| Hotline: 0983.970.780

Xót xa, đau đớn cảnh 'làm thuê trên mảnh đất của mình'!

Thứ Hai 09/07/2018 , 07:01 (GMT+7)

“Bao đời nay dân chúng tôi sống nhờ vào đất. Không có đất thì chết đói. Cứ tưởng mất đất là cay đắng, tủi nhục lắm rồi, mà nay đi thuê đất để kiếm sống cũng không được yên ổn”, bà Trương Thị Thỉnh, 57 tuổi, ở thôn Đầu...

Bị thu hồi tới gần 500ha đất “bờ xôi ruộng mật” phục vụ dự án, hàng chục năm trời ròng rã khiếu kiện đòi quyền lợi, vật vã trong cơn khát đất sản xuất… Loạt bài này là bức tranh đời sống người dân các xã Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) trong thời kỳ hậu mất đất nông nghiệp.

Ông Lê Văn Dũng bên cánh đồng xã Xuân Quan, giờ đã là khu biệt thự của Ecopark

Tháng 4 vừa rồi, tại một bãi đất nông nghiệp ít ỏi còn sót lại ở cánh đồng xã Xuân Quan diễn ra một sự kiện khá lạ lùng. Lần đầu tiên những người nông dân bị Dự án Khu Đô thị Thương mại Du lịch Văn Giang - Ecopark lấy đất đã tổ chức bữa tiệc mặn để tưởng nhớ những cánh đồng đã mất. Buổi lễ diễn ra đúng vào ngày 24/4, tròn 6 năm sau vụ cưỡng chế cuối cùng để lấy đất cho dự án vào năm 2012.

Lễ Tưởng nhớ ruộng đồng năm 2018 tại cánh đồng xã Xuân Quan. Ảnh cắt từ clip do người dân cung cấp

Ròng rã 10 năm đội đơn cầu cứu

Lễ tưởng nhớ ruộng đồng hôm ấy có khoảng 20 mâm cơm và độ khoảng 100 nông dân đại diện cho những nông dân mất đất thuộc các xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao. Bữa ăn được bày ngay trên nền đất ruộng, thửa đất còn sót sau đợt cưỡng chế thu hồi 72ha đất ngày 24/4/2012. Sáu năm, cánh đồng cưỡng chế bây giờ đã khu biệt bằng một hệ thống mương nước mà phía bên kia là thế giới của nhà cao tầng và biệt thự liên tục mọc lên sau khi đất đai rơi vào tay chủ đầu tư.

10-34-29_vg1
Nông dân mất đất tiếp tục khiếu kiện

Thực ra kể từ vụ cưỡng chế cuối cùng ấy, năm nào cũng vậy, vào đúng ngày 24/4, nông dân mất đất ở đây cũng làm lễ tưởng nhớ những cánh đồng, những thửa ruộng của họ. Thường thì chỉ ít bánh trái với khói hương cúng vọng cánh đồng từng là nguồn sống của hàng vạn người dân nay đã là “thế giới của người giàu”. Nhưng năm nay, người dân tổ chức sang hơn một chút, bởi với hàng trăm hộ gia đình, không chỉ 6 năm, mà đã tròn đúng 10 năm trời không có lấy một tấc đất sản xuất. Cũng là dịp để những người cùng cảnh ngộ động viên nhau tiếp tục cuộc hành trình đòi công lý, cùng nhau ôn lại ký ức về cánh đồng vàng đẻ bạc tỷ mỗi năm, ôn lại chuyện dự án đột ngột thay đổi cuộc sống của họ…

Trong các văn bản, tài liệu, dự án Khu đô thị Thương mại Du lịch Văn Giang - Ecopark do Cty CP Đầu tư và phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) làm chủ đầu tư đã lấy đi xấp xỉ 500ha đất, chủ yếu là đất nông nghiệp, đất hai lúa bờ xôi ruộng mật tại 3 xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao. Nói ngắn gọn, dự án gần như xóa bỏ gần hết diện tích sản xuất của 3 địa phương này.

