| Hotline: 0983.970.780

Khát vọng lên bờ [Bài 1]: Phận chài!

Thứ Sáu 30/09/2022 , 09:22 (GMT+7)

Cụ Lạy ngồi lọt thỏm trong boong thuyền cũ kỹ, ánh mắt vẫn dõi theo chúng tôi như muốn gửi gắm niềm tin và hy vọng về ngày mai cho xóm chài Thủy Cơ.

Gái thuyền chài lấy trai sông nước

Cơn mưa rả rích kéo dài từ sáng sớm đến quá trưa, khiến làng chài Thủy Cơ (xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) trở nên ảm đạm. Làng chài gồm hàng chục chiếc thuyền được quây tôn, đóng ván tuềnh toàng, nối đuôi nhau, nằm dọc sông Chu.

Chiếc thuyền chỉ dài vài sải tay, đậu tít tắp ngoài xa là nơi cụ Nguyễn Thị Lạy (82 tuổi) cư ngụ suốt nhiều năm trời. Ngoài gian bếp đặt chính giữa boong thuyền, cụ chỉ dành cho mình một khoảng trống nhỏ, đủ để trở mình mỗi đêm. Gia sản của cụ chẳng có gì ngoài bộ nồi niêu, xoong, chảo, từng là của hồi môn thuở lập gia đình.

Cụ Nguyễn Thị Lạy (82 tuổi, xóm chài Thủy Cơ, Thiệu Vũ, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) gần một đời người gắn bó với bến nước, con người. Ảnh: Quốc Toản

Cụ Nguyễn Thị Lạy (82 tuổi, xóm chài Thủy Cơ, Thiệu Vũ, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) gần một đời người gắn bó với bến nước, con người. Ảnh: Quốc Toản

Cụ Lạy lấy chồng, sinh được 7 người con. Cụ ông mất sớm vì bệnh hiểm nghèo, một mình cụ gồng gánh dắt díu đàn con mưu sinh qua ngày bằng nghề truyền thống của cha ông.

Cụ chẳng còn nhớ nổi cái nghề chài lưới có từ bao giờ. Chỉ biết rằng, từ thời cụ cố tổ đã gắn với chiếc thuyền nan, con cá, mớ tôm trên bến sông. Đến đời cụ và con cháu cụ vẫn tiếp tục gắn bó với xóm chài Thủy Cơ và coi nơi này như máu thịt của mình. Phận thuyền chài cứ mãi bám riết lấy gia đình cụ từ thế hệ này qua thế hệ khác.

“Thời trẻ, tôi cũng đẹp gái lắm! Nhưng dân thuyền chài không biết cày cấy, nên trai làng trên họ không dám lấy. Dân chài thì phải lấy dân chài, đâu dám mơ đến chuyện lập gia đình và cư ngụ trên bờ”, cụ kể với chúng tôi.

Dân chài sống nay đây, mai đó. Bởi vậy cá, tôm là thứ “đặc sản” sông nước giúp nhiều gia đình tồn tại từ đời này qua đời khác. Ai bắt được cá thì đổi được gạo ăn, bằng không thì phải lên bờ đi vay để ăn qua ngày. Sống trong cảnh nghèo khó, mấy đứa nhỏ cũng được huấn luyện chèo thuyền, giăng câu, bắt cá từ bé để làm quen với cuộc sống sông nước”, Cụ Lạy hồi tưởng lại ký ức của hàng chục năm về trước.

Để đề phòng trẻ em đuối nước, mỗi gia đình đều dùng một sợi dây thừng buộc phía sau lưng bọn trẻ. Ảnh: Quốc Toản

Để đề phòng trẻ em đuối nước, mỗi gia đình đều dùng một sợi dây thừng buộc phía sau lưng bọn trẻ. Ảnh: Quốc Toản

Ở xóm chài Thủy Cơ, ông Nguyễn Văn Tịnh (60 tuổi) là một trong số ít dân chài đọc thông, viết thạo. Gia đình ông may mắn được định cư trên bờ sớm hơn các hộ dân làng chài khác. Nhưng mỗi khi gợi lại chuyện quá khứ, ký ức của ông chỉ toàn đắng cay, chua chát: “Cái nghiệp sông nước có lúc bạc như vôi. Vất vả nhất là ngày mưa bão, dân chài từ người già, đến trẻ nhỏ bám trụ trên khoang thuyền chỉ vài m2 để tránh trú. Khi gió to, sóng lớn, các thuyền thả neo, kết lại với nhau bằng dây thừng để khỏi bị trôi theo dòng nước. Nếu không thấy an toàn thì phải bơi vào bờ để tránh trú. Dân chài khổ quá rồi cũng thành quen…”. 

