7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD
Sáng 16/12, tại TP.HCM, Bộ NN-PTNT tổ chức Hội nghị thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản. Ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường, Bộ NN-PTNT, cho biết, năm 2024 là một năm bứt phá của nông nghiệp Việt Nam cả về sản xuất và xuất khẩu.
Kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt trên 62 tỷ USD, tăng trên 18% so năm 2023. Đặc biệt, thặng dư thương mại đạt gần 19 tỷ USD, tăng 53% so với năm 2023.
11 mặt hàng tiếp tục duy trì giá trị kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Nổi bật là 7 mặt hàng đạt trên 3 tỷ USD gồm: gỗ và sản phẩm gỗ, rau quả, gạo, cà phê, hạt điều, tôm, cao su.
Điểm sáng là các mặt hàng xuất khẩu như rau quả, gạo, cà phê, hạt điều và hạt tiêu đều có bước tăng trưởng hai con số. Dẫn đầu là cà phê tăng 56,9%, hồ tiêu tăng 53,3%, cao su tăng 24,6%, gạo tăng 10,6%.
Trong đó, 6 thị trường xuất khẩu chủ lực nông lâm thủy sản của Việt Nam là Hoa Kỳ (21,7%), Trung Quốc (21,6%), Asean (11,8%), EU (8,5%), Nhật Bản (6,6%), Hàn Quốc (3,7%).
Ông Ngô Hồng Phong nhìn nhận, bên cạnh những điểm sáng về kim ngạch xuất khẩu ngày càng gia tăng, xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam cũng đối mặt với rất nhiều rào cản, thách thức.
Đặc biệt là những biến động về địa chính trị, xung đột quân sự, các chính sách bảo hộ với rào cản thuế quan mức cao, các quy định kỹ thuật ngày càng cao và yêu cầu về phát triển xanh, bền vững đang đặt ra thách thức cho nhiều quốc gia xuất khẩu nông lâm sản và thủy sản, trong đó có Việt Nam.
Nhiều lô hàng bị cảnh báo
Ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc cho biết, hàng năm Hải quan Trung Quốc đã phát hiện lô hàng nông sản, thực phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn của Trung Quốc. Trong 10 tháng năm 2024 có 3.233 lô hàng bị cảnh báo từ các quốc gia, trong đó, có 137 lô hàng thực phẩm của Việt Nam bị cảnh báo và 900 lô hàng bị cảnh báo về kiểm dịch.
Việt Nam nằm trong nhóm 10 quốc gia có số lượng hàng hóa nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều nhất. Trong đó, nhóm hàng nông sản, thực phẩm bị cảnh báo nhiều gồm thủy sản, nước trái cây (chưa tính cà phê, sản phẩm sữa), bánh các loại.
Các lỗi bị cảnh báo như sử dụng phụ gia thực phẩm vượt ngưỡng cho phép; nấm mốc; vi khuẩn gây bệnh; thiếu chứng nhận hàng hóa; hàng hóa không đúng với chứng nhận/chứng thư; hàng hóa chưa được phép nhập khẩu; tem nhãn bao bì hàng hóa không đáp ứng quy định, yêu cầu nhập khẩu...
Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật cho biết, hiện nay, Bộ NN-PTNT đã giao cho các địa phương chủ động quy hoạch vùng trồng, giám sát, hướng dẫn, huấn luyện cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói.
Hiện cả nước có 8.052 mã số vùng trồng, 1.596 cơ sở đóng gói cho 20 loại sản phẩm xuất khẩu đi các nước trên thế giới. Riêng năm 2024, đã cấp 1.194 mã số vùng trồng, 175 mã số nhà đóng gói.
Tuy nhiên, hiện đã thu hồi 139 mã số vùng trồng và thu hồi 192 mã số nhà đóng gói vì vi phạm các quy định về kiểm dịch thực vật, an toàn thực phẩm…
Ông Thiệt cho rằng, hiện chưa có nghị định, thông tư về cấp mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, cũng như chưa có quy định xử lý vi phạm nên công tác chỉ đạo, xử lý vi phạm còn gặp nhiều khó khăn. Nhiều địa phương chưa xây dựng quy hoạch, kế hoạch, chưa bố trí nguồn lực trong thiết lập vùng trồng, cơ sở đóng gói. Nhiều vùng trồng có diện tích nhỏ, phân bố không tập trung, chưa tạo được lượng đủ lớn để xuất khẩu. Bên cạnh đó, việc truy xuất nguồn gốc còn gặp khó khăn, nông dân chưa có thói quen ghi chép đầy đủ thông tin, dẫn đến thiếu hồ sơ...
Nâng cao chất lượng
Để triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thúc đẩy xuất khẩu nông lâm thủy sản năm 2025 và các năm tới, ông Ngô Hồng Phong, Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường đề nghị các cơ quan ban ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ưu tiên thúc đẩy các ngành hàng như lúa gạo, thủy sản và rau quả theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả; đảm bảo sản xuất, nguồn cung dồi dào.
Đặc biệt, cần có cơ chế chính sách hỗ trợ phát triển chế biến, các vùng nguyên liệu lớn, cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị và năng lực cạnh tranh cho nông sản tại thị trường trong nước và quốc tế; xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng từng loại nông sản, gắn với phát triển hạ tầng logistics.
Tập trung công tác tháo gỡ rào cản, mở cửa thị trường xuất khẩu. Đặc biệt, quan tâm các thị trường mới, còn nhiều tiềm năng như Halal, Trung Đông, châu Phi..., tích cực thực hiện các giải pháp đề nghị EU gỡ thẻ vàng đối với hải sản Việt Nam.
Bên cạnh đó, chú trọng xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế; khai thác tối đa những ưu đãi từ các hiệp định thương mại, bảo vệ thương hiệu, sản phẩm ở những thị trường truyền thống và mở rộng thị phần tại các thị trường tiềm năng.
Chú trọng việc tập huấn, hướng dẫn nâng cao nhận thức, kỹ năng, năng lực sản xuất kinh doanh của người sản xuất, kinh doanh nông sản trong tiếp cận thông tin thị trường, sản xuất theo tín hiệu thị trường, bảo vệ thương hiệu sản phẩm trước những vụ kiện về phòng vệ và tranh chấp thương mại quốc tế.
Nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành hàng trong hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp; tăng cường phổ biến thông tin, quy định thị trường và thị hiếu khách hàng.