Sức mạnh của sự hợp tác
Từ năm 2022 trở về trước, những người chuyên trồng hoa bán vào dịp Tết ở phường Bồng Sơn (thị xã Hoài Nhơn, Bình Định) canh tác và tiêu thụ hoa theo kiểu “mạnh ai nấy làm”. Nhà vườn nào có kinh nghiệm chăm sóc hoa và có nhiều mối tiêu thụ thì thắng lớn, ai thiếu cả 2 điều ấy thì thu nhập rất bấp bênh, thất bại luôn rập rình. Do chưa có sự liên kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất cũng như tiêu thụ, nên cuộc sống của phần lớn người trồng hoa ở Bồng Sơn cứ mãi chật vật.
Để từng bước đưa nghề trồng hoa phát triển ổn định, trở thành sản phẩm kinh tế hướng tới nền nông nghiệp xanh, kết hợp xây dựng vùng trồng chuyên canh gắn với đề án xây dựng khu du lịch sinh thái, nên vào năm 2023, Hội Nông dân phường Bồng Sơn thành lập tổ hợp tác nghề nghiệp trồng hoa với 16 hội viên là nông dân nòng cốt có kinh nghiệm trồng hoa nhiều năm tại địa phương.
Mùa hoa năm nay, để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các thành viên trong tổ hợp tác đăng ký tham gia trồng hoa trên diện tích 3ha. Trong đó, 1ha trồng trên đất và 2ha trồng trong chậu, tăng gấp đôi diện tích so với những năm trước.
Dự kiến, tổ hợp tác sẽ cung ứng cho thị trường Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 trên 20.000 chậu hoa các loại; trong đó, có 6.000 chậu cúc pha lê và cúc đại đóa, còn lại là hoa vạn thọ và các hoa khác như: lan, ly ly, cẩm chướng, lay ơn, thược dược…
Ông Trần Việt Hùng, Tổ trưởng Tổ hợp tác nghề nghiệp trồng hoa phường Bồng Sơn, cho biết, theo quy chế, thành viên trong tổ sẽ hỗ trợ nhau trong quy trình canh tác từ việc chọn giống đến chăm sóc và tiêu thụ; được tiếp cận nhanh nguồn vốn vay ưu đãi; được thuê đất công ích giá rẻ để mở rộng quy mô sản xuất.
“Đặc biệt, năm nay Tổ hợp tác nghề nghiệp trồng hoa phường Bồng Sơn đã nhận cung cấp hoa trang trí 10 tuyến đường hoa cúc đón Tết ở 2 phường Bồng Sơn và Hoài Tân, 10 tuyến đường hoa này sẽ tiêu thụ khoảng hơn 4.000 chậu hoa cúc và vạn thọ, niềm vui này đã kích thích các thành viên trong tổ mạnh dạn đầu tư trồng hoa vụ Tết năm nay”, ông Trần Việt Hùng chia sẻ.
Anh Nguyễn Văn Lân (sinh năm 1981) ở khu phố Thiết Đính Nam (phường Bồng Sơn) đã có nhiều năm trồng hoa cúc bán Tết, nhưng do chưa có nhiều kinh nghiệm, nên chất lượng hoa xuất bán chưa thu hút được người tiêu dùng, thu nhập trong nghề trồng hoa bấp bênh, nên anh Lân đã chuyển sang nghề khai thác gỗ rừng trồng.
“Khi Tổ hợp tác trồng hoa phường Bồng Sơn hình thành, nhận thấy đây là cơ hội tốt để trở lại với nghề mình yêu thích, nên tôi xin gia nhập và mạnh dạn đầu tư trồng 900 chậu cúc pha lê trên diện tích 1.500m2 đất vườn nhà. Nhờ có sự hướng dẫn của thành viên trong tổ về quy trình chăm sóc, phòng trừ các loại sâu bệnh, đến nay vườn hoa cúc của tôi phát triển khá đồng đều”, anh Lân chia sẻ.
Kỳ vọng vụ hoa Tết bội thu
Còn ông Trương Văn Thôi (sinh năm 1977) người dân của khu phố 5 (phường Bồng Sơn) ra khu phố Gia Hội (phường Hoài Tân) thuê 1.000m2 đất để trồng 1.500 chậu cúc pha lê và cúc đại đóa; trong đó, có 1.200 chậu có đường kính từ 50 - 60cm, 300 chậu có đường kính từ 80cm - 1m. Nhờ sự hỗ trợ tích cực về mặt kỹ thuật của các thành viên tổ hợp tác, đến nay, sau hơn 3 tháng chăm sóc, vườn hoa cúc của ông Thôi phát triển đồng đều. Những cây cúc khỏe mạnh, cho dày lá, hứa hẹn sẽ là những chậu cúc đẹp cung ứng vào dịp Tết Nguyên đán năm nay.
Trước những đổi mới trong phương thức sản xuất của tổ hợp tác nghề nghiệp trồng hoa, ông Ngô Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bồng Sơn, phấn khởi cho biết: Qua theo dõi các thành viên trong tổ hợp tác trồng hoa cho thấy thấy tập thể này đã có sự hỗ trợ đắc lực cho nhau trong quy trình chăm sóc.
“Ghi nhận tại 8 nhà vườn hoa cúc Tết trên địa bàn, tất cả đều phát triển khá tốt, không có dấu hiệu bị các loại sâu bệnh gây hại. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với ngành chuyên môn tăng cường tập huấn kiến thức, giúp người trồng hoa mở rộng thêm nhiều giống hoa mới có giá trị kinh tế cao. Đồng thời tìm kiếm thêm nhiều chương trình, nguồn vốn phù hợp để hỗ trợ bà con đầu tư mở rộng sản xuất nhằm nâng cao thu nhập”, ông Ngô Văn Trung, Chủ tịch Hội Nông dân phường Bồng Sơn chia sẻ.