Tại Diễn đàn “kết nối sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dừa”, ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bến Tre cho biết, Bến Tre được mệnh danh “thủ phủ dừa” của cả nước với diện tích trồng trên 80.000 ha.
Diện tích dừa của tỉnh chiếm 88% diện tích dừa vùng Đồng bằng sông Cửu Long và gần 42% diện tích dừa cả nước. Cây dừa được xác định là cây trồng chủ lực và nguồn thu nhập của hơn 200.000 hộ dân khu vực nông thôn của tỉnh. Sản phẩm dừa xiêm xanh Bến Tre đã được cấp giấy đăng ký bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa và chứng chỉ Quốc gia về chỉ dẫn địa lý.
Đến nay, toàn tỉnh Bến Tre có 133 vùng trồng dừa được cấp 133 mã số với diện tích hơn 8.300 ha. Có 14 doanh nghiệp được cấp mã số cơ sở đóng gói xuất khẩu dừa tươi sang thị trường Trung Quốc. Mỗi năm xuất khẩu dừa mang về cho tỉnh hơn 350 triệu USD.
Những năm qua, Sở NN-PTNT đã phối hợp với các ban ngành đoàn thể, chính quyền địa phương xây dựng vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt trên 20.700 ha. Hình thành chuỗi giá trị liên kết chặt chẽ với 8 doanh nghiệp lớn, có công nghệ chế biến hiện đại và xuất khẩu các sản phẩm dừa hữu cơ vào nhiều thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Theo ông Đức, để trồng dừa hữu cơ và quản lý hiệu quả việc cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, Bến Tre đã quyết liệt đưa việc phát triển dừa vào các Nghị quyết của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh. Bên cạnh đó, lấy việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất làm nền tảng để phát triển cây dừa. Bởi lẽ, khi chuỗi liên kết lớn mạnh sẽ huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị, doanh nghiệp, nông dân.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác chuyển giao quy trình kỹ thuật. Tăng cường tập huấn nâng cao năng lực về quy định cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng các quy định của nước nhập khẩu cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn khi đăng ký xây dựng mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói.
Triển khai hướng dẫn các vùng trồng, cơ sở đóng gói cập nhật đầy đủ thông tin trên cơ sở dữ liệu Quốc gia về vùng trồng, cơ sở đóng gói xuất khẩu, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng phần mềm "nhật ký đồng ruộng", "quản lý cơ sở đóng gói" để cập nhật đầy đủ các thông tin theo yêu cầu của nước nhập khẩu.
Ngoài ra, khuyến cáo các đơn vị sản xuất, đóng gói và xuất khẩu dừa tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn chất lượng và quy trình kiểm dịch thực vật đã đề cập tại Nghị định thư và các quy định liên quan. Việc tuân thủ Nghị định thư và các quy định liên quan của Trung Quốc không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm dừa mà còn mở ra cơ hội tiếp cận các thị trường khác trên thế giới.
Song song đó, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu, giao thương hàng hóa, khảo sát thị trường và hỗ trợ các doanh nghiệp tỉnh tham gia hội chợ triển lãm thương mại trong và ngoài nước. Đổi mới phương thức xúc tiến thương mại thông qua đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số, xúc tiến thương mại thông qua thương mại điện tử, nhất là kết nối với các sàn ngoài nước như Alibaba, Amazon...
Phối hợp chặt chẽ với các đại sứ, tham tán thương mại để kết nối, xúc tiến đầu tư với các nước có nhu cầu nhập khẩu hàng hóa của Bến Tre.