| Hotline: 0983.970.780

Ông Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm:

Tôi hi vọng chị Phạm Thị Thanh Trà sẽ hiểu vai trò của khuyến nông xã

“Tôi đọc loạt bài “Hệ thống khuyến nông đang đứt gãy” của Báo Nông nghiệp Việt Nam mà thấy tâm tư”, ông Lê Hưng Quốc chia sẻ.

Bởi Bộ trưởng Bộ Nội vụ là người trưởng thành từ ngành giáo dục tại một tỉnh miền núi, hiểu đồng bào sẽ hiểu phải đưa đội ngũ khuyến nông xã vào “phần cứng”, chứ không chỉ có ở dạng “phần mềm” như hiện nay. Ông Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm bày tỏ.

Tại sao Lai Châu lại xóa Trung tâm Khuyến nông tỉnh?

Tôi đọc loạt bài “Hệ thống khuyến nông đang đứt gãy” của Báo Nông nghiệp Việt Nam mà thấy tâm tư. Tất nhiên, hiện có nhiều thứ “đứt gãy” chứ không chỉ riêng khuyến nông nên chỗ nào ùn, chỗ nào tắc ở các cấp thì phải xắn tay lên mà tháo gỡ.

Khuyến nông hướng dẫn cho dân trồng xoài ở Sơn La. Ảnh: Tư liệu.

Khuyến nông hướng dẫn cho dân trồng xoài ở Sơn La. Ảnh: Tư liệu.

Năm 1993 ra đời Nghị định 13 của Chính phủ, ý của ông Nguyễn Công Tạn - cựu Bộ trưởng Bộ NN-PTNT lúc đó là hợp nhất Khuyến nông với quản lý Nhà nước nên cho ra đời Cục Khuyến nông Khuyến lâm để thúc đẩy các mô hình như lúa lai, ngô lai, lợn lai, keo lai, bò sữa và đã thành công… Khuyến nông cơ sở ở xã hình thành quãng trước năm 2000 ở các tỉnh được cỡ 50% nhưng sau văn bản của Bộ NN-PTNT do Cục Khuyến nông Khuyến lâm đề xuất thì được 100%.

Dù không có hướng dẫn về “phần cứng” tức văn bản của Bộ Nội vụ nhưng nó phù hợp với thực tiễn, với thị trường, yêu cầu xóa đói giảm nghèo, an ninh lương thực và xuất khẩu nên các tỉnh vẫn làm. Chính tôi đã từng gặp Giám đốc Sở Tài chính một số tỉnh để vận động họ chi tiền cho khuyến nông xã hoạt động. Khoảng 1 vạn xã đã có khuyến nông cơ sở, riêng ở miền núi các thôn, bản, ấp có cộng tác viên khuyến nông. Hệ thống khuyến nông hơn 20 năm nay đã tạo ra nhiều giá trị về nhân văn, hữu ích, xóa đói giảm nghèo, sáng tạo kỹ thuật.

Gần đây cũng là do Nghị quyết của Trung ương nên các tỉnh đang tổ chức lại hệ thống của khuyến nông một cách rất khác nhau. Trước hết ở cấp tỉnh, những thành phố lớn còn rất ít diện tích nông nghiệp mà bỏ Trung tâm Khuyến nông cũng còn chấp nhận được, nhưng ngược lại những tỉnh có nhiều diện tích đất nông, lâm nghiệp như Lai Châu - một tỉnh miền núi mà bỏ thì là điều đáng phải suy nghĩ, không lại giống như giãn cách, bỏ giãn cách rồi lại giãn cách do Covid-19. Lai Châu toàn đồng bào dân tộc, nghèo đói nhiều mà bỏ khuyến nông tôi không biết sẽ triển khai chương trình xóa đói giảm nghèo như thế nào?

Ông Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm: 'Tôi đọc loạt bài 'Hệ thống khuyến nông đang đứt gãy' của Báo Nông nghiệp Việt Nam mà thấy tâm tư'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm: "Tôi đọc loạt bài “Hệ thống khuyến nông đang đứt gãy” của Báo Nông nghiệp Việt Nam mà thấy tâm tư". Ảnh: Dương Đình Tường.

