Trong chương trình làm việc, đoàn công tác của Bộ NN-PTNT do Thứ trưởng Trần Thanh Nam làm trưởng đoàn đã tới thăm hỏi, động viên chính quyền, người dân và trao tặng 200 triệu đồng của Bộ NN-PTNT cho xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa.
Trong cơn bão số 3, xã Tri Phú, huyện Chiêm Hóa có 8 nhà bị nước lũ cuốn trôi, sập đổ; 19 nhà bị ngập lụt, 74 nhà bị sạt lở đất gây nguy hiểm; có 36ha lúa, 39ha ngô bị ngập úng, đất đá vùi lấp…
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã đưa ra những ý kiến, kiến nghị liên quan đến giải pháp đồng hành, hỗ trợ người dân xã Tri Phú nói riêng và tỉnh Tuyên Quang nói chung vượt qua khó khăn, mất mát về nhà ở, tài sản, hoa màu, nhằm sớm ổn định lại cuộc sống sau khi bão lũ đi qua.
Hiện nay, khó khăn nhất trong việc bố trí sắp xếp ổn định dân cư là quỹ đất eo hẹp. Các địa phương cần lồng ghép quy hoạch khu dân cư với các quy hoạch khác, đảm bảo mỗi khu dân cư nằm trong vùng an toàn.
Về sản xuất, các cấp chính quyền chú trọng việc vận động nhân dân đẩy mạnh mua bảo hiểm cho cây trồng, vật nuôi có giá trị.
Việc đào tạo cho người uy tín, người cao tuổi, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn trong tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức người dân, nhanh chóng di dời ra khỏi vùng nguy hiểm, cũng hết sức quan trọng và cần thiết…
Ông Lê Quốc Thanh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, cho biết, hỗ trợ người dân Tuyên Quang khắc phục hậu quả thiên tai, bão lũ, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã biên tập và in 90 bộ tài liệu, chuyển tải cho Trung tâm Khuyến nông Tuyên Quang.
Các bộ tài liệu tập trung hướng dẫn quy trình kỹ thuật xử lý sau bão lũ. Như việc đất đai bị san lấp phải xử lý như thế nào? Diện tích lúa bị sạt lở, ngập úng nhẹ, hoặc bị đất đá vùi lấp sâu xử lý ra sao? Hay với đàn gia súc, gia cầm, đều có những hướng dẫn cụ thể...
Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mong muốn chính quyền địa phương các cấp ở Tuyên Quang thực hiện tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông đại chúng để bà con kịp thời nắm bắt được quy cách và xử lý cây trồng, ruộng nương, vật nuôi cho phù hợp, sớm khôi phục và ổn định sản xuất.
Về vấn đề cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho biết, hiện nay, ở Tuyên Quang đang triển khai dự án trồng cây đậu tương với diện tích 20ha trong dự án của Khuyến nông Quốc gia. Do đó, Trung tâm sẽ lựa chọn địa điểm phù hợp để triển khai sớm, đảm bảo năng suất và hiệu quả kinh tế.
Ông Nguyễn Thế Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang, cho biết, khó khăn lớn nhất liên quan đến xen ghép tái định cư, đó là vấn đề người dân vùng cao còn nghèo, đời sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với những vùng cấp thiết, tỉnh sẽ ưu tiên tối đa mọi nguồn lực để hỗ trợ người dân có mặt bằng, làm nhà ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cũng mong muốn Bộ NN-PTNT ưu tiên các chương trình dự án về di dân tập trung để hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang. Liên quan tới sản xuất, tỉnh Tuyên Quang cảm ơn Bộ NN-PTNT và các cục, vụ của Bộ đã tạo điều kiện, hỗ trợ kịp thời cho tỉnh về giống, vật tư nông lâm nghiệp nhằm tái thiết sau bão lũ.
Kết thúc chương trình làm việc, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết, tỉnh Tuyên Quang cần thực hiện tốt việc xây dựng phương án tổng thể bố trí ổn định dân cư và đề xuất các giải pháp bố trí ổn định dân cư phòng, tránh thiên tai; xây dựng phương án khôi phục phát triển sản xuất nông nghiệp, ổn định đời sống sau bão lũ.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT đề nghị tỉnh Tuyên Quang và huyện Chiêm Hóa huy động mọi nguồn lực, sớm ổn định cho 140 hộ dân đang khó khăn về nhà ở tại huyện Chiêm Hóa. Bộ sẽ phối hợp và hỗ trợ tỉnh Tuyên Quang đề xuất với Chính phủ giải quyết sớm nhất những vấn đề liên quan đến bố trí ổn định dân cư vùng thiên tai sau bão số 3.
Về vấn đề ổn định sản xuất, Bộ NN-PTNT, các doanh nghiệp, nhà tài trợ sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân về giống cây trồng, vật nuôi, phân bón, hóa chất tiêu độc khử trùng, đồng thời bố trí các lớp tập huấn cho người dân có kiến thức khôi phục sản xuất hiệu quả.