Nông sản xuất khẩu 2024

Cà phê Việt Nam khó bị thay thế dù giá cao nhất thế giới

Thanh Sơn - Thứ Ba, 02/04/2024 , 14:47 (GMT+7)

Cà phê Robusta Việt Nam liên tục lập đỉnh và giá đang ở mức cao nhất thế giới, nhưng những nguồn cà phê Robusta khác có giá rẻ hơn khó đánh bật sản phẩm này của Việt Nam.

Xuất khẩu cà phê Việt Nam trong năm nay có thể vượt mốc 5 tỷ USD. Ảnh: Thanh Sơn.

Chạm mốc 100.000 đồng/kg

Liên tục theo xu hướng tăng lên kể từ đầu năm, đến cuối tháng 3, giá cà phê Việt Nam đã chạm mốc 100.000 đồng/kg. Đây là mức giá chưa từng có trong lịch sử cà phê Việt Nam. Đồng thời, giá cà phê Robusta của Việt Nam hiện đang ở mức cao nhất thế giới, đúng như dự đoán của ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT Intimex Group, tại Hội nghị Cà phê quốc tế châu Á hồi tháng 12/2023.

Trong những năm gần đây tỷ lệ kim ngạch xuất khẩu cà phê hòa tan và các sản phẩm chế biến sâu có những bước phát triển, tỷ lệ có tăng nhưng tập trung chủ yếu ở các doanh nghiệp FDI. Trong 10 doanh nghiệp xuất khẩu cà phê rang xay, hòa tan hàng đầu Việt Nam, chỉ có Trung Nguyên là doanh nghiệp Việt Nam, còn lại là các doanh nghiệp FDI.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa

Giá cà phê hiện tại là ngoài sự tưởng tượng của nông dân trồng cà phê Việt Nam. Ông Lê Văn Bảo, nông dân trồng cà phê ở huyện Bù Đăng (Bình Phước) chia sẻ, hàng chục năm kể từ khi Việt Nam xuất khẩu cà phê trở lại, người trồng cà phê chỉ mơ ước giá cà phê đạt 50.000 đồng/kg, Không ngờ trong năm 2023, giá cà phê đã vượt xa mốc này và đạt tới trên 70.000 đồng/kg. Đầu năm nay, giá cà phê tiếp tục tăng mạnh và chạm mốc 100.000 đồng/kg, tức là đã gấp đôi so với mong đợi của nông dân suốt bao nhiều năm qua.

Ông Đỗ Hà Nam cũng cho rằng, giá cà phê hiện tại nằm ngoài sự tưởng tượng của các doanh nghiệp cà phê. Vì không lường được giá cà phê sẽ lên tới mức này, nên nhiều doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong việc mua cà phê để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu. Đặc biệt với các đơn hàng xuất khẩu ký khi giá cà phê Việt Nam còn ở mức 60.000 - 70.000 đồng/kg, khả năng thua lỗ của nhiều nhà xuất khẩu là rất lớn.

Không chỉ giá cà phê trong nước, giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng mạnh trong những tháng đầu năm nay. Theo Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm, giá cà phê xuất khẩu đạt bình quân cà phê của Việt Nam đạt mức 3.146 USD/tấn, tăng 44,5% so với cùng kỳ năm 2023.

Ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Cacao Việt Nam (Vicofa), cho biết, trong quý I/2024, dự kiến Việt Nam xuất khẩu khoảng 600.000 tấn cà phê với kim ngạch khoảng 1,9 tỷ USD, tăng 3,1% về số lượng xuất khẩu nhưng tăng 54,7% về kim ngạch xuất khẩu. Trong đó, xuất khẩu cà phê nhân là chủ yếu, chiếm khoảng 91% về sản lượng, khoảng 85% về giá trị.

Cũng theo ông Nguyễn Nam Hải, giá cà phê Việt Nam tăng cao trong những tháng đầu năm nay nhưng nguồn cung đã cạn dần, tồn trong kho doanh nghiệp và nông dân không nhiều nên lượng xuất khẩu từ nay đến cuối vụ sẽ giảm, khả năng kim ngạch sẽ đạt hơn 5 tỷ USD trong năm 2024.

Ông Nguyễn Quang Bình, chuyên gia phân tích thị trường cà phê nhận định, với giá xuất khẩu bình quân ở mức trên 3.000 USD/tấn và giá trị xuất khẩu đã đạt 1,9 tỷ USD trong 3 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê trong cả năm nay hoàn toàn có thể vượt mốc 5 tỷ USD.

