| Hotline: 0983.970.780

Tranh dân gian Nam bộ qua góc nhìn nhà nghiên cứu trẻ

Thứ Hai 14/10/2024 , 13:37 (GMT+7)

Tranh dân gian Nam bộ lưu dấu thành tựu nghệ thuật những bậc tiền nhân khai hoang lập ấp, được hệ thống hóa trong một công trình của nhà nghiên cứu trẻ.

Nhà nghiên cứu trẻ Huỳnh Thanh Bình.

Nhà nghiên cứu trẻ Huỳnh Thanh Bình.

Tranh dân gian Nam bộ chưa được nhiều người chú ý, và cũng ít được nhắc đến so với tranh dân gian Đông Hồ hoặc tranh dân gian Hàng Trống. Vì vậy, nhà nghiên cứu trẻ Huỳnh Thanh Bình đã bỏ công sưu tập các mảng tranh thuộc nhiều thể loại khác nhau của tranh dân gian Nam bộ, để giới thiệu đến công chúng.

Nhà nghiên cứu trẻ Huỳnh Thanh Bình sinh năm 1985, là con gái của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Hiện công tác tại Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh, chị thổ lộ: “Tranh ngày xưa và tranh ngày nay khác nhau rất nhiều. Mỗi dòng tranh có những nét riêng, rất độc đáo”.

Với công trình dày hơn 200 trang, nhà nghiên cứu trẻ Huỳnh Thanh Bình phân định 5 hình thức chính của tranh dân gian Nam bộ, gồm tranh mộc bản, tranh minh họa vẽ trên giấy, tranh cuộn Phật giáo, tranh kiếng, tranh gói và một số phụ lục hình ảnh.

Ban đầu, Huỳnh Thanh Bình chỉ đơn giản có sở thích sưu tập để thỏa lòng đam mê nghệ thuật truyền thống ở vùng đất mới phương Nam, nhưng rồi chị nhận ra giá trị mà cha ông gửi gắm rất cần được phổ biến cho công chúng. Những bức tranh dân gian đem lại một cảm thức cụ thể, thông qua hình ảnh tả thực và hình ảnh sáng tạo, đều bắt rễ trong đời sống tâm linh cộng đồng.

Tranh mộc bản ra đời đáp ứng nhu cầu thực hành tín ngưỡng trong các lễ tiết thường niên và những lễ nghi cầu cúng không định kỳ. Trong đó, tranh vẽ bùa nêu – trấn trạch gọi là “Bùa nêu Ông Cọp”, cũng như bộ tranh cúng Ông Táo, theo tập tục mọi nhà đều sử dụng trong dịp Tết Nguyên đán. Tương tự, bộ tranh đồ thế cũng được sử dụng trong lễ cúng Hành khiển – Hành binh trong dịp Tết và trong lễ nhương căn đổi đốt cho trẻ con dưới 12 tuổi, cúng Bà Thượng Động, bộ tranh cúng Đàng dưới …

Loại tranh mộc bản in trong kinh sách nhà Phật còn lưu hành ở một số chùa, không thuộc nguồn gốc bản xứ. Hiện nay, tranh in mộc bản thủ công đã được thay thế bởi các bộ tranh in công nghiệp.

Tranh minh họa vẽ trên giấy, gồm hai dạng. Thứ nhất là bộ tranh xăm hình (đây là bộ xăm dùng để bói xăm mà “lời bàn” là những bức tranh minh họa về các cảnh đời may rủi, hanh thông phát đạt hay hoạn nạn trắc trở không chừng; gồm 100 bức). Thứ hai là bộ tranh minh họa sách Cao Ly đồ hình (đây là tập sách xem duyên phận và tương lai của những cặp đôi trai gái/vợ chồng dựa trên sự kết hợp của can và chi của họ). So với loại tranh mộc bản nói trên có niên đại cổ xưa hơn, loại tranh minh họa vẽ trên giấy ra đời vào những thập niên đầu của thế kỷ 20.

Một tác phẩm tranh dân gian Nam bộ.

