| Hotline: 0983.970.780

Giáo sư Đỗ Quang Hưng:

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là chóp đỉnh của tục thờ cúng tổ tiên

Thứ Tư 21/04/2021 , 07:29 (GMT+7)

Nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương, giáo sư Đỗ Quang Hưng đã dành cho Nông nghiệp Việt Nam cuộc trò chuyện liên quan đến một số vấn đề tín ngưỡng, tôn giáo của người Việt.

GS Đỗ Quang Hưng. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

GS Đỗ Quang Hưng. Ảnh: Kiều Mai Sơn.

Giáo sư Đỗ Quang Hưng là một trong những người đầu tiên xây dựng ngành tôn giáo học ở nước ta. Ông có nhiều năm là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tôn giáo. Hiện ông là Chủ nhiệm hội đồng Tư vấn Tôn giáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Trong sự nghiệp của mình, giáo sư Đỗ Quang Hưng cũng đã hoàn thành nhiều công trình nghiên cứu giá trị đồng thời là chủ biên của nhiều đầu sách viết về tôn giáo, chính sách, pháp luật.

Nền văn minh lúa nước giúp tâm tính người Việt mềm mỏng, hài hòa

Thưa giáo sư Đỗ Quang Hưng, nhiều người bạn nước ngoài của tôi có không ít lần đã bày tỏ, Việt Nam hiện là một trong những quốc gia “may mắn” trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng. Dù rất đa dạng về tín ngưỡng, đức tin khác nhau nhưng nhìn chung không có những đối chọi, xung khắc quá lớn.

Người dân Việt Nam rất ôn hòa, chấp nhận những khác biệt của nhau một cách khá thoải mái, dễ dàng. Và gần như tất cả đều chung một tín ngưỡng, đó là tập tục thờ quốc tổ Vua Hùng. Đây có thể coi, là sợi dây liên kết đặc biệt và bền chặt, để người Việt dù ai có theo tôn giáo nào, nhưng đến ngày giỗ Tổ lại cùng hướng về cội nguồn dân tộc. Ông có đồng ý với nhận định này hay không?

Nếu nói về sự may mắn, tôi chỉ đồng ý ở chừng mực nào đó thôi. Cũng không thể nói là may mắn được vì mọi chuyện nó đều có căn nguyên cả. Nhìn nhận trên khía cạnh địa tôn giáo và địa văn hóa, Việt Nam có những nét rất đặc biệt.

Chúng ta ở trong khu vực Đông Nam Á nhưng nằm trong khu vực văn minh Đông Bắc Á và chịu ảnh hưởng lớn từ văn minh Trung Hoa, văn minh lúa nước.

Do sinh sống, canh tác lúa nước trong môi trường rất thuận hòa về khí hậu, mưa gió nên người dân của chúng ta nhìn chung có tính cách rất mềm mại, nhu hòa.

Người dân dễ dàng chấp nhận được nhiều thứ mới lạ, đặc biệt là mới lạ trong tôn giáo, tín ngưỡng. Họ không chỉ thu cái mới nhanh mà còn chấp nhận, thay đổi, chuyển hóa những cái đã cũ cũng nhanh không kém. Tức là tâm thức tôn giáo của chúng ta không mạnh, mạnh tới mức quyết liệt, thậm chí cực đoan như một số quốc gia khác.

Việt Nam trong thời phong kiến có một thể chế về tôn giáo rất hay. Đó là sự tồn tại lâu dài của tam giáo đồng nguyên. Nho giáo, Phật giáo và Đạo giáo là ba tôn giáo có vị trí quan trọng, chi phối mạnh mẽ đến hệ tư tưởng, văn hóa, giáo dục...

Một điều nữa cần nhắc, là vì văn minh lúa nước thì luôn có chỗ đứng cho các nhóm nhỏ tôn giáo, gọi là tín ngưỡng dân gian, những cái tín ngưỡng dân gian này phát triển rất mạnh.

Và nhắc đến tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của người dân nước ta, theo tôi đây là một điểm hội tụ cao nhất, là chóp đỉnh của tục thờ cúng tổ tiên. Vì thờ cúng tổ tiên có 3 cấp độ là gia đình, dòng họ và cả nước.