Cà phê được phơi tại một trang trại ở Tây Nguyên. Ảnh: Thanh Sơn.

Khó bị thay thế

Một câu hỏi đang được nhiều thương nhân, chuyên gia ngành hàng cà phê Việt Nam đặt ra là với việc giá cà phê Việt Nam lên cao như hiện nay, liệu các nhà nhập khẩu có chuyển sang mua cà phê Robusta ở những thị trưởng khác hay không?

Về điều này, ông Đỗ Hà Nam cho biết, trên thực tế đã có những khách hàng ở châu Âu mua cà phê Conilon (cà phê Robusta của Brazil) để thay thế cà phê Robusta Việt Nam khi chế biến cà phê hòa tan, tuy nhiên đã không được người tiêu dùng chấp nhận. Nguyên nhân là do tuy cùng là cà phê Robusta, nhưng hương vị cà phê Robusta Việt Nam có nhiều khác biệt với cà phê Conilon.

Trước đây, giá cà phê Robusta Việt Nam khá rẻ nên được các công ty châu Âu ưu tiên sử dụng, phối trộn khi sản xuất cà phê hòa tan. Qua hàng chục năm, người tiêu dùng châu Âu đã quá quen thuộc với hương vị của cà phê Robusta Việt Nam trong các sản phẩm cà phê hòa tan. Do đó, nếu muốn thay thế cà phê Robusta Việt Nam bằng cà phê Conilon, cũng phải cần một thời gian rất dài.

Ngay cả Intimex Group của ông Đỗ Hà Nam cũng từng nhập khẩu cà phê Conilon về thử phối trộn vào cà phê hòa tan do tập đoàn sản xuất, nhưng nó đã làm hỏng hương vị của cà phê Việt Nam và không được khách hàng chấp nhận.

Với vị thế đặc biệt của cà phê Robusta Việt Nam, hiện nay, hầu hết các nhà nhập khẩu cà phê hàng đầu thế giới đều đã hiện diện tại thị trường Việt Nam. Và trong thời gian qua, tuy nhiều khách hàng đã có những phàn nàn về việc các nhà xuất khẩu Việt Nam chậm trễ giao hàng do giá liên tục tăng cao, thậm chí có những nhà nhập khẩu đã dọa sẽ chuyển sang mua của nước khác, nhưng trên thực tế, họ vẫn rất cần mua được cà phê Việt Nam.

Rất khó thay thế cà phê Robusta của Việt Nam ở châu Âu. Ảnh: Thanh Sơn.

Phải đi vào phát triển bền vững

Không lo về mặt thị trường, nhưng vấn đề đặt ra với cà phê Việt Nam hiện nay là làm sao để phát triển một cách bền vững. Bởi việc có thể lần đầu tiên vượt mốc xuất khẩu 5 tỷ USD trong năm nay, chủ yếu là nhờ giá tăng cao trên thị trường thế giới.

Phát triển bền vững cho ngành cà phê, trước hết phải từ khâu sản xuất. Trong thời gian qua, khi giá cà phê chưa cao, diện tích cà phê giảm nhiều do nông dân ở nhiều địa phương bỏ cà phê để chuyển sang sầu riêng, hiện chỉ còn khoảng 660.000ha. Diện tích giảm dẫn tới sản lượng giảm sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới vị thế của cà phê Việt Nam trên thị trường thế giới.

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, cho biết, trong nhiều năm qua, ngành cà phê Việt Nam đã thay đổi về giống, sản xuất, giữ được chất lượng cà phê… nhưng như vậy là chưa đủ, mà phải đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất nguồn gốc, trồng trên đất không phá rừng… Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước cũng như thế giới.

Vì vậy, ông Tùng cho rằng, giải pháp hàng đầu là làm sao để nông dân sản xuất và doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cà phê đạt được sự hài hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích quốc gia, qua đó thúc đẩy sự phát triển chuỗi giá trị cho hạt cà phê Việt Nam.

Sản lượng cà phê Việt Nam đang giảm do diện tích giảm. Ảnh: Thanh Sơn.

