| Hotline: 0983.970.780

Thật xót xa với những hộ hậu giao đất cho dự án Ecopark bị liệt vào 'danh sách đen'

Thứ Năm 12/07/2018 , 09:10 (GMT+7)

Hai đứa con trai học đại học xong không xin được vào Ecopark. Cũng chẳng rõ lý ro cụ thể, nhưng ông Tuệ cho rằng chính vì ngày trước ông đấu tranh giữ đất nên mới bị liệt vào “danh sách đen” của xã?

Sau mất đất, sau những đấu tranh, những bức xúc kiện cáo, nhiều nông dân Văn Giang chấp nhận lấy tiền đền bù dự án. Chỉ có điều, với mức giá được cho là rẻ mạt, tiền bồi thường chỉ như cơn gió thoảng qua trước khi họ thực sự lâm vào bước đường cùng.
 

2 sào ruộng chỉ đủ tiền bốc mộ

Nông dân mất đất ở Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao phân thành 3 nhóm. Nhóm nhận tiền đền bù sớm, nhóm đấu tranh một thời gian nhưng không thành đành phải nhận tiền và nhóm kiên quyết tiếp tục khiếu kiện, nhất quyết không ký vào biên bản giao đất. Nhóm nào cũng đầy rẫy những bi kịch xót lòng.

Đi một vòng ở vùng mất đất, vào nhiều gia đình đã nhận tiền hỏi dự án Ecopark đã thay đổi cuộc sống của họ như thế nào, rất nhiều người lắc đầu ngán ngẩm: Hết sạch rồi. Chẳng còn gì cả.

Ngay từ những ngày đầu dự án, Xuân Quan là xã có nhiều hộ gia đình phản đối bằng cách không chịu nhận tiền nhất trong 3 xã vùng mất đất. Ruộng đất ở Xuân Quan vốn ít, bình quân mỗi một hộ gia đình chỉ 2-3 sào nhưng dân cần mẫn, chịu khó nên cũng có thể xem là đủ trang trải cuộc sống. Cộng với việc mức giá bồi thường hỗ trợ ban đầu chỉ 42 nghìn đồng/m2 sau đó tăng lên 76 nghìn đồng/m2, quá rẻ mạt so với mức thu nhập của người dân nên những năm trước hầu như chỉ có cán bộ, đảng viên và nhiều gia cảnh khó khăn, cần tiền quá buộc chấp thuận. Suốt một thời gian dài, người dân mất đất ở Xuân Quan gánh chịu đủ những chiêu trò cho một mục đích duy nhất là buộc họ phải nhận tiền bồi thường hỗ trợ.

17-26-04_vg42
Nông dân mất đất nhận tiền đền bù hiện lâm vào cảnh trắng tay

Trước khi dự án về, 5 nhân khẩu trong gia đình bà Nguyễn Thị Hiếu (60 tuổi, xóm 3 xã Xuân Quan) được chia tất thảy 4 mảnh với diện tích gần 2 sào ruộng. 2 mảnh ở đồng dưới, 2 mảnh đồng trên. Tất nhiên là còn vất vả nhưng ít ra không phải sống cảnh gạo chợ nước sông như nhiều gia đình bị thu hồi đất trước đó. Ruộng đồng như nồi cơm chín sẵn, cộng thêm vợ chồng con cái chịu khó làm lụng cũng có thu nhập ổn định.

“Ngay từ đầu nghe thông tin dự án sẽ thu hồi đất, nông dân chúng tôi đã phản đối. Mất ruộng thì chúng tôi biết sống bằng gì? Nhưng mất ruộng không phải lý do chúng tôi đấu tranh. Chính quyền và chủ đầu tư xem thường người dân quá. Họ lấy “nồi cơm” của nhân dân chúng tôi mà cả cần họp bàn hay thông báo gì cho dân cả”, bà Hiếu trải lòng về quá trình mất đất của người dân.

Bức xúc lẫn lo lắng cho tương lai không biết sẽ ra sao nên khi UBND xã gọi lên để nhận tiền bồi thường thu hồi ruộng, bà, giống như nhiều hộ dân khác nhất quyết không chấp thuận. Nhưng rồi sự cứng rắn ấy cũng chẳng được lâu, đâu chỉ được chừng khoảng 3 năm. Chồng bà chết trong một cơn bạo bệnh ngay thời điểm ruộng bị khoanh vùng để thu hồi. Dù trước lúc chết người đàn ông một đời làm ruộng ấy dặn bà cố gắng giữ ruộng cho mẹ con còn có gạo mà ăn nhưng di nguyện của ông bà không thể nào làm được.