Kể đến đây, mắt ông Tịnh ngấn lệ nhìn vào xa xăm, rồi bật ra tiếng thở dài đầy xót thương về những kiếp người lầm lũi trên sông nước. Ở xóm chài này, có những đứa trẻ mãi “không thể lớn” (chết đuối – PV), những người mẹ đang tuổi xuân sắc phải ra đi vì sự nổi giận của thiên nhiên.

“Có gia đình mải miết lo làm ăn, bỏ lại con trong khoang thuyền. Vì không để ý nên bọn trẻ ngã lộn xuống sông, chết đuối. Dọc khúc sông này, thi thoảng lại có vụ đuối nước thương tâm lắm! Để tránh việc trẻ con ngã xuống sông, nhà nào cũng phải sắm một vài bộ dây thừng, để buộc chúng lại. Dân xóm chài Thủy Cơ bây giờ chỉ mong được lên bờ để thoát khỏi cảnh đọa đày sông nước”, ông Tịnh xúc động.

Chiếc thuyền nhỏ rộng chừng vài m2 là nơi sinh sống của cụ Nguyễn Thị Lạy. Ảnh: Quốc Toản

Chiếc thuyền nhỏ rộng chừng vài m2 là nơi sinh sống của cụ Nguyễn Thị Lạy. Ảnh: Quốc Toản

Phía kế bên, cụ Lạy đang ngước nhìn di ảnh con dâu đặt ở cuối mạn thuyền, mắt đỏ hoe, mếu máo: “Đấy là cái Loan! Nó mất năm ngoái khi mới 40 tuổi. Phận nó mỏng quá! Nó không biết bơi nhưng vẫn cố gắng đi kéo lưới bát quái trong đêm tối để kiếm ít cá, đong gạo cho bọn trẻ. Nào ngờ lũ dữ ập tới, khiến cả người và thuyền trôi theo dòng nước, rồi chìm nghỉm. Dân làng chài phải dùng lưới, kéo vây đưa xác nó lên. Nó đi rồi, đi mãi không về…”.

Tiếng thở của người dân làng chài dài xen lẫn vẻ ảm đạm, hiu hắt lần khuất trong không gian nhỏ hẹp ở boog thuyền như bó buộc sự sống của họ từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chúng tôi tạm biệt cụ Lạy rồi bước chân lên con thuyền chòng chành sóng nước để vào bờ. Ánh mắt người phụ nữ gần đất xa trời vẫn dõi theo như muốn gửi gắm niềm tin và hy vọng về ngày mai tươi sáng – ngày mà gia đình cụ và xóm chài được lên bờ sau mấy chục năm lênh đênh trên sóng nước.

Cuộc sống của những làng chài dường như tách biệt với xã hội bên ngoài. Ở “thế giới” đó, những người cùng cảnh ngộ, dựng vợ, gả chồng, sinh con đẻ cái chung sống trên những chiếc thuyền, trôi nổi trên con nước như một định mệnh khó thay đổi.

Anh Ngô Văn Lương (41 tuổi, thôn Duệ Thôn, Định Tiến, Yên Định) lập gia đình khi mới 16 tuổi, vợ anh cũng là dân chài chính gốc. Người đàn ông có khuôn mặt đen sạm vì nắng, gió vẫn nhớ như in ký ức về đám cưới của hai 2 vợ chồng cách đây hơn chục năm về trước.

