Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt

Lát cắt ký ức về một thời cởi trói

Lát cắt ký ức về một thời cởi trói

Chúng tôi như say trong cái không khí ấy. Mỗi ngày đều có chuyện để tim đập rừng rực. Và có những gặp gỡ may mắn tình cờ, chỉ xảy ra một lần trong đời.

Sau cuộc mở màn của phong trào Đổi Mới năm 1986 với một loạt bài “Những việc cần làm ngay” trong các lĩnh vực kinh tế và xã hội, giới văn nghệ sĩ trí thức ở Sài Gòn sống trong một bầu không khí có lẽ không bao giờ lặp lại. Một phong trào “cởi trói cho văn nghệ sĩ” bắt đầu. Như một con chim bị nhốt trong chiếc lồng hẹp lâu ngày quay cuồng đập cánh, khi cửa lồng đột ngột mở, đối diện với bầu trời tự do vừa gần gũi vừa cao vời, chim bỗng có chút e dè, ngập ngừng. Rồi chim phấn khích thử cánh, đo khoảng rộng của bầu trời, một khoảng trời có thể tung bay mà không bị nhốt trở lại. Tôi cũng có mặt ở Sài Gòn vào thời điểm đó, hít thở cái không khí ấy như một chứng nhân và cũng là người trong cuộc.

Bài này chia sẻ vài ký ức riêng về những ngày tháng ấy.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong một cuộc gặp gỡ giới cầm bút và nghệ sĩ.

Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh trong một cuộc gặp gỡ giới cầm bút và nghệ sĩ.

Mười hai năm sau cột mốc tháng Tư 1975. Trong hai ngày ròng rã, 6 - 7/10/1987, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã có một cuộc họp lịch sử với hơn 100 tinh hoa đại diện giới cầm bút và nghệ sĩ. Trong hai ngày họp ấy, lần đầu tiên Tổng Bí thư nghe các phát biểu gay gắt về “lỗi hệ thống”. Nhà lý luận Hồ Ngọc chỉ thẳng việc đồng hóa văn nghệ với chính trị, rằng văn nghệ đã và đang phục vụ chính trị một cách thô thiển, đơn giản. Nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện nói văn nghệ sĩ bị trói buộc bởi một loạt húy kị khiến lâu lâu nổ ra vụ án cuốn sách này, bộ phim nọ là “xét lại”, “chống Đảng”, “có tính kích động”. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ nhấn mạnh việc bao cấp tư tưởng khi “một cái đầu tối cao suy nghĩ cho mọi cái đầu”. Nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Mạnh thì nói về vấn đề sinh tử khác, đó là nhân phẩm của văn nghệ sĩ, ông cho là có một thời “lãnh đạo khinh bỉ sâu sắc văn nghệ sĩ”. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng thẳng thắn bộc lộ nghệ sĩ cần ba chữ T: tài năng, tiền bạc (điều kiện sống tối thiểu để viết), và tự do. Hiện nay văn nghệ sĩ chưa có tự do, và còn sợ, “sợ trên, sợ chung quanh, và nỗi sờ sợ ấp ủ ngay trong bản thân mình”. Mà khi sợ làm sao có sáng tác hay, nói gì đến tác phẩm lớn (Báo Văn nghệ, số 42, 17/10/1987; rút từ chuyên đề tư liệu “Đời sống văn nghệ thời đầu đổi mới” do hai nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân và Nguyễn Thị Bình sưu tầm, biên soạn).

Đáp lại, Tổng Bí thư dặn dò văn nghệ sĩ phải nói lên sự thật, dù là sự thật phũ phàng, “cởi trói rồi hãy viết chứ đừng uốn cong ngòi bút, đừng uốn cong tư duy, tình cảm của mình.” Thế là sau đó “tự cởi trói, không bẻ cong ngòi bút” thành một cái tít quen thuộc trên báo chí.

Hàng loạt “sự kiện” đã diễn ra. Người ta hào hứng đi nghe những buổi nói chuyện với các phát biểu táo bạo, quyết liệt của Tướng Trần Độ (1923 - 2002), lúc ấy là Trưởng ban Văn hóa văn nghệ Trung ương. Sân khấu Lưu Quang Vũ diễn “Hồn Trương Ba da hàng thịt” đêm nào cũng không đủ vé bán. Dương Thu Hương xuất bản “Những thiên đường mù” năm 1988, đi nói chuyện khắp nơi, sinh viên nghe mê mải, ngưỡng mộ. Trần Dần và Phùng Quán được cho phép vào Nam đi làm diễn giả ở các buổi nói chuyện tổ chức cho hai ông. Tôi may mắn được dự hai lần, một lần trong khuôn viên một đại học ở Huế. Tiếng là hai người nói chuyện nhưng thực ra chỉ Phùng Quán nói, Trần Dần gầy gò đau yếu, được bạn dìu, chỉ ngồi ra dấu bằng cách gật đầu hoặc lắc đầu. Lần đầu tiên đêm nhạc Văn Cao được tổ chức ở Sài Gòn, cả ông và bà đều vào dự được.