Đẩy mạnh chế biến, xây dựng thương hiệu cũng là những giải pháp quan trọng để nâng cao giá trị và phát triển bền vững cà phê Việt Nam. Ông Nguyễn Nam Hải cho biết, hiện nay Việt Nam vẫn chủ yếu xuất khẩu cà phê nhân (chiếm khoảng 91% lượng cà phê xuất khẩu), 9% còn lại là các sản phẩm giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, cà phê chế biến chiếm tỷ trọng thấp trong xuất khẩu là vấn đề chung của các nước xuất khẩu cà phê, chứ không riêng gì Việt Nam. Brazil là nước sản xuất cà phê lớn nhất thế giới nhưng cũng chủ yếu là xuất khẩu cà phê nhân (chiếm 88% lượng cà phê xuất khẩu).

Thanh Sơn
Tin khác
Biến phế phẩm từ quả điều thành đặc sản chay xuất khẩu
Biến phế phẩm từ quả điều thành đặc sản chay xuất khẩu

Tây Ninh Với phương châm đưa thực phẩm chay ra thế giới, Công ty Vương Ngọc Vegan đã biến những quả điều, loại quả được xem như phế phẩm trong nông nghiệp, thành nước mắm chay hảo hạng.

Biến rác hữu cơ thành phân hữu cơ quy mô nông hộ
Biến rác hữu cơ thành phân hữu cơ quy mô nông hộ

Theo các chuyên gia, nếu biết tận dụng lượng chất thải hữu cơ trong sinh hoạt biến thành phân bón hữu cơ sẽ mang lại hiệu quả kinh tế và môi trường cho nhiều nông hộ.

Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học
Lợi nhuận ‘khủng’, giảm ô nhiễm nhờ đệm lót sinh học

Bà Rịa - Vũng Tàu Nhờ làm phân hữu cơ từ đệm lót sinh học, Công ty Trang Linh đang chứng minh được hiệu quả kinh tế và sự đúng đắn trong triết lý nông nghiệp tuần hoàn.

Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô
Từ phụ phẩm dừa thành hàng xuất khẩu triệu đô

Than dừa được làm chủ yếu từ gáo dừa - một phụ phẩm của ngành dừa. Xuất khẩu than dừa nói chung đang ngày càng tăng, mang nhiều ngoại tệ về cho đất nước.

Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao
Xơ mướp thành hàng xuất khẩu cao cấp đạt chuẩn OCOP 3 - 4 sao

Từ xơ mướp, những bạn trẻ Đồng Tháp đã sáng tạo thành những sản phẩm có tính ứng dụng cao, được thị trường đón nhận, đã xuất khẩu đi nhiều nước như Nhật, Hàn, Mỹ, EU...

Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột
Bã sắn cứu cánh ngành chế biến tinh bột

Từ một phế phẩm tưởng chừng vô giá trị, bã sắn tại Tây Ninh đã trở thành nguồn thu quan trọng cho các doanh nghiệp chế biến tinh bột.

Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục
Tri thức hóa nông dân là quá trình liên tục

Ngày nay, sản xuất không chỉ dựa vào kinh nghiệm, từ những mô hình thành công ở địa phương cho thấy tri thức hóa nông dân đang là nhiệm vụ hàng đầu.

Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức
Tri thức hóa nông dân cần sự kiên trì và đầu tư đúng mức

ĐBSCL Việc tham gia của nông dân vào các tổ chức kinh tế tập thể còn thấp và công tác đào tạo chưa đồng đều khiến hành trình tri thức hóa nông dân gặp khó khăn.

Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp
Đồng Tháp có hơn 42.000 nông dân chuyên nghiệp

Từ ý tưởng thi đua ‘Người nông dân chuyên nghiệp’, nông dân Đồng Tháp từng bước thay đổi tư duy sản xuất, khẳng định vai trò trong xây dựng nền kinh tế nông nghiệp.

Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản
Hơn 250 doanh nghiệp tham gia Ngày Doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản

Chuỗi sự kiện Ngày Doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản 2024 với slogan 'Chung tầm nhìn, chia sẻ thành công' đã diễn ra thành công tốt đẹp tại Thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình
Giới thiệu nông lâm sản chủ lực tỉnh Hòa Bình

Tiềm năng sản xuất, chế biến các mặt hàng nông, lâm thủy sản chủ lực của tỉnh Hòa Bình phục vụ thị trường trong nước và đáp ứng xuất khẩu.

Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán
Du lịch đã trở thành nguồn thu nhập chính của Thuận Tân Hội Quán

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, Thuận Tân Hội Quán còn thành lập điểm du lịch nông nghiệp, tổ chức các hoạt động cho du khách tham quan, trải nghiệm cuộc sống vùng sông nước.