90% hoạt động nuôi trồng thủy sản phải đối mặt với rủi ro từ biến đổi môi trường. Một số quốc gia có rủi ro khí hậu cao nhất, chủ yếu ở châu Á, châu Mỹ Latinh và châu Phi lại hạn chế về năng lực thích ứng với sự thay đổi này.
Tác động của biến đổi khí hậu rất khó lường và có tính cục bộ, việc lựa chọn các biện pháp thích ứng hiệu quả cũng phụ thuộc vào sự chấp nhận của cộng đồng, tính cấp bách của việc thực hiện, tính khả thi về mặt kỹ thuật, mức độ dễ thực hiện và chi phí cần thiết để thực hiện các biện pháp đó.
Với tình hình này, các chuyên gia tư vấn nông nghiệp đã đưa ra 6 lời khuyên thiết thực cho các hộ nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ, đặc biệt ở vùng nhiệt đới để chống chịu và thích ứng với BĐKH. Những ý kiến cũng có sự đóng góp của bà Doris Soto, chuyên gia FAO (Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc) với hơn 20 năm làm việc trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản quy mô nhỏ ở Đông Nam Á, Trung Đông và châu Phi.
Cần thực hiện các phương pháp quản lý tốt nhất
Bà Soto cho biết: “Cải thiện các biện pháp quản lý là động thái đầu tiên hướng tới thích ứng với khí hậu, đặc biệt là cải thiện an toàn sinh học, xem xét giảm mật độ thả giống và đảm bảo vị trí trang trại tốt”.
Việc thực hiện các biện pháp thực hành quản lý tốt nhất (BMP) trong tất cả các khía cạnh sản xuất sẽ cải thiện khả năng phục hồi tổng thể của trang trại. Khả năng mắc bệnh đặc biệt tăng lên khi khí hậu thay đổi, vì hệ thống miễn dịch của động vật bị tổn hại khi chúng bị căng thẳng (ví dụ như do nước ấm hơn trong và xung quanh khu vực trang trại). Đảm bảo sức khỏe cá và tôm thông qua việc thực hiện BMP sẽ giảm thiểu rủi ro dịch bệnh. Các biện pháp môi trường nhằm đảm bảo bảo vệ hệ sinh thái địa phương cũng sẽ làm giảm tính dễ bị tổn thương của các trang trại trước biến đổi khí hậu. BMP cũng góp phần cải thiện vệ sinh, hiệu quả sử dụng thức ăn và chất lượng nước.
Thực hiện phân tích dựa trên rủi ro
Trong quá trình lựa chọn địa điểm và lập kế hoạch trang trại cho vùng nuôi trồng mới, cần thực hiện phân tích dựa trên rủi ro liên quan đến biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Đánh giá cần xem xét rủi ro khí hậu của một khu vực về mức độ phơi nhiễm, tác động tiềm ẩn và khả năng giảm thiểu rủi ro. Mục tiêu cuối cùng của việc đánh giá rủi ro là đưa ra các khuyến nghị về các biện pháp giảm thiểu rủi ro liên quan đến khí hậu, từ đó xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai với mục đích giám sát các hành động giảm thiểu rủi ro như các biện pháp thích ứng.
Ví dụ, có thể nuôi một loài cá sinh trưởng nhanh và có thể thu hoạch trước khi mùa mưa hoặc mùa khô bắt đầu. Thả cá giống lớn hơn cũng rút ngắn thời gian nuôi và do đó cũng giảm rủi ro trong sản xuất. Cuối cùng, việc nuôi các loài có khả năng thở trong không khí như cá da trơn, cá tra và cá rô đồng có thể là một lựa chọn khả thi khi số lượng và chất lượng nước bị hạn chế.
