Lễ rước cỗ cúng cây chè tổ. |
Đây là nghi lễ của người dân Suối Giàng (huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) tổ chức hàng năm để tôn vinh cây chè cổ thụ đã mang lại nguồn thu to lớn cũng như danh tiếng cho người dân Suối Giàng. Hoạt động này mở đầu Lễ hội Văn hóa, du lịch Mường Lò và Khám phá danh thắng Quốc gia Ruộng bậc thang Mù Cang Chải năm 2019 là
Rừng chè cổ thụ Suối Giàng được phát hiện vào những năm 60 của thế kỷ trước trên độ cao từ 800- 1.300m so với mặt nước biển trên diện tích 300 ha. Những cây chè cổ thụ có tuổi đời trên 300 năm có đường kính từ 0,8-1m, hơn nửa thế kỷ người dân Suối Giàng trồng mới hơn 250 ha, đến nay tổng diện tích chè suối Giàng là 550 ha, trong đó có 193 ha chè cổ thụ.
Thầy cúng Giàng Nhà Lử (đội mũ đỏ) đi sau bàn thờ dâng lễ vật. |
Tháng 2/2016 Hội bảo vệ thiên nhiên và Môi trường Việt Nam đã công bố quyết định quần thể 400 cây chè Shan tuyết, có tên khoa học Camellia sinensis var.Shan nằm trên 4 thôn: Giàng A, Giàng B, Pang Cáng và và Bản Mới nằm trên độ cao từ 1.300-1.800m có tuổi đời trên 300 năm là Cây di sản Việt Nam.
Đội múa khèn. |
Hiện nay xã Suối Giàng có một số Cty thu mua và chế biến chè Suối Giàng: Cty TNHH Đức Thiện, HTX chè Suối Giàng, Cty Đầu tư phát triển chè Suối Giàng, Q.Tea SuGi và hàng chục hộ dân. Hàng năm các đơn vị này cung cấp ra thị trường trên 500 tấn chè hàng hóa, trong đó có nhiều sản phẩm chè Suối Giàng được xuất khẩu sang các thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật, Nga và các nước Trung Đông. Giá chè thu mua búp tươi từ 50.000- 200.000đ/kg, đã mang lại nguồn thu to lớn cho người dân, nhiều hộ thoát nghèo trở nên giàu có nhờ cây chè.
Lễ tôn vinh cây chè Tổ là màn rước cỗ từ UBND xã Suối Giàng của các thôn Pang Cáng, Giàng A, Giàng B, Bản Mới và của UBND xã. Những trai đinh lực lưỡng khiêng bàn thờ được làm bằng tre trúc dán giấy bản, xung quanh là những giải giấy được cắt thành tua, đó là những sợi dây nối giữa con người và thần linh. Lễ vật cúng cây chè Tổ là các sản vật của địa phương: Xôi nếp, thịt gà, hoa quả…đi sau lễ rước lễ vật là trưởng các thôn bản và hàng trăm cháu học sinh. Một đoàn cầm khèn vừa đi vừa thổi, múa hát tưng bừng, cờ xí rợp trời.
Cỗ được bày trên chiếc bàn, thầy cúng Giàng Nhà Lử đã trên 80 tuổi là chủ lễ, sau khi sắp cỗ lên bàn, thắp hương và rót rượu xong ông cầm con gà trống mào đỏ như lửa quay về phía bàn thờ khấn một hồi, đại thể như sau: Hôm nay người dân Suối Giàng mổ con gà trống to này để dâng tạ thần núi, thần rừng và tổ tiên người Mông đã cho người dân Suối Giàng rừng chè quý, mang lại cuộc sống ấm no cho muôn đời con cháu…
Những người con Suối Giàng cúi tạ thần linh, tổ tiên |
Khấn rồi ông cầm con gà quay xuống những người tham gia lễ cúng, nói một tràng tiếng Mông, tất cả đều chắp tay cúi rạp mình xuống đất tỏ lòng thành kính với thần linh và tổ tiên.
Hai người đàn ông cắt tiết gà dưới chân bàn thờ vào cái bát nhỏ, sau đó họ nhổ 3 túm lông cổ nhúng vào bát tiết dán lên tấm giấy bản màu đỏ viền trắng, giữa màu vàng tượng trưng cho đất trời, cây cỏ, sông núi.
Thầy cúng Giàng Nhà Lử bắt đầu nghi lễ cúng. |
Ông Giàng A Đằng, bí thư xã Suối Giàng cho biết: Ba túm lông gà đó để báo cho thần linh và tổ tiên là con cháu đã mổ con gà trống này xin giao con gà cho thần linh và tổ tiên…
Sau khi cúng xong trai thì thổi khèn nhảy múa, gái thì ném pao dưới gốc những cây chè cổ thụ, những cô gái xinh đẹp trèo lên cây chè hái chè sau đó mang về sao trong các chảo bằng củi.
Thổi khèn, ném pao. |
Sau lễ tôn vinh cây chè Tổ năm nay là lễ cắt băng khánh thành khai trương không gian văn hóa trà Suối Giàng. Những bài hát và những điệu múa ca ngợi cây chè thể thể hiện lòng biết ơn của người dân đối với cây chè.
Cắt băng khánh thành không gian văn hóa trà Suối Giàng. |
Uống trà theo phong cách cổ điển. |
Tại đây, một phòng trà được các cô gái Mông pha theo lối truyền thống bên bếp lửa hồng, chén trà thơm ngây ngất, du khách như lạc vào thế giới bồng lai, phía dưới là những bản làng bảng lảng trong mây mù lãng đãng. Một không gian thưởng trà tuyệt vời giữa mây trời mà người ta như đang lạc vào cõi tiên cảnh.