Theo thông báo G/SPS/N/KOR/798 của Hàn Quốc, đưa trước thềm Phiên họp thứ 88 của Ủy ban SPS/WTO, Bộ Đại dương và Thủy sản nước này đang xin ý kiến các thành viên WTO về dự thảo “Đạo luật kiểm soát dịch bệnh thủy sản”.
Trong đó, 3 loại bệnh trên lưỡng cư được coi là bệnh được kiểm soát hợp pháp, gồm: Batrachochytrium dendrobatidis (chủng nấm Bd), Batrachochytrium salamandrivorans (chủng nấm Bsal) và Ranavirus.
Đạo luật mới áp dụng cho tất cả quốc gia xuất khẩu thủy sản vào Hàn Quốc, với đối tượng gồm các động vật thủy sản sống (cá, động vật thân mềm, động vật giáp xác) và tôm ướp lạnh (đông lạnh), cùng nhóm lưỡng cư sống. Các mã HS tương ứng: 0301, 0306, 0307, 0106.
Chủng nấm Bd, là một loại nấm Chytrid, là nguyên nhân chính làm cho các quần thể cá cóc ở châu Âu bên bờ tuyệt chủng. Nó cũng đang đe dọa nghiêm trọng đến sự đa dạng của các loài lưỡng cư trên toàn cầu.
Khi bám vào da động vật, vi sinh vật này khiến vật chủ không thể trao đổi muối và nước với môi trường. Bệnh gây ra những tổn thương không thể phục hồi và cuối cùng khiến động vật chết vì suy tim do ngạt thở. Động vật bị nhiễm bệnh có ít khả năng sống sót.
Trong khi chủng nấm Bd được nhắc đến từ đầu thế kỷ 20, chủng nấm Bsal được xem là mới phát hiện khoảng 10 năm trở lại đây, khi các nhà khoa học nhận thấy sự suy giảm đột ngột của quần thể kỳ nhông lửa ở Hà Lan. Bệnh gây tổn thương da, nhiễm trùng huyết và dễ lây lan.
Tương tự, bệnh Ranavirus khá phổ biến với các loài lưỡng cư. Các triệu chứng chính của bệnh là tổn thương da, xuất huyết và suy nội tạng.
Sau khi đánh giá nguy cơ, Bộ Đại dương và Thủy sản Hàn Quốc đề xuất việc kiểm soát chính thức 3 loại bệnh trên. Đồng thời, xây dựng thủ tục chi tiết về việc đăng ký, sửa đổi, gia hạn... các cơ sở chế biến động vật, sản phẩm động vật ở nước ngoài khi xuất khẩu vào quốc gia Đông Á.
Phía bạn cũng đưa vào dự thảo, nội dung kiểm tra trực tiếp các cơ sở xuất khẩu thủy sản ở nước ngoài để kiểm soát dịch bệnh, cũng như nghiên cứu cơ sở pháp lý để tiến hành đình chỉ nhập khẩu theo kết quả kiểm tra tại chỗ, hoặc phân tích rủi ro nhập khẩu, nhằm ngăn chặn sự lây lan dịch bệnh trong tình huống khẩn cấp.
Hàn Quốc cho biết, các quốc gia thành viên WTO có thời hạn 60 ngày kể từ ngày lưu hành thông báo, để phản hồi. Đến ngày 12/5/2024, quốc gia này sẽ ngừng tiếp nhận các ý kiến, tiến tới ra thông báo chính thức dự kiến vào ngày 21/6.
Việt Nam hiện là nguồn cung thủy sản lớn thứ 3 cho Hàn Quốc. Trong năm 2023, Việt Nam xuất khẩu hơn 150 nghìn tấn, đạt giá trị khoảng 800 triệu USD. Sau 8 năm thực thi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA), giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang phía bạn liên tục có dấu hiệu khởi sắc.
Trong cơ cấu sản phẩm thủy sản của Việt Nam xuất khẩu sang Hàn Quốc năm 2023, tôm chiếm tỷ trọng cao nhất 43,6%, tiếp đó mực, bạch tuộc chiếm 31,4%. Các loại cá khác (trừ cá tra, cá ngừ) có kim ngạch xuất khẩu lớn thứ ba sang Hàn Quốc, chiếm 20,8%.
Còn lại các mặt hàng chiếm tỷ trọng nhỏ sang Hàn Quốc lần lượt là cá ngừ, cá tra, cua ghẹ và giáp xác khác, nhuyễn thể hai mảnh vỏ và nhuyễn thể khác (chiếm từ 0,3% đến 2,2%).
Hàn Quốc là thị trường nhập khẩu mực, bạch tuộc lớn nhất của Việt Nam, chiếm 37% tổng giá trị xuất khẩu. Trong khi, Việt Nam đứng thứ 2 về cung cấp mực, bạch tuộc cho Hàn Quốc, sau Trung Quốc. Năm 2023, xuất khẩu mực, bạch tuộc sang Hàn Quốc đạt hơn 247 triệu USD, giảm 8% so với năm 2022.
VASEP dự báo trong năm 2024, nhập khẩu thủy sản của Hàn Quốc có khả năng tăng trở lại khi kinh tế Hàn Quốc nhiều khả năng lấy lại đà tăng trưởng. Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc (BOK) dự tính, tăng trưởng kinh tế của nước này sẽ đạt 2,1% trong năm 2024, tăng từ mức 1,4% của năm 2023.