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp phải chuyển chủ yếu qua dịch vụ, qua tư vấn, qua chuyển giao công nghệ, đào tạo, tập huấn, tách phần quản lý Nhà nước ra cho Phòng NN-PTNT hay Phòng Kinh tế, xóa bỏ vừa đá bóng vừa thổi còi. Nhưng ở đây đang có mấy chuyện, thứ nhất là dịch vụ đang không có cơ chế rồi vốn ở đâu, phí dịch vụ, nộp thuế, chia lãi thế nào? Bên cạnh đó, quản lý Nhà nước là Phòng NN-PTNT hay Phòng Kinh tế lại không đủ năng lực nên lại phải nhờ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp làm giúp khâu quản lý Nhà nước, thành ra bên thừa bên thiếu.

Bây giờ lấy gì làm thước đo? Theo tôi thực tiễn là thước đo, hiệu quả là chính. Cái gì phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của dân, của thị trường thì chúng ta làm. Còn những luật của Bộ Nội vụ rồi Chính phủ ra cũng có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí có những Nghị quyết đè lên Luật Thú y, Luật Bảo vệ Thực vật khi xóa đi một phần của hệ thống. Giữa Bộ Nội vụ và Hội đồng Nhân dân đều có quyền lực cả, có quyền làm nhưng rồi bất nhất, không phù hợp do không thông qua tổng kết thực tiễn và khoa học.

Vấn đề ở cấp huyện, xưa rất nhiều cơ quan nông nghiệp như Trạm Bảo vệ Thực vật, Trạm Thú y, Trạm Khuyến nông, công ty giống… nên tinh giản đầu mối, giảm biên chế, giảm chi thường xuyên gộp lại thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp tôi cho cũng có một phần hợp lý. Bởi bây giờ nông dân yêu cầu gói kỹ thuật rất tổng hợp, cần một lời khuyên tích hợp, cần công nghệ đồng bộ từ A đến Z, cần những kết nối thị trường…

Giải quyết được điều đó phải có sức mạnh tổng hợp của cả trồng trọt, chăn nuôi, giống, khuyến nông... Thứ nữa tinh giản đầu mối bên dưới, khi Phó Chủ tịch UBND huyện phải phụ trách quá nhiều đầu mối, rồi tinh giản biên chế, giảm ngân sách.  

Thiếu khuyến nông chuyên trách nên sâu bệnh bùng phát trên cây ngô ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thiếu khuyến nông chuyên trách nên sâu bệnh bùng phát trên cây ngô ở xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ảnh: Dương Đình Tường.

Nên đưa khuyến nông xã vào “phần cứng”

Ở cấp xã, tôi có mấy đề nghị thế này: Thứ nhất là từ nay cho đến khi cải cách tiền lương tiếp tục duy trì đội ngũ khuyến nông viên xã như hiện nay nếu như nó có hiệu quả, nếu như nó phục vụ cho những chương trình quốc gia như xóa đói giảm nghèo, dân tộc, nông thôn mới. Hiện nay ở vùng miền núi có cỡ 15 - 20 triệu người, tỷ lệ nghèo đói cỡ 20 - 30% nếu cắt bỏ đội ngũ này sẽ ảnh hưởng lớn đến các chương trình quốc gia.

Ở những vùng này, có khi đi cả ngày đường mới đến được, không mấy ai lên được, cũng như y tế khi chống dịch mới thấy các làng bản là các pháo đài, chứ ở trên này chúng ta cũng chỉ họp hành, đến rồi đi thôi. Có nhiều cái nghèo - nghèo vốn, nghèo kiến thức, nghèo do rủi ro, thiên tai…cần phải có khuyến nông viên. Cần tăng cường Ban Nông nghiệp xã và cụm khuyến nông xã, làm nhà đàng hoàng cho anh em ở chứ không thể ở tuềnh toàng được.

Ở đồng bằng, ven biển vẫn cần khuyến nông viên xã cho nông dân bởi dòng chảy khoa học công nghệ tiếp tục phát triển, bây giờ phải chuyển sang công nghệ 4.0, phải chuyển sang điện thoại thông minh nên phải đào tạo lại cho chính đội ngũ khuyến nông viên và cho nông dân. Nếu không có đội ngũ đó trợ giúp, chuyển giao nông dân thì Nghị quyết kêu gọi áp dụng công nghệ 4.0 thì nó cũng chỉ được 1.0, 2.0 mãi thế thôi. Ngay bản thân tôi đã hơn 70 tuổi vẫn phải đang học con mới tiếp cận được máy tính, điện thoại thông minh.