Nếu như một đất nước coi trọng thờ cúng tổ tiên, trong đó có những đỉnh như là thờ cúng Vua Hùng thì nó có ý nghĩa rất quan trọng. “Tôn giáo bản địa” này tạo ra sự cân đối, thử thách, tạo ra đối trọng với tôn giáo ngoại nhập. Nếu như tôn giáo ngoại nhập nào không hiểu được cái đức tin đã tồn tại rất sâu đậm này của người Việt mà có những động thái “bất chấp” hoặc tác động, ảnh hưởng tiêu cực tới đức tin thì sẽ “vất vả” với người dân Việt Nam ngay. Thậm chí không còn chỗ đứng nữa. Đã xảy ra một số trường hợp như vậy rồi.

Người dân thắp hương tưởng nhớ vua Hùng. Ảnh: Tuấn Mark.

Người dân thắp hương tưởng nhớ vua Hùng. Ảnh: Tuấn Mark.

Nhưng xét một cách tổng thể, thì chúng ta cũng không nên tuyệt đối hóa phong tục. Việc thờ cúng tổ tiên của người Việt, xét cho cùng thì nó là mối liên hệ quan trọng, rất quan trọng vì nó được mối liên hệ trong gia đình, dòng họ cho đến đất nước. Nhưng tục thờ này thì chỉ cho người Việt thôi, mà đất nước mình thì có tới 54 dân tộc anh em.

Nếu soi chiếu về mặt dân tộc học nó sẽ khác. Các dân tộc trong đại gia đình Việt Nam cũng có thần của người ta, họ thờ kiểu khác. Còn việc cùng chung ngày giỗ Tổ là do người dân trên dải đất này rất có ý thức quốc gia, dân tộc.

"Chúng ta cần hiểu, tục thờ cúng tổ tiên mà ở phần chóp đỉnh là thờ Vua Hùng - quốc tổ, đây là tín ngưỡng rất tiêu biểu, rất có giá trị của người Việt, tộc người chủ yếu, chủ lưu của đất nước này. Tín ngưỡng này tạo ra những giá trị tốt trong cái nối kết cộng đồng, giữ gìn văn hóa đạo đức, đoàn kết toàn dân"

Chúng ta đôi khi đề cao quá duy vật, cái vô thần nó hơi quá lên

Thưa Giáo sư, có phải do tâm thức tôn giáo không thực sự mạnh mẽ nên nhiều người ở thế hệ 8x hoặc 9x như chúng tôi, đôi khi khá mờ hồ về tín ngưỡng, tôn giáo đang có mặt tại đất nước mình. Không dễ để mọi người phân biệt, đâu là thờ Mẫu, đâu là thờ Phật, tại sao lại có đền thờ ông Hoàng này, bà Chúa kia… Tại sao lại xin lộc thánh, rồi lại xin lộc phật, thậm chí xin cả lộc thành hoàng làng, hoặc vay mượn cả thần này, thần kia.

Đó có phải là sự thiếu hiểu biết và nguyên nhân là gì?

Tôi cho rằng có một số nguyên nhân khiến giới trẻ hiện nay có những cái hiểu biết về hệ thống tôn giáo tín ngưỡng. Nguyên nhân lớn, vĩ mô có thể coi là thiếu sót trong giáo dục. Ở nước mình trong một thời gian rất dài không ai đặt cái giáo dục tôn giáo, kể cả là giáo dục lịch sử tôn giáo cũng rất mờ nhạt ở trong các cấp học.

Chúng ta đôi khi đề cao quá duy vật, cái vô thần nó hơi quá lên. Rồi khi nói đến vấn đề tôn giáo, thì luôn coi nó là duy tâm. Duy tâm thì phải rũ bỏ rồi. Và thậm chí coi tôn giáo là cái mê tín, đã là mê tín thì làm sao bỏ lá phiếu bênh vực được.

Chỉ đến khi xã hội đổi mới, từ những năm 1986 chúng ta mới bắt đầu có những cái nhìn khác đi. Ví dụ như thế này thôi, sau đổi mới ít năm thì trên truyền hình, báo chí mới có nhiều hình ảnh về ngày lễ Noel chứ ngày xưa là rất hiếm hoi, không có đâu.

