Mảnh đất hình chữ S thân thương của chúng ta trải dài bên bờ biển Đông, với vẻ đẹp tự nhiên đa dạng, phong phú, đã không ít lần phải gánh chịu những trận bão, siêu bão tàn khốc gây nên lũ lụt, để lại hậu quả nặng nề trong lịch sử. Từ trận lũ kinh hoàng năm 1964 ở Nam Trung Bộ, trận lũ năm 1971 ở miền Bắc, đại hồng thủy năm 1999 ở miền Trung, trận lũ năm 2000 ở đồng bằng sông Cửu Long, ngập nước năm 2008 tại Hà Nội, đến trận lũ năm 2015 ở miền Bắc, đặc biệt là Quảng Ninh, và trận lũ năm 2020 ở miền Trung - mỗi trận lũ đều mang đến những mất mát không thể đong đếm và thiệt hại nặng nề về tính mạng, tài sản và cơ sở hạ tầng.
Gần đây, siêu bão Yagi năm Giáp Thìn 2024 đã một lần nữa nhấn mạnh mức độ tàn phá của các hiện tượng thời tiết cực đoan. Theo báo cáo của các địa phương, đến 6 giờ sáng 15/9, bão số 3, mưa lũ, sạt lở, ngập lụt do hoàn lưu bão đã làm 348 người chết, mất tích, 1.921 người bị thương; gần 232.000 ngôi nhà bị hư hỏng; hơn 190.000ha lúa bị ngập úng, thiệt hại; gần 48.000ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; gần 32.000ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; hơn 2,6 triệu gia cầm, gia súc bị chết…
Tuy nhiên, từ thảm họa này, chúng ta cũng có thể rút ra những bài học quý giá, không chỉ là về cách ứng phó với thiên tai mà còn là những gợi ý quan trọng cho việc xây dựng các chiến lược phòng chống hiệu quả hơn, nhằm giảm thiểu tác động của những cơn bão và lũ lụt trong tương lai. Chúng ta hãy cùng nhìn nhận và học hỏi từ những trải nghiệm đau thương để vững vàng, tự tin hơn trong việc bảo vệ và gìn giữ cuộc sống của chính mình và cộng đồng.
Thuận lợi
Việc dự báo và cảnh báo thiên tai hiện nay đã được cải thiện đáng kể nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin nói chung và năng lực tính toán nói riêng. Các cơ quan dự báo thời tiết đã cung cấp thông tin dự báo sớm và khá chính xác, tuân thủ nghiêm ngặt các quy chuẩn về phát tin báo bão. Các bản tin dự báo bão được phát sóng liên tục trên các phương tiện truyền thông đại chúng như truyền hình, truyền thanh và các trang báo điện tử, cũng như trên website của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Đặc biệt, các bản tin này được cập nhật thường xuyên, ngay cả trong thời gian nửa đêm, giúp người dân luôn được thông báo về tình hình bão một cách kịp thời và chi tiết.
Ngoài hệ thống thông tin nội địa, người có kiến thức hơn, còn có thể tiếp cận dự báo từ nhiều nguồn tin quốc tế uy tín như Windy, dự báo của Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông... Những nguồn tin này cung cấp hình ảnh minh họa sinh động, dễ hiểu và thường xuyên cập nhật, giúp họ nắm rõ được đường đi và cấp độ của siêu bão, đồng thời các thông tin này thường khá thống nhất, tạo sự tin cậy cao.
Đặc biệt, sự quan tâm chỉ đạo, điều hành quyết liệt của các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương đã góp phần không nhỏ trong việc ứng phó với siêu bão. Sự phối hợp chặt chẽ và sự quyết đoán trong chỉ đạo đã giúp nâng cao khả năng chuẩn bị và ứng phó, từ đó giảm thiểu tối đa thiệt hại do thiên tai gây ra.
Các hạn chế, bất lợi
- Tốc độ phát triển của siêu bão: Dưới tác động của biến đổi khí hậu hiện nay, siêu bão hình thành và phát triển với tốc độ nhanh chóng, tạo ra sức tàn phá cực kỳ nghiêm trọng. Khi kết hợp với siêu mưa trước, trong và sau bão, tình trạng ngập lụt diễn ra trên diện rộng, đặc biệt là ở các lưu vực sông ở miền Bắc đã tạo ra nguy cơ cao và khó lường cho cộng đồng.
- Tâm lý chủ quan: Nhiều người dân có tâm lý chủ quan, cho rằng như một số lần trước, bão cũng sẽ nhanh chóng suy yếu sau khi vào đất liền, bên cạnh đó những ngôi nhà hiện đại và kiên cố sẽ giúp họ ít bị ảnh hưởng hơn bởi bão lũ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức độ tàn phá của bão thật khó lường, nhất là khi siêu bão và siêu mưa phối hợp với nhau gây ra thiệt hại nghiêm trọng hơn.
- Ảnh hưởng rộng trên khu vực đất liền: Siêu bão không chỉ gây thiệt hại ở vùng ven biển mà còn đi sâu vào đất liền và giảm cường độ rất chậm. Khi đến các khu vực như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội... gió vẫn duy trì cấp bão rất mạnh, khiến cho các địa phương này phải đối mặt với tình huống chưa từng có và thiếu kinh nghiệm ứng phó.
