| Hotline: 0983.970.780

Quản lý chất lượng, tạo động lực phát triển ngành Nông nghiệp

Thứ Sáu 04/04/2025 , 16:16 (GMT+7)

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng, tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung là đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

Ngày 4/4, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì làm việc với một số Hội, Hiệp hội ngành hàng về hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TCQC) và Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa (CLSPHH).

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì làm việc với một số Hội, Hiệp hội ngành hàng về hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy chủ trì làm việc với một số Hội, Hiệp hội ngành hàng về hoàn thiện thể chế pháp luật liên quan. Ảnh: Khương Trung.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, cuộc họp lần này khẳng định tinh thần hợp tác chặt chẽ giữa Bộ Nông nghiệp và Môi trường với các hiệp hội ngành hàng trong ngành nông nghiệp. Bộ đã chủ động mời các đại diện hiệp hội để cùng trao đổi, thảo luận trực tiếp. Bộ trưởng tin rằng, phương thức làm việc này sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả và giúp hai bên linh hoạt hơn trong việc giải quyết các vấn đề tồn đọng.

Việc này không chỉ giúp các cơ quan nhà nước hiểu rõ hơn về khó khăn của doanh nghiệp mà còn giúp các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp đóng góp những ý tưởng sáng tạo để hoàn thiện hệ thống pháp lý và quy định quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Cuộc họp tập trung thảo luận và trao đổi về ba vấn đề lớn, góp ý, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm; các nội dung cụ thể trong công tác quản lý chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa, đặc biệt là việc công bố hướng dẫn và quy trình liên quan đến chất lượng; xác định danh mục các nhóm hàng hóa, đặc biệt là nhóm hai, những mặt hàng có yêu cầu nghiêm ngặt về quản lý chất lượng và an toàn thực phẩm.

Tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng

TS Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị Bộ trưởng và các cơ quan liên quan xem xét việc cải cách quy trình công bố hợp quy, đồng thời giảm thiểu các thủ tục hành chính không cần thiết.

TS Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Khương Trung.

TS Nguyễn Xuân Dương - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Chăn nuôi Việt Nam. Ảnh: Khương Trung.

Ông Dương kiến nghị là bỏ hình thức công bố hợp quy đối với hàng hóa đã được kiểm tra và chứng nhận chất lượng. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ cần công bố thông tin chất lượng và an toàn của sản phẩm ngay từ giai đoạn đăng ký lưu hành sản phẩm, và cơ quan nhà nước sẽ kiểm tra khi cần thiết.

Điều này sẽ giúp giảm bớt chi phí cho doanh nghiệp, đồng thời giúp công tác quản lý của nhà nước trở nên hiệu quả hơn.

“Mục tiêu cuối cùng là tạo ra một môi trường kinh doanh thông thoáng, thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo chất lượng và an toàn của sản phẩm.” – ông Dương bày tỏ.

Về vấn đề quản lý chất lượng thuốc thú y, GS.TS. Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch Hội Khoa học Thú Y Việt Nam báo cáo rằng, quá trình sản xuất và triển khai thực hiện rất nghiêm ngặt. Các cơ quan chức năng luôn kiểm tra, giám sát, lấy mẫu, và doanh nghiệp luôn sẵn sàng hợp tác để đảm bảo chất lượng.

Tuy nhiên do quá nhiều quy trình dẫn đến doanh nghiệp không tuân thủ được hết, bị phạt. Bà Hương khẳng định rằng  “các doanh nghiệp trong ngành luôn thực hiện nghiêm túc các quy định.”

Liên quan đến việc này, đại diện một doanh nghiệp có ý kiến, hiện quy trình dán tem nhãn dấu hợp quy và phải công bố hợp quy là không phù hợp.

Bởi vì, các nước không có quy định công bố hợp quy và dấu hợp quy trên bao bì.

Khi hàng nhập khẩu vào Việt Nam đều phải làm thủ tục dán dấu hợp quy, mặc dù “dấu” này không có tiêu chuẩn nào phù hợp với quốc tế và không có mã số. “Không dán thì bị phạt rất nặng” mà làm thì phát sinh chi phí, thời gian và chậm cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp.

