| Hotline: 0983.970.780

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với TP.HCM

Thứ Sáu 23/09/2022 , 12:36 (GMT+7)

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dẫn đầu đoàn công tác của Trung ương Đảng đến thăm và làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM, ngày 23/9.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với TP.HCM. Ảnh: Việt Dũng/SGGP.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm và làm việc với TP.HCM. Ảnh: Việt Dũng/SGGP.

Đoàn công tác do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm trưởng đoàn sẽ làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM về tình hình, kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng; công tác xây dựng Đảng tại TP.HCM từ sau Đại hội XIII của Đảng, Đại hội XI của Đảng bộ TP.HCM và phương hướng nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

Cùng dự có Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng; Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai; Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an; Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Lê Minh Hưng cùng lãnh đạo các ban Đảng, bộ ngành Trung ương.

Phía TP.HCM có Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên; Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Hiếu; Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Hồ Hải...

Báo cáo đoàn công tác, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, năm 2021, năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết, TP.HCM chịu sự ảnh hưởng nặng nề và nghiêm trọng của đại dịch Covid-19. Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất, Thành ủy - Ban Thường vụ Thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng chống dịch, đồng thời thực hiện các nhiệm vụ chính trị đạt những kết quả quan trọng, góp phần vừa kiểm soát dịch bệnh, đưa thành phố trở lại với trạng thái “bình thường mới”, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, vừa bảo đảm các hoạt động xây dựng Đảng theo Nghị quyết đề ra.

Cũng theo ông Mãi, trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ Thành phố đã xây dựng 22 chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, với 9 nhóm giải pháp trọng tâm. Ngay khi TP.HCM cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, Thành ủy TP.HCM chủ động ban hành Nghị quyết cho giai đoạn phục hồi, chỉ đạo ban hành Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thành phố giai đoạn 2022 - 2025.

"Qua đó, tình hình phục hồi và phát triển thành phố trong 9 tháng đầu năm 2022 có nhiều khởi sắc và khá đồng bộ. Từ mức tăng trưởng âm 6,78% vào năm 2021, TP.HCM đã đạt mức tăng trưởng dương 3,82% vào 6 tháng đầu năm 2022 và dự kiến trong 9 tháng sẽ đạt 9,71%", Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nói.

Tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực cơ bản đạt trạng thái trước khi có dịch. Tổng thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 đạt trên 90%, tương đương 350.000 tỷ đồng. Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của doanh nghiệp tăng trưởng khá, thương mại - dịch vụ - du lịch phục hồi mạnh mẽ; thu hút FDI đạt 2,91 tỷ USD.

Chủ tịch UBND TP.HCM cũng nhìn nhận, việc triển khai một số đề án, chương trình thực hiện Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ Thành phố bị chậm. Một số dự án xây dựng kết cấu hạ tầng chưa được triển khai hoặc chậm tiến độ. Ảnh hưởng nặng nề của đại dịch đã tác động đến nhiều chỉ tiêu kinh tế - xã hội giảm sâu trong năm 2021; mặc dù năm 2022 đã phục hồi nhưng sẽ ảnh hưởng chỉ tiêu chung của nhiệm kỳ.

"TP.HCM xác định từ nay đến hết nhiệm kỳ sẽ tập trung cho công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và công tác dân vận. Trong đó, có việc tổ chức triển khai có hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Thành phố lần thứ XI về "xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh". TP.HCM sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp kiểm soát, thích ứng linh hoạt đối với đại dịch Covid-19 và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với diễn biến tình hình", ông Phan Văn Mãi nói.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư tiếp tục quan tâm chỉ đạo về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, trọng tâm là định hướng chiến lược, chủ trương và cơ chế để Thành phố phát huy tiềm năng, thế mạnh, xây dựng và phát triển. Trung ương tiếp tục chọn Thành phố là nơi thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp.

Đồng thời, mở rộng việc phân cấp, phân quyền trên một số lĩnh vực nhằm tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của Thành phố. Đồng thời, hoàn thiện về thể chế cho TP Thủ Đức phù hợp với quy mô và vai trò theo mô hình thành phố trong thành phố; có chính sách tương xứng để phát huy tiềm năng, thu hút được nguồn lực phát triển trong đó có Trung tâm Tài chính quốc tế tại TPHCM theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Kiến nghị Trung ương ưu tiên các nguồn lực tài chính để thực hiện các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông theo quy hoạch cấp quốc gia... TP.HCM cũng kiến nghị Đảng đoàn Quốc hội, quan tâm chỉ đạo tổng kết và tiếp tục ban hành cơ chế, chính sách thí điểm tạo động lực phát triển TPHCM (thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội) kịp thời, đồng bộ, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết mới của Quốc hội. Bên cạnh đó, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tồn đọng liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại TPHCM.

TP.HCM cũng kiến nghị, định kỳ hàng năm và khi cần thiết tổ chức làm việc với TPHCM để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn và tạo điều kiện thuận lợi cho Thành phố phát triển.

Xem thêm
Sóc Trăng thay đổi từ tư duy ứng phó sang thích ứng với hạn mặn

ĐBSCL Dù hạn mặn trong mùa khô 2023 -2024 cao hơn trung bình nhiều năm, Sóc Trăng chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng đến sản xuất, kinh doanh do hạn mặn gây ra.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

2 người ở Hà Giang bị thương do thiên tai

Mưa lớn kèm gió lốc đêm 4, ngày 5/5 trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã khiến 2 người bị thương và 378 nhà dân bị tốc mái, hư hỏng.

Tân nghiên cứu sinh Harvard: Năng lượng tái tạo là nền tảng phát triển xã hội

Đối với Lê Mạnh Linh (sinh năm 2000), khả năng tiếp cận năng lượng chính là chỉ dấu quan trọng của sự phát triển xã hội, mang lại cuộc sống sung túc, đầy đủ hơn.