- Thiếu thông tin dự báo chi tiết: Mặc dù thông tin dự báo bão đã được cập nhật thường xuyên, nhưng vẫn khá chung chung, thiếu điểm nhấn và dễ gây tâm lý chủ quan. Lượng mưa lớn, hậu bão xảy ra trên diện rộng và kéo dài, gây ra lũ quét và sạt lở đất nghiêm trọng. Tuy nhiên, những dự báo về các hiện tượng này chưa được đưa ra kịp thời và chi tiết, vì còn bất cập hạn chế việc dự báo cấp độ gió giật ở trong đất liền và lượng mưa sau bão, đặc biệt là đối với các khu vực có nguy cơ cao.
- Thiết bị phòng tránh thiên tai: Các trang thiết bị hỗ trợ phòng tránh thiên tai và cứu trợ cho người dân hiện vẫn còn hạn chế và không đáp ứng đủ nhu cầu thực tế trong tình huống khẩn cấp.
- Ứng phó, cứu trợ sau thiên tai: Việt Nam thường xuyên phải đối mặt với thiên tai bão lũ hàng năm, nhưng các hoạt động ứng phó, cứu trợ sau thiên tai chưa có giải pháp dài hạn và bền vững, chưa có kế hoạch điều tiết chủ động và hiệu quả mà vẫn lặp lại một mô hình cũ: phân phát mì tôm, nước lọc, gạo, bánh, quần áo, tiền... từ các đoàn từ thiện (phần lớn là tự phát) khi chưa kịp khảo sát kỹ nhu cầu thực tế tại từng vùng, từng khu cụ thể, nên gây ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, thậm chí hàng cứu trợ bị ứ đọng, hư hỏng phải đem đi tiêu hủy, lãng phí tiền của và công sức. Điều này cho thấy sự cần thiết phải cải thiện cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, tăng cường công tác chuẩn bị và ứng phó.
Những bài học quý giá từ siêu bão Yagi và quản trị rủi ro thiên tai
- Công tác chỉ đạo, điều hành, chuẩn bị ứng phó, tổ chức ứng trực phòng, chống lụt bão phải chủ động, quyết liệt, thống nhất từ trung ương tới các địa phương; có kịch bản cho nhiều tình huống khác nhau để luôn nắm thế chủ động cả khi có tình huống xấu nhất.
- Quan tâm kiểm định và nâng cấp cơ sở hạ tầng: Siêu bão đã phơi bày những điểm yếu trong cơ sở hạ tầng như hồ chứa, cầu đường, nhà xưởng, cây xanh... Đây là cơ hội để chúng ta kiểm tra, cải thiện, nâng cấp quy hoạch và quy trình vận hành các hồ chứa cho phù hợp với thực tế nhằm giảm thiểu thiệt hại trong tương lai, hướng tới mục tiêu mọi công trình đều đảm bảo đủ sức chống chọi với các hiện tượng thời tiết cực đoan.
- Cung cấp thông tin dự báo rõ ràng và kịp thời: Các bản tin dự báo hiện nay, luôn kèm theo về cường độ bão, sức gió, đồng thời cũng có cảnh báo gió giật, trong đó gió giật thường lấy cáp gió cộng thêm cấp. Ví dụ bão rất mạnh với sức gió có thể cấp 14, giật cấp 17.
Theo tôi, cái thiếu ở đây là dự báo tác động của cơn bão số 3, vấn đề mà WMO đang khuyến cáo cần thực hiện để biết với mỗi cấp bão thì hậu quả để lại như thế nào? Tuy nhiên, việc dự báo tác động là không dễ vì các cơn bão có cùng cường độ (intensity) cùng độ mạnh (strength) thì tác động của nó ở mỗi nơi là khác nhau. Ví dụ như bão ở mức vừa phải có thể không tác động lớn đến ở khu vực phía Bắc và Bắc Trung bộ vì người dân đã có nhiều kinh nghiệm chống bão nhưng sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng cho các vùng Nam Trung bộ hoặc Nam bộ.
Dự báo chi tiết hơn, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao bị vỡ đê, lũ quét và sạt lở đất khi cường độ mưa dự báo vượt qua 100 mm/trận. Điều này sẽ giúp các địa phương có thể chủ động chuẩn bị và ứng phó hiệu quả hơn với các tình huống khẩn cấp.
- Hướng dẫn chi tiết về phòng tránh bão: Cần bổ sung các chương trình hướng dẫn chi tiết về cách chuẩn bị và phòng tránh bão cho từng đối tượng, tài sản cụ thể như: bảo vệ con người, nhà cửa, cây cối, ao nuôi tôm cá... Những thông tin này cần được cung cấp xen kẽ trong các bản tin dự báo bão để người dân có thể chủ động hơn trong việc bảo vệ tài sản và sinh mạng của mình.
