Bản sắc tiếng Việt giữa hai yếu tố lắt léo và lịch lãm

Tuy Hòa - Thứ Hai, 12/08/2024 , 06:00 (GMT+7)

Bản sắc tiếng Việt được rèn giũa qua lịch sử phát triển của dân tộc Việt Nam càng chứng minh phẩm chất giàu đẹp trong kỷ nguyên hội nhập toàn cầu.

Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc.

Bản sắc tiếng Việt thể hiện ở sự phong phú, sự thâm thúy và sự uyển uyển! Nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc khẳng định như vậy, khi bắt tay biên soạn cuốn sách “Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm” bằng nỗi thao thức “dù là người Việt nhưng chắc gì chúng ta có thể hiểu hết tiếng Việt?”.

Lúc sinh thời, nhà ngôn ngữ Cao Xuân Hạo (1930 - 2007, tác giả công trình kinh điển "Tiếng Việt - Văn Việt - Người Việt") đã bày tỏ: “Tư duy của loài người là một, nhưng các phương tiện biểu đạt tư duy trong các thứ tiếng lại vô cùng phong phú và đa dạng. Và chính tính đa dạng của ngôn ngữ, cũng như của các lãnh vực khác trong nền văn hóa dân tộc, làm cho sự hội nhập có thể được thực hiện mà không dẫn tới sự đơn điệu tẻ nhạt. Một dân tộc đã đánh mất cái linh hồn nằm sâu trong tiếng mẹ đẻ của nó liệu có thể giữ được cái bản sắc độc đáo trong nền văn hóa dân tộc được không, và từ đó, còn có thể đóng góp được gì vào bức tranh muôn màu của văn hóa nhân loại? Không! Linh hồn của tiếng Việt không hề mất”.

Tiếp nối tinh thần ấy, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc cho rằng, bản sắc tiếng Việt nằm ở chính sự biến hóa. Một khi sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp, hay ở bất cứ loại hình nghệ thuật gì, chúng ta phải phấn đấu đạt đến tầm “rất Việt”: của người Việt, cho người Việt, vì người Việt. Khi đi đến sự tận cùng của tinh hoa Việt thì mới đầy đủ tự tin hòa nhập dòng chảy văn hóa nhân loại.

Vậy thì, hai yếu tố lắt léo và lịch lãm của tiếng Việt cần được thấu hiểu ra sao? Hãy nhìn vào tính ứng dụng linh hoạt của người dân khắp ba miền, sẽ dễ dàng nhận ra: Cùng sự vật/ sự việc, ngoài từ phổ biến của toàn dân, còn có cách nói/ cách gọi của phương ngữ vùng miền. Không một ai dám “vỗ ngực xưng tên” là mình hiểu rõ tất tần tật các từ ấy. 

Cùng sự vật/ sự việc, trong tiếng Việt có nhiều, thậm chí rất nhiều từ đồng nghĩa dẫn đến sự phong phú, đa dạng của cách diễn đạt, phù hợp thích đáng cho mọi tình huống, theo ngữ cảnh cụ thể. Chính vì thế, cách diễn đạt của người Việt không “đóng khung” trong mỗi một từ cố định, mà, có sự thay đổi phù hợp tùy vào đối tượng trong giao tiếp, tùy thái độ, tâm trạng cá nhân trong thời điểm đó...

Khám phá kho tàng tiếng Việt, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc xác tín: “Tìm về chữ nghĩa của một thời, không chỉ là xác chữ, còn thấy hiện lên rõ mồn một nhân tình thế thái một thời đã qua”. Vốn từ tiếng Việt có nhiều từ vay mượn. Một lẽ tất yếu như mọi dân tộc khác. Dần dà, người sử dụng cứ nghĩ đó là “thuần Việt” bởi đã quên đi nguồn gốc của nó. Có một điều hết sức ngộ nghĩnh, dí dỏm là có những từ vay mượn được thể hiện bằng vài cách đọc khác nhau, hoặc từ vay mượn đó lại “bắt cầu” qua từ tiếng Việt để mang nghĩa khác…

