Nhiều trường, giáo viên ngừng dạy thêm
Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm, bản thân cơ quan quản lý nhà nước tại các tỉnh, thành phố; các nhà trường và đặc biệt là phụ huynh học sinh khá băn khoăn, lo lắng về việc quản lý, tổ chức dạy thêm, học thêm như thế nào để vừa đảm bảo đúng quy định nhưng không ảnh hưởng đến chất lượng dạy, học trong và ngoài nhà trường.
![day-them-201124_683.jpg Từ ngày 14/2/2025 việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường có thu tiền phải dừng lại.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/day-them-201124_683-092537.jpg)
Từ ngày 14/2/2025 việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong nhà trường có thu tiền phải dừng lại.
Theo quy định tại Điều 4 của Thông tư, cấp tiểu học không được tổ chức dạy thêm, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kĩ năng sống. Giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường. Giáo viên thuộc các trường công lập không được tham gia quản lí, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường nhưng có thể tham gia dạy thêm ngoài nhà trường.
Điều này đồng nghĩa, tất cả các trường đang tổ chức dạy thêm buổi chiều hoặc các giáo viên đang dạy thêm tại nhà đều phải dừng giảng dạy, điều chỉnh, thay đổi để thực hiện theo đúng Thông tư quy định.
Hiệu trưởng một số trường THCS trên địa bàn TP Hà Tĩnh cho rằng, việc ban hành Thông tư 29 là “đúng và trúng” nhằm đưa vấn đề dạy thêm, học thêm vào đúng khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, việc ban hành Thông tư vào thời điểm giữa năm học ảnh hưởng đến việc xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường, trong đó có cả kế hoạch hỗ trợ ôn tập cho học sinh trong nhà trường theo đúng quy định.
“Thông tư có hiệu lực vào giữa tháng 2 - thời điểm học sinh đang gấp rút ôn tập cho các kỳ thi lớn. Việc điều chỉnh của các nhà trường không kịp thời có nguy cơ dẫn tới việc phải tạm ngừng hoạt động ôn tập cho học sinh đang được xem là “dạy thêm”, một hiệu trưởng xin giấu tên nói.
Về phía phụ huynh, chị Nguyễn Thanh Huyền, trú phường Thạch Hưng, TP Hà Tĩnh lo lắng nhất là buổi chiều con không học thêm thì sẽ làm gì.
Con gái chị Huyền đang học lớp 7 tại Trường THCS Nguyễn Du. Từ sau Tết, nhà trường chỉ tổ chức học chính khóa vào buổi sáng, buổi chiều bố mẹ đều đi làm nên con gái ở nhà chủ yếu xem ti vi, điện thoại “giết thời gian”. Theo chị, trước đây, buổi sáng nhà trường dạy học chính khóa, buổi chiều tổ chức dạy thêm các môn Văn, Toán, Tiếng Anh theo nhu cầu của phụ huynh. Có tuần học 3 buổi, tuần 4 buổi. Học phí theo thỏa thuận, bình quân hơn 20.000 đồng/môn/buổi.
![day-them2-201137_816.jpg Nhiều phụ huynh lo lắng việc học thêm ngoài nhà trường sẽ khó quản lý con em và chất lượng giảng dạy.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/day-them2-201137_816-092538.jpg)
Nhiều phụ huynh lo lắng việc học thêm ngoài nhà trường sẽ khó quản lý con em và chất lượng giảng dạy.
“Nếu đang còn trường chuyên, lớp chọn thì phụ huynh còn nhu cầu cho con đi học thêm. Mong muốn của tôi vẫn cho các con học thêm trong nhà trường. Còn đi học Trung tâm học phí sẽ cao hơn gấp đôi thậm chí gấp ba trong nhà trường, làm tăng thêm áp lực cho phụ huynh”, chị Huyền nói.
Vị phụ huynh này còn phân tích thêm, quy định mới không cho phép thầy, cô dạy các đối tượng là học sinh mà mình đang đứng lớp tại trường (nơi mình công tác) nên sẽ khó biết lỗ hổng của học sinh để bồi dưỡng thêm.
Cần truyền thông mạnh mẽ
Tại tỉnh Hà Tĩnh, sau khi Bộ GD-ĐT ban hành Thông tư, Sở GD-ĐT nhanh chóng ban hành các văn bản xin chủ trương UBND tỉnh, lấy ý kiến sở ngành, đơn vị liên quan, các địa phương để xây dựng Quy định về dạy thêm, học thêm trên địa bàn tỉnh.
Theo ông Đậu Quang Hồng, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, hiện đã có một số trường, đơn vị, địa phương gửi văn bản tham gia ý kiến về Sở. Theo tiến độ đặt ra, trong tháng 2/2025, sau thời gian lấy ý kiến, Sở GD&ĐT sẽ bổ sung, hoàn thiện dự thảo gửi Sở Tư pháp thẩm định; sau khi Sở Tư pháp thẩm định, Sở sẽ hoàn thiện để báo cáo, tham mưu UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quy định.
![20240627_105303-105535_680-111336-201905_130.jpg Để Thông tư 29 đi vào thực tiễn, Bộ GD-ĐT cần tuyên truyền mạnh mẽ và nhiều hơn nữa nhằm tạo tâm thế tự tin, yên tâm cho học sinh, phụ huynh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.](https://i.ex-cdn.com/nongnghiep.vn/files/content/2025/02/11/20240627_105303-105535_680-111336-201905_130-092538.jpg)
Để Thông tư 29 đi vào thực tiễn, Bộ GD-ĐT cần tuyên truyền mạnh mẽ và nhiều hơn nữa nhằm tạo tâm thế tự tin, yên tâm cho học sinh, phụ huynh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
“Thông tư 29 có nhiều điểm mới và một số điểm chưa quy định chi tiết nên rất cần được truyền thông mạnh mẽ. Nhất là việc phân biệt rõ nhiệm vụ giáo dục bắt buộc với hoạt động dạy thêm trong nhà trường hay việc huy động nguồn kinh phí như thế nào là hợp pháp cho việc dạy thêm trong nhà trường; hướng dẫn cho giáo viên trong việc đăng ký dạy thêm ở đâu, như thế nào cần được giải thích và hỗ trợ kịp thời”, một giáo viên dạy Ngữ Văn cấp THPT tại huyện Hương Sơn chia sẻ.
Giáo viên này cho rằng, họ đang quen với cách dạy thêm được tổ chức đơn giản, nay phải tìm nơi phù hợp đăng ký nên cũng sẽ mất thời gian để thích ứng. Nhưng kỳ thi thì không thể lùi. Đây là vấn đề Bộ GD-ĐT cần nắm bắt và có chỉ đạo kịp thời với các địa phương, nhà trường để hỗ trợ học sinh cuối cấp năm học này, tạo tâm thế tự tin yên tâm cho học sinh, phụ huynh, để những mục tiêu, dự định của học sinh trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT và kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 đạt được kết quả tốt.