Thiếu người chỉ dạy về kỹ thuật nên cô gái người Mông này ở xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã dùng tay trần quấy thuốc trừ cỏ trong thùng để phun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thiếu người chỉ dạy về kỹ thuật nên cô gái người Mông này ở xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đã dùng tay trần quấy thuốc trừ cỏ trong thùng để phun. Ảnh: Dương Đình Tường.

Khuyến nông viên bây giờ phải trở thành trợ lý ảo cho nông dân thông qua mạng 4G, 5G. Ngày xưa khuyến nông phải cầm tay chỉ việc nông dân bởi họ không biết gì cả về khoa học kỹ thuật, giờ bên cạnh việc vẫn phải làm trực tiếp như thế bởi nông dân mà không nhìn thấy tận mắt thì họ không làm theo, còn cần là trợ lý ảo của họ nữa. Ảo nghĩa là không trực tiếp, thông qua mạng, thông qua công nghệ 4.0 nhưng lại phản ảnh cái thật trong cuộc sống.

Thứ hai là khi cải cách tiền lương chính thức hóa đội ngũ khuyến nông viên xã bằng chính sách Nhà nước thông qua Bộ Nội vụ. Tôi rất hi vọng chị Phạm Thị Thanh Trà - Bộ trưởng Bộ Nội vụ, người trưởng thành từ ngành giáo dục tại một tỉnh miền núi, sẽ hiểu đồng bào, hiểu miền núi, hiểu vai trò của khuyến nông viên xã. Phải đưa đội ngũ này vào “phần cứng”, trước đây không có “phần cứng” mà chỉ có “phần mềm” vẫn thành công.

Nhân dịp sắp tới thay đổi bảng lương, Bộ NN-PTNT cùng Bộ Nội vụ phải thống nhất với nhau về chuyện này để trình Chính phủ. Nói nông thôn mới không có kết thúc thì xóa đói giảm nghèo cũng không có kết thúc bởi luôn có tái nghèo, biến đổi khí hậu cùng bao rủi ro khác.

Tất cả công nghệ đã mở ra chỉ trong chiếc điện thoại thông minh. Khuyến nông phải sử dụng nó để thành người bạn đời của nông dân, họ cần gì là chỉ quẹt quẹt trên màn hình điện thoại là giao tiếp được. Khuyến nông giúp họ thích ứng với biến đổi khí hậu, công nghệ mới và thị trường.

Thứ ba là phải đổi mới hệ thống khuyến nông chứ hiện vẫn đang làm theo cách cũ. Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phải tự đào tạo lại mới đủ năng lực chuyển giao khoa học kỹ thuật. Bây giờ phải tiến hóa bằng công nghệ, người cộng với máy có thể làm được những việc mà trước đây không tưởng tượng được.

Trước đây làm nông phải “trông trời, trông đất, trông mây” thì bây giờ bằng dữ liệu qua cảm biến, qua robot, qua phần mềm là điều khiển được tất qua điện thoại. Thứ nữa là khuyến nông hàng dọc, trên Trung ương chỉ loanh quanh với kinh phí từ ngân sách, với cỡ 30 dự án tự xây dựng, tự giám sát; ở tỉnh thì thêm ngân sách địa phương.

Thiếu người hướng dẫn kỹ thuật, một nông dân của xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đang phun thuốc trừ cỏ trùm cả lên người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thiếu người hướng dẫn kỹ thuật, một nông dân của xã Tà Hộc, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La đang phun thuốc trừ cỏ trùm cả lên người. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cần có danh hiệu "hiệp sĩ khuyến nông"

Còn khuyến nông của doanh nghiệp, của các chủ trang trại, của nông dân sản xuất giỏi và các hợp tác xã kiểu mới và nhiều thành phần khác, phải biến những thứ đó thành trường học để đào tạo cho nông dân. Khuyến nông hàng ngang sẽ có thêm cả ngàn tỉ mà nhất là nhiều doanh nghiệp, tập đoàn… nhiều lúc, nhiều nơi còn hiệu quả cao hơn hệ thống khuyến nông chuyên trách.