Gần 5 triệu m2 bị khoanh vùng, khoảng 4 nghìn hộ gia đình, 23 nghìn nông dân mất đất. Những cánh đồng truyền đời của người dân chỉ cách đấy chưa lâu từng được chính quyền hô hào chuyển đổi từ ruộng lúa thành vườn cây ao cá, nhận hàng loạt cờ thi đua xuất sắc đã bị san phẳng để giao kịp cho nhà đầu tư. Đau đớn hơn nữa, người dân gần như chẳng biết gì về dự án. Thậm chí, trong nhiều biên bản, tài liệu hiện còn lưu giữ, chính lãnh đạo một số xã trong vùng bị thu hồi cũng không nắm được thông tin dự án để trả lời bà con. Những quyết định không khác gì đánh úp vào phong trào sản xuất đang lên rất mạnh ở trong dân...

Còn nhớ, thời điểm chính quyền tổ chức đợt cưỡng chế cuối cùng ngày 24/4/2012, chúng tôi cũng có mặt ở Văn Giang. Lúc ấy, gần như cả 2.000 hộ dân thuộc 3 xã trong vùng dự án vẫn kiên quyết phản đối, kiên quyết bảo vệ cánh đồng tự bao đời cày cấy ngay cả khi chính quyền huy động máy móc và nhân lực tràn xuống đồng. Nhưng rồi cuộc cưỡng chế và những cuộc vận động theo đủ cách khác thường sau đó khiến Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao xảy ra rất nhiều biến cố. Nhiều năm đã qua, số nông dân mất đất không chịu nhận tiền đền bù, kiên quyết phản đối dự án và miệt mài khiếu kiện hiện bây giờ còn xấp xỉ 300 hộ. Bản danh sách tập hợp chữ ký gần nhất ở xã Xuân Quan còn 118 hộ, xã Phụng Công xấp xỉ 140 hộ, xã Cửu Cao còn khoảng 40 - 50 hộ.

Mệt mỏi và uất ức, nhưng trên cử chỉ, trong từng lời nói, sự quyết tâm đi đến tận cùng sự việc: “Ai cũng mong muốn có cuộc sống ổn định, nhưng chúng tôi không nhận tiền đền bù bởi vì không biết gì về dự án, không được họp bàn, không nhận được quyết định thu hồi đất và chứng kiến quá nhiều sai phạm của dự án này. 14 năm đội đơn đi khắp nơi chỉ với mục đích, với mong mỏi là những sai phạm đó phải được làm sáng tỏ”, ông Lê Văn Dũng, nông dân mất đất ở xã Xuân Quan lý giải về hành trình hàng chục năm trời đi đòi công lý...

Xót xa, đau đớn cảnh “làm thuê trên đất của mình”

Sau những năm tháng miệt mài khiếu nại vẫn chưa hiệu quả, nông dân Phụng Công, Xuân Quan, Cửu Cao dần trở lại với sự cần cù, sáng tạo của họ để mưu sinh. Đời đời bám đất để sống, nay mất đất rồi nhưng họ vẫn tìm đủ mọi cách để làm nông dân. Chỉ có điều, nếu tận mắt chứng kiến công cuộc mưu sinh của nông dân mất đất ở Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao ở thời điểm hiện tại thì chắc hẳn ai cũng phải cảm thấy xót xa, cay đắng.

10-34-29_20180706_1720450
Làm thuê trên đất của mình

Mất hết đất vào tay dự án, nông dân Văn Giang đang phải thuê lại những diện tích đất công ích của xã để sản xuất với giá cắt cổ. Hoặc giả đi sang các xã khác thuê đất sản xuất thì liên tục vấp phải đầy rẫy những rủi ro, bi kịch.

Cách đây 2 tháng, vụ việc Phạm Văn Toán, một nông dân ở xã Phụng Công khi thuê đất sản xuất ở xã Nghĩa Trụ (huyện Văn Giang) bị côn đồ địa phương đâm thủng phổi đã khiến “phong trào” đi thuê đất sản xuất ở các xã mất đất nháo nhác.

“Bao đời nay dân chúng tôi sống nhờ vào đất. Không có đất thì chết đói. Cứ tưởng mất đất là cay đắng, tủi nhục lắm rồi, mà nay đi thuê đất để kiếm sống cũng không được yên ổn”, bà Trương Thị Thỉnh, 57 tuổi, ở thôn Đầu, xã Phụng Công nói giọng chua xót. 