Đa dạng hóa sản phẩm
Có câu nói “Không bỏ hết trứng vào một giỏ”, như vậy, đa dạng hóa sản phẩm là một chiến lược thường được sử dụng để phân tán rủi ro và thua lỗ, cho phép sản xuất có thể được duy trì nếu gặp phải tình cảnh “không được mùa”. Lựa chọn các loài có thể mang lại lợi ích cho nhau, việc đa dạng hóa trại nuôi cũng giúp giảm lãng phí và tăng năng suất bằng cách sử dụng sản phẩm phụ của một loài làm đầu vào cho các loài khác. Đây cũng là lựa chọn giúp đa dạng hóa nguồn thu nhập của nông dân, ổn định sản xuất và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên.
Việc áp dụng các hệ thống nuôi trồng thủy sản kết hợp nông - thủy sản và nuôi trồng thủy sản kết hợp cũng cần được xem xét. Cách tiếp cận này giúp đa dạng hóa sinh kế, đồng thời sử dụng nguồn nước khan hiếm hiệu quả hơn, biến nó thành một biện pháp thích ứng khí hậu hiệu quả. Nước ao hồ có thể dùng để tưới cây trồng, còn chất thải cây trồng có thể dùng làm thức ăn cho cá. Chất dinh dưỡng trong nước ao nuôi từ chất bài tiết của cá đóng vai trò như một loại phân bón tự nhiên cho cây trồng. Thảm thực vật trên đê ao cũng được củng cố và giảm xói mòn.
Tận dụng hệ thống cảnh báo sớm
Nông dân nên làm quen với các nguồn thông tin đáng tin cậy về biến đổi khí hậu. Thông tin kịp thời có thể giúp nông dân ứng phó nhanh hơn với rủi ro khí hậu. Điều quan trọng là phải hiểu và phân tích tốt các dự báo khí tượng, chẳng hạn như dự báo thời tiết.
Theo bà Soto, ngày càng nhiều nông dân bắt đầu sử dụng hệ thống cảnh báo sớm. Hầu hết nông dân hiện nay đều có điện thoại di động và hệ thống cảnh báo sớm có thể được sử dụng với công nghệ đơn giản, nhờ sự hỗ trợ từ chính phủ. Vấn đề ở đây là hiểu được dự báo và cải thiện sự chuẩn bị cũng như ứng phó khẩn cấp.
Cải thiện cơ sở hạ tầng trang trại
Đối với những vùng có mưa lớn hoặc lũ lụt, điều quan trọng là phải đảm bảo hệ thống thoát nước. Hệ thống đường ống và cống lấy nước và thoát nước cũng như kênh thoát nước đều cần được xây dựng hợp lý, chắc chắn. Kênh phải đủ rộng và sâu để đón nước trong trường hợp mưa lớn và lũ lụt. Đối với mùa khô, kênh dẫn nước giúp đảm bảo cung cấp nước từ biển hoặc sông. Các hồ chứa nước (hoặc ao dự phòng) cũng có thể được xây dựng để làm đệm cho các đợt khô hạn.
Đối với các trang trại nuôi biển, có thể sử dụng lồng nuôi dưới biển, cấu trúc lồng, neo và lưới phải có đủ chất lượng để chịu được những cơn bão mạnh nhất.
Hợp tác giữa nông hộ thay vì nhỏ lẻ và manh mún
Hầu hết các biện pháp thích ứng không thể được thực hiện bởi một người nông dân. Do đó, các tổ chức nông dân, cộng đồng và các tổ chức khác nên đóng một vai trò quan trọng trong việc xây dựng các trang trại và cộng đồng có khả năng chống chịu. Các tổ chức của nông dân cho phép tập hợp các nguồn lực và kỹ năng. Ngoài việc cùng nhau thực hiện các biện pháp thích ứng (ví dụ như phòng chống dịch bệnh), họ còn có thể hợp tác trong việc đào tạo, trao đổi thông tin, hiểu biết về hệ sinh thái, phát triển cơ sở hạ tầng, mua đầu vào và tiếp cận thị trường.