| Hotline: 0983.970.780

Thầy giỏi không dạy được trò hay kế vị chiếc ghế nóng

Thứ Năm 21/02/2019 , 06:05 (GMT+7)

HLV người Scotland tại vị ở Old Trafford 27 năm, nhưng suốt quãng thời gian đó, ông không thể chuyên tâm ra một người kế vị chiếc ghế nóng.

Thất bại được dự báo

Một cầu thủ giỏi luôn có bệ phóng tốt hơn những người ở trình độ hạng xoàng trong hành trình trở thành HLV chuyên nghiệp. Thế giới bóng đá ngày nay chứng kiến nhiều người như vậy, chẳng hạn Pep Guardiola, Zinedine Zidane, Luis Enrique, hay xa hơn là Carlo Ancelotti, Franz Beckenbauer. Trong khoảng thời gian rất dài làm HLV Man Utd, Alex Ferguson có hàng tá học trò xuất sắc, vươn lên tầm thế giới như Ryan Giggs, Paul Scholes, Roy Keane, nhưng tất cả chỉ ở mức làng nhàng. Người khá nhất trong số học trò của Ferguson là Gordon Strachan. Ông từng chinh chiến ở Ngoại hạng Anh, vô địch Scotland cùng Celtic, nhưng chưa bao giờ được xem là một chiến lược gia hàng đầu.

12-22-38_3
Gary Neville, trò cưng của Alex Ferguson, bị Valencia sa thải sau chưa đầy 4 tháng nắm quyền

So về tầm cỡ, Ferguson hoàn toàn sánh ngang Johan Cruyff, Louis Van Gaal hay Arrigo Sacchi. Tuy nhiên, đó là về tổng thể thành tích, chứ nếu xét riêng về mặt chiến thuật, “Máy sấy tóc” khó mà bì kịp với những bộ óc thiên tài kể trên. Hẳn người hâm mộ Man Utd chưa quên hình ảnh đôi bàn tay run rẩy của nhà cầm quân sinh năm 1946 ở chung kết Champions League năm 2011. Khi đó, Man Utd của ông dưới cơ hoàn toàn so với Barca, dù bản thân Ferguson đã ngộ ra không ít từ thất bại trước chính Guardiola cách đó hai năm.

Ferguson lập nghiệp và thành danh trong thời kỳ bóng đá Anh trung thành với chiến thuật tấn công biên và sơ đồ 4-4-2, cùng một vài biến thể. Tài năng của ông được nhìn nhận ở tầm chiến lược, quản lý, và truyền cảm hứng cho học trò, thay vì toan tính, hoặc rộng hơn là đề ra những triết lý chơi bóng. Đó là lý do “Quỷ đỏ” của ông một thời gian thua sấp mặt ở những trận cầu quan trọng. Ngay cả một tay ít tên tuổi nhưng giỏi mưu mẹo như Jose Mourinho cũng đủ sức khiến ông thất bại hồi năm 2004, ảnh hưởng về tư duy của Ferguson lên học trò dưới quyền hầu như hạn chế. Nhiều cựu cầu thủ sau này thừa nhận, họ không bao giờ thấy Ferguson hướng dẫn cần áp sát như nào, di chuyển ra sao để luân chuyển bóng. Tất cả luôn được định hình sẵn trong đầu mọi người, gồm 4 người giăng ngang ở hàng thủ và tiền vệ, và cố gắng đưa bóng ra biên nhanh nhất có thể.

Sự “nghèo nàn” này về ý tưởng khác rất xa so với triết lý bóng đá tổng lực Cruyff mang tới cho Guardiola, Enrique, hay phòng ngự khu vực Sacchi truyền cho Ancelotti. Những học trò từng được xem là ưu tú của Ferguson như Gary Neville thất bại thảm hại khi ngồi ghế HLV của Valencia. Rõ ràng, cách làm bóng đá kiểu cũ có độ chênh nhất định so với xu hướng bóng đá hiện đại.
 

Trợ lý cũng thua luôn

Trong thế giới bóng đá ngày nay, trợ lý HLV, đặc biệt những người phụ trách chuyên môn, có hiểu biết sâu chẳng kém gì HLV trưởng. Thời Ferguson nắm quyền ở Old Trafford, ông trình làng 3 phó tướng xuất sắc là Steve McClaren, Carlos Queiroz và Mike Phelan. Họ đều là cánh tay phải của vị thuyền trưởng người Scotland, trực tiếp tham mưu và tư vấn về chiến thuật cho Ferguson. Truyền thông Anh đánh giá họ rất cao, nhưng khi bước chân thực tế vào con đường huấn luyện, tất cả thua liểng xiểng.

12-22-38_4
Steve McClaren thiểu não sau khi khiến đội tuyển Anh chầu rìa Euro 2008

Đau đớn nhất là McClaren. Người góp công trong cú ăn ba năm 1999 của Man Utd được bổ nhiệm làm HLV đội tuyển Anh sau World Cup 2006. Có trong tay thế hệ vàng của bóng đá xứ sương mù nhưng McClaren không thể giúp “Tam sư” qua vòng loại Euro 2008. Ở trận quyết định, Anh thua Croatia 2-3 ngay trên sân nhà, dù chỉ cần hoà là đi tiếp. Sau McClaren, Ferguson còn một phó tướng giàu chuyên môn khác là Queiroz, người trực tiếp thuyết phục Cristiano Ronaldo gia nhập Man Utd. Nhưng khi tách ra làm riêng, ông thầy người Bồ Đào Nha lụn bại ở Real Madrid mùa 2003-2004, rồi tiếp tục sấp mặt cùng đội tuyển quê nhà ở World Cup 2010. Ở tuổi tròm trèm 60, Queiroz phải lưu lạc sang tận Iran 8 năm, và vừa được vời về Colombia.

Phelan, người gần Ferguson nhất những năm cuối triều đại, cũng chẳng khá khẩm hơn. Ông bị David Moyes đá khỏi Carrington, rồi tiếp tục muối mặt ở Hull City. Đi lòng vòng hơn 5 năm, cựu danh thủ “Quỷ đỏ” hiện hài lòng với chức danh trợ lý cho HLV Ole Gunnar Solskjaer.

Giống như giới cầu thủ, tài năng thực sự của các trợ lý Ferguson bị nhìn nhận không đúng mức. Họ giỏi chiến thuật, nhưng chỉ ở mức phục vụ cho ý đồ chơi tấn công biên của vị chỉ huy tối cao, thay vì tiếp cận và thích nghi với xu thế bóng đá pressing hiện đại. Khi đứng độc lập ngoài đường biên, tất cả đều cố mô phỏng hình ảnh của Alex Ferguson nhưng không thể, bởi những yếu tố như tổ chức đội bóng, làm tâm lý cầu thủ, và phát hiện tài năng là không thể truyền dạy.

Xem thêm
Ra mắt Bến hoa Phúc Xá - Ba Đình

Công trình Bến hoa Phúc Xá - Ba Đình ra mắt giúp tạo điểm nhấn về cảnh quan, thu hút khách tham quan, phát huy sản phẩm du lịch đặc trưng của quận.

Bộ phim 'Độc đạo' vì sao thu hút khán giả truyền hình?

Bộ phim ‘Độc đạo’ phát sóng trên VTV3 vào lúc 21h40 thứ 2, 3, 4 hàng tuần thực sự khiến người xem thích thú vì lối thể hiện đề tài hình sự khá mới mẻ.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.