“Sau khi mất 240ha cho dự án Ecopark, 1.540 hộ dân xã Phụng Công hiện chỉ còn gần 100ha đất sản xuất. Nông dân ở đây rất giỏi, hễ có đất là có thể giàu, nhưng bây giờ không còn đất để sản xuất nữa”, ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội nông dân xã Phụng Công nói.

Nhà bà Thỉnh có 6 khẩu. Sau khi mất đất, cả gia đình cùng với nhiều hộ khác trong 3 xã mất đất phải lang bạt sang các xã khác thuê đất để tiếp tục bám vào đồng ruộng mưu sinh. Gần thì sang các xã trong huyện, xa hơn thì xuống Yên Mỹ, Ân Thi… Mức giá bình quân của hình thức thuê ruộng rơi vào khoảng 1 triệu đồng/sào. Với những người nông dân cần mẫn, giỏi giang ở vùng mất đất thì giá thuê đất ấy có thể chấp nhận được, nhưng việc đi thuê ruộng gần đây liên tục gặp phải tình trạng trộm cắp, thu "tiền luật"... khiến nông dân khốn đốn. Nhóm của bà Thỉnh có 6 người đi thuê thì cả 6 đều bị trộm cắp, thu tiền bảo kê thêm 1 triệu đồng mỗi sào.

Ngay tại các xã vùng mất đất, nơi dự án thu hồi đất với mức gia đền bù thời điểm cao nhất khoảng 40 triệu đồng/sào, hiện tại những nông dân Phụng Công đang phải thuê diện tích đất công ích của xã với mức giá lên tới gần 30 triệu đồng/sào/năm, tức gần tiệm cận với mức giá đền bù của chủ đầu tư trả cho dân để đổi quyền sở hữu đất vĩnh viễn. Nông dân xã Xuân Quan “dễ thở” hơn với mức thuê dao động vào khoảng 6 - 7 triệu đồng/sào/năm.

Chính ông Nguyễn Quốc Trị, Chủ tịch Hội nông dân xã Phụng Công xác nhận với chúng tôi, hiện với mức giá khoảng 10 triệu đồng/sào/năm muốn thuê cũng không có vì quỹ đất sản xuất ở đây đã hết rồi.

Nơi cánh đồng vàng bây giờ

Sau khi lấy đất của nông dân các xã Phụng Công, Xuân Quan và Cửu Cao, chủ đầu tư đã liên tục xây dựng các khu biệt thự, nhà ở cao tầng và các hạng mục khác. Một thế giới thượng lưu cách hàng vạn bi kịch mất đất chỉ một con mương nhỏ. Chỗ cánh đồng cưỡng chế thu hồi bây giờ là những căn hộ hạng sang ở Ecopark có diện tích từ 150m2 đến hơn 200m2 dao động từ 7 - 15 tỷ đồng. Chủ đầu tư “quảng cáo”: “Thời gian tới Ecopark sẽ xuất hiện khoảng 200 căn biệt thự triệu đô, diện tích căn biệt thự nhỏ nhất cũng khoảng 450m2, là dòng sản phẩm hạng sang dành cho giới thượng lưu, được thiết kế dạng biệt thự đảo sở hữu mặt nước của vịnh Aqua bay liên thông, tuần hoàn tự nhiên với sông Bắc Hưng Hải và có phong cách rất riêng tư”. Tất cả đều được xây dựng trên phần đất thu hồi của người dân với mức giá khoảng 140 nghìn đồng/m2.

 

Xem thêm
Kỷ luật ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét kỷ luật ông Võ Văn Thưởng

Bộ Chính trị quyết định thi hành kỷ luật Cảnh cáo ông Vương Đình Huệ, chưa xem xét, xử lý kỷ luật ông Võ Văn Thưởng do đang điều trị bệnh.

Thủy lợi - nền tảng vững chắc cho sản xuất nông nghiệp hiệu quả

Đồng Tháp Các hệ thống thủy lợi nội đồng giúp kiểm soát nguồn nước hiệu quả hơn, nhờ đó nông dân có thể canh tác 3 vụ lúa/năm với năng suất tăng 15% so với trước đây.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Ghi ở 'thủ phủ' phế liệu Hà Nội [Bài 3]: Cân bằng là thách thức!

Mặc dù có thể giảm thiểu nhưng việc loại bỏ hoàn toàn ô nhiễm song song với phát triển kinh tế tại các làng nghề hiện vẫn là thách thức lớn.