“Cả 2 lần thu hồi đất vào năm 2009 và năm 2012, tôi đều cùng với dân làng mất đất ra đồng giữ nhưng không được. Bởi vì đi giữ lần nào thì bị côn đồ đe dọa, đánh đập lần ấy. Chồng mất rồi, nhà chỉ còn đàn bà con gái nên bị đánh đập đe dọa không biết kêu ai. Sau cùng đám con tôi hãi quá nên bảo mẹ thôi, mẹ cũng yếu rồi, chấp nhận lấy tiền đền bù đi cho xong chuyện”, bà Hiểu nói lý do nhận tiền bồi thường.

Mất gần 2 sào ruộng, cộng tất thảy tiền đền bù, hỗ trợ được xấp xỉ 100 triệu đồng. Cầm tiền ruộng bà chia làm 4 suất. Bà và cô con gái út hai suất, hai cô con gái đã lấy chồng 2 suất. Không phải trả nợ nần, cũng chưa mua sắm được vật dụng gì vì bà nghĩ phải để dành sau này cho đứa con gái út học hành, kiếm nghề nghiệp sau khi mất ruộng. Nhưng số tiền đền bù ấy chỉ ở nhà bà được vài ba tháng. Năm 2016, mẹ con chung nhau làm lễ “tắm rửa”, xây mộ cho bố, cho cha thì hết sạch, không còn một đồng nào.

Bây giờ thì bà Hiếu ngày ngày đi đóng bầu thuê cho dân trồng hoa ngoài bãi. Mỗi ngày nếu tất bật cũng được 150 nghìn đồng tiền công, nhưng không đều: “Sức khỏe tôi yếu, với lại công việc không phải lúc nào cũng có, mỗi tháng chỉ đi được chừng 15 hôm. Chỉ đủ cây rau, cây đậu sống qua ngày. Tôi rồi cũng chết, chỉ nghĩ thương con cái. Mất hết ruộng nên giờ đứa nào cũng phải đi làm thuê, tương lai không biết thế nào”.

Hai cô con gái lớn dù đã gả cho người ta, nhưng cũng đều là những nhà mất ruộng nên không có việc gì ổn định, ai thuê gì làm nấy, chả hỗ trợ nổi mẹ già. Tội nhất là đứa gái út “nó ham học, tôi cũng hi vọng nó có thể học hành tử tế, kiếm được công ăn việc làm nhưng gia cảnh túng quá nên đang học ở Hà Nội đành phải bỏ giữa chừng”. Điều an ủi duy nhất của người đàn này nghe đau xót lắm “người dân mất đất đều thế cả, đâu riêng gì nhà tôi”.

Quả thật không riêng gì nhà bà Hiếu. Bởi cứ hỏi nông dân vùng dự án thu hồi đất về thu nhập của họ bây giờ chỉ toàn thấy kể đi làm thuê làm mướn. Sao không xin cho con cái vào Ecopark mà làm? “Họ xếp chúng tôi vào diện chống đối chủ trương, nhận tiền bồi thường chậm nhận tiền bồi thường hỗ trợ nên không nhận vào làm”, rất nhiều nông dân mất đất ở Văn Giang trả lời như vậy.
 

Viễn cảnh tươi đẹp và thực tế xót xa

Những người dân mất đất ở Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao hiện vẫn còn lưu giữ Tập Đề cương tuyên truyền dự án Khu Đô thị - Thương mại – Du lịch Văn Giang của Huyện ủy Văn Giang ban hành vào tháng 11/2004. Tập đề cương nom cũ kỹ lắm rồi, dân bảo chúng tôi không tin, nhưng phải giữ lại để sau này con cháu biết rằng dự án được vẽ ra như thế nào.