Thêm vào đó là công tác nghiên cứu cũng chưa thực sự là được chú trọng. Viện Tôn giáo này thì mới thành lập được chừng 2 mươi năm, tôi là một trong những người sáng lập ra. Những nhà nghiên cứu thì cũng chỉ có cá biệt người này, người kia thôi chứ không có nhiều. Trong khi chiều dài, lịch sử tôn giáo của chúng ta lại rất lâu đời, rất đa dạng.

Chúng tôi thành lập Viện tôn giáo, mà mấy năm nay cũng chưa có đủ sức, đủ lực để giới thiệu một vài cuốn sách về đạo Hồi. Cho đến nay chưa có quyển nào. Hay như đạo Công giáo, có tuổi đời gần 500 năm ở Việt Nam, cũng có nhiều vấn đề hay lắm nhưng chỉ bên trong đạo họ viết lịch sử đạo thôi, cái chính thức từ những nhà nghiên cứu viết ra thì chưa có, chưa có điều kiện làm.

Và cuối cùng, phải trở lại cái nguyên nhân ban đầu, đó là tâm thức người Việt Nam có cái tốt, là hài hòa, mềm mỏng, nhưng mà hiểu theo nghĩa tình cảm tôn giáo thì không thật sâu đậm, chắc chắn không bằng nhiều dân tộc khác. Khi tâm thức tôn giáo không mạnh thì một bộ phận người dân không có hiểu biết đầy đủ về các tôn giáo, tín ngưỡng đang có cũng là điều dễ hiểu thôi.

Họ, các dân tộc khác lựa chọn tôn giáo chính thống của người ta, cho nên họ đồng nhất cái bản sắc tôn giáo và dân tộc. Khi có sự đồng nhất thì nó sẽ khiến người dân hiểu sâu sắc về tín ngưỡng chủ đạo mà họ đang hướng theo.

 Thế giới đang đối chọi với vấn đề “thị trường tôn giáo”

Hiện nay, báo chí, truyền thông cũng đã phản ánh nhiều thứ lệch chuẩn của một bộ phận người dân có tôn giáo hoặc phi tôn giáo. Ví dụ như tranh cướp đánh nhau chảy máu, thương tích vì cướp lộc, hay như lấy tiền lẻ quệt vào máu lợn đem thờ để cầu may mắn, hoặc nhét tiền lẻ khắp nơi, nhét cả vào tay, chân, tai tượng phật… Giáo sư nhìn nhận như thế nào về những vấn đề này?

Chúng ta trước hết chưa kể tiêu cực vội. Hãy nhìn vào mặt tích cực và bênh vực cái đã. Một trong những thành tựu trong đổi mới của đất nước ta, từ năm 1986 trở lại đây, phải khẳng định rằng chúng ta đã có những cái rất tiến bộ.

Cái tiến bộ đó là gì? Đó là Nhà nước thừa nhận rằng bà con đi theo tôn giáo tín ngưỡng là quyền tự do, đó là nhu cầu. Rồi sau đó có hiến pháp 2013 đề cập đến vấn đề này, gần đây nhất là có luật tôn giáo, tín ngưỡng bắt đầu thực thi từ năm 2018.

Người Việt Nam bây giờ được thoải mái rất nhiều. Người ta tôn trọng đời sống cá nhân và cho phép các hình thức tín ngưỡng, miễn là nó đúng luật. Cách đây 20, 30 năm chắc chắn không có sự bung ra này. Làm sao cách đây mấy chục năm có thể xây được những cái chùa lớn như hiện nay. Thậm chí những cái nhà như là khách sạn để đón người dân tới với các khóa tu... Khóa tu này dành cho người dân thông thường chứ không phải đi tu nhé.

Cho nên con người ta bây giờ nó tung tẩy, về mặt tâm linh người ta tự chiêm niệm mình, à hóa ra tâm hồn mình trái tim mình bên trong còn có một thế giới tâm linh như thế.

Nói thẳng nhé, có những điều không thể cứ lấy khoa học ra mà giải thích. Chẳng có khoa học nào giải thích được đến tận cùng đâu. Nếu có giải thích được có lẽ cũng còn lâu. Thế thì người ta mới thốt lên, chúng ta cũng không nên phỉ báng thần linh, chúng ta phải biết tôn trọng. Có những người còn chuyển qua một cực khác, tức là sùng bái thần linh theo nhiều động cơ và cách thức khác nhau.