Bổ sung vấn đề này, ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho rằng, trong ngành nông sản, việc công bố hợp quy và chứng nhận quy chuẩn đang là một gánh nặng cho các doanh nghiệp, trong khi chúng ta cần một hệ thống quản lý linh hoạt hơn, hiệu quả hơn.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: Khương Trung.

Ông Nguyễn Trí Ngọc, Tổng Thư ký kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Phân bón Việt Nam. Ảnh: Khương Trung.

“Vì vậy, chúng tôi kiên quyết đề nghị bỏ quy định về chứng nhận quy chuẩn và công bố hợp quy, nhằm giảm thiểu thủ tục hành chính không cần thiết và tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp.”

Liên quan đến công tác quản lý hiện nay. Ông Ngọc tán thành cách chuyển từ mô hình kiểm tra tiền kiểm sang hậu kiểm. Tuy nhiên, ông Ngọc cho rằng “cách thức quản lý hiện tại vẫn còn chưa phù hợp”.

Hiện nay, thế giới quản lý các sản phẩm theo nhóm, đặc biệt là những sản phẩm có rủi ro thấp (được gọi là nhóm 2). Điều này giúp giảm thiểu sự can thiệp của Nhà nước và tạo ra một môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

“Tôi cho rằng chúng ta cần học hỏi mô hình quản lý hiện đại này, để giúp cho các doanh nghiệp nông sản Việt Nam nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường quốc tế.” ông Ngọc xây dựng ý kiến.

Ba phương thức quản lý với một đối tượng chung

Sau quá trình trao đổi thẳng thắn, cởi mở, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho rằng đã thống nhất nhiều nội dung quan trọng liên quan đến việc hoàn thiện thể chế pháp luật, đặc biệt là các nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật (TCQC) và Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa (CLSPHH).

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu kết luận cuộc họp. Ảnh: Khương Trung.

Bộ trưởng cho rằng phải xác định các Luật TCQC, Luật CLSPHH phải được xác định xác định là các luật gốc để điều chỉnh các quy định về bảo đảm chất lượng và an toàn sản phẩm, hàng hóa.

Trên cơ sở các luật gốc, những luật chuyên ngành từ đó đưa ra các quy định liên quan theo hướng bảo đảm các bước trong quy trình quản lý, các nội dung quản lý và các công cụ quản lý, nhằm tránh chồng chéo, trùng lắp. Cần thiết kế theo nguyên tắc phân chia nội dung, quy trình quản lý, tích hợp và dẫn chiếu giữa các luật để bảo đảm không bỏ sót.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phân tích rằng, đối tượng quản lý là các các sản phẩm hàng hoá cuối cùng, là bảo đảm chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.

Trên cơ sở đó chúng ta có ba quy trình quản lý quan trọng, bao gồm: Quy chuẩn; Tiêu chuẩn chất lượng và Quy trình kiểm soát an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ quan điểm, dù có ba quy trình, nhưng tất cả đều hướng đến một mục tiêu chung là đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm. Do đó, không thể có một nội dung quản lý mà lại lặp lại hai lần đối với cùng một sản phẩm.

Mỗi quy trình sẽ đảm nhận một phần công việc cụ thể, không thể có sự chồng chéo, nhưng phải có sự phối hợp hợp lý.

Để minh họa, Bộ trưởng đưa ra một ví dụ từ lĩnh vực bất động sản, liên quan đến việc quản lý đất đai và các dự án xây dựng.

Trong đó, cùng một thửa đất, có thể áp dụng ba luật khác nhau để quản lý: Luật Đất đai (quản lý về quyền sử dụng đất, quy hoạch đất đai); Luật Nhà ở (quản lý về xây dựng công trình nhà ở trên đất đó); Luật Kinh doanh Bất động sản (quản lý về việc mua bán, giao dịch đất đai và các dự án bất động sản).