17-26-04_vg44
Ecopark tiếp tục quảng cáo những dự án triệu đô được xây dựng trên những cánh đồng thu hồi của nông dân

Trong đề cương tuyên truyền về dự án của Huyện ủy Văn Giang, bao nhiêu viễn cảnh tốt đẹp về dự án được những người soạn thảo liệt kê, nếu chỉ đọc thôi thì ai cũng mừng cho nông dân vùng mất đất. Nào là “phần lớn lao động nông nghiệp sẽ được chuyển sang hoạt động dịch vụ”; “thu hút lực lượng lớn trí thức, con em của huyện”; “việc làm, đời sống của người dân sẽ được cải thiện tốt hơn nhiều lần so với hiện nay”; “một bộ phận khá lớn lao động sẽ được đưa vào bộ máy kinh doanh của công ty”…

Tiếc thay, sau khi chủ đầu tư có được đất để xây dựng những nhà cao tầng, biệt thự thì cũng là lúc nông dân mất đất bị đẩy bước đường cùng.

4 nhân khẩu trong gia đình ông Lê Văn Tuệ ở thôn 5 xã Xuân Quan bị dự án thu hồi mất 2 sào ruộng. Một đời làm nông dân, ông Tuệ hiểu giá trị của ruộng đất với 4 miệng ăn của gia đình mình. Ông cũng kiên quyết đấu tranh giữ đất ngay từ những ngày đầu dự án vì lo sợ vợ chồng, con cái không biết làm gì để sống. Mặc cho đe dọa, mặc cho thuyết phục rủ rê, tinh thần giữ đất được thể hiện bằng việc mấy lần xã thông báo trên loa kêu gọi các hộ dân đến nhận tiền, ông lên thẳng ủy ban gặp Chủ tịch xã tuyên bố: Xã rủ rê vợ con tôi nhận tiền là góp phần làm hại gia đình tôi đấy.

Chỉ tiếc thay, vợ con ông không nghĩ vậy. Gia đình đang nợ nần, chính quyền hứa sẽ đưa con cái trở thành “người của Ecopark” nên bà Nguyễn Thị Dũng lẳng lặng cầm chứng minh nhân dân lên gặp xã nhận tiền bồi thường. Tổng cộng cũng được hơn 100 triệu đồng. Khoảng 10 ngày sau ông Tuệ mới biết, tra hỏi nhưng không còn một đồng nào vì bà đã mang đi trả nợ khoản vay đầu tư vào việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng đu đủ. Đành vậy. Chỉ mong chính quyền và chủ đầu tư tạo điều kiện cho mấy đứa con có công ăn việc làm.

Nhưng giấc mộng của ông Tuệ bà Dũng không thành. Hai đứa con trai học đại học xong không xin được vào Ecopark. Cũng chẳng rõ lý ro cụ thể, nhưng ông Tuệ cho rằng chính vì ngày trước ông đấu tranh giữ đất nên mới bị liệt vào “danh sách đen” của xã? Ruộng thì mất, tiền cũng hết, hai thằng con hiện đang làm lao động tự do, ai thuê gì làm nấy, chủ yếu là đi bốc vác. Bản thân 2 ông bà, cũng hết tuổi lao động, nghĩ nát óc chả ra nổi việc gì kiếm sống qua ngày, cuối cùng lại phải đi thuê đất ngoài bãi quay về sản xuất nông nghiệp. Đắng cay hơn, tiền đền bù trả nợ hết rồi nên lại phải cầm sổ đỏ ra ngân hàng vay tiếp 50 triệu đồng để tái sản xuất. 3 năm rồi chưa trả được đồng nào.

Cứ mỗi buổi chiều đứng trên cầu Bắc Hưng Hải, lớp lớp người dân mất đất đi làm thuê trên Hà Nội, làm thuê ở làng gốm Bát Tràng, làm thuê trên những cánh đồng ngoài bãi lại trở về. Cạnh đó là một tấm biển quảng cáo mới của Ecopark, rất to.

“Dự án Biệt thự đảo Ecopark Grand – Một sản phẩm thượng lưu của Ecopark” đang được chủ đầu tư quảng cáo “thể hiện mong muốn vươn lên tầm cao mới chủ đầu tư Khu đô thị Ecopark. Ecopark Grand là thương hiệu cao cấp của Khu đô thị, bao gồm các sản phẩm BĐS đặc biệt sang trọng, xa xỉ đi kèm với những tiêu chuẩn sống, dịch vụ đẳng cấp theo chất lượng 5 sao quốc tế”.

 

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Triệt phá các đường dây nhập lậu, giết mổ lợn nhiễm bệnh dịp cận Tết

Tây Ninh Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường liên tiếp triệt phá các đường dây vận chuyển lợn qua biên giới, giết mổ lợn có dấu hiệu mắc dịch tả lợn châu Phi.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.