Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đã đón tiếp Thứ trưởng Hoàng Trung và Đoàn công tác rất trọng thị và tình cảm.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Hoàng Trung đánh giá cao cuộc gặp song phương giữa hai Bộ, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam và Indonesia kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ đối tác chiến lược.
Nhân dịp này, Thứ trưởng Hoàng Trung cũng gửi lời cảm ơn tới Ngài Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia đã ủng hộ và thúc đẩy hợp tác song phương giữa hai nước nói chung và hợp tác trong lĩnh vực thủy sản nói riêng.
Thứ trưởng Hoàng Trung nêu một số đề nghị với Ngài Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá nhằm tăng cường hợp tác sâu, rộng và thực chất, thúc đẩy hơn nữa hợp tác, phát triển bền vững xứng tầm với quan hệ của hai bên.
Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT nhấn mạnh mong muốn hợp tác với Bộ Biển và Nghề cá Indonesia, gồm 3 nội dung chính: i) Khoa học công nghệ và thương mại thủy sản, đặc biệt đối với tôm hùm giống, cá ngừ và rong biển; ii) Bản ghi nhớ giữa Bộ NN-PTNT Việt Nam và Bộ Biển và Nghề cá Indonesia về hợp tác nghề cá; iii) Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định.
Cụ thể, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị Bộ trưởng Sakti Wahyu Trenggono xem xét, chỉ đạo để cơ quan chuyên môn hai Bộ thống nhất về Giấy chứng nhận kiểm dịch, thông tin, cập nhật tình hình dịch bệnh, kiểm soát dịch bệnh. Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị Indonesia sớm mở cửa xuất khẩu mặt hàng tôm hùm giống sang Việt Nam; thống nhất Quy định điều kiện, gửi Danh sách doanh nghiệp đủ điều kiện, tham gia cung ứng, xuất nhập khẩu và xây dựng cơ chế quản lý hiệu quả đảm bảo truy xuất nguồn gốc.
Đối với hợp tác về rong biển, Bộ NN-PTNT mong muốn hợp tác nghiên cứu khoa học, chia sẻ công nghệ trong nuôi trồng, chế biến và xuất nhập khẩu giống rong chất lượng cao.
Đối với hợp tác về cá ngừ, Thứ trưởng đề nghị Bộ Biển và Nghề cá Indonesia tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước có cơ hội kết nối, hợp tác kinh doanh trực tiếp mà không cần thông qua một nước thứ ba.
Thứ trưởng Hoàng Trung cũng đề nghị đẩy nhanh ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác nghề cá, hai bên nối lại tổ chức định kỳ các cuộc họp Ủy ban kỹ thuật chung về hợp tác thủy sản thời gian tới. Bên cạnh đó, hai bên cần tiếp tục trao đổi, chia sẻ thông tin về khai thác thủy sản trên biển nhằm giúp ngư dân khai thác ổn định, bền vững, đảm bảo sinh kế; tổ chức các diễn đàn, hội thảo xúc tiến thương mại, thúc đẩy thị trường nhằm tăng cường giao thương, hợp tác giữa hai nước.
Bộ trưởng Sakti Wahyu Trenggono nhất trí cao với đề xuất của Thứ trưởng Hoàng Trung về đẩy nhanh thống nhất và ký kết Bản ghi nhớ giữa hai Bộ về hợp tác nghề cá. Ngài Sakti Wahyu Trenggono nhấn mạnh mong muốn ký kết Bản ghi nhớ cùng Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan vào thời gian sớm nhất có thể trong năm nay.
Đối với Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thứ trưởng Hoàng Trung khẳng định, Chính phủ Việt Nam đang rất quan tâm, nỗ lực và có quyết tâm chính trị lớn trong triển khai các nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU.
Bộ NN-PTNT đề nghị Bộ trưởng Biển và Nghề cá thành lập Nhóm công tác chung về thực thi pháp luật và chia sẻ thông tin giữa hai bên, tổ chức họp thường niên, xây dựng thống nhất cơ chế giải quyết các vấn đề phát sinh trên biển và IUU. Hai bên cử cơ quan đầu mối trao đổi trực tiếp, tham mưu giữa hai Bộ, đặc biệt sớm thống nhất nội dung Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng giữa hai Bộ.
Bên cạnh đó, trao đổi, cập nhật thông tin trên tinh thần hợp tác các nước ASEAN, giải quyết các vi phạm trên tinh thần nhân đạo nghề cá đối với ngư dân hai nước, không hình sự hóa các vấn đề vi phạm. “Tôi đề nghị hai Bộ tăng cường hợp tác, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN trong các vấn đề liên quan nghề cá biển khu vực và thế giới”, Thứ trưởng Hoàng Trung đề nghị.
Thứ trưởng cũng bày tỏ tin tưởng chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và cuộc họp song phương giữa hai Bộ sẽ tạo tiền đề và mở ra nhiều cơ hội phối hợp, hợp tác giữa các cơ quan quản lý, các nhà khoa học, doanh nghiệp và ngư dân hai nước tiếp cận với công nghệ mới, tạo cơ hội để liên kết, giao thương và chia sẻ kinh nghiệm trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm thủy sản, trên tinh thần hữu nghị, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh trên biển và IUU vì một mục tiêu cung cấp lương thực, thực phẩm “minh bạch, trách nhiệm, bền vững” và lợi ích chung của hai nước.
Cuối buổi làm việc, Lãnh đạo hai Bộ chỉ đạo Cơ quan chuyên môn, đầu mối sẵn sàng phối hợp, hoàn thiện, thống nhất các nội dung của hai Bản ghi nhớ do Bộ NN-PTNT đề xuất và thúc đẩy sớm ký kết.
Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia Sakti Wahyu Trenggono thống nhất cao với đề xuất của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Hoàng Trung và giao cho cơ quan đầu mối là Cục Giám sát Nguồn lợi nghề cá biển Indonesia phối hợp, hoàn thiện nội dung với Cục Kiểm ngư Việt Nam về Thỏa thuận Thiết lập đường dây nóng về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, trao đổi, cập nhật thông tin giải quyết các vi phạm trên tinh thần nhân đạo nghề cá đối với ngư dân hai nước, không hình sự hóa các vấn đề vi phạm.
“Tôi đề nghị hai Bộ tăng cường hợp tác, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN trong các vấn đề liên quan nghề cá biển khu vực và thế giới”, Ngài Sakti Wahyu Trenggono, Bộ trưởng Bộ Biển và Nghề cá Indonesia.