 

Chúng tôi đã cố gắng tìm gặp những thi sĩ lớn còn sót lại của thời kỳ Thơ Mới 1930 - 1945, rồi hăng say viết bài, đưa tác phẩm của họ trở lại với công chúng khi họ còn tại thế, mong góp phần khôi phục vị trí của các nhà thơ lớn này trong nền văn chương dân tộc. Với trường hợp nữ sĩ Ngân Giang, chúng tôi đã lần đầu tiên in được tập “Thơ Ngân Giang” sau mấy chục năm tác phẩm của bà không được xuất bản. Nhưng những chuyện này có lẽ kể vào dịp khác.

Chúng tôi sống cứ như say trong cái không khí ấy. Mỗi ngày đều có chuyện để tim đập rừng rực. Và có những gặp gỡ may mắn tình cờ, chỉ xảy ra một lần trong đời.

Như lần chúng tôi đang ngồi ở quán cà phê vỉa hè thì thấy một ông trung niên đầu tóc bơ phờ, cổ đeo leng keng một chuỗi những vỏ lon bia, cô ca, đang đi phất phơ ngoài đường. Ai cũng biết đó là Bùi Giáng (1926 - 1998). Chúng tôi mời ông vào uống nước. Ông bắt đầu nói chuyện với bạn tôi bằng tiếng Pháp, rồi đọc thơ, rồi lại nói, hầu như không ngừng. Tôi nhóc con, ngồi nghe hai người nói chuyện. Tôi nghĩ dường như ông không để ý có tôi ở đó, nhưng ông chợt nhặt một mẩu giấy, không phải là vỏ bao thuốc lá, và tại chỗ viết luôn 4 câu thơ lục bát tặng tôi, không quên ký tên. Mẩu giấy ấy sau này không biết lạc mất vào lúc nào trên đường bôn ba. Nhưng có hề gì. Khi năm tháng cứ lùi dần vào ngày xưa, những mảnh ký ức vẫn còn đó. Tôi chỉ thuộc được 4 câu đầu “Phạm Hòa như thị như nhiên”. Ba câu sau tôi không thể nhớ được, những gì như “tầm sương” rồi “phố thị”... quen thuộc trong thơ Bùi Giáng. Không phải tất cả các bài thơ ứng khẩu như vậy của Bùi Giáng đều hay.

Trong khi chúng tôi đang nói chuyện thì một cô gái Đức đi ngang. Nhận ra bạn tôi là người quen, cô gái đến chào, xin phép ngồi và gọi cà phê bằng tiếng Việt. Bùi Giáng hỏi cô có biết truyện Kiều không, cô ngập ngừng giây lát rồi đọc bốn câu đầu “Trăm năm trong cõi...”. Cô quên vài chữ cuối. Bùi Giáng nhắc, tỏ vẻ rất thích thú. Rồi trong ngạc nhiên của mọi người, ông đọc đáp lễ ngay vài câu trong vở kịch thơ "Faust" của Goethe, kiệt tác văn chương Đức. Bùi Giáng đọc bằng tiếng Đức. Ông tự học tiếng Đức và là dịch giả. Đọc xong, “đười ươi thi sĩ” liêu xiêu đứng lên, nghêu ngao tiếp cuộc hành trình của mình.

Cuộc triển lãm đầu tiên sau năm 1975 ở phạm vi ngoài tư gia của ba họa sĩ Đinh Cường, Đỗ Quang Em và Trịnh Công Sơn từ ngày 14 đến 24/1/1989 cũng là một tình cờ ký ức khó quên. Cuộc triển lãm được tổ chức tại nhà Hữu nghị Việt - Tiệp. Bạn tôi, một trí thức vì thời thế lúc ấy chọn làm công việc của một thông dịch viên tại Lãnh sự quán Tiệp khắc và là bạn của vợ chồng Tổng Lãnh sự, đã đề nghị Lãnh sự quán Tiệp đứng ra “bảo lãnh”, tổ chức cuộc triển lãm này. Họa sĩ Đỗ Quang Em (1942 - 2021, Cao đẳng Mỹ thuật Gia định) người Ninh Thuận. Họa sĩ Đinh Cường (1939 - 2016, giảng viên Cao đẳng Mỹ thuật Huế) quê Bình Dương. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn (1939 - 2001).