Nếu người Việt có câu cửa miệng “nhập gia tùy tục” thì các từ ngoại nhập cũng chịu tác động này. Từ đó, ta thấy gì?  Chính tiếng nói/ chữ viết là tài sản vô giá của một dân tộc, khi vay mượn thêm vốn từ của dân tộc khác làm giàu cho tiếng Việt thì các từ đó cũng phải chấp nhận và chịu sự chi phối theo cách sử dụng của người Việt. Tôi đồ rằng, ngay chính người “cho vay cũng khó có thể hiểu hết nghĩa vốn có của nó mà “người vay” đã vận dụng. Không những thế, nhìn rộng ra, ở mọi lãnh vực khác như về chính trị, tôn giáo,  văn hóa… khi du nhập vào nước Nam cũng đều chịu tác động này.

Trong quá trình khảo sát, nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc khá ưu ái dòng văn chương bình dân, đặc biệt là ca dao, tục ngữ. Theo ông, chúng lưu giữ “dấu vết văn hóa ngàn năm của người Việt”, là những “viên ngọc còn tồn tại muôn đời” nên có thể lấy làm chuẩn, làm mẫu mực khi sử dụng làm văn liệu dẫn chứng. Đồng thời, bản sắc tiếng Việt cũng độc đáo ở những phương ngữ mang nét riêng biệt của mỗi cộng đồng dân cư. Đi từ cái riêng đến cái chung, rồi đi từ cái chung đến cái riêng, mới thấy hết sự đa dạng và thống nhất, tuy cách biểu hiện có khác nhau nhưng đều thấm đẫm tâm hồn và tính cách dân tộc.

Bản sắc của bất kỳ một giá trị vật chất nào cũng không đóng khung, không cố định mà phải có sự vận động và thay đổi. Tiếng Việt cũng thế thôi. Chính cộng đồng sử dụng đương thời sẽ là tập thể quyết định cho bản sắc đó… Tiếng Việt là máu của người Việt đã tồn tại hàng ngàn năm nay, ai có thể thay máu của một dân tộc. Hơn nữa, tại sao chúng ta không nhìn theo hướng tích cực, chính thế hệ trẻ (Gen Z) hôm nay đang là nhân tố làm giàu thêm cho tiếng Việt trong tương lai?

Công trình nghiên cứu phô diễn vẻ đẹp tiếng Việt.

Cuốn sách “Tiếng Việt lắt léo và lịch lãm” cũng phơi bày một điều đáng âu lo là hiện nay đã xuất hiện một thứ “tiếng Việt méo mó”, “tiếng Việt dị dạng”, “tiếng Việt nói ngọng”… Do người sử dụng không hiểu tiếng Việt? Không, họ hiểu tiếng Việt nhưng lại cố tình viết sai chính tả vì một lý do gì đó. Điều này, hoàn toàn có thể kiểm chứng trên mạng xã hội, thí dụ “hay thặc”, “nỗi bùn”, “kon chuột”, “pà con”, “chuyện giè đó?”, ”bình lựng” …

Thiết nghĩ, trải qua biết bao thăng trầm lịch sử, kể cả đổ xương máu chống lại âm mưu đồng hóa của giặc ngoại xâm, ông bà ta chắt chiu, gìn giữ và trao lại cho thế hệ sau vô số hạt gạo ngon, gạo quý lẽ nào ngày nay chúng ta lại nhẫn tâm ném vào đó cát, sạn như một cách giễu nhại, mua vui?

Bước vào hội nhập quốc tế sâu rộng, bản sắc tiếng Việt càng cần được gìn giữ và phát huy, như tâm sự của nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc: “Trong sự giao thoa với nhiều ngôn ngữ, nhiều nền văn hóa khác nhau, tôi mường tượng tiếng Việt như con thuyền đang ra khơi, có lúc bình yên, có khi bão táp, có lúc hội nhập, có khi hòa tan nhưng rồi chúng ta vững tin, không bao giờ chệch hướng, bởi lẽ đã có “kim chỉ nam” định hướng cho hành trình tất yếu này. Kim chỉ nam đó là gì? Tôi luôn nghĩ đến tài sản quý báu bậc nhất mà cha ông ta đã phát huy, gìn giữ cho muôn đời sau chính là ca dao, tục ngữ, thành ngữ…”.

