| Hotline: 0983.970.780

Làng Nủ bình yên trước biến cố tan hoang 10/9/2024

Thứ Tư 18/09/2024 , 15:41 (GMT+7)

Làng Nủ vốn là một bản Tày bình yên như bao bản làng khác của đất nước Việt Nam. Nhưng, thiên tai đã mang tới làng Nủ có một số phận bi thương.

Làng Nủ bình yên trước khi xảy ra biến cố sáng ngày 10/9/2024

Anh Hoàng Văn Voi (SN 1989) người dân bản Tày Làng Nủ cho biết: anh là thế hệ thứ 4 tính từ thời điểm ông cha đi khai phá mở làng, lập bản. Các con của anh, những đứa trẻ đang học trường làng, là thế hệ thứ 5. Như vậy, ngôi làng này đã có tuổi đời trên trăm tuổi.

Làng Nủ có thế tựa lưng vào núi Con Voi - ngọn núi thuộc hệ thống dãy Hoàng Liên Sơn, được ví như “nóc nhà Bảo Yên” - đỉnh núi cao nhất có độ cao trên 1.000m, có dòng suối Nủ mềm mại, uốn lượn giữa bản tạo nên bức tranh sơn thủy hữu tình.

Dãy núi Con Voi là một trong những dãy núi lớn ở vùng Đông Bắc Việt Nam, ngăn cách sông Hồng với sông Chảy chảy qua địa phận tỉnh Lào Cai. Núi Con Voi là phần cuối cùng của đới trượt cắt sông Hồng chạy dài từ địa phận tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) xuống hướng Đông Bắc Việt Nam.

Trên đất Lào Cai, dãy núi Hoàng Liên và dãy núi Con Voi chạy song song với dòng sông Hồng và sông Chảy thơ mộng và là nơi cư ngụ bao đời nay của đồng bào các dân tộc tỉnh Lào Cai, Yên Bái. Bên dưới dãy núi Con Voi, một người lính tham gia tìm kiếm nạn nhân Làng Nủ mất tích giữa ngổn ngang...

Bên kia núi Con Voi là huyện Lục Yên (tỉnh Yên Bái), hai tỉnh lấy đỉnh núi Con Voi làm mốc giới và chọn chữ “Yên” để đặt địa danh cho huyện của mình.

Con suối Nủ hình thành từ những khe nguồn trên đỉnh núi, dẫn nước về Làng Nủ, uốn lượn mềm mại giữa bản làng đồng thời cũng tạo nên một thung lũng bằng phẳng với những cánh đồng, ruộng ngô xanh mướt hai bên. Giờ đây con đường trung tâm vào Làng Nủ ngập ngụa bùn đất giữa khung cảnh tang thương...

Con suối Nủ hiền hòa giờ đây là tác nhân của nỗi đau...

Bản làng bị xóa sổ...

Những cánh đông lúa xanh mướt giờ chỉ còn là dấu tích.

Người dân tìm nhà mình trên bản đồ được vẽ lại theo trí nhớ

Bản Nủ với 37 nóc nhà, phần sum tụ nhất lại quần cư ở đầu nguồn con suối, tiếp giáp và cách chân núi Con Voi chừng 500m. Có lẽ, tâm lý chung của đồng bào miền núi là ở những địa hình cao để tránh ngập lụt đã khiến người dân nơi đây chọn thế đất này.

Thế nhưng, trớ trêu thay, khi cơn lũ đất từ núi Voi ụp xuống, những ngôi nhà này nằm trên đường lũ đất quét qua đã nhanh chóng biến mất trong chớp mắt.

Cuộc tìm kiếm những người mất tích...

Những dấu chân quần thảo để lại trên mặt bùn non...

Những đôi mắt từng giờ ngóng chờ người thân...

Những cuộc kiếm tìm gần như trong vô vọng... bởi bùn đất quá nhiều, quá rộng, quá sâu!

Theo lời kể của nhân chứng Làng Nủ, buổi sáng sớm ngày 10/9, một tiếng nổ lớn từ đỉnh núi Con Voi, ngay sau đó là một dòng lũ đất như một cơn đại hồng thủy ào xuống. Người dân chưa kịp hiểu chuyện gì thì nó đã quét tan hoang cả bản làng. Tất cả chỉ diễn ra trong chừng 3 phút.

“Tôi nghe thấy tiếng nổ vang trời từ trên đồi, nhìn lên thấy đất đá bay cao mù mịt. Chỉ sau tiếng nổ long trời khoảng 3 phút thì cả quả đồi ụp xuống quét sạch bản làng. Chúng tôi hô hào người dân nhưng không kịp, vì sự việc xảy ra quá nhanh”, anh Tiện người Làng Nủ kể lại.

Những tiếng khóc xé lòng giữa Làng Nủ!

Tang thương Làng Nủ!

Trong số 37 ngôi nhà của Làng Nủ, 35 ngôi nhà bị san phẳng hoàn toàn, chỉ còn duy nhất 2 căn nhà của gia đình anh Nguyễn Văn Cai, Nguyễn Tiến An nằm ở vị trí xa hơn so với suối Nủ. Tuy nhiên, nó bị bùn đất cao hơn chục mét xô đẩy khỏi vị trí cũ tới gần chục mét.