Thế kỷ 21 này theo tiên đoán của các học giả nổi tiếng, nó sẽ là thế kỷ tôn giáo quay lại chiếm lĩnh, hoặc nếu không, nó cũng là thế kỷ của tâm linh. Đây là cái nhận định mà giới nghiên cứu tôn giáo hay xã hội học đều cho rằng rất chính xác và rất giỏi. Vì vậy, cái tâm thức tôn giáo, nó không chỉ quay lại ở nước mình mà ở các quốc gia khác, như Mỹ, Pháp, Đức cũng vậy thôi.

Hiện tất cả các tôn giáo ở Việt Nam cũng như các nước trên thế giới đều đang đối chọi với một vấn đề, đó là “thị trường tôn giáo”. Hiểu đơn giản, người dân có thể lựa chọn cái mới hoặc chuyển từ đạo nọ sang đạo kia, cái này là quyền lựa chọn cá nhân thôi.

Các tôn giáo bây giờ vươn lên, bung ra, nó không phải chỉ là nơi để mọi người tập hợp kiểu như nghe kinh phật, nghe giảng đạo mà còn mở tung ra xã hội để cung cấp các dịch vụ tâm linh. Đây là một vấn đề rất hay, rất mới và rất lớn. Cái khuynh hướng này sẽ chi phối thế giới, trong đó có Việt Nam.

Vì vậy khi bàn đến những thứ lệch chuẩn thì cũng đừng nghĩ rằng riêng chúng ta mới có, mà nó còn xuất hiện ở nhiều quốc gia phát triển hơn. Mà thực ra, cái chuẩn trong lĩnh vực này nó cũng không đồng nhất, mỗi nước một kiểu.

Gần đây Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã làm cái hội thảo đầu tiên, nhận diện các cái lệch chuẩn. Kết quả của cuộc hội thảo này rất có giá trị để tiếp tục nghiên cứu sâu hơn nữa, cặn kẽ hơn nữa về tín ngưỡng, tâm linh của người Việt.

Vấn đề hiện nay là phải định lượng được cái lệch chuẩn đó nó ra làm sao. Định lượng được cụ thể là vấn đề rất khó đấy, còn phải cãi nhau dài dài, thậm chí với một lễ hội nhỏ mang tính tín ngưỡng như tục đâm lợn và người dân kéo tới xem, lấy tiền quệt vào máu lợn để cầu may mắn, nó cũng chưa ngã ngũ đâu.

Có thể khẳng định, đời sống kinh tế của Việt Nam đã có thay đổi, chuyển biến rất rõ nét. Người dân có cuộc sống đầy đủ hơn trước rất nhiều. Vậy sự đầy đủ này, có tác động ngược trở lại như thế nào đối với đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của người dân?

Trong tiến trình đổi mới khoảng hơn 30 năm nay, rõ ràng nó có những điểm sáng trong tôn giáo, tín ngưỡng. Hiện nhà nước đã công nhận hơn 14 tôn giáo rồi, mà con số này nó là N, có nghĩa là còn gia tăng hơn, bên cạnh đó là hơn 40 tổ chức tôn giáo. So với trước đây nó là rất khác vì giai đoạn trước để được công nhận ra rất khó. Trước đây thì chỉ có 6 tôn giáo thôi.

Việt Nam hiện là quốc gia đứng thứ 3 trên thế giới về độ đa dạng về tôn giáo. Đây là chỉ số rất đáng ghi nhận.

Nhiều hoạt động văn hóa nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Tuấn Mark.

Nhiều hoạt động văn hóa nhân dịp giỗ Tổ Hùng Vương. Ảnh: Tuấn Mark.

Cái điểm sáng này khiến đồng bào người ta rất phấn khởi. Vì nếu không được đăng ký hoạt động, được công nhận thì bây giờ họ muốn hoạt động cái gì hay tập hợp nhau, xin phép làm cái gì đó ví như việc xây dựng hay sửa chữa cơ sở thừa tự, đều không được phép.

