ trong diện được thụ hưởng chính sách.
Để thực hiện được kế hoạch đề ra, ông Đỗ Trọng Hưng, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu Ban Thường vụ Thành ủy Thành phố Thanh Hóa, huyện ủy các huyện Thiệu Hóa, Vĩnh lộc, Yên Định, Thọ Xuân, Cẩm Thủy lãnh đạo việc tập trung đẩy nhanh tiến độ giao đất, bố trí tái định cư, hỗ trợ kinh phí xây nhà ở cho các hộ dân đang sinh sống trên sông, hoàn thành trước ngày 30/6/2023. Riêng thành phố Thanh Hóa hoàn thành trước ngày 31/12/2023. Địa phương nào không hoàn thành công việc được giao theo tiến độ nêu trên, thì Bí thư, Chủ tịch UBND huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh.
Ông Đỗ Trọng Hưng đặc biệt nhấn mạnh: “Việc cấp đất và hỗ trợ kinh phí xây nhà cho đồng bào sinh sống trên sông phải làm bằng tình cảm, trách nhiệm và “trái tim nóng” để lo cho dân, làm cho dân, vì nhân dân. Phải lo từ sớm, từ xa nhằm đảm bảo an toàn tính mạng cho bà con nhân dân đang sống lênh đênh trên sông nước. Nếu để đồng bào sinh sống trên sông bị thiệt hại đến tính mạng do thiên tai gây ra chúng ta sẽ có lỗi với nhân dân”.
Theo lãnh đạo Ban Dân vận Tỉnh ủy Thanh Hóa, trong quá trình thực hiện nhiều địa phương trong tỉnh (Thiệu Hóa, Yên Định, Thọ Xuân) đang thực hiện rất tốt kế hoạch đề ra, giúp các hộ thuyền chài có cuộc sống và thu nhập ổn định sau khi lên bờ. Tuy nhiên, qua theo dõi, tại một số huyện, có hiện tượng người dân sau khi nhận đất tái định cư (cấp không thu tiền) ngấm ngầm chuyển nhượng cho người khác, làm ảnh hưởng tới tính nhân văn trong việc thực hiện chính sách.
Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam về quan điểm trong việc triển khai, thực hiện Chỉ thị số 08, bà Phạm Thị Thanh Thủy, Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa cho biết, phương châm là không bỏ sót đối tượng được hỗ trợ, nhưng không được trục lợi chính sách.
"Để ngăn chặn việc trục lợi chính sách trong việc cấp đất tái định cư, các địa phương cần nâng cao tuyên truyền vận động để người dân hiểu đúng, hiểu rõ tính nhân văn, cao cả từ Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Bên cạnh đó, nhân dân cần phát huy tinh thần giám sát cộng đồng trong quá trình thực hiện, tránh hiện tượng người dân được cấp đất xong rồi chuyển nhượng để lấy tiền. Người dân được thụ hưởng chính sách cần có trách nhiệm với chính quyền và cam kết sau khi nhận đất và sử dụng đúng mục đích…
Bên cạnh đó, cần tập trung rà soát, xác định chính xác số hộ dân đang sinh sống trên sông tại địa phương; rà soát, xác định chính xác định, công nhận hộ nghèo, cận nghèo, không có khả năng mua đất ở, không có khả năng xây dựng nhà ở theo đúng nguyên tắc, tiêu chí, đối tượng, đảm bảo công khai, dân chủ, minh bạch, đúng quy định”, bà Thủy cho hay.
Nhằm hỗ trợ các hộ dân nghèo đang sinh sống trên sông hiện đang gặp khó khăn về nhà ở, Công ty Xi măng Long Sơn đã trao ủng hộ 18 tỷ đồng hỗ trợ xây dựng nhà cho hộ nghèo tại tỉnh Thanh Hóa. Mức hỗ trợ là 50 triệu đồng/căn góp phần cùng với cấp ủy, chính quyền, MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa hoàn thành mục tiêu quốc gia nhằm giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2021 - 2025. Ủy ban bác ái Caritas giáo phận Công giáo Thanh Hóa sẽ hỗ trợ 50 triệu đồng/nhà đối với hộ giáo dân.