Theo Bộ trưởng, ba luật này cùng điều chỉnh một đối tượng là thửa đất, nhưng mỗi luật lại điều chỉnh một khía cạnh khác nhau của đối tượng đó. Điều này tương tự như ba quy trình quản lý trong ngành thực phẩm mà hội nghị đang bàn. Mỗi quy trình đều có sự khác biệt về nội dung quản lý, nhưng chúng không được phép trùng lắp.

Tương tự, trong ngành thực phẩm, mỗi quy trình quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm và tiêu chuẩn phải được phân chia rõ ràng để tránh chồng chéo.

Do vậy, Bộ trưởng cho rằng việc sửa luật cần hướng tới việc quy định trong luật những vấn đề chung nhất như đối tượng quản lý, phạm vi quản lý, quy trình chung về quản lý và phương thức quản lý, còn các nội dung cụ thể, đặc biệt là thủ tục hành chính, thành phần hồ sơ thì giao cho Chính phủ và các bộ quản lý ngành quy định.

Đặc biệt, một trong những vấn đề quan trọng trong việc sửa đổi các quy định liên quan đến chất lượng sản phẩm là việc hướng tới hội nhập quốc tế.

Bộ trưởng thống nhất rằng, các tiêu chuẩn và quy định trong nước cần được điều chỉnh sao cho phù hợp với các chuẩn mực quốc tế, đặc biệt trong các lĩnh vực như kiểm soát chất lượng và an toàn thực phẩm.

“Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng sản phẩm trong nước mà còn tạo cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.” - Bộ trưởng Đỗ Đức Duy bày tỏ.

Quản lý để tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành

Đối với nội dung về công bố hợp quy sản phẩm, hàng hóa, Bộ trưởng cho rằng, việc yêu cầu chứng nhận, công bố hợp quy đối với một số sản phẩm đã được cấp phép lưu hành làm tăng chi phí, tăng thủ tục, tăng thời gian, nhưng chất lượng không thay đổi.

Do vậy, để đảm bảo tính nhất quán với các luật chuyên ngành như Luật An toàn thực phẩm, Luật Thú y, Luật Chăn nuôi, cần nghiên cứu điều chỉnh để tránh tình trạng đánh giá chất lượng nhiều lần không cần thiết.

Về kiểm soát danh mục hàng hóa nhóm 2 và tiêu chí trong các quy chuẩn kỹ thuật, người đứng đầu ngành Nông nghiệp và Môi trường thông tin, Bộ đã thực hiện rà soát và hủy bỏ 149 quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCVN) trong ngành nông nghiệp và môi trường, chiếm gần 60% tổng số QCVN đã ban hành.

Trong năm 2025, tiếp tục đưa vào kế hoạch rà soát, sửa đổi hoặc hủy bỏ 59 QCVN có nội dung không còn phù hợp điều kiện thực tiễn.

Bộ sẽ chỉ đạo các đơn vị rà soát danh mục hàng hóa nhóm 2, chỉ giữ lại các sản phẩm, hàng hóa đặc biệt có nguy cơ gây hại cao. Trong đó, rà soát, điều chỉnh khái niệm “sản phẩm, hàng hóa nhóm 2” trong Luật CLSPHH theo hướng chi tiết, cụ thể hơn theo các cấp độ: rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao. Chỉ SPHH thuộc cấp độ rủi ro cao mới cần công bố hợp quy và chứng nhận hợp quy.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, việc sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm là cần thiết để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời tạo ra môi trường thuận lợi cho sự phát triển của ngành hàng và nền kinh tế.

Với sự hợp tác chặt chẽ giữa các cơ quan nhà nước, các hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp, chúng ta sẽ cùng nhau xây dựng một hệ thống quản lý chất lượng sản phẩm hiệu quả, bền vững, góp phần vào sự phát triển của nền kinh tế quốc gia và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.

Xem thêm
Cảnh cáo và cho thôi các chức vụ đối với ông Nguyễn Văn Hiếu

Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét cho thôi giữ chức Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng khóa XIII đối với ông Nguyễn Văn Hiếu.

Bình luận mới nhất