Anh Lương kể: “Trước hôm đón dâu, gia đình mượn tạm một khoảnh đất trống ở triền sông đóng rạp. Lễ cưới khi ấy chỉ có 2 bên gia đình nội, ngoại và mấy người bạn thân thiết. Người làng chài tổ chức cưới hỏi không trang hoàng phông rạp, loa đài, không ăn uống linh đình như người người sống trên bờ. Tổ chức đám cưới xong, hai đứa lại dắt díu nhau xuống thuyền để mưu sinh, nối nghiệp ông cha”.

Cưới vợ sau hai tháng, vợ chồng anh Lương ra ở riêng. Của hồi môn là 1 chiếc thuyền nhỏ vừa đủ để hai vợ chồng sinh hoạt. Khoang chính của thuyền làm nơi đặt bếp, kế bên là nơi ăn và chốn ngủ. Phía mạn thuyền là nơi dùng để chứa dụng cụ chài lưới. Việc sinh con đẻ cái, sinh hoạt gia đình đều bó hẹp trong diện tích vài m2… Năm 2018, vợ chồng anh Lương được cấp đất, xây nhà tại khu tái định cư thôn Duệ Thôn (Định Tiến, Yên Định, Thanh Hóa).

 “An cư” nhưng chưa “lạc nghiệp” 

Trên chuyến xe đưa chúng tôi hành trình đến khu tái định cư thôn Duệ Thôn, ông Lê Văn Toàn Phó Chủ tịch UBND xã Định Tiến (Yên Định, Thanh Hóa) tiết lộ một vài câu chuyện cười ra nước mắt về những người dân chài chân chất, quê mùa.

Ông Toàn kể: “Dân chài lưới ở xã Định Tiến nay đây mai đó, nên chẳng mấy người biết chữ. Có trường hợp được người dân chi trả chế độ chính sách nhưng không biết ký tên, xác nhận để nhận tiền. Cán bộ xã phải vẽ từng nét chữ theo tên ra mẫu giấy nháp rồi hướng dẫn họ làm theo, nhưng cũng không ổn!”

Khu tái định cư thôn Duệ Thôn, Định Tiến, Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản

Khu tái định cư thôn Duệ Thôn, Định Tiến, Yên Định, Thanh Hóa. Ảnh: Quốc Toản

Thôn Duệ Thôn (xã Định Tiến, Yên Định, Thanh Hóa) nằm lọt thỏm dưới triền đê. Đây là nơi sinh sống của nhiều hộ dân thuyền chài đã được chính quyền địa phương cấp đất, xây nhà. Từ năm 2008 đến nay, toàn xã đã đưa được 75 hộ thuyền chài với hơn 200 nhân khẩu lên sinh sống khu tái định cư rộng khoảng 1,5 ha này. Trước khi lên bờ, hầu hết các gia đình đều thất học và thuộc diện hộ nghèo của xã.

Theo ông Toàn, từ năm 2008 đến nay, khu dân cư thôn Duệ Thôn hầu như đã phủ kín bởi các nếp nhà, chỉ trừ vài ba hộ chưa đủ điều kiện kinh tế để cất móng. Trong năm nay, xã tiếp tục vận động các hộ dân còn lại khởi công, xây nhà, ổn định cuộc sống…”.  

Nhiều hộ dân chài tại xã Định Tiến (Yên Định), xã Thiệu Vũ (Thiệu Hóa) đến nay cơ bản đã an cư, nhưng mối lo toan về chuyện mưu sinh, lập nghiệp sau khi lên bờ vẫn luôn đeo đuổi họ trong từng suy nghĩ và ánh mắt.

Có lẽ vậy mà căn nhà của vợ chồng ông Ngô Văn Cảnh (60 tuổi thôn Duệ Thôn) luôn khóa trái cửa từ bấy lâu nay. Theo lời kể của dân làng chài, năm 2018, gia đình ông cảnh được chính quyền địa phương cấp đất để làm nhà. Kinh phí xây dựng nhà cửa được bà con công giáo quyên góp, hỗ trợ. Thế nhưng an cư chưa được bao lâu, cả gia đình lại dắt díu nhau xuống thuyền trú ngụ, mưu sinh vì vợ chồng ông đã có tuổi nên khó kiếm được công việc khác thay thế. Gia đình ông Cảnh cũng là hộ dân có hoàn cảnh bi đát nhất làng chài này. Vợ chồng ông Cảnh sinh được 7 người con nhưng có tới 3 đứa con chết đuối trên sông.  