Một tác phẩm tranh dân gian Nam bộ.

Tranh cuộn Phật giáo là loại tranh vẽ trên giấy mô tả các đối tượng được lễ bái trong các nghi lễ của Phật giáo dùng để thiết lập các đàn lễ khi tiến hành các nghi lễ thuộc khoa nghi nhà Phật, cả nghi lễ tại gia của tín đồ lẫn các nghi lễ lớn tổ chức nơi tự viện. Theo thời gian, loại tranh vẽ trên giấy “bổi” dễ hư hỏng và được thay thế bằng những bức vẽ mới, đến nay những tranh vẽ tác giả sưu tầm được có niên đại cổ nhất từ thập niên 1940a. Bây giờ, rất hiếm chùa còn bảo quản loại tranh cuộn truyền thống và được thay thế bằng tranh in (canvas, hiflex).

Đầu thế kỷ 20, khởi đi từ Chợ Lớn, Lái Thiêu, tranh kiếng đã lan tỏa khắp Nam Bộ, bao gồm cộng đồng người Việt – Hoa – Khmer như tranh kiếng Chợ Lớn, tranh kiếng Lái Thiêu, tranh kiếng Mỹ Tho, tranh kiếng Gò Công, tranh kiếng Chợ Trạm, tranh kiếng Chợ Mới (An Giang), tranh kiếng Tây Ninh, tranh kiếng Khmer.

Công trình nghiên cứu mang lại nhiều gợi ý về đời sống văn hóa tâm linh Nam bộ. 

Công trình nghiên cứu mang lại nhiều gợi ý về đời sống văn hóa tâm linh Nam bộ. 

Còn tranh gói là loại tranh đắp nổi bằng vải, một dạng phù điêu thấp xuất phát từ Sa Đéc, hồi năm 1948, rồi lan rộng ra các địa phương khác. Thời đó được gọi là tranh gói hoặc tranh nổi là tranh chân dung, rồi dần dần mở rộng ra các loại tranh thần, Phật, Bồ Tát và sau đó là tranh cảnh vật biểu đạt ý nghĩa chúc tụng cát tường như ý, điển tích có nội dung khuyến giáo như truyện thơ Thoại Khanh - Châu Tuấn hay Phạm Công - Cúc Hoa.

Tranh dân gian Nam bộ chủ yếu là tranh thờ, là vật phẩm cúng tế hay trần thiết các đàn lễ thực hành và minh họa các văn bản chiêm đoán vận mệnh, mà ngày nay chúng được liệt vào mê tín. Chính vì vậy, chúng khó được coi là tác phẩm mỹ thuật theo đúng nghĩa của từ này. Tuy nhiên, đây là những di vật của thành tựu hội họa của một thời quá vãng, mà hậu sinh ít nhiều hình dụng thêm về thành tựu nghệ thuật hội họa của các thế hệ cha ông ở vùng đất phương Nam.

Xem thêm
Tháng phim điện ảnh tri ân huyền thoại màn bạc Alain Delon

Tháng phim điện ảnh từ 12h ngày 16/12/ 2024 đến 24h ngày 16/1/2025, với ba tác phẩm nổi tiếng cho sự góp mặt của huyền thoại màn bạc Alain Delon.

Vinicius Junior nhận giải FIFA The Best 2024

Tiền đạo người Brazil đã chiến thắng giải thưởng FIFA The Best đối với cầu thủ nam hay nhất năm 2024.

Đại kiện tướng Lê Quang Liêm xếp thứ nhì giải cờ vua quốc tế KPNest

Kỳ thủ cờ vua số 1 Việt Nam từ Mỹ trở về TPHCM thi đấu giải cờ vua quốc tế và kết thúc ở hạng nhì trong bảng mở của nam.

Hàng trăm thú cưng đọ tài sắc tại Vietnam Pet Festival 2024

TP.HCM Ngày 29/6, hàng trăm chó mèo được chủ nhân đưa đến Vietnam Pet Festival 2024 tổ chức tại quận 12 để tham gia các cuộc thi sắc đẹp, thi thời trang.