Tập trung 3 đột phá quan trọng
Như câu tục ngữ “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, trong 5 năm qua chúng ta đã đoàn kết cùng nhau khắc phục nhiều hạn chế, bất cập nội tại và đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Thiên tai, nhân tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu gây thiệt hại rất nặng nề, nhất là sự cố ô nhiễm môi trường ở ven biển miền Trung năm 2016, dịch tả lợn châu Phi năm 2019, hạn hán, xâm nhập mặn ở Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long, bão lũ lịch sử ở miền Trung; đặc biệt là đại dịch Covid-19 từ đầu năm 2020 đến nay đã tác động mạnh đến mọi mặt đời sống xã hội; sản xuất kinh doanh đình trệ; hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, giảm sâu thu nhập; hoạt động văn hóa, xã hội và đời sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, chúng ta đã "chống dịch như chống giặc", quyết tâm thực hiện "mục tiêu kép": vừa phòng chống dịch hiệu quả vừa tập trung phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân.
“Với tinh thần bám sát thực tiễn, giai đoạn 2016 - 2020, lãnh đạo Chính phủ đã thực hiện 570 chuyến công tác “lên rừng, xuống biển” làm việc với địa phương, cơ quan, đơn vị cơ sở, chỉ đạo cụ thể, kịp thời tháo gỡ nhiều vấn đề quan trọng, cấp bách”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ.
Trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã tập trung vào những đột phá quan trọng, mở đường là đột phá về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN.
Thứ hai là đột phá về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực: tấn công vào “điểm nghẽn” kéo dài, Chính phủ luôn nỗ lực tháo gỡ bằng nhiều biện pháp, với đầu tư nâng cao chất lượng nhân lực, giải quyết việc làm cho gần 8 triệu lao động, coi con người là trung tâm của sáng tạo.
Thứ ba là đột phá về kết cấu hạ tầng đồng bộ mang tính “dẫn dắt”: cho thu hút đầu tư, phát triển của các ngành, lĩnh vực, nâng cao chất lượng tăng trưởng. Nhiều công trình hạ tầng được hoàn thành, đưa vào sử dụng, tạo thêm năng lực, sức cạnh tranh và diện mạo mới cho đất nước.
Đang đầu tư mới 654 km đường bộ cao tốc Bắc - Nam, các tuyến cao tốc kết nối các vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều tuyến đường kết nối liên vùng, liên tỉnh như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận, cầu Cao Lãnh, Vàm Cống...
Đầu tư xây dựng mới, mở rộng hệ thống sân bay, đặc biệt 3 sân bay: Long Thành, Nội Bài, Tân Sơn Nhất. Tập trung nâng cao năng lực hệ thống cảng biển, logistics, hạ tầng công nghiệp, viễn thông, mạng 5G…
Cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, Chính phủ kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo môi trường thuận lợi thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo điều hành. Tập trung tín dụng cho sản xuất kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên, tăng cường phòng chống “tín dụng đen”. Thúc đẩy phát triển thị trường chứng khoán, thị trường vốn, tài chính vi mô.
“Có thể tự tin cho rằng, nhờ có được tích lũy thu nhập cũng như những cải thiện đáng kể về không gian tài khóa, nhất là trong 4 năm tăng trưởng cao 2016 - 2019, chính là “của để dành” góp phần quan trọng giúp nền kinh tế và người dân chúng ta vượt qua khó khăn vừa qua của dịch Covid-19”, Thủ tướng nói.
Kinh tế Việt Nam đang phục hồi và để tiếp đà tăng tốc, vượt lên trong khu vực, đòi hỏi phải cơ cấu lại nền kinh tế năng động hơn, hiệu quả hơn trong từng lĩnh vực, ngành, doanh nghiệp gắn với vận hành hiệu quả các nguồn lực tín dụng, tài khóa, đầu tư công... đồng thời mở ra không gian phát triển kinh tế biển.
Hiện có khoảng 14.000 hợp tác xã đang hoạt động theo Luật Hợp tác xã, đồng thời tái cơ cấu hoạt động gắn với thị trường, hiệu quả. Thực hiện Nghị quyết của Trung ương về phát triển kinh tế tư nhân, Chính phủ khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, phát triển các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân quy mô lớn, phát triển mạnh trên nhiều lĩnh vực.
Nhiệm kỳ này đã thu hút 175 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài FDI, vốn thực hiện đạt hơn 60%, đang cơ cấu lại việc lựa chọn, nâng cao chất lượng hợp tác đầu tư FDI.
Cơ cấu giữa các ngành kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại ứng dụng công nghệ cao, hiệu quả cao và “thuận thiên” thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực trong mọi tình huống, khẳng định vai trò là “trụ đỡ” của nền kinh tế, cả trong bối cảnh dịch Covid-19.
Kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên
Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 2016 - 2020 về đích sớm trước gần 2 năm. Tốc độ đô thị hóa tăng nhanh ở các đô thị lớn, theo hướng đô thị xanh, thông minh. Kinh tế biển có bước phát triển bứt phá mở ra không gian phát triển mới theo Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2045 đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển gắn với bảo đảm quốc phòng an ninh, bảo vệ chủ quyền.
Theo Thủ tướng, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu đang trở thành những chuẩn mực toàn cầu và tại mỗi quốc gia. Chúng ta không thể xuất khẩu đồ gỗ nếu sử dụng gỗ do chặt phá rừng, không thể bán thủy sản nếu là đánh bắt bất hợp pháp, không khai báo...
Thực hiện chủ trương “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”; “kiên quyết đóng cửa rừng tự nhiên”. Nâng cao hiệu quả sử dụng đất. Chính phủ đã chỉ đạo khắc phục cơ bản sự cố môi trường tại 4 tỉnh ven biển miền Trung.
Từ đầu năm 2021, Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất sáng kiến trồng mới 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 với thông điệp “Vì một Việt Nam xanh”. Theo Chỉ số SDI 2020 của Liên hợp quốc về phát triển bền vững, Việt Nam xếp thứ 49/166, tăng 39 bậc so với 2016.
Chủ động ứng phó với thiên tai, bão lũ, biến đổi khí hậu với phương châm “4 tại chỗ”, quy hoạch, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn, mặn…
Thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế đến 2020, tầm nhìn 2030, trong nhiệm kỳ qua, chúng ta đã ký 5 Hiệp định Thương mại tự do quy mô lớn, tiêu chuẩn cao với gần 50 quốc gia, nền kinh tế lớn trên toàn cầu , mở ra các thị trường rộng lớn, đa dạng cho phát triển nhanh và vượt lên trong khu vực.
Dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đã triển khai đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả các giải pháp chính trị, ngoại giao, pháp lý, truyền thông nhằm kiên trì, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982; đã ký hoàn thành phân giới cắm mốc 84% biên giới với Campuchia. Hoạt động ngoại giao văn hoá, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài và bảo hộ công dân được triển khai tích cực, dù trong diễn biến phức tạp của dịch Covid-19.