Ông Dương Công Uẩn (chủ tịch Hội người cao tuổi Làng Nủ) xót xa, chiều dài khu vực sạt lở lên tới hơn 1km, bùn đất ngập sâu lên tới hơn chục mét, chỗ sâu nhất có thể tới gần 30 mét.

Thung lũng Làng Nủ bình yên, thanh bình giờ đây là một mặt bằng bùn đất với diện tích 24ha, chiều dài lên tới 1,3km; chỗ rộng nhất 250 mét. Bùn đất phá hủy toàn bộ tài sản người dân, san phẳng những cánh đồng màu mỡ.

Những người mất tích được tìm trong bùn đất...

Tang thương, mất mát đè lên bản người Tày trước đó vốn yên bình.

Hai ngôi nhà duy nhất trong bản Làng Nủ còn trụ lại trong lũ đất.

Trong số 168 người dân sống ở Làng Nủ, 66 người đã tử vong và mất tích, số người an toàn tính đến 15h ngày 15/9 là 87 người, 15 người bị thương do lũ quét đang được tích cực điều trị.

Ngay trong ngày 10/9, lực lượng chức năng của tỉnh Lào Cai đã có mặt tại hiện trường sạt lở để triển khai ứng cứu. Ban chỉ huy tiền phương được thành lập ngay tại Nhà văn hóa thôn Làng Nủ - vị trí sát với hiện trường vụ sạt lở. Trực tiếp Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, ông Đinh Quang Trường chỉ đạo.

Các lực lượng quân đội, công an đã được huy động tham gia tìm kiếm người mất tích và ứng cứu hậu quả sạt lở với tổng số 650 người, các lực lượng khác được tăng cường tham gia ứng cứu.

Ngày 13/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã trực tiếp xuống thăm hỏi, chia sẻ mất mát với người dân vùng lũ, động viên khích lệ lực lượng làm nhiệm vụ. Thủ tướng chỉ thị cho chính quyền tỉnh Lào Cai tập trung nguồn lực tìm kiếm người mất tích, chăm sóc sức khỏe người bị nạn và sớm ổn định cuộc sống người dân, tái thiết Làng Nủ.

Ngày 15/9, tỉnh Lào Cai chốt phương án xây dựng khu tái định cư cho người dân Làng Nủ, vị trí cách làng cũ 1,5km, đảm bảo an toàn và những điều kiện tốt nhất cho người dân… 100% người dân được lấy ý kiến đồng thuận.

Quyết tâm xây dựng lại làng Nủ đẹp hơn, an toàn hơn

Nhiệm vụ quan trọng nhất lúc này, bên cạnh tìm kiếm người mất tích là tái thiết, sớm ổn định cuộc sống cho những người còn sống.

Làng Nủ đã kiên cường trong suốt một tuần qua kể từ buổi sáng định mệnh. Và, người dân cả nước đều đang hướng về Làng Nủ, với những mong cầu và hy vọng…

Trại gà Móng 7.000 con, đặc sản trứ danh của Hà Nam

Trại gà Móng 7.000 con, đặc sản trứ danh của Hà Nam

Ảnh 10:56

Gà làng Móng hay còn gọi là gà Móng cùng với cá kho làng Vũ Đại là những đặc sản trứ danh của tỉnh Hà Nam.

Bình minh trên những đầm rươi

Bình minh trên những đầm rươi

Ảnh 10:15

Khi mặt trời ló rạng, nước bên trong đầm dần rút đi để lộ ra những lỗ nhỏ chi chít trên mặt bùn, đó chính là lỗ rươi.

Đào rừng cổ thụ giá hàng chục triệu đồng xuống phố

Đào rừng cổ thụ giá hàng chục triệu đồng xuống phố

Ảnh 19:18

Hà Tĩnh Những gốc đào rừng tuổi đời hàng chục năm vừa được hạ sơn, đem về thành phố Hà Tĩnh phục vụ khách hàng chơi Tết. Giá bán trung bình từ 10 đến 60 triệu đồng/gốc.

Mộc Châu chính thức trở thành thị xã, ngày hội lớn của người dân Sơn La

Mộc Châu chính thức trở thành thị xã, ngày hội lớn của người dân Sơn La

Ảnh 11:23

Với nhiều thành quả xuất sắc, Mộc Châu đạt tiêu chí đô thị loại IV và khu vực dự kiến thành lập phường đủ điều kiện hạ tầng đô thị theo quy định.

Thương lái săn lùng gà ‘thái giám’

Thương lái săn lùng gà ‘thái giám’

Ảnh 09:09

Thời điểm này, các thương lái từ khắp nơi đổ về thị xã Sơn Tây thu mua gà phục vụ thị trường Tết. Gà 'thái giám' có giá đắt đỏ được tiểu thương săn lùng.

Về làng cổ Bát Tràng, thưởng thức 'món ăn trăm tuổi'

Về làng cổ Bát Tràng, thưởng thức 'món ăn trăm tuổi'

Ảnh 09:05

Vào các dịp lễ, Tết, người Bát Tràng lúc nào cũng có 2 món đặc trưng là su hào xào mực và canh măng mực trên mâm cơm.

Xem thêm