Tuy Hòa
Tin khác
Tiếng Việt giàu đẹp và cuộc hội ngộ người yêu tiếng Việt
Tiếng Việt giàu đẹp và cuộc hội ngộ người yêu tiếng Việt

'Tiếng Việt giàu đẹp' là bộ sách được nhiều giới yêu thích, lần đầu tiên có cuộc giao lưu giữa tác giả và độc giả, vào sáng 21/9 tại Đường sách TP.HCM.

Chiến sĩ công an bất ngờ xuất hiện ở phố trọ thi ca
Chiến sĩ công an bất ngờ xuất hiện ở phố trọ thi ca

Chiến sĩ công an Trần Lê Anh Tuấn mang đến đời sống văn chương một giọng điệu thi ca tương đối riêng biệt, qua tập thơ đầu tay có tên gọi ‘Phố trọ’.

Bão nay
Bão nay

Còn tôi cũng ước, ước những đồng bào của mình đang nằm đâu đó dưới lớp bùn đất và nước lũ kia cũng được hồi sinh.

Ký ức làng xưa chấp chới trên đôi cánh thời gian
Ký ức làng xưa chấp chới trên đôi cánh thời gian

Ký ức làng xưa bên dòng sông Lam được tác giả Hoa Mai tái hiện một cách sinh động qua tập tản văn giàu chất thơ, có tên gọi ‘Trên đôi cánh thời gian’.

Thiên tai khắc nghiệt khiến cơn bão lòng ta thổi mãi
Thiên tai khắc nghiệt khiến cơn bão lòng ta thổi mãi

Thiên tai khắc nghiệt đẩy hàng triệu số phận con người vào hoàn cảnh bi thương, được nhiều thế hệ nhà thơ Việt phản ánh trong các sáng tác thi ca.

'Tư duy ngược' giữa quan niệm mới và ý thức trẻ
'Tư duy ngược' giữa quan niệm mới và ý thức trẻ

‘Tư duy ngược’ được xem như một phương pháp rèn luyện kỹ năng sống hiện đại, nhưng sự đón nhận của độc giả trẻ cũng có nhiều góc độ khác nhau.

Danh họa Hồ Hữu Thủ trọn đời say đắm cái đẹp
Danh họa Hồ Hữu Thủ trọn đời say đắm cái đẹp

Danh họa Hồ Hữu Thủ, một tên tuổi hàng đầu của giới mỹ thuật Việt Nam hiện đại, vừa qua đời tại TP.HCM sau thời gian bạo bệnh, hưởng thọ 85 tuổi.  

Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm
Thiên nhiên vẫy gọi phía sau lưng người thăm thẳm

Thiên nhiên vẫy gọi mỗi cá nhân phải có hành động tích cực để bảo vệ môi trường sống, đó là thông điệp chủ yếu trong tập truyện ‘Lưng người thăm thẳm’.

Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa
Bác sĩ Hoàng Thạch hoài niệm chiều một lời ru rất xa

Bác sĩ Hoàng Thạch gửi gắm nhiều tâm sự với cố hương trong tập thơ ‘Hoài niệm chiều’ giăng mắc buồn thương xa vắng của một thân phận tha phương.

Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi
Thư viện của 230 đứa trẻ tự giác và ông giáo già Phạm Hữu Lợi1

Đó là một khuôn viên 2 tầng khung cột sắt, tường kính trong suốt có ba cửa ra vào. Dòng chữ in ngoài không quá to nhưng ai cũng nhìn rõ: 'Thư viện tự giác'.

Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách
Đại sứ văn hóa đọc và những bất ngờ sau trang sách

Đại sứ văn hóa đọc có nhiều con đường khác nhau để bước vào thế giới sách, và cách họ ứng xử với sách cũng góp phần hình thành thói quen đọc sách.

Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức
Thư viện Dương Liễu: Một thập kỷ gieo mầm tri thức

Nhiều bạn đọc 'nhí' trưởng thành từ thư viện đã trở về Dương Liễu làm tình nguyện viên, tiếp tục nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho nhiều trẻ em.