| Hotline: 0983.970.780

Thủ tướng: Không thiếu tiền, không thiếu người và không thiếu cơ chế cho Bắc Giang

Thứ Bảy 29/05/2021 , 19:46 (GMT+7)

Chiều 29/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trực tiếp về “tâm dịch” Bắc Giang kiểm tra và làm việc về tình hình, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho các bộ, ngành kịp thời, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quốc Trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã giao cho các bộ, ngành kịp thời, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho tỉnh Bắc Giang. Ảnh: Quốc Trường.

Báo cáo với Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và đoàn công tác, ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho biết, tình hình dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến rất phức tạp, chủng virus gây bệnh có khả năng lây nhiễm cao và lan rộng nhanh.

Tính đến ngày 29/5, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện 3 ổ dịch với tổng số 2.025 trường hợp F0, 15.863 trường hợp F1, 65.850 trường hợp là F2. Trong đó, đáng chú ý  nhất là ổ dịch tại KCN Quang Châu ở huyện Việt Yên với số lượng ca nhiễm cao nhưng chưa rõ nguồn lây từ đâu.

Thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, đến thời điểm hiện tại, tỉnh Bắc Giang đã bố trí 13 khu điều trị cho bệnh nhân Covid-19 với tổng công suất 3.600 giường và đang chuẩn bị các cơ sở mới đáp ứng thêm khoảng 1.800 giường.

Ngoài ra, tỉnh Bắc Giang cũng đã hoàn thành 1 đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng (ICU) tại Bệnh viện Phổi 50 giường và đang khẩn trương xây dựng thêm 1 trung tâm ICU tại Bệnh viện tâm thần (100 giường) để điều trị bệnh nhân nặng.

Về chỉ đạo phát triển kinh tế trong điều kiện có dịch, UBND tỉnh Bắc Giang đã hướng dẫn, hỗ trợ 34 doanh nghiệp nguy cơ lây nhiễm rất ít và một số doanh nghiệp lớn nguy cơ lây nhiễm thấp, nguy cơ lây nhiễm trung bình nằm trong chuỗi sản xuất toàn cầu và các doanh nghiệp sản xuất mặt hàng thiết yếu hoạt động trở lại.

Đối với thu hoạch và tiêu thụ nông sản, tỉnh Bắc Giang đang tiếp tục chỉ đạo sâu sát việc chuẩn bị các điều kiện bảo đảm an toàn tuyệt đối về sức khỏe, an ninh trật tự cho các doanh nghiệp, thương nhân, lái xe vào tỉnh Bắc Giang thu mua, tiêu thụ nông sản, đặc biệt là vải thiều.

Đề nghị với Thủ tướng và đoàn công tác, ông Thái cho biết, tỉnh Bắc Giang đang thiếu trang thiết bị y tế và không đủ bác sĩ hồi sức, đề nghị Bộ Y tế tiếp tục hỗ trợ trang thiết bị, kỹ thuật, nhân lực để vận hành hoạt động đơn vị hồi sức tích cực chăm sóc bệnh nhân nặng tại tỉnh.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ khẩn cấp 500 tỷ đồng để mua vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch. Ảnh: Quốc Trường.

Ông Dương Văn Thái, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ khẩn cấp 500 tỷ đồng để mua vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch. Ảnh: Quốc Trường.

Do đó, ông Thái đề nghị Thủ tướng Chính phủ quan tâm hỗ trợ khẩn cấp 500 tỷ đồng để mua vật tư, hóa chất, trang thiết bị y tế, thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch và xử lý môi trường và hỗ trợ tiền ăn cho công nhân, người già, trẻ em bị nhiễm phải điều trị tại các bệnh viện, cơ sở thu dung cách ly.

“Tỉnh Bắc Giang lần đầu có dịch trong KCN nên chưa có kinh nghiệm ứng phó. Giai đoạn đầu, năng lực xét nghiệm của tỉnh còn hạn chế; lực lượng y tế mỏng không đáp ứng được tiến độ lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng, khối lượng lớn. Vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống dịch thiếu. Năng lực điều trị hạn chế do đội ngũ y, bác sĩ của tỉnh chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều trị bệnh nhân nhiễm Covid-19. Chưa có đủ khu điều trị tích cực cho bệnh nhân nặng”, ông Thái báo cáo.

Sau khi nghe địa phương và các Bộ, ngành liên quan báo cáo, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ với sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Bắc Giang, sự chung sức, chung lòng của cả nước trong những ngày qua và tin tưởng địa phương sẽ sớm đẩy lùi dịch bệnh, khôi phục và ổn định sản xuất, đời sống cho nhân dân.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng càng khó khăn thì Bắc Giang sẽ càng nỗ lực vượt qua. Ảnh: Quốc Trường.

Thủ tướng Phạm Minh Chính tin tưởng càng khó khăn thì Bắc Giang sẽ càng nỗ lực vượt qua. Ảnh: Quốc Trường.

Tuy nhiên, Thủ tướng nhấn mạnh, một mình Bắc Giang không thể chống đỡ được dịch bệnh, do đó đã giao Phó Thủ tướng Lê Văn Thành trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống dịch và khôi phục sản xuất, kinh doanh tại Bắc Giang và giao cho các bộ, ngành kịp thời, nhanh chóng tháo gỡ khó khăn cho tỉnh trên tinh thần "3 không" là: Không nói thiếu tiền, không nói thiếu nguồn nhân lực và không nói thiếu cơ chế, chính sách.

Trong đó, Bộ Y tế được giao nghiên cứu cần thiết tiếp tục bổ sung sinh viên các trường ngành y về hỗ trợ tỉnh Bắc Giang, còn Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ công nhân, người lao động, người dân bị ảnh hưởng do dịch.

Với Bộ Thông tin và Truyền thông, Thủ tướng yêu cầu triển khai ngay các biện pháp công nghệ để quản lý người lao động, nhất là công nhân; xây dựng cơ sở dữ liệu cho người được hỗ trợ qua số điện thoại, không phải phát tiền trực tiếp.

Với tỉnh Bắc Giang, Thủ tướng yêu cầu phải xác định phải vừa sản xuất, vừa kinh doanh, vừa chống dịch, phải huy động hệ thống chính trị tại cơ sở trong phòng, chống dịch. Cấp ủy, chính quyền ở cơ sở phải là hạt nhân, nhân dân là chủ thể, nhân dân là trung tâm trong việc góp phần kiềm chế, đẩy lùi và chấm dứt bệnh tật.

“Với tinh thần tất cả vì Bắc Giang, nhiều ngày qua, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương đều quan tâm đến Bắc Giang. Những đề xuất, đề nghị của tỉnh đều được các bộ, ngành liên quan nhất trí. Quan trọng là Bắc Giang tổ chức thực hiện thế nào, chúng ta phải làm và làm cho hiệu quả. Mục tiêu là ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh. Đặt nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trước hết và trên hết”- Thủ tướng nhấn mạnh.

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Nghề cói Kim Sơn được công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định 1150/QĐ-BVHTTDL đưa nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

[Bài 2] Bức panorama lớn nhất Việt Nam và mối tình Điện Biên của hai nghệ sỹ

Năm 1961, diễn viên trẻ Ngọc Lan tình cờ gặp họa sỹ Ngô Mạnh Lân ở Moscow. Cuộc gặp gỡ định mệnh gắn kết hai nghệ sỹ nhờ mối nhân duyên với Điện Biên Phủ.