| Hotline: 0983.970.780

Thủ đoạn lừa đảo mua bán hàng hóa, tiền ảo trên mạng xã hội

Thứ Hai 07/03/2022 , 19:51 (GMT+7)

TP.HCM Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đang điều tra xác minh 31 vụ việc liên quan đến mua bán hàng hóa, tiền ảo qua các app trên mạng xã hội.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM thông tin tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 2 tháng đầu năm 2022 của UBND TP.HCM chiều 7/3. Ảnh: N.T.

Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM thông tin tại buổi họp báo về tình hình kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng 2 tháng đầu năm 2022 của UBND TP.HCM chiều 7/3. Ảnh: N.T.

Liên quan đến việc nhiều người trên địa bàn TP.HCM bị các đối tượng lừa lấy hết tiền khi tham gia vào các app mua hàng, mua tiền ảo trên mạng xã hội thời gian qua, Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, Phó Giám đốc Công an TP.HCM cho biết, trong thời gian qua, dù được cơ quan chức năng tuyên truyền, cảnh báo bằng nhiều hình thức, đặc biệt trên các phương tiện thông tin đại chúng về phương thức, thủ đoạn hoạt động, hệ lụy khi mua hàng hóa, mua tiền ảo trên mạng xã hội nhưng nhiều người dân vẫn chấp nhận mua bán qua các app trên mạng xã hội.

"Khi người mua hàng và tiền ảo tải các app về điện thoại, sau đó làm theo hướng dẫn của các đối tượng thì tài khoản bị hack và mất hết tiền trong tài khoản", Đại tá Quang cho hay.

Cũng theo Đại tá Nguyễn Sỹ Quang, từ năm 2021 đến nay, Công an Thành phố đã phát hiện 33 vụ việc có liên quan đến mua bán hàng hóa và tiền ảo qua các app trên mạng xã hội, trong đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.HCM đã khởi tố 2 vụ án 3 bị can liên quan việc lập các sàn tiền ảo như Bi option, UK Trade Globad... kêu gọi các nhà đầu tư, đưa ra các mức lãi suất siêu lợi nhuận rồi hướng dẫn tạo tài khoản tham gia và sau đó chiếm đoạt tài sản của bị hại.

Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.HCM đang điều tra xác minh 31 vụ để xử lý nghiêm trước pháp luật.

Thủ đoạn của loại tội phạm này là các đối tượng lên mạng tìm kiếm và làm quen với bị hại, sau đó kêu gọi đầu tư, đưa ra mức lãi suất cao, hướng dẫn tạo tài khoản để bị hại tham gia mua bán hàng hóa và tiền ảo trên các app, đường link mà đối tượng gửi để nhận tiền lời.

Lúc đầu bị hại tham gia đầu tư, với số tiền nhỏ thì đối tượng cho rút tiền lợi nhuận, sau một thời gian các bị hại đầu tư số tiền lớn để nhằm thu lợi nhuận cao, sau khi số tiền nạp vào đủ lớn, các đối tượng đứng sau sẽ làm đóng băng tài khoản, đánh sập sàn và chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, các đối tượng kêu gọi bị hại làm cộng tác viên để bán hàng là các sản phẩm mới thông qua các trang thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki... để nhận hoa hồng, sau đó hướng dẫn cho bị hại lập tài khoản trên app rồi đưa nhiệm vụ để thực hiện, sau khi thực hiện xong nhiệm vụ thì hệ thống sẽ tất toán tiền gốc và tiền hoa hồng từ 10-15% trả lại vào tài khoản nhưng khi bị hại muốn rút tiền thì các đối tượng đưa ra nhiều lý do, bắt nộp thêm các loại phí rồi chiếm đoạt tài sản của các cộng tác viên này.

Nhìn chung, thủ đoạn của loại tội phạm này cũng giống với các thủ đoạn lừa đảo khác, đó là nhằm đánh vào lòng tham của bị hại như không cần mất phí vẫn nhận được phần quà giá trị lớn, đưa ra mức lãi suất siêu lợi nhuận để dụ bị hại tham gia. Tuy nhiên, dạng thủ đoạn này nguy hiểm hơn và dễ dụ dỗ bị hại hơn vì chúng có hệ thống, có sự bàn bạc và cấu kết thực hiện một cách bài bản.

"Không thể nào có một việc gì nhẹ nhàng, đầu tư ít tiền mà lại có siêu lợi nhuận", Đại tá Nguyễn Sỹ Quang nói.

Do đó, Phó Giám đốc Công an TP.HCM khuyến cáo, người dân cần trang bị kiến thức, hiểu biết về các hình thức đầu tư, mua bán trên không gian mạng, hiểu được hành vi nào là vi phạm pháp luật, mức độ nguy hại, chế tài xử lý và nâng cao ý thức phòng ngừa ngay từ ban đầu đối với loại tội phạm này. 

Theo Đại tá Quang, thời gian tới, Công an Tp.HCM tiếp tục chỉ đạo các đơn vị có liên quan triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, biện pháp để phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật liên quan hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua hình thức mua bán tiền ảo và hàng hóa qua các app trên mạng xã hội.

"Khi người dân gặp tình huống này nên gửi đơn tố cáo hành vi lừa đảo đến cơ quan điều tra, Công an quận, huyện nơi người dân sinh sống để điều tra làm rõ", Đại tá Nguyễn Sỹ Quang khuyến cáo.

Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Xây cầu Kênh Trực Thăng nối đôi bờ Vĩnh Viễn

HẬU GIANG Cầu Kênh Trực Thăng (huyện Long Mỹ) được đầu tư gần 2,5 tỷ đồng để xây dựng, nâng cấp, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông và cải thiện đời sống người dân.