Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Hoàng Trung cảm ơn tới lãnh đạo Bộ Nông nghiệp Iran đã đón tiếp trọng thị và nồng hậu. Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá số liệu về kim ngạch thương mại hai chiều giữa hai nước vẫn còn khiêm tốn, chưa xứng tầm với tiềm năng nông nghiệp của hai nước.
Về giao thương, thương mại hai chiều Việt Nam - Iran đạt 124,5 triệu USD năm 2021, tăng 43% so với năm 2020 và đạt trên 100 triệu USD năm 2022.
“Tôi nhận thấy hai bên còn nhiều dư địa về các mặt hàng có thể bổ trợ cho nhau. Hai bên cần xây dựng cơ chế hợp tác nhanh chóng, hiệu quả, nhằm thúc đẩy xuất nhập khẩu hàng hóa trong đó chú trọng đến các mặt hàng nông - lâm - thủy sản là thế mạnh của mỗi nước. Đảm bảo kỳ vọng của lãnh đạo cấp cao hai nước về đưa kim ngạch hai chiều lên 2 tỷ USD trong thời gian tới”, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.
Bên cạnh đó, để giúp mở cửa thị trường các mặt hàng mà hai nước có thế mạnh, bổ trợ lẫn nhau, vừa qua, các Cục chuyên môn về Bảo vệ thực vật và Thú y của hai bên đã tích cực trao đổi một số nội dung liên quan đến các thủ tục xuất nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản.
Thứ trưởng cũng bày tỏ vui mừng với những đề xuất tháo gỡ các rào cản kỹ thuật của các cơ quan chuyên ngành nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu giữa hai nước.
Theo đó, Iran đã đồng ý nhập khẩu 4 loại hoa quả tươi gồm: xoài, dừa, dứa, chuối và các loại nông sản khác từ Việt Nam như: gạo, hạt điều, tiêu, chè, trà thảo dược, cà phê, hoa quả khô, mật ong. Đồng thời, Iran cũng đề xuất xuất khẩu chân gà sang Việt Nam.
Ở chiều ngược lại, Cục Bảo vệ thực vật Việt Nam đã tiến hành xong thủ tục đánh giá rủi ro về quả táo tươi của Iran vào năm 2020 và hai Bên thống nhất sớm tiến hành các thủ tục tiếp theo.
“Chúng tôi nhận thấy cả hai nước đều là thành viên của Công ước Quốc tế về Bảo vệ thực vật (IPPC), vì vậy tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực này là rất lớn. Bên cạnh đó, lĩnh vực nuôi trồng thủy sản cũng có nhiều tiềm năng để hợp tác, đặc biệt trong nuôi trồng thủy sản nước ngọt và nước lạnh”, Thứ trưởng Hoàng Trung gợi mở.
Tại buổi gặp, Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị một số nội dung nhằm giải quyết các khó khăn và định hướng những bước đi tiếp theo nhằm thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực.
Thứ trưởng đề nghị Iran cung cấp các chi tiết về thông tin, quy định của Iran về việc cấp phép nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ Việt Nam sang Iran, những mặt hàng cần phải đánh giá PRA.
Theo Thứ trưởng Hoàng Trung, thông qua Nhóm Công tác thương mại về hàng đổi hàng, hai bên cần khuyến khích các hiệp hội, doanh nghiệp phù hợp và có tiềm năng của hai nước tham gia thương mại song phương; tạo điều kiện và đẩy nhanh thời gian thực hiện các thủ tục kiểm tra, giám sát, cấp giấy chứng nhận nhập khẩu, loại bỏ thủ tục không cần thiết để thúc đẩy thương mại song phương các sản phẩm nông nghiệp và các mặt hàng có thế mạnh của mỗi nước.
Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng đề xuất hai bên tăng cường trao đổi thông tin cập nhật về thị trường song phương, chính sách thương mại và kinh tế, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam và Iran tìm kiếm thêm cơ hội hợp tác.