Trước ngày khai mạc triển lãm, chúng tôi về nhà của ba họa sĩ xem tranh, để bạn tôi có thể viết bài giới thiệu về cuộc triển lãm. Đầu tiên, Đinh Cường đưa chúng tôi về nhà ông. Tôi không biết gì về hội họa, nhưng ấn tượng đầu tiên là tranh ông thanh thoát, lãng đãng đến nao lòng, như những gì ông vẽ thuộc về một thế kỷ xa xôi nào đó. Cũng có những bức mạnh mẽ, đặc quánh, góc cạnh. Cũng có những bức cho cảm giác vừa thân thiết, vừa đài các.

Rồi cùng với Đinh Cường và Trịnh Công Sơn, chúng tôi sang nhà Đỗ Quang Em. Bước chân vào gian phòng bày tranh, tôi ngợp với những bức họa khổ lớn để khắp nơi trong phòng, vài bức treo cao gần chạm nóc nhà. Tất cả tranh chân dung chỉ vẽ cùng một người phụ nữ. Nét vẽ rất thực, như ảnh, với những mảng màu tối đậm, sâu hun hút. Có ai đó nói người mẫu là vợ của nghệ sĩ. Tôi còn nhớ Đinh Cường, vốn nhẹ nhàng ít nói, buông câu “Ai mà mua tranh vẽ vợ ổng về nhà treo chớ”, mọi người cười ồ lên. Tất nhiên đó là một câu đùa. Tranh Đỗ Quang Em được cho là có giá cao nhất. Bức “Ấm và tách trà” của ông năm 1995 bán ở Hồng Kông với giá 50 ngàn USD, cả một gia tài lúc ấy.

Cuối cùng chúng tôi đến nhà Trịnh Công Sơn, căn nhà 47C Phạm Ngọc Thạch mà nhiều người đã nhắc. Để bước vào phòng phải đi qua chỗ bậc cửa, nơi ngổn ngang những vỏ chai rượu tây. Tranh của Trịnh Công Sơn đa dạng trong phong cách, vừa khoan thai phảng phất nét siêu thực, lại vừa rất gợi tả dù có khi chỉ là vài nét chấm phá. Có bức vẽ cách nguệch ngoạc như nét trẻ ngây thơ, đơn giản trong đường nét, đơn giản trong cả màu sắc, mà xem vẫn có gì khiến bồi hồi.

Ba người ba phong cách khác hẳn nhau, với ba tên tuổi không xa lạ với công chúng, nên buổi triển lãm đầy hứa hẹn. Và nó đã diễn ra một cách thành công, êm ả. Sau buổi triển lãm đã có một cuộc chiêu đãi ở đâu đó. Tai tôi có lúc như ù đi trong không khí hân hoan đầy tiếng cười, tiếng chạm ly và những câu nói đùa. Cuộc triển lãm, bữa chiêu đãi, hai thứ dường như không ăn nhập với nhau. Chúng như những mảng màu không liên quan đặt cạnh nhau, ở một quá khứ xa xăm, xao động. Những tiếng cười, ngay tại thời điểm ấy, có lúc như vẳng lại từ một không thời gian nào không xác định được. Ai nấy như còn say cái men chung của buổi đầu được “cởi trói”...

Trong các phòng khách kín đáo, các thân hữu văn nghệ sĩ trí thức ngồi bàn luận về những sự kiện đang xảy ra long trời lở đất ở châu Âu, phần lớn trong năm 1989. Vợ chồng nhà độc tài Ceausescu bị bắt ở Hungary; cuộc chuyển giao quyền lực êm ả ở Ba Lan, kết quả của vài thập niên hoạt động của phong trào Công đoàn Đoàn kết; cuộc cách mạng Nhung Tiệp Khắc do văn nghệ sĩ trí thức và sinh viên khởi xướng thành công không một giọt máu đổ trên đường phố Prague; bức tường Bá Linh sụp đổ; và tất nhiên cả sự kiện quảng trường Thiên An Môn.

