Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2024, Tiền Giang có 16.316 thí sinh đăng ký dự thi; tổ chức thi tại 30 điểm với hơn 2.500 cán bộ tham gia coi thi, thanh tra. Tỉ lệ bình quân dự thi các môn toàn tỉnh là 99.79%. Không có thí sinh hay giám thị vi phạm nội quy thi.
Đa số thí sinh nhận xét, đề thi vừa sức với thí sinh, mức độ phân hóa cao. Nhìn chung mức độ đề thi không khó hơn năm ngoái. Các môn được nhiều thí sinh đánh giá là dễ hơn gồm Địa lý, Ngữ văn. Các môn được nhiều thí sinh cho là khó hơn là Sinh học, Toán.
Với môn Toán, cô Nguyễn Thị Cẩm Hằng, Tổ trưởng tổ Toán, Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết đề thi năm nay phân hóa cao nên mức độ khó hơn so với năm trước. Phổ điểm có thể từ 6-7. Nếu thí sinh biết cách vận dụng kiến thức đã học, làm nhiều dạng bài một cách thuần thục thì vẫn có thể đạt điểm trên 9.
Cô Phan Minh Thùy, giáo viên môn Ngữ văn Trường THPT Chuyên Tiền Giang cho biết đề Ngữ văn năm nay không quá khó. Trong đó, phần đọc hiểu khá “dễ thở”; 2 câu đầu chỉ trích dẫn lại. Hai câu sau tuy có tính phân hóa nhưng cũng không khó. Riêng phần nghị luận xã hội rất phát huy tính sáng tạo của thí sinh. Nhìn tổng thể, đề thi Ngữ văn năm nay số thí sinh đạt điểm cao khá nhiều; nhưng thí sinh đạt điểm 9, 10 cần phải nỗ lực rất nhiều, cần có kiến thức xã hội và lập luận thuyết phục...
Đối với môn Tiếng Anh, đề thi vừa sức, đúng định dạng của đề Bộ GD-ĐT, bám sát kiến thức đã học ở trường. Tuy nhiên, đề có nội dung bài đọc hiểu mang tính vận dụng cao, khá dài, khiến thí sinh mất nhiều thời gian. Đề thi năm nay dài và có độ phân hóa cao; khả năng thí sinh kiếm được từ 7-8 điểm.
Trong tổ hợp KHTN, môn Sinh học được nhiều thí sinh cho là đề khá dài nhưng không lạ. Đề thi có tính phân hóa khá cao giữa 7,5 với 9 điểm trở lên. Một số câu có mức độ khó hơn so với đề thi năm 2023.
Đề thi phân hóa sâu sắc ở môn Vật lí, 35 câu đầu sẽ chủ yếu câu cơ bản, nắm kiến thức làm được, 5 câu cuối rất khó. Trong đó có câu về điện xoay chiều và sóng ánh sáng khó.
Với môn Hóa học, trong 21 câu đầu tiên, tất cả lý thuyết ở mức độ nhận biết và thông hiểu, chủ yếu chương trình lớp 12. Từ câu thứ 22 trở đi là các bài tập cơ bản phân hoá dần từ thấp đến cao. Với đề thi này học sinh trung bình, khá dễ đạt được 6.0 - 7.5 điểm. HS sinh xuất sắc nắm chắc chắn kiến thức cả 3 năm mới đạt trên 9.0 điểm.
Tổ hợp môn KHXH, theo cô Lương Đặng Kim Xuyến (Trường THPT Trần Hưng Đạo),môn Địa câu hỏi, nội dung kiến thức vừa sức, đúng với khung đề thi do Bộ GD-ĐT đưa ra. Sử dụng Atlas, thí sinh dễ dàng làm được 15 câu. Phần câu hỏi biểu đồ không khó như năm ngoái. Thí sinh kiếm điểm trên trung bình không khó. Phổ điểm có thể từ 7. Khả năng thí sinh đạt điểm 9-10 có thể nhiều hơn năm ngoái. Đề thi có sự phân hóa nhưng không cao bằng với đề thi năm ngoái.
Môn GDCD các năm trước được xem là dễ, nhưng năm nay có lượng kiến thức nhiều trong chương trình. Phổ điểm sẽ rơi nhiều vào điểm 7,8. Thí sinh nào tập trung đọc kĩ chút sẽ dễ dàng đạt điểm 9, thậm chí 10. Tuy nhiên không có những “cơn mưa” điểm 10 như các năm trước.
Môn Lịch sử đề thi chủ yếu xoay quanh kiến thức Lịch sử Việt Nam trong chương trình sách giáo khoa lớp 12. Đề thi không đặt nặng các mốc thời gian. Mức độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng, vận dụng cao lần lượt là 15-11-7-7. Để lấy được điểm 9 - 10 đối với đề thi phân môn Lịch sử đòi hỏi thí sinh thực sự nắm chắc kiến thức, hiểu sâu những nhận định giá trị của các sự kiện lịch sử chứ thuộc lòng là chưa đủ.
Trong suốt kỳ thi, Chương trình “Tiếp sức mùa thi” được tuổi trẻ Tiền Giang triển khai rộng khắp trong toàn tỉnh. Tại các huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí, nhân lực, cung cấp sữa, nước uống cho phụ huynh và thí sinh có nhu cầu. Cán bộ, chiến sĩ ứng trực, đảm bảo giao thông thông suốt trong quá trình vận chuyển, đề thi, bài thi và những ngày diễn ra kỳ thi.
Trong suốt 2 ngày diễn ra kỳ thi, thời tiết ở Tiền Giang nắng khá nóng. Đặc biệt đầu giờ chiều 28/6, trời khá nóng, thí sinh được các tình nguyện viên che dù khi vào trường thi. Phụ huynh ở bên ngoài cũng được tặng nước, sữa…
Theo kế hoạch, Tiền Giang sẽ tổ chức chấm thi từ ngày 1 - 12/7. Kết quả thi sẽ được công bố vào lúc 8 giờ ngày 17/7. Xét công nhận tốt nghiệp THPT ngày 19/7. Sở GD-ĐT Tiền Giang sẽ thu nhận đơn phúc khảo từ 17/7 đến hết ngày 26/7; Hoàn thành công tác chấm phúc khảo chậm nhất ngày 4/8. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo chậm nhất ngày 9/8.