Bên cạnh đó, mở rộng hợp tác trong lĩnh vực sản xuất, chế biến công nghiệp nông sản; Xem xét khả năng thực hiện các dự án nghiên cứu chung về canh tác hữu cơ và công nghệ hiện đại, đề nghị doanh nghiệp Iran xem xét sang đầu tư hoặc liên doanh tại các vùng sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam.
Tại cuộc họp song phương, Thứ trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh tầm quan trọng của các Nhóm công tác trong khuôn khổ Ủy ban Hỗn hợp (UBHH) Việt Nam - Iran về hợp tác Thương mại và Kinh tế do Bộ NN-PTNT làm Chủ tịch phân ban, đặc biệt vai trò và trọng trách mỗi Nhóm công tác góp phần thúc đẩy, tăng cường thương mại giữa hai nước, đặc biệt thương mại nông-lâm-thuỷ sản.
Trên tinh thần đó và nhân kỷ niệm 50 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Thứ trưởng Hoàng Trung thông báo theo kế hoạch hai bên tổ chức Kỳ họp lần thứ 10 UBHH tại Việt Nam trong Quý IV năm 2023.
Về phía Iran, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Iran Mohammad Mehdi Boroumandi nhất trí với đề xuất của người đồng cấp Việt Nam về thúc đẩy thương mại nông sản, đặc biệt là những sản phẩm hai bên có thế mạnh, từ đó góp phần nâng cao kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước.
Thứ trưởng Nông nghiệp Iran cũng thừa nhận, hiện nay việc xuất nhập khẩu nông sản giữa hai nước thông qua nước thứ 3 vẫn còn khá lớn. Vì vậy, ông cho rằng hai Bộ cần xem xét hợp tác để bỏ qua khâu trung gian này. Bên cạnh đó, Thứ trưởng Iran đề xuất cần xem xét đến phương pháp thương mại hàng đổi hàng vì đây là cách tiếp cận hiệu quả để đảm bảo thương mại bền vững.
Về xuất khẩu quả táo tươi từ Iran sang Việt Nam, Thứ trưởng Boroumandi khẳng định sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn cùng làm việc với phía Việt Nam để sớm hoàn tất thủ tục mở cửa thị trường, đưa sản phẩm sang Việt Nam.
Thứ trưởng Mohammad Mehdi Boroumandi giới thiệu: “Iran là quốc gia có nhiều sản phẩm chăn nuôi chất lượng cao và được cơ quan thú y kiểm tra chi tiết và kỹ lưỡng về mức độ an toàn. Việt Nam có nhu cầu nhập các sản phẩm chăn nuôi có thể yên tâm với chất lượng hàng hóa của chúng tôi”. Thứ trưởng Iran mong muốn nhận được sự ủng hộ của Bộ NN-PTNT về sản phẩm chân gà Iran sang Việt Nam.
Ngoài ra, Iran cũng có nhiều lợi thế trong sản xuất táo, saffaron, các loại hạt, quả khô chất lượng cao sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của thị trường Việt Nam.
Cuối buổi họp, Thứ trưởng hai Bên bày tỏ vui mừng và sẵn sàng hợp tác nhằm thúc đẩy thương mại nông-lâm-thuỷ sản giữa hai nước.
Chiều muộn cùng ngày, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Việt Nam đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác kiểm dịch thực vật và Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thú y với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Iran. Hoạt động này được Lãnh đạo cấp cao hai Bên rất quan tâm và là điểm nhấn trong chuyến thăm của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, tạo ra nhiều cơ hội hợp tác thương mại, đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp giữa hai nước.
Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao và ghi nhận nỗ lực của hai Bộ sau quá trình đàm phán trong 3 năm giúp Bản ghi nhớ về hợp tác kiểm dịch thực vật và Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực thú y đã được ký kết trước sự chứng kiến của Lãnh đạo cấp cao hai nước.