Trong quyết định mới nhất, FIFA cho phép Nga tiếp tục đá vòng play-off World Cup 2022 vào tháng 3, nhưng dưới tên Liên đoàn Bóng đá Nga và không dùng cờ, cũng như quốc ca. Họ được giữ nguyên lịch thi đấu - tiếp Ba Lan ở bán kết play-off World Cup 2022, và nếu đi tiếp sẽ gặp đội thắng trong cặp đấu giữa Thuỵ Điển và CH Czech.
Dù đội tuyển Ba Lan, tiền đạo ngôi sao Robert Lewandowski đều tỏ thái độ bất bình và từ chối đến Nga, quyết định của FIFA được giữ nguyên. Bất ngờ có thể đến, nếu Ba Lan, Thuỵ Điển và Czech cùng rút khỏi vòng play-off, nhưng điều này rất khó xảy ra.
Định hướng của FIFA cũng là cách mà UEFA áp dụng. Cơ quan bóng đá quyền lực nhất châu Âu chỉ tước quyền tổ chức trận chung kết Champions League mùa này, nhưng các CLB của Nga vẫn tiếp tục được thi đấu ở các sân chơi.
Tờ The Sun của Anh nhận định, rằng các tổ chức thể thao thế giới luôn coi Nga là một đối tác hàng đầu. Nhờ việc tổ chức thành công chung kết Champions League 2008, vòng chung kết World Cup 2018, 6 trận vòng bảng và 1 trận tứ kết Euro 2020, Confederations Cup 2017, chung kết UEFA Cup 1999, và nhiều giải đấu khác, xứ bạch dương rõ ràng có đủ tiềm năng để hoàn thành bất cứ nhiệm vụ nào.
Lựa chọn của FIFA, UEFA, hoặc sắp tới là những tổ chức thể thao khác chứng tỏ một điều, rằng thể thao luôn nằm ngoài những quyết định chính trị. Cần nhớ rằng trước đó, thể thao Nga đã phải nhận những quyết định trừng phạt nghiêm khắc như cấm dự Olympic Tokyo 2021, hay đoàn điền kinh nước này bị cấm tại Olympic Rio 2016. Tuy nhiên, nguyên nhân hoàn toàn nằm ở khía cạnh thể thao, khi các VĐV Nga sử dụng chất cấm.
Roman Abramovich, một nhà tài phiệt Nga, vẫn giữ quyền chủ sở hữu Chelsea. Động thái mới nhất của ông chỉ là nhượng quyền chủ tịch lại cho Quỹ từ thiện CLB. Về mặt kinh tế, bất cứ đơn vị nào muốn thâu tóm Chelsea sẽ phải trả khoản nợ 2 tỷ USD cho Abramovich, bên cạnh giá trị khoảng 2,5 - 3 tỷ USD của đội bóng - theo định giá của Forbes.
Cuộc chiến Nga - Ukraine đã ảnh hưởng tới nhiều mặt của cuộc sống, nhưng thể thao có lẽ nằm ngoài xu hướng ấy. Đây là điều mà các tổ chức thể thao đã có nhiều kinh nghiệm, chẳng hạn không xếp Gibraltar và Tây Ban Nha, Kosovo và Bosnia & Herzegovina, Kosovo và Serbia, Armenia và Azerbaijan, hay Nga và Ukraine vào chung một bảng tại vòng loại Euro 2020.
Một số quan điểm cho rằng, các tổ chức quyền lực như FIFA, UEFA, IOC cần lên tiếng mạnh mẽ về cuộc chiến Nga - Ukraine, thậm chí đưa ra các án trừng phạt nghiêm khắc. Một số khác lại cho rằng, các VĐV thể thao của Nga cũng chỉ là nạn nhân. Họ không phải người khởi xướng hay tham gia vào cuộc chiến kể trên.
Mỗi bên một cách nghĩ, nhưng có lẽ suy nghĩ chung lúc này đều là chờ tiếng súng im tiếng trên chiến trường. Bởi dù có cứng rắn đến đâu, một VĐV thể thao của Ukraine cũng không thể tập trung thi đấu chừng nào gia đình họ còn chưa an toàn.