Mình phải là “nhạc trưởng” còn những thành phần khác là “nhạc công”. Phải biến những doanh nghiệp, những chủ trang trại, những hợp tác xã kiểu mới, những nông dân sản xuất giỏi trở thành những hiệp sĩ khuyến nông. Hiệp sĩ là từ mà xã hội ca ngợi những người dũng cảm, không được giao chức năng vẫn làm những việc “vác tù và hàng tổng” giúp ích cho đời kiểu như săn bắt cướp hay làm ở các trạm gác Covid-19 tự nguyện.

Theo tôi, sắp tới tổng kết 30 năm (1993 - 2023) phải có danh hiệu hiệp sĩ khuyến nông bởi có những người rất giỏi về khuyến nông. Hệ thống khuyến nông gồm Trung tâm Khuyến nông Quốc gia, dưới là Trung tâm Khuyến nông tỉnh phải tổng kết, bình xét, phong bằng công nhận và tôn vinh họ rồi phát động, “đi hàng ngang” với họ, lôi họ vào cuộc. Làm được như thế thì dần dần mới xã hội hóa công tác khuyến nông, giảm bớt chi phí mà hiệu quả lại cao. Nông dân, doanh nghiệp người ta bỏ vốn làm khuyến nông nhiều chứ có chờ đợi hệ thống của Nhà nước đến đâu?

Ông Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm: 'Cần có danh hiệu hiệp sĩ khuyến nông để tôn vinh những ai làm giỏi'. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lê Hưng Quốc - nguyên Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm: "Cần có danh hiệu hiệp sĩ khuyến nông để tôn vinh những ai làm giỏi". Ảnh: Dương Đình Tường.

Từ Nhà nước chỉ nên dành cho các lĩnh vực quản lý Nhà nước còn hành chính công, dịch vụ công thì để cho xã hội làm, thị trường làm. Như anh Thòn của Tập đoàn Lộc Trời có hàng ngàn kỹ sư, có hàng trăm tỉ cho khuyến nông, như anh So của Tập đoàn Dabaco, như chị Liên của công ty Vinamilk, như anh Dư của Công ty Giống gia cầm Minh Dư... Họ cũng làm khuyến nông nhiều nhưng không được tôn vinh, không được Bộ NN-PTNT tổng kết, được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia mời. Đấy chính là những hiệp sĩ khuyến nông, những “nhạc công” rất giỏi. Nhạc công trong hệ thống khuyến nông bây giờ là doanh nghiệp, là hợp tác xã kiểu mới, là các chủ trang trại…

Trách người phải trách cả chính ta

Trở lại chuyện các tỉnh xóa Trung tâm Khuyến nông tỉnh, sáp nhập các Trạm Khuyến nông huyện vào Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, bỏ đội ngũ khuyến nông xã, trách họ nhưng cũng phải tự trách chúng ta bởi rằng hiệu quả của đội ngũ này đang chưa cao, chưa được xã hội nhìn nhận vì chưa thể hiện được nhiều. Trong cơ chế thị trường này, giá trị hoạt động của anh thế nào thì được người ta coi trọng như thế.

Phải xem xét lại hệ thống tổ chức của khuyến nông sao cho phù hợp nhưng không thể thống nhất, cùng một kiểu là cũng không đúng mà nước mình có 7 vùng kinh tế, khá khác nhau. Chính hệ thống khuyến nông bây giờ phải tự đào tạo, tự trưởng thành, tự đánh giá mình để tự vươn lên tầm mới. Do cơ chế hành chính hóa nhiều năm mà xa rời thực tiễn.

Khuyến nông có mấy chức năng: thúc đẩy, chuyển giao, tập hợp, cầu nối và truyền cảm hứng…Nông dân đọc quy trình kỹ thuật có thể làm theo được nhưng có khuyến nông đến, tuyên truyền, thúc đẩy, truyền năng lượng, truyền cảm hứng thì người ta có thể xắn tay áo lên mà làm. Khuyến nông bởi thế là bàn tay, là khối óc và là cả trái tim nữa.