Vài tháng sau cuộc triển lãm ở nhà Hữu nghị Việt - Tiệp, bạn tôi rời khỏi nước, cùng năm Đinh Cường sang Mỹ định cư. Chưa đầy năm sau tôi cũng đi. Chúng tôi không còn biết được tình hình của các sinh hoạt văn học nghệ thuật ở Sài Gòn sau đó như thế nào nữa. Lúc ấy chưa có chính sách cho người vượt biên về thăm thân nhân. Tuy nhiên, trải nghiệm hai, ba năm đầu của phong trào “cởi trói cho văn nghệ sĩ” vẫn còn để lại một ngọn lửa nồng ấm hiếm hoi mỗi khi nhớ về thời kỳ vật vã trở mình ấy.

Đinh Cường (bên phải) và Bùi Giáng trước căn chòi nơi Bùi Giáng ở, ảnh chụp năm 1989.

Đinh Cường (bên phải) và Bùi Giáng trước căn chòi nơi Bùi Giáng ở, ảnh chụp năm 1989.

Andrea Hoa Pham

Tin khác

Mạch nha Thi Phổ

Mạch nha Thi Phổ

Làng Thi Phổ thuộc huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, là nơi sản xuất loại mạch nha thơm ngon nổi tiếng trong cả nước, gọi là 'mạch nha Thi Phổ'.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 12/12/2024
Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh vẫn được công chúng đón nhận

Tác phẩm Hồ Biểu Chánh không chỉ được chuyển thể thành phim truyền hình và phim điện ảnh, mà còn liên tục tái bản với số lượng lớn để phục vụ độc giả.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 11/12/2024
Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Khảo cứu: Bài thơ 'Bán than' không phải của Trần Khánh Dư

Trong 'Quốc văn trích diễm', giáo sư Dương Quảng Hàm trích bài thơ 'Bán than' và cho là của Trần Khánh Dư. Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng tác giả là người khác.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 09/12/2024
Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đậm đà cốt cách Nam bộ

Nhà văn Nguyễn Quang Sáng, tác giả được giải thưởng Hồ Chí Minh, được hậu sinh kỷ niệm 10 năm ông đi xa, bằng một hội thảo tổ chức tại TP.HCM sáng 6/12.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 06/12/2024
Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Tinh hoa làng nghề chạm bạc Đồng Xâm

Trên bia đá đền thờ tổ nghề chạm bạc Đồng Xâm có tuổi đời gần 600 năm ghi dấu ấn tinh hoa làng nghề và những điều răn dạy con cháu giữ nghiêm phép nghề.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 05/12/2024
'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

'Hưng Hóa kí lược' - Một cuốn toàn thư về đất và người Tây Bắc

Nội dung của 'Hưng Hóa kí lược' có 12 đề mục, bao gồm đầy đủ nội dung truyền thống của một cuốn địa chí.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 04/12/2024
Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn đoạt giải nhất ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’

Nhà thơ Đinh Nho Tuấn với chùm thơ về vẻ đẹp đô thị năng động và bao dung, đã được trao giải nhất cuộc thi thơ ‘Nhân nghĩa đất phương Nam’ năm 2024.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 03/12/2024
Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ có nốt nhạc mùa trong ký ức xanh

Nhà thơ xứ Nghệ Trần Quang Khánh chắt chiu cảm xúc những ngày quân ngũ và những năm dạy học để gửi gắm vào vần điệu chân thành và sâu lắng.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 02/12/2024
Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng qua trang văn của tác giả dân tộc Thái

Vẻ đẹp núi rừng ở miền tây xứ Nghệ được tác giả Hữu Vi phác họa sinh động và quyến rũ qua tập truyện ngắn ‘Cái chết của bầy ong’.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 29/11/2024
Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã có thêm một khách tri âm

Nhà văn Sơn Nam đã được nhiều tác giả tập trung nghiên cứu, và chuyên luận ‘Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam’ chứng minh rằng ông có thêm một khách tri âm nữa.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 28/11/2024
Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư lần thứ hai nhận Giải thưởng sách quốc gia

Học giả Nguyễn Đình Tư ở tuổi 104 được trao giải A của Giải thưởng sách quốc gia 2024 với công trình nghiên cứu về lịch sử đô thị phương Nam.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 27/11/2024
Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt được quan tâm trên đất nước Triệu Voi

Đào tạo tiếng Việt tại Lào có thêm một địa chỉ mới ở Viên Chăn, với sự phối hợp giữa Trường Đại học Cửu Long và Viện Nghiên cứu khoa học giáo dục Lào.

Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt  - 22/11/2024