- Chuẩn hóa công tác ứng phó với thiên tai: Cần chuẩn hóa toàn bộ quy trình ứng phó với thiên tai, từ công cụ, vật dụng hỗ trợ đến nhu yếu phẩm và mức hỗ trợ khẩn cấp phù hợp với tình hình và nhu cầu cụ thể của từng địa phương, tránh tình trạng phân phối cứu trợ tự phát, không hiệu quả, đồng thời xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng cứu trợ để trục lợi. Phải đảm bảo cứu trợ đến đúng nơi, đúng thời điểm và có sự kiểm soát chặt chẽ.
- Chủ động kịch bản ứng phó chi tiết, linh hoạt theo cấp bão: Ví dụ, với bão cấp 10, các biện pháp như bảo vệ mái nhà, cửa kính, và cắt tỉa cành cây cần phải được triển khai ít nhất 48 giờ trước khi dự kiến bão đến. Kịch bản cần có sự chỉ dẫn cụ thể và rõ ràng để tránh tình trạng bị động khi sự cố xảy ra, như các giải pháp ứng phó với ngập úng, lũ lụt, đảm bảo an toàn những trọng điểm đê điều, hồ đập xung yếu; tổ chức ứng trực vận hành an toàn, hiệu quả các hồ chứa thủy lợi, thủy điện.
Các địa phương cần được cung cấp hướng dẫn chi tiết về cách phát hiện và ứng phó với sạt lở đất dựa trên địa hình và dự báo bão từ xa, kết hợp tri thức kinh nghiệm của cộng đồng bản địa. Điều này sẽ giúp họ chuẩn bị tốt hơn, tránh tình trạng giao thông bị cản trở và liên lạc bị cắt đứt khi bão đến.
- Kịp thời thiết lập hệ thống đánh giá mức độ thiệt hại tại từng địa phương để phân cấp lực lượng cứu hộ, cứu trợ dựa trên mức độ nghiêm trọng của thiệt hại. Ví dụ, các khu vực chịu thiệt hại nghiêm trọng cần lực lượng cứu hộ chuyên nghiệp với thiết bị chuyên dụng, trong khi các khu vực ít nghiêm trọng có thể phối hợp giữa lực lượng chuyên nghiệp và tình nguyện viên. Phát huy vai trò và sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn các cấp; cấp ủy, chính quyền các cấp; lực lượng công an, quân đội và các lực lượng có liên quan cùng nhân dân địa phương tham gia khắc phục hậu quả như trong cơn bão lũ vừa qua.
- Sản xuất và trang bị vật dụng hỗ trợ thiên tai: Đầu tư vào sản xuất các vật dụng chuyên dụng cho thiên tai như áo phao, quần áo bảo hộ, lều bạt, thuyền phao, thiết bị tìm kiếm người bị vùi lấp và các loại nước sạch, đồ hộp. Các vật dụng này nên được tham khảo từ kinh nghiệm của quân đội để đảm bảo chất lượng và hiệu quả khi ứng phó với thiên tai.
- Chính phủ và nhân dân ta rất biết ơn và đánh giá cao sự cứu trợ hiệu quả và kịp thời của nhiều quốc gia và các tổ chức quốc tế như Mỹ, Anh, Ấn Độ, Thuỵ sĩ, Nga, Hàn Quốc vv…
Lời kết
Quản trị rủi ro thiên tai là một lĩnh vực liên quan đến nhiều bên và cần sự phối hợp chặt chẽ từ tất cả các cấp độ của toàn xã hội, nói cách khác là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị bao gồm sự dẫn dắt của nhà nước, sự tham gia của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức xã hội mang tính dài hạn, đa ngành, đa lĩnh vực để phòng ngừa, ứng phó, tăng cường khả năng chống chịu nhằm mục đích giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ cuộc sống của người dân cũng như tài sản trong những tình huống khẩn cấp.
Những bài học từ siêu bão Yagi không chỉ một lần nữa khẳng định về sự tàn phá khủng khiếp do thiên nhiên có thể gây ra, mà còn chỉ ra những cơ hội để cải thiện và hoàn thiện hệ thống ứng phó với thiên tai của chúng ta. Siêu bão Yagi là một bài học đắt giá, nhấn mạnh sự cần thiết phải kiểm định và nâng cấp cơ sở hạ tầng, cung cấp thông tin dự báo rõ ràng và kịp thời hơn như cấp bão đổ bộ, thời gian lưu bão, địa điểm lũ quét cùng với việc chuẩn hóa các quy trình ứng phó và cứu trợ.
Chính quyền các cấp và người dân cần học hỏi từ những kinh nghiệm xương máu này để chủ động hơn trong việc quản trị rủi ro thiên tai, chuẩn bị và ứng phó nhằm giảm thiểu thiệt hại và bảo vệ cuộc sống của cộng đồng. Việc nâng cao chất lượng công tác phòng chống, ứng phó và cứu trợ sẽ giúp chúng ta không chỉ đối mặt tốt hơn với các hiện tượng thiên tai trong tương lai mà còn xây dựng một xã hội kiên cường, an toàn và bền vững hơn trước những thử thách của tự nhiên.