Nhiều anh em trong ngành đánh giá hoạt động của khuyến nông 10 năm đầu là tốt, là đỉnh cao. Nghe nói thế, tôi mới hỏi anh Giám đốc Trung tâm Khuyến nông ở một tỉnh đồng bằng sông Hồng là: “Cậu đang nịnh hay sao?”. Anh ta trả lời: “Không, bởi thời kỳ đó tính tập trung, tính thống nhất, tính chỉ đạo rất rõ, ví dụ chỉ đạo là 5 cái lai gồm lúa lai, ngô lai, keo lai…thống nhất là từ trên xuống dưới, tập trung là tài liệu in đến tận xã, bản tin in đến tận huyện, thành lập trang web, giáo trình khuyến nông rồi xây dựng hệ thống khuyến nông cơ sở”.

Tôi làm Cục trưởng Cục Khuyến nông Khuyến lâm từ năm 1997 - 2003, khi đơn vị đã tách ra thành Cục Trồng trọt, Cục Chăn nuôi và Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Giờ mình là người cũ rồi, dù đã thay mấy Nghị định về khuyến nông mà vẫn lủng củng, loanh quanh xung quanh 200 tỉ ngân sách nhà nước.

Thiếu khuyến nông chuyên trách, Phó chủ tịch xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng bị quá tải, phải đi chỉ đạo nông nghiệp dù không có chuyên môn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Thiếu khuyến nông chuyên trách, Phó chủ tịch xã Mường Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La cũng bị quá tải, phải đi chỉ đạo nông nghiệp dù không có chuyên môn. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trước đây khuyến nông có giá trị tốt nhưng nay phải nâng cấp hệ thống vươn lên những giá trị mới. Phải cập nhật kiến thức, thạo về tin học, nắm được ngoại ngữ, cộng với cái tâm rồi cũng phải thay cơ chế đi thế nào đấy để anh em nó gắn với thực tiễn. Một cái nữa rất yếu của hệ thống khuyến nông là hợp tác quốc tế, phải nắm các tiêu chuẩn thị trường của những nước, khu vực thì mới khuyến được đưa nông dân lên đường cao tốc, sản phẩm theo các FTA thế hệ mới, công nghệ số, đạt tiêu chuẩn môi trường khu vực và thế giới…

---

[Kỳ V] Trạm Khuyến nông chưa đầy 20 năm phải chuyển chỗ 12 lần

[Kỳ VI] Ngôi sao sáng Sơn La đang tan rã hệ thống khuyến nông

[Kỳ VII] Chuyện 1 cổ 9 tròng ở Mộc Châu

Tin liên quan

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

[Kỳ I] Những quả đồi chuyển từ sắc trắng sang vàng ở huyện Lục Ngạn

Đội ngũ khuyến nông cấp cơ cơ sở đóng vai trò rất lớn trong sản xuất nông nghiệp, thế nhưng ở nhiều nơi hệ thống này đang đứt gãy, tan rã...

[Kỳ II] Nỗi niềm của ông Chủ tịch xã và ông Chủ tịch huyện

[Kỳ II] Nỗi niềm của ông Chủ tịch xã và ông Chủ tịch huyện

Cả hai ông đều lo lắng trước cái mốc tương lai đang rất gần, khi đội ngũ khuyến nông cơ sở bị xóa sổ thì tình hình phát triển nông nghiệp sẽ ra sao?

[Kỳ III] Chuyện ở Bắc Giang và tâm sự của những người có trình độ

[Kỳ III] Chuyện ở Bắc Giang và tâm sự của những người có trình độ

Để tiếp nhận thông tin đa chiều về chuyện hết năm 2024 Bắc Giang sẽ giải thể đội ngũ khuyến nông cơ sở, tôi đã liên lạc với một số người trong và ngoài cuộc.

[Kỳ IV] Những lá đơn xin nghỉ việc của 'ông thú', 'ông khuyến' ở Hòa Bình

[Kỳ IV] Những lá đơn xin nghỉ việc của 'ông thú', 'ông khuyến' ở Hòa Bình

Nhiều “ông thú”, “ông khuyến” ở tỉnh Hòa Bình đã đâm đơn xin nghỉ việc, trong khi đó các UBND xã không thể tuyển được người vào các vị trí này vì phụ cấp thấp.