Theo Ban Tổ chức, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà sẽ diễn ra vào 7h sáng ngày mai (25/7), tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh - nơi Tổng Bí thư sinh ra và lớn lên.
Ngày 22/7, Huyện ủy - HĐND - UBND - Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đông Anh (TP. Hà Nội) đã phát thông báo tổ chức Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam tại quê nhà: Thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.
Theo đó, Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tổ chức từ 7 giờ 00, thứ Năm, ngày 25/7/2024, đến 12 giờ 30, thứ Sáu, ngày 26/7/2024. Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ 13 giờ 00, thứ Sáu, ngày 26/7/2024.
UBND huyện Đông Anh đề nghị các tổ chức, cá nhân viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đăng ký theo mẫu để tổng hợp, báo cáo Ban tổ chức bố trí lịch viếng cụ thể vào khung giờ phù hợp. Ban tổ chức khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân tới viếng Tổng Bí thư không mang theo vòng hoa, lễ vật… Lễ dâng đã được BTC chuẩn bị tại nơi đón tiếp của Nhà văn hóa thôn Lại Đà.
Sáng 24/7, công tác tổ chức, chuẩn bị đã gần như hoàn tất. Tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà, việc dựng rạp trên sân Nhà văn hóa; chốt kiểm tra an ninh ngay lối cổng vào đồng thời phân công nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự… cho các lực lượng chức năng đã hoàn thành.
Tại đầu thôn Lại Đà, một chốt an ninh được bố trí để kiểm soát người ra vào. Từ chiều 24/7, các ngả đường ra vào thôn Lại Đà, Nhà văn hóa thôn; Đền - chùa Lại Đà - nơi diễn ra Lễ viếng sẽ cấm đường; 100% lực lượng an ninh chốt giữ, bảo vệ tại các điểm giao cắt 24/24.
Để chuẩn bị cho tang lễ, Ban Tổ chức đã bố trí 20 xe điện, tập trung tại trụ sở ủy ban xã. Đây sẽ là phương tiện để đưa các đoàn tới viếng Tổng Bí thư, đặc biệt là các đối tượng người già, người tàn tật.
Mấy ngày qua, các đường thôn, ngõ xóm của thôn Lại Đà, chính quyền xã sớm treo cờ rủ. Người dân trong thôn, trong làng cũng chủ động treo cờ Tổ quốc đính kèm dải băng tang. Một không khí trang nghiêm phủ trùm Lại Đà những ngày qua. Bên cạnh sự tiếc thương, đó là niềm tự hào, kính trọng.
Bên trong đình Hội Phụ, ông Bùi Văn Vỹ - Chi hội trưởng hội Người cao tuổi thôn - trầm ngâm bên chiếc bàn tiếp khách. Ông cùng với các hội viên được cắt cử, phân công túc trực 24/24 những ngày qua.
"Từ khi Tổng Bí thư từ trần, các thôn trong xã đều dọn dẹp, bao sái tượng Phật, quét dọn bàn thờ trong đình, thắp nhang, dâng hương, hoa… 24/24, đồng thời mở cửa chùa, cửa đình để đón du khách thập phương về thăm làng, thăm xã", ông Vỹ cho hay.
Theo kế hoạch, từ 6h sáng ngày mai, 25/7, Lễ phát tang sẽ được tiến hành đối với người thân trong gia đình, nội tộc dòng họ Nguyễn Phú tại thôn Lại Đà. Từ 7h, lễ viếng Tổng Bí thư sẽ được bắt đầu.
Ông Nguyễn Phú Quyền - cháu nội tộc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tâm sự: "Ông là người cha, người chú, người bác, người anh mẫu mực, đáng kính của cả dòng họ Nguyễn Phú chúng tôi, là niềm tự hào của toàn dòng tộc. Tiếc thương, nhưng chúng tôi cũng ý thức, là sống như thế nào để xứng đáng với những cống hiến, hy sinh của bác đối với đất nước, nhân dân", ông Quyền xúc động.
Tại Nhà văn hóa thôn Lại Đà - nơi diễn ra Lễ viếng, Lễ truy điệu Tổng Bí thư - Ban tổ chức đã đặt các biển chỉ dẫn chia làm 3 khu vực: khu vực đoàn chuẩn bị lễ, sắp xếp chỉnh trang trang phục sau đó di chuyển vào bên trong Nhà văn hóa để dâng lễ; khu vực di chuyển ra bên ngoài; khu vực ghi Sổ tang…
Đặc biệt, những bức ảnh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua các thời kỳ ông về thăm quê được in và phóng to trang trọng, sắp xếp bên trong khuôn viên nhà văn hóa thôn để nhân dân được chiêm ngưỡng, tưởng nhớ những việc làm, hành động của ông!