Thôn Duệ Thôn bây giờ chủ yếu toàn người già và trẻ nhỏ. Thanh niên trai tráng, người trong độ tuổi lao động phải bươn trải, làm đủ nghề để kiếm sống. Số khác thì đi vào Nam mưu sinh, lập nghiệp. Phụ nữ, người già trong thôn ở nhà lo toan chuyện bếp núc.

Ở làng chài tái định cư này, kinh tế gia đình chị Ngô Thị Tuyết (41 tuổi, thôn Duệ Thôn) có vẻ khá khẩm hơn một chút. Vợ chồng chị vừa cất xong nóc nhà 2 tầng vào năm ngoái sau khi được chính quyền địa phương cấp đất. Toàn bộ vốn liếng vợ chồng có được đều dồn vào việc làm ăn, đầu tư thuyền bè. Dù vẫn còn nợ số tiền khá lớn nhưng khuôn mặt người phụ nữ vẫn tỏ ra mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. Ba đứa con anh chị cũng đã khôn lớn và được học hành.

Chị Tuyết chia sẻ, có nằm mơ vợ chồng con cái cũng không nghĩ tới ngày hôm nay. Chỉ mong có sức khỏe để làm ăn, trả nợ và lo cho con cái ăn học, trưởng thành. Chỉ buồn là bản thân không được ăn học nên khi xin việc người ta không chấp nhận. Thôi thì đành hy sinh đời bố, để củng cố đời con vậy.

Đề cập tới chuyện tạo công ăn việc cho các hộ dân làng chài sau khi lên bờ định cư, ông Nguyễn Quang Sinh - Bí đảng ủy xã Thiệu Vũ cho biết, việc triển khai chủ trương vẫn còn gặp một số khó khăn. "Chủ trương, chính sách đào tạo nghề cho lao động là rất đúng đắn, nhưng năng lực của nhiều người dân chài rất hạn chế, nhất là trình độ văn hóa. Điều này tạo nên tạo ra áp lực trong việc bố trí công việc, nhất là định hướng xuất khẩu lao động. Bên cạnh đó, một số lao động được học nghề mây tre đan nhưng thu nhập không ổn định vì đầu ra sản phẩm bấp bênh. Vì thế người lao động cũng không mấy mặn mà với nghề này", ông Sinh nói.

Theo thống kê của huyện Yên Định, tính đến tháng 8/2022, toàn huyện có 138/179 hộ nghèo sinh sống trên sông thuộc diện được cấp đất ở, hỗ trợ xây dựng nhà ở ổn định cuống sống, với tổng kinh phí làm nhà gần 33 tỷ đồng.

Huyện Thiệu Hóa, có 62 hộ dân gốc sinh sống trên sông, trong đó tập trung đông nhất tại xã Thiệu Vũ. Năm 2008, chính quyền địa phương cấp đất cho 35 hộ dân lên bờ sinh sống ổn định. Theo kế hoạch, số hộ dân còn lại sẽ được bố trí đất tái định cư trước tháng 6/2023.

Xem thêm
Thông tin đối ngoại về quyền con người trong tình hình mới

Hiện nay, truyền thông về quyền con người, thông tin đối ngoại đã được triển khai mạnh mẽ với sự quan tâm chỉ đạo, tham gia đóng góp của cả hệ thống chính trị.

Số hóa thị trường nông sản thông qua phần mềm AgriDataGo

AgriDatatGo là phần mềm giúp bà con nhanh chóng tiếp cận với thị trường mà sản phẩm hướng tới, cũng như cách thức để sản phẩm đáp ứng các yêu cầu của thị trường đó.

Uông Bí tiếp nhận gần 4.000 đơn đề nghị hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

QUẢNG NINH Sau cơn bão số 3, các hộ dân và các công ty lâm nghiệp đang tích cực thực hiện tận thu, dọn dẹp phòng chống cháy rừng, chuẩn bị hiện trường trồng rừng vụ mới.