Rồi thêm một điểm nữa, đó là chính sách kiên trì của Nhà nước, người đặt nền móng và có công lớn trong chính sách về tôn giáo, tín ngưỡng chính là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tinh thần Hồ Chí Minh sâu sắc ở chỗ, Bác luôn luôn coi vấn đề tôn giáo “ở trong và dưới vấn đề dân tộc”. Dù có những thời điểm kẻ thù lợi dụng vào vấn đề tôn giáo thì tư tưởng nhất quán của chúng ta vẫn là đặt trong và dưới vấn đề của dân tộc.

Bác Hồ cũng đã nhắc đến việc chăm lo cho người dân có tôn giáo từ lâu, nguyên văn thì tôi không nhớ thật chính xác nhưng đại ý Hồ Chủ tịch nói, những người cộng sản muốn làm cho đời sống tôn giáo tốt, theo đường hướng chủ nghĩa xã hội mong muốn thì không có cách nào khác là nâng cao đời sống kinh tế của người dân, và phải bình đẳng. Bà con phi tôn giáo được quan tâm bao nhiêu thì bà con có tôn giáo cũng được quan tâm bấy nhiêu. Cho nên Bác nói, phải làm sao để người dân “no ấm phần đời và thong dong phần hồn” là như vậy.

Tôi cho rằng bà con có tôn giáo, họ đồng thuận với nhà nước. Nhưng vẫn cần quan tâm hơn nữa để giúp cho các khu vực đồng bào có tôn giáo được hưởng thêm nhiều chính sách, nhiều thành quả từ sự phát triển kinh tế lớn của Nhà nước.

Còn các vấn đề nổi cộm hoặc các khuynh hướng đối nghịch, đừng có bao giờ hy vọng nó hết. Nó ở mức nào đó thôi. Luôn luôn vẫn có các vấn đề này khác vì đó là cuộc sống, đó là xã hội. Nhưng với những chuyện đã xảy ra, mà chúng ta đã có kinh nghiệm giải quyết ổn thỏa, hợp lý. Truyền thông cũng đóng một vai trò quan trọng và đã hoàn thành tốt vai trò của mình.

Ở Việt Nam hiện nay, chúng ta đang đổi mới, đang vươn lên về kinh tế, thì bà con có tôn giáo cũng được thụ hưởng sự đổi mới này. Nhìn đơn giản thế này thôi, khi đời sống khá lên thì ngay cái việc sinh hoạt tôn giáo nó cũng văn minh hơn. Các sự kiện của Phật giáo, của người Công giáo cũng sầm uất, sôi động, tiến bộ lên rất nhiều.

Nhưng cũng cần lưu ý, khi mà kinh tế phát triển thì cái “chủ nghĩa kinh tế” nó có thể chi phối đến đời sống tôn giáo, càng làm gia tăng nguy cơ lệch chuẩn. Các giáo hội rõ ràng đang đứng trước một cái thử thách, làm sao giữ vững được cái kỷ cương, cái quy định, quy tắc trong tôn giáo của mình, để cái đạo, cái tâm nó sáng. Làm sao để người phật tử ra người phật tử, người Công giáo ra người Công giáo. Hiện có ít đạo, ít tôn giáo mà gần như không chịu tác động từ kinh tế lắm.

Xin trân trọng cám ơn giáo sư!

Để giữ vững được sự lành mạnh trong tín ngưỡng, tôn giáo, để tính chất của cả một tôn giáo đã tồn tại nhiều năm không bị thay đổi là điều không đơn giản. Cái gì cũng luôn có hai mặt, kinh tế phát triển, thì người dân no ấm, hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng phong phú, đa dạng hơn. Nhưng nếu thiếu đi sự quán xuyến, chăm lo, quản lý từ các tổ chức tôn giáo, từ Nhà nước, thì rất dễ nảy sinh nhiều vấn đề đáng để lưu tâm.

Xem thêm
Tinh gọn tổ chức bộ máy: Phải làm nhanh, tạo đột phá mang tính cách mạng

Sáng 25/11, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì, phát biểu khai mạc Hội nghị.

Khánh thành nhà máy chiếu xạ hiện đại tại tỉnh Hậu Giang

Ngày 24/11, Công ty Cổ phần Hạnh Nguyên Logistics (đặt tại Cụm công nghiệp tập trung Phú Hữu A, huyện Châu Thành) chính thức khánh thành nhà máy chiếu xạ công suất 1